“Tôi chọn sống”

Nguyễn Chánh Tín trong buổi giao lưu ra mắt sách "Tôi chọn sống"
Nguyễn Chánh Tín trong buổi giao lưu ra mắt sách "Tôi chọn sống"
0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Tôi chọn sống” là tên cuốn sách được chàng trai nặng 33kg tên Nguyễn Chánh Tín, bị liệt tứ chi, gõ từng chữ trên laptop bằng khớp ngón tay trỏ.

Quyển sách kể về câu chuyện của chính mình trong quá trình vượt qua những đớn đau tột cùng, với ý chí, nghị lực mạnh mẽ, và truyền cảm hứng sống cho cộng đồng.

Ngồi trên chiếc xe lăn, hình hài tuy yếu ớt nhưng gương mặt rạng ngời sức sống, Tín từ tốn trải lòng về những giai đoạn định mệnh của cuộc đời mình.

Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2005, Nguyễn Chánh Tín vào TP.HCM học đại học với ước muốn có một tương lai tốt hơn, lo cho bố mẹ cuộc sống tốt hơn về già. Gánh nặng về tài chính buộc Tín phải vừa học, vừa làm thêm để có tiền đóng trọ và ăn uống. Năm 2009 Tín ngừng học, bảo lưu kết quả và cùng hợp tác, gầy dựng lại việc kinh doanh cho một doanh nghiệp phá sản.

Anh Nguyễn Chánh Tín

Anh Nguyễn Chánh Tín

Nhưng trớ trêu, năm 2010, khi doanh nghiệp Tín làm bắt đầu vượt qua giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp đã có dự án thì bản thân Tín lại bắt đầu “thử thách lớn nhất” của cuộc đời mình. “Đêm hôm ấy, sau khi lo xong việc, tôi đội mưa lớn từ hẻm 19, đường Điện Biên Phủ chạy về hướng Hiệp Bình Chánh thì bị tai nạn giao thông. Đoạn đường lúc ấy đang thi công, xe của tôi va vào rào chắn, nó chỉ dừng lại khi tới một nắp cống. Tôi bị chấn thương tủy sống cổ và bị liệt tứ chi, mọi thứ sụp đổ từ khoảnh khắc ấy”, Tín nhớ lại.

“Lúc đó tôi không thở được, phải dùng máy thở và bóp bóng, phòng tôi nằm 10 người đưa vào thì 5 người đắp mền đưa ra. 35 ngày điều trị, cơn nguy kịch qua, tôi được đưa qua Bệnh viện Phục hồi chức năng Q.8. Lúc ấy tôi nghĩ mình sẽ ổn, mình sẽ khỏe lại, nhưng không, bác sĩ nói với tôi và gia đình: bệnh của em nó không tính bằng ngày bằng tháng, mà tính bằng năm”, Tín xúc động kể về việc mình điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trong giai đoạn này, chính tình thương của gia đình, những lời động viên của mẹ, nỗi đau khổ của mẹ đã giúp Tín chấp nhận sự thật, chấp nhận bản thân, chấp nhận là mình người tàn tật và chấp nhận sống tiếp.

Tín cho biết thời điểm khi xuất viện về nhà mới là đỉnh điểm khó khăn nhất, khủng khiếp nhất với Tín. Khi ở trong bệnh viện và giai đoạn điều trị, mặc dù đau nhiều nhưng đau về thể xác, Tín nhận được nhiều sự an ủi, động viên về tinh thần của rất nhiều người, nên không có cảm giác cô đơn. Nhưng khi về nhà (tỉnh Bình Định), ba mẹ bắt đầu lao vào mưu sinh, đi làm cả ngày, một mình trong căn phòng, cảm xúc khó tả. Stress nhiều, có lúc mình muốn chết đi, nhưng bất lực tới mức ngay cả cái việc rướn người ra khỏi xe lăn để tự tử mình cũng không đủ sức.

Vì không chết được nên phải sống, Tín đã nghĩ như vậy. Ngồi xe lăn, tay chân đều không cử động được, chỉ sử dụng được một chiếc khớp trên ngón tay trỏ, Tín tận dụng hết những kiến thức đã học và kinh nghiệm sống sau những năm lăn lộn trong nghề kinh doanh, bắt đầu với công việc mua bán điện thoại. Không có đồng vốn nào, Tín liên hệ với đầu mối nhờ họ bỏ hàng, rồi chuyển sang cho người bán lẻ, để kiếm được khoảng chênh lệch. Chăm chỉ như thế, trên chiếc xe lăn, Tín đã trả được món nợ tiền vay đi học từ thời sinh viên.

Thử thách với Tín vẫn chưa dừng lại. Năm 2012, Tín bị sốt, dậy lúc 4 giờ sáng thì phát hiện nhà bị trộm, lấy hết sạch tiền, gom hết tủ điện thoại, cả cái máy tính làm việc của Tín cũng bay theo luôn. Hàng xóm thấy bật đèn và mở cửa lúc ấy sợ Tín có chuyện chạy sang, rồi mọi người gọi công an giúp. “Tôi không khóc được vì hết nước mắt để khóc, mà có khóc thì cũng không lấy lại được. Tôi xem như lại không may một lần nữa”, Tín kể với nụ cười lạc quan, pha lẫn chút bất lực.

Mọi người trong xóm nghe tin đã góp tiền mua lại cho Tín cái laptop cũ để bạn làm tiếp công việc mà ai cũng thấy từ trước tới giờ. “Lúc nhận được món quà ấy tôi rất xúc động, tôi rất quý, rất biết ơn những người hàng xóm tốt bụng. Họ đã dành cho tôi những lời động viên để tôi đi tiếp hành trình của mình”, Tín nhớ lại.

Thêm một lần sanh tử

Có chiếc laptop mới, Tín lại bắt đầu, lại xuất phát trở lại. Tín vẫn miệt mài với những gì đã chọn nhưng cuộc đời của Tín không đơn giản như vậy, không dừng lại việc dành cho Tín các thử thách.

Tự truyện "Tôi chọn sống" của Nguyễn Chánh Tín

Tự truyện "Tôi chọn sống" của Nguyễn Chánh Tín

Đó là vào năm 2014, khoảng 1 giờ sáng, mẹ nghe tiếng kêu của Tín, ra bật điện thì thấy máu chảy khắp người, ướt cả cái nệm. Tín không biết chuyện gì đang xảy ra, chỉ biết kêu gào: “Mẹ ơi gọi taxi nhanh lên con chưa muốn chết, đến bệnh viện nhanh lên không con chết mất.

“Trong suốt quá trình đi, tôi luôn nói với chính mình: Tín ơi mày còn quá trẻ mày không thể chết, mày không được chết, cứ như vậy cho đến khi tới bệnh viện”, Tín nhớ lại. Tín bị hoại tử vùng mông vì ngồi làm việc quá nhiều. Bác sĩ phải cắt bỏ hết phần hoại tử ở vùng mông, Tín điều trị ở bệnh viện hết 2 tháng, và mất thêm 2 năm nữa để mông lành hẳn.

Khi được hỏi làm cách nào để có thêm thu nhập, kiếm tiền điều trị bệnh, Tín đã lần nữa khiến những người xung quanh ngạc nhiên khi cho biết: “Tôi chuyển sang mở cửa tiệm, bán thêm tạp hóa”. Công việc buôn bán ở cửa hàng đòi hỏi phải nhanh lẹ mà Tín thì chỉ ngồi và nằm thì sao mà làm? Nhưng động lực, ý chí đã thôi thúc Tín làm được. Cửa hàng tạp hóa của Tín hoạt động không giống ai, tất cả đều tự phục vụ. Mọi người tự động chọn thứ mình cần, sau đó Tín báo giá và tính thành tiền, rồi mọi người tự bỏ tiền và tự thối tiền dư cho mình. Cứ như vậy mà Tín đã từng ngày chinh phục cuộc sống.

“Hơn 10 năm kể từ ngày định mệnh ấy, tôi đã nếm trải đủ thứ mùi vị trong cuộc sống. Đắng có cay có, hạnh phúc có, vui buồn có. Tôi chưa thể thành công như ước nguyện của mình. Nhưng tôi tự hào vì những gì tôi đã, đang và sẽ làm”, Tín chia sẻ trong buổi ra mắt sách “Tôi chọn sống” của mình và người có mặt đều chung với niềm vui của Tín.

“Tôi muốn đâu đó có những số phận như tôi, xin hãy cứ lạc quan và tạo cho mình một cơ hội sống tiếp, sống tốt. Tôi không muốn mọi người thương hại, cũng không muốn mọi người tung hô, tôi chỉ muốn truyền một chút động lực cho cuộc sống thêm màu sắc bằng câu chuyện của tôi.

Và có một điều mà mọi người không biết đó là trung bình mỗi tháng tôi phải duy trì khoảng 5 triệu tiền thuốc, mỗi lần vào bệnh viện là hết vài ba chục triệu. Trong suốt 10 năm qua tôi tự chủ tài chính. Ba mẹ lớn tuổi, điều thôi thúc tôi là không để gánh nặng tài chính lên gia đình.

Có nhiều đêm tôi chỉ ước sáng mai ngủ dậy ông trời cho tôi được đôi tay lành lặn, nhưng cuộc đời là vậy bạn phải thích nghi với mọi thứ: chấp nhận mọi rào cản, vượt qua nó, vượt lên trên những nỗi đau, những nỗi sợ hãi, nhìn về phía trước, nhìn vào những thứ tích cực, đâu đó sẽ có giải pháp cho bạn, sẽ có con đường cho bạn.

Tôi không may mắn khi phải đi trên con đường gập ghềnh, nhưng tôi muốn đi hết con đường này để xem đích đến có gì thú vị”.

Nguyễn Chánh Tín

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày