Tỏa sáng tâm linh vì hạnh phúc nhân dân

Tỏa sáng tâm linh vì hạnh phúc nhân dân

HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN gần đây mang nhiều tâm sự. Một trong những tình cảm ấy là thôi thúc, mong đợi một lý thuyết Việt Nam bừng sắc và hội nhập. Nhân dịp Tết Nhâm Thìn, Hòa thượng có đôi điều tâm sự với bạn đọc. ĐBND trân trọng giới thiệu và mong nhận được sự hồi âm từ phía độc giả.

Thưa Hòa Thượng, năm 2012 với phương Tây, người ta dự báo là năm đổ vỡ. Còn phương Đông, năm Nhâm Thìn, có vẻ như là khởi đầu cho một may mắn nào đó?

- Phương Tây, cụ thể là Âu Mỹ, gần đây chưa đi ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chánh, kinh tế thì liên tiếp đến cuộc khủng hoảng nợ công. Hiện nay, Hoa Kỳ chưa có dấu hiệu cải thiện khả quan nào; châu Âu lại đang ở bên bờ đổ vỡ. Đó là lý do mà có dự báo năm 2012 là năm đổ vỡ của phương Tây. Như ta đã từng biết, khủng hoảng kinh tế kéo theo khủng hoảng xã hội. Đây là điều đáng lo ngại nhất của khủng hoảng. Giải pháp duy nhất là phải có một khoản trữ tệ thật lớn – tương tự như khoản trữ tệ của “Hoa Mai” mà gần đây báo Mỹ đã công bố là lên đến 1.900.000 tỷ USD – bung ra để vực dậy các ngân hàng, các doanh nghiệp (lớn và vừa), trả lương đủ cho công chức và nuôi đủ cho các gia đình thất nghiệp, vừa điều chỉnh lại hệ thống tài chánh, kinh tế thì mới đi ra khỏi khủng hoảng và mở đầu cho giai đoạn phát triển mới, ổn định.

Giữa giai đoạn kinh tế hội nhập khu vực và toàn cầu, các nền kinh tế đều dựa vào nhau để tồn tại và phát triển – như hai bó lúa dựa vào nhau – : khi nền kinh tế này đổ xuống, thì nền kinh tế kia cũng ngã theo. Tôi không tin rằng bấy giờ nền kinh tế phương Đông có thể có may mắn nào hơn, ngoài nông nghiệp và sức cần cù lao động. Năm 2012 vẫn còn đầy những khó khăn khó lường.

May mắn là một điều rất đáng quý, song may mắn có thể tự đến được không, thưa Hòa Thượng, một khi nội lực chưa đủ mạnh (hoặc chưa có), vậy thì chúng ta trông đợi vào gì?

- May mắn chỉ là một nhân duyên hỗ trợ nhất thời; nó không phải là một yếu tố quyết định sự ổn định hay thành công. Không thể chờ đợi sự may mắn, mà chỉ chờ đợi vào trí tuệ và hành động cụ thể của tập thể, cộng đồng xã hội ta. Chúng ta chỉ có thể phát biểu, và cả sự cầu mong, rằng: nền kinh tế ta không suy sụp nặng, còn đứng vững giữa các sự sụp đổ khác. Đấy là điều hãn hữu.

Chúng ta cần nhất sự đại đoàn kết, bình tĩnh tích tụ lương thực, thuốc men, điều hòa thị trường nội địa, và chuẩn bị các phương án tối ưu cho một thời hậu khủng hoảng.

Rồi thế giới phải mở ra một hướng phát triển mới, rà soát lại hệ thống tư duy về khoa học và kinh tế của thế kỷ XX để xây dựng thế kỷ XXI ổn định hơn, tránh các cuộc “xưng hùng, xưng bá” như có dấu hiệu đang âm ỉ đó đây. Thế giới đang trông chờ vào các tư duy nhân bản, các bộ óc sáng tạo mở ra được thời kỳ thoát khỏi các cuộc chiến khốc liệt. Chúng ta, những con dân Lạc Hồng trông chờ vào sự ổn định hợp tác khu vực và thế giới, và trông chờ vào sức mạnh tự lực vươn dậy của chính chúng ta.

Năm mới Nhâm Thìn, 2012, chúng ta mong ước như người xưa từng nói: mong cho trời êm, bể lặng; chân cứng đá mềm.

Hòa Thượng đã từng đề cập tới một lý thuyết Việt Nam mà chúng ta cần có, ở đó bao gồm cả một đường hướng của duy vật và nửa kia là tâm linh của người Việt?

- Để trả lời câu hỏi này, tôi tưởng cần điểm qua một số gợi ý.

Năm 1989, trong một cuộc hội kiến với một vị giáo sư Đại học Frankfurt, người Đức gốc Việt, vị giáo sư nói: “Chúng tôi chưa tìm thấy ở nhiều hệ tư tưởng Đông, Tây, lời giải đáp cho cuộc khủng hoảng của môi sinh thế giới. Nay xin thầy cho biết Phật giáo có câu trả lời cho cuộc khủng hoảng ấy không?”

Tôi nói: tôi thử giới thiệu một định nghĩa về sắc uẩn (một yếu tố trong năm yếu tố tổ hợp hình thành con người), nếu được giáo sư chấp nhận, thì câu trả lời của tôi là Phật giáo có đáp án.

Với Phật giáo, thân sắc của con người được định nghĩa gồm có hai phần: nội sắc và ngoại sắc; nội sắc là tấm thân vật lý này; ngoại sắc là thế giới vật lý còn lại. Vừa nói ngang đây, vị giáo sư đã đưa hai tay lên hét: “Đây đúng là lời giải đáp của bế tắc của châu Âu (Phật giáo nhìn con người có mối tương quan mật thiết với thế giới, không tách rời thế giới; châu Âu thì xem con người độc lập với thiên nhiên)...

Năm 1998, lúc tôi có mặt công tác tại chùa Trúc Lâm, Paris, giáo sư Nguyễn Long Đền (người Pháp gốc Việt) – cố vấn của Hàn Lâm Viện khoa học Pháp bấy giờ - hỏi tôi: “Hiện tư duy của khoa học Pháp, thế kỷ XX, đang khủng hoảng. Viện Hàn Lâm, Paris, đã tìm hiểu các hệ tư tưởng và tôn giáo Đông, Tây mà chưa phát hiện ánh sáng. Nay rất mong được được nhà sư giới thiệu khái quát về giáo lý trọng tâm của Phật giáo”.

Tôi đã cặn kẽ giới thiệu giáo lý Duyên khởi – Vô ngã. Nghe xong, giáo sư đã rất cảm tạ nói rằng: “Tôi tin rằng đây là ánh sáng…”…

Năm 2000, Liên Hiệp Quốc đã chính thức chấp nhận Phật giáo là tôn giáo của nhân loại, toàn cầu. Đây là sự kiện nói lên rằng Phật giáo là hệ thống giáo lý, tư tưởng đầy hứa hẹn của thế kỷ XXI, thiên niên kỷ thứ 3.

Văn hóa phương Tây là văn hóa nhị nguyên (dualism), tư duy hàm chứa một tự ngã thường hằng (permament self) thiết lập trật tự sự vật; từ tư duy đó, nguyên nhân đầu tiên của tưởng tượng được thiết lập tách rời con người khỏi thiên nhiên, trong khi thực tế con người gắn chặt với thiên nhiên; từ tư duy đó, dục vọng con người phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng vị kỷ vốn là nguyên nhân của các rối ren tâm lý và xã hội; từ tư duy đó mở ra lịch sử tranh chấp, xâm lược của phương Tây và các mầm nhân của khủng hoảng môi sinh và xã hội. Vì thế các chủ thuyết phương Tây phần lớn bị hạn chế, không phải là ánh sáng của thanh bình.

Mỗi quốc gia có một nền văn hóa riêng, và tất nhiên có tư tưởng riêng. Việt Nam cũng thế, có tư tưởng riêng của mình.

Khi chủ nghĩa vô sản quốc tế đến Việt Nam, Hồ Chủ tịch liền bổ sung vào chủ nghĩa yêu nước. Nhờ vậy mà cuộc cách mạng Việt Nam đi đến thành công lớn.

Cũng thể chế dân chủ, các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp Việt Nam có chức năng riêng mà hợp nhất, khác hẳn với phương Tây.

Cũng kinh tế thị trường, nhưng ở Việt Nam thì có thêm một vế tối quan trọng: định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cũng là cán bộ, nhân viên nhà nước, ở Việt Nam thì rất khác: “cán bộ là tôi tớ trung thành của nhân dân”.

Từ những điểm vừa nêu, tôi thiết nghĩ Việt Nam cần xây dựng lý thuyết Xã Hội Chủ Nghĩa của Việt Nam, triết lý Việt Nam, để xác định tính độc lập văn hóa của mình. Việt Nam xây dựng lý thuyết đặt cơ sở ở chính con người và thực tại ở ngoài các mặc khải của thần linh, và ở ngoài tư duy duy ý chí. Lý thuyết này vừa vận dụng tinh hoa của các vùng văn hóa khác, vừa vượt lên trên chúng; vừa là chủ nghĩa vừa vượt khỏi chủ nghĩa (nghĩa là chủ nghĩa khai minh); vừa duy trì truyền thống vừa phát huy truyền thống Việt Nam; vừa độc lập vừa tương quan.

Xây dựng một chủ thuyết riêng của Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam như thế là điều tất yếu của lịch sử.

Có thể chưa đủ bình tĩnh để suy diễn kiểu như ta đã có học thuyết Marx bao gồm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, ta có cần nữa không phải có phần của tâm linh trong một lý thuyết Việt Nam, thưa Hòa Thượng?

- Thực tại là một dòng biện chứng trôi chảy, các hiện hữu đổi mới từng 1/16 của thoáng nhìn (sát – na). Tất cả đều do điều kiện sinh. Tất cả đều do tương quan mà có. Không có một hiện hữu nào, bao gồm cả vật chất, tự có. Đó là sự thật rất hiển nhiên.

Công thức khoa học của Einstein, thế kỷ XX là: E=mC2, trong đó E là năng lượng, m là khối lượng vật chất, C2 là bình phương của tốc độ ánh sáng (300.000km/giây). Qua đó, năng lượng được xem là vật chất tan loãng đến cực độ; vật chất (m=E/C2) là năng lượng cô đọng đến cùng độ. Vật chất là hiện hữu của tương quan, mà không phải là cơ sở của hiện hữu.

Trước đây, một thời khoa học đã xem nguyên tử như là đơn vị vật chất cuối cùng, nay thì khoa học đã phát hiện ra nguyên tử chỉ là một trường tương quan của lượng tử. Khoa học còn chưa biết đằng sau của lượng tử là gì (hư vô chăng?). Thế nên chủ trương “duy vật” thành ra bị hạn chế, hụt hẫng, dù rằng vật chất cũng là hiện hữu của thực tại. Khi hiện hữu đã do điều kiện sinh, thì hiện hữu không còn là một thực thể (entity). Vì thế ta vừa cần “duy vật” vừa vượt lên trên “duy vật” để giáp mặt với các thể trạng khác của hiện hữu. Lý thuyết của Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cần đứng vững trên các nguyên lý, có tính bền vững lâu dài, tính chiến lược.

Học thuyết Marx là một công trình trí tuệ. Học thuyết của Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cần kết hợp nhiều công trình trí tuệ, như là sự kết hợp các tinh hoa của văn hóa nhân loại mà sinh tiền Hồ Chủ Tịch đã làm.

Về tâm linh Việt Nam, thực sự tâm linh chỉ giản dị là các tâm hướng về hạnh phúc trần thế của nhân dân, hạnh phúc của sự tỏa sáng tình cảm, tinh thần, tâm thức của nhân dân.

Nhà Phật thường nói: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Phụng sự chúng sinh là ý nghĩa rất tâm linh. Hồ Chủ Tịch cũng từng nói: “Độc lập, tự do mà dân không hạnh phúc thì chẳng còn có ý nghĩa gì”.

Chủ nghĩa Marx hầu như không đề cập đến các đe dọa lịch sử đối với một dân tộc – chẳng hạn vấn đề diễn biến hòa bình hay tranh chấp lãnh thổ,.v.v… - chủ nghĩa Marx cũng không đề cập đến chủ nghĩa yêu nước như là một động lực tạo nên sự đoàn kết và sức mạnh của toàn dân để bảo vệ và xây dựng xứ sở mà Hồ Chủ tịch đã bổ sung về sau. Chủ nghĩa Marx cũng không đề cập đến vấn đề hội nhập kinh tế, thương mại vào khu vực và toàn cầu. Thế giới có nhiều chuyển biến ngoài dự tính... Vậy nên, nhân dân ta cần bình tĩnh để đi đến việc hình thành một học thuyết cho riêng XHCN Việt Nam, dù sự toàn vẹn của học thuyết luôn luôn tương đối. Cơ bản của yêu cầu về nội dung của học thuyết này là rất Việt Nam, rất người và rất thực tại nhằm bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, định hướng XHCN và định hình XHCN Việt Nam.

Xin hỏi thêm Hòa Thượng, cái sục sôi đang chảy trong huyết quản chúng ta có được coi là một biểu hiện của tâm linh không, thưa Hòa Thượng?

- Trong huyết quản, trong tâm thức mỗi người, hằng ngày có thể có những sục sôi. Cái sục sôi để làm giàu hay để chiến thắng một ván cờ thì rõ không được xem là biểu hiện của tâm linh, bởi đó là sự sục sôi của tham vọng cá nhân: nó rất trần thế. Cái sục sôi để cứu khổ các nạn nhân bão lụt hay xóa đói giảm nghèo thì được xem là biểu hiện đời sống tâm linh, bởi đó là sự sục sôi của lòng từ, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào. Cái sục sôi để xây dựng, phát triển xứ sở, làm trong sạch đoàn ngũ thì đó là biểu hiện của tâm linh, bởi đó là sự biểu hiện của lòng yêu nước, yêu sự công bằng liêm chính.

Nếu bạn sục sôi vì muốn làm cho đất nước tỏa sáng, nhân dân hạnh phúc, thì đó đích thực là sự biểu hiện của tâm linh, vì đấy là sự sục sôi của trí tuệ, của một cái tâm cao thượng.

Nếu bạn sục sôi mong có những sáng tạo cho đất nước, trong đó có sự sáng tạo của nghiên cứu lý luận về một học thuyết rất riêng của XHCN Việt Nam, thì đó cũng đích thực là sự biểu hiện của tâm linh, vì đấy là sự sục sôi của trí tuệ, của một tấm lòng yêu nước cao thượng.

Năm mới Nhâm Thìn, mong rằng trong huyết quản của nhân dân có đầy những sục sôi – tâm – linh.

Xin chân thành cám ơn Hòa thượng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày