Tình thương cần được vun bồi...

GN - Yêu thương, dù bạn dành cho ai, hoặc cho con vật gì, thậm chí là cho cái cây, ngọn cỏ - tất cả đều quý. Vì cái chính là tình thương đã được tưới tẩm trong lòng bạn chứ không phải chỉ là đối tượng để thương.

Tình thương, thứ cảm xúc có thể khiến bạn dấn thân, quên đi bản thân để làm việc và để làm một việc gì đó có ích, làm cho ai đó, cho đối tượng mình thương những việc thiện lành, ra tay bảo vệ đối tượng ấy khi gặp bất trắc, khó khăn, nguy hiểm.

lucky.jpg


Bé chó Lucky trước khi được giải cứu - Ảnh: Thanh Điền

Câu chuyện những bạn trẻ Sài Gòn thuộc nhóm “Gia đình của bé” (Giác Ngộ số 811) đã làm một việc xuất phát từ tình thương như thế, lặn lội xuống Bến Tre để cứu một “bé chó” kém may (nhưng có lẽ may hơn các bé khác, sau khi trốn thoát khỏi lò mổ) với tình trạng đói hơn một tuần, miệng bị quấn băng keo gây hoại tử, đau đớn.

Cuộc tìm kiếm và giải cứu không khác gì một chiến dịch tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ dành cho con người. Báo chí viết về hành trình ấy với một sự ưu ái đặc biệt khiến... một số người đã có cái nhìn ngược lại, rằng sao quan tâm nhiều tới một con chó làm gì, cuộc sống còn hiếm gì thứ để quan tâm... Những ý kiến đại loại như thế, với sự “đóng góp” suy nghĩ riêng tư, mới nghe thì có lý, nhưng nghe kỹ thì thấy, thực ra cuộc sống vốn muôn hình, muôn vẻ, nên không thể phủ nhận ý nghĩa và sự trong sáng từ tình yêu động vật của những người trẻ này.

Chúng ta không thể đem lên bàn cân so sánh giữa người và vật trong trường hợp này cũng như không thể nêu lên những hoàn cảnh đáng thương khác sao không giúp mà đi lo cho con chó, con mèo... bởi như thế là rất khập khiễng!

Do vậy, không mắc gì chúng ta phải chỉ trích hay “bàn ra” hành động nghĩa hiệp, tình thương ban trao của người với người, người với vật và cây cỏ, cát đá một cách tùy duyên trong cuộc sống.

Hành động bảo vệ các loài là hành động từ bi, đối với đạo Phật, người con Phật hẳn ai cũng nằm lòng nguyên tắc thứ nhất trong năm nguyên tắc đạo đức của mình chính là không sát sanh. Tức là, không làm tổn hại với sinh mạng của người và vật khác để dưỡng nuôi lòng từ và quan trọng là để không vay mượn sức khỏe, tính mạng của người khác, loài khác hầu tránh rơi vào vòng sanh tử trả vay, oán cừu tiếp nối.

Từ ý niệm và sự thực tập ấy, không sát sanh không chỉ có nghĩa là không giết trực tiếp mà còn là cứu sống mạng người và mạng chúng sinh trong những điều kiện có thể; thực tập tiêu thụ thức ăn, uống cũng như mọi nhu cầu khác - không đưa đến sự sát sanh, hại vật, bức ép khiến người khác, loài khác phải chết, bị tổn hại sức khỏe...

Ngoài ra, người học Phật còn có thể tùy hỷ, tán dương những việc lành, ngay cả chỉ là việc cứu một bé chó được đặt tên là Lucky (May mắn) vừa qua.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, từ việc này cần nhiều chiến dịch để bảo vệ chó nói chung cũng như nhiều loài khác vì được biết, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 5 triệu chú chó bị giết mổ lấy thịt. Rất nhiều những bé chó này là chó nhà bị đánh trộm và nạn trộm chó gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có những vụ án dân làng đánh chết người trộm chó, đốt phá xe... ở nhiều địa phương, gây bất ổn đời sống nhân dân.

Chúc Thiệu

* Bài viết là chia sẻ riêng, văn phong của tác giả đang sống và làm việc tại TP.HCM. Mời bạn chia sẻ những góc nhìn cuộc sống, mang tính thời sự, qua nhãn quan Phật giáo. Hoan hỷ gửi bài về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày