Tọa đàm khoa học về di sản Phật giáo tỉnh Quảng Trị

GNO - Hôm qua, 1-4, tại tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), BTS GHPGVN tỉnh phối hợp với Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế) tổ chức buổi tọa đàm khoa học chủ đề: “Bước đầu tiếp cận di sản Phật giáo tỉnh Quảng Trị”.

2.jpg


Buổi tọa đàm Phật giáo lần đầu được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu đã trình bày quá trình Phật giáo hình thành và phát triển trên vùng đất đã xảy ra nhiều biến cố trong lịch sử, từ khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng nam tiến cho đến đầu thế kỷ XX vẫn còn nhiều uẩn khúc, với các thông tin giá trị sau khi Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tổ chức nghiên cứu thực địa, điền dã nhằm thực hiện chuyên đề ấn phẩm Liễu Quán số 13.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho rằng vai trò của Phật giáo trên vùng đất mới có dấu ấn rất quan trọng trong việc bình ổn. Người Việt đã dùng tinh thần Phật giáo để tiếp nhận, và có cuộc sống hài hòa với Hindu giáo. Hiện tượng người Việt Việt hóa tượng Chăm để thờ cúng và xem đó là tượng Phật, Bồ-tát trong Phật giáo theo dạng “cốt Chăm bì Việt” đã tạo nên sự đa dạng Văn hóa Phật giáo Quảng Trị nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đã đặt ra nhiều vấn đề còn uẩn khúc cần được làm sáng tỏ.

TS.Trần Đình Hằng, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Quốc gia miền Trung tại Huế cho rằng: Có chăng có con đường truyền bá Phật giáo từ hướng Tây vào Quảng Trị qua Ải Ai Lao - Cửa Việt?

HT.Thích Thiện Tấn, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Trị nhận định, Quảng Trị đã trải qua nhiều thời kỳ do chiến tranh nên hầu hết các di tích bị phá  hoại, thất tán. Và mong muốn các nhà nghiên cứu và cơ quan có thẩm quyền cần hỗ trợ để Phật giáo Quảng Trị được nghiên cứu và phổ biến rộng rãi, trong quá trình trùng tu, xây dựng các ngô cổ tự để bảo tồn bản sắc riêng Phật giáo vùng đất Quảng Trị.

5.jpg


Toàn cảnh buổi tọa đàm tại tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang

Ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Danh thắng tỉnh Quảng Trị sau nhiều năm nghiên cứu và làm công tác quản lý cho biết, Phật giáo trên vùng đất Quảng Trị tồn tại hai dạng là Phật giáo dân gian và Phật giáo thuộc dòng Lâm Tế. Việc tiếp cận Phật giáo Quảng Trị phải gắn liền với quá trình Nam tiến của chúa Nguyễn khi người Việt mang theo hành trang là Phật giáo để hỗn dung với văn hóa bản địa mà hiện nay vẫn còn hiện diện.

8.jpg


GS.Lê Mạnh Thát chủ tọa buổi tọa đàm

Chủ tọa hội thảo, GS.Lê Mạnh Thát nhận định đây là một buổi tọa đàm khoa học về Phật giáo Quảng Trị lần đầu tiên được diễn ra trên vùng đất này. Bên cạnh những tư liệu mà ấn phẩm Liễu Quán đã công bố trên số 13, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm nghiên cứu.

Giáo sư khẳng định đây chỉ là bước đầu gợi mở để các nhà nghiên cứu và các cấp lãnh đạo chính quyền có chuyên môn tiếp tục công tác nghiên cứu để khẳng định lại vị thế Phật giáo Quảng Trị - nơi sản sinh biết bao danh Tăng Phật giáo, là vùng đất chúa Nguyễn Hoàng đã từng chọn làm thủ phủ, và công lao của Huyền Trân Công chúa cần được đánh giá đúng tầm với vị thế lịch sử đã trải qua.

Quảng Điền

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày