Trong thơ của Mai Thanh Hạ...

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1199 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1199 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Dù không sử dụng ngôn từ nào nói về đạo Phật, nhưng trong mỗi khổ thơ của Mai Thanh Hạ, người đọc đều có thể cảm nhận được chất thiền, giai điệu vui tươi, cùng tinh thần lạc quan đặc trưng của đời sống Phật giáo.

Mai Thanh Hạ đã có những chia sẻ về câu chuyện ẩn đằng sau những vần thơ dễ dàng chạm vào trái tim của nhiều bạn trẻ. Đó cũng là con đường Mai Thanh Hạ chọn để chữa lành những vết thương ngày cũ của bản thân, đi từ viết và tìm ra được mục đích của đời mình qua làm thơ:

- Hồi nhỏ tôi không nghĩ mình biết viết mà chỉ cảm thấy trong các môn học, tôi trội môn văn hơn hẳn. Đến năm 2018, khi gặp nhiều chuyện bất như ý trong cuộc sống, tôi bỗng muốn chia sẻ, nhưng chia sẻ với người thân thì lại là điều không thể. Vì vậy tôi lập trang fanpage Mai Thanh Hạ để chia sẻ mọi thứ và cảm thấy được giải tỏa nỗi lòng mình.

Sau đó tôi nghe bài giảng của thầy Thích Pháp Hòa, thầy Thích Minh Niệm và dần hiểu ra nhiều vấn đề mà ngày trước chưa hiểu, rồi tôi đem nó vào thơ.

Mỗi bài thơ tôi làm đều mong đem đến cho người đọc sự nhẹ nhàng, dễ chịu và gợi mở. Do đó, tôi sử dụng câu từ đơn giản, đọc sao hiểu vậy. Tôi nghĩ thơ của mình được đọc và chia sẻ nhiều là do duyên khi đúng thời điểm đó, đọc những câu thơ đó, người đọc đánh thức được niềm vui bên trong mình.

* Khi viết là lúc Hạ trải lòng mình ra và được chữa lành, đặc biệt được truyền cảm hứng?

- Đúng vậy. Khi viết hết nỗi lòng, tự nhiên tôi thấy mình khỏe hơn. Viết đầu tiên là chia sẻ, nên tôi cứ viết bình thường, giải tỏa cho dễ chịu. Rồi từ đó, tôi cảm thấy có nhiều điều hay muốn chia sẻ đến nhiều người.

Tôi nghe giảng pháp, đọc sách, quan sát mọi thứ, từ từ trau chuốt nhẹ nhàng hơn trong cách nhìn nhận và câu chữ. Đặc biệt nhờ bạn đọc ủng hộ nên tôi có động lực, thích viết và có ý thức viết mỗi ngày.

* Hạ từng chia sẻ những lúc buồn, bản thân thường hay “chớp thời cơ” để chiêm nghiệm, lắng nghe từng nhịp thở của cảm xúc. Có vẻ những “nỗi buồn” có ý nghĩa đặc biệt với bạn?

- Thật ra không phải lúc nào mình cũng có cơ hội để buồn. Một ngày đi làm rồi về, không có điều gì khiến mình buồn, rồi nhiều ngày trôi qua như vậy, viên mãn quá. Đôi khi cảm thấy buồn chuyện gì đó, tôi thường ghi lại, để dành đó, khi nào cảm xúc đủ sâu thì viết thành thơ. Có nhiều bạn đọc nhắn tin kể những câu chuyện buồn của mình, tôi cũng ghi nhận những câu chuyện đó và viết thành thơ.

Thật sự không phải nói mình muốn buồn, nhưng đó mới là cơ hội để chuyển hóa, là điều cần nhất. Đôi khi người ta gặp nỗi buồn đủ sâu mới cảm nhận được và chuyển hóa.

Trước kia tôi cũng hay buồn vu vơ, rồi nuôi dưỡng càng ngày càng lớn, càng bi thương. Bây giờ, nhờ hiểu nên tôi không buồn lâu. Việc nghe pháp, đọc sách giúp mình sống bình an hơn.

* Nhiều bạn trẻ hiện nay, sau khi có công việc ổn định, đi làm bình thường, nhưng trong khoảng bình thường đó tự nhiên bị trống rỗng, không có mục đích sống. Mai Thanh Hạ có bị rơi vào trình trạng đó không?

- Có chứ! Công việc hiện tại của tôi là làm dược sĩ. Đó không phải đam mê nhưng vì thấy có giá trị nên tôi duy trì. Viết thơ chữa lành tâm hồn, còn dược sĩ thì chữa bệnh thân, cả hai đều ý nghĩa.

Đôi khi có những ngày làm việc, tôi cũng cảm thấy không mấy ý nghĩa. Làm việc giống như đang tồn tại chứ không phải đang sống. Tôi nghĩ ai cũng vậy thôi, dù có làm vì đam mê nhưng với tác động từ môi trường xung quanh, đôi lúc ta sẽ có cảm giác trống rỗng.

Với tôi khi buồn thì biết và nhận diện mình đang như vậy. Phải hiểu mình đang như thế nào, muốn cái gì, nếu có thể sắp xếp được công việc thì sẽ chiều cảm xúc, để ngày hôm sau mình đi làm bình thường.

* Để duy trì việc viết, Hạ nuôi dưỡng mình như thế nào?

- Tôi tạo thói quen đọc sách mỗi ngày ít nhất 30 phút, đọc thấy câu nào hay thì ghi lại, rồi lưu lại những chia sẻ từ quý thầy và hình ảnh hay. Với tôi việc đọc sách thay đổi cuộc đời là có thật. Cũng như việc nghe các bài pháp của quý thầy giúp mình khai thông nhiều thứ và nhìn cuộc đời dễ chịu đơn giản hơn.

Những ngày đầu tôi viết rất nặng nề, nhưng tôi vẫn để đó, vì đó là những cảm xúc thật của mình. Có nó ngày hôm đó, mới có mình ngày hôm nay. Tôi luôn cố gắng đọc sách, quan sát, nghe nhiều hơn, để nội dung thơ sâu sắc, trau chuốt và để mình tốt hơn mình từng ngày.

* Mỗi bài thơ của Hạ luôn có một góc nhìn nhẹ nhàng, mang người đọc về với tâm hồn hiền lành, hạnh phúc. Vậy có phải khi làm thơ là bạn hạnh phúc nhất?

- Khi đang nói chuyện với bạn tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Những gì mình đang có hiện tại là mình đang hạnh phúc. Tôi cố gắng nhìn mọi thứ với con mắt dễ chịu nhất vì cái gì đến thì nó phải đến. Tôi nghĩ phải có một cái duyên, phải tới thời điểm gặp được người đó, quyển sách đó, mà cái dễ nhất là biến cố mới giúp con người nhận ra hạnh phúc thật sự với mình là gì. Biến cố là món quà của vũ trụ.

Tôi tin mọi việc vận hành rất rõ ràng theo nhân quả. Nên khi hiểu nhân quả thì việc đầu tiên là không phạm sai lầm, mà khi phạm sai lầm phải hiểu rằng rồi đây sẽ nhận hậu quả mình gây ra.

Tôi có khả năng viết được là một điều vô cùng may mắn cho bản thân, từ đó mang giá trị đến mọi người và lan tỏa những thông điệp tích cực. Khi làm thơ, được mọi người đón nhận, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa, sống vui hơn nhiều. Tôi đã tìm được câu hỏi mình là ai và sống để làm gì. Tôi là con của ba mẹ tôi, là một phần của vũ trụ này. Tôi tới đây để sống, công việc tôi mong muốn là viết và chia sẻ đến mọi người, cũng là cho chính bản thân mình.

* Bạn có thể tặng cho các bạn đọc Giác Ngộ một bài thơ?

- “Miệng nói lời ái ngữ

tâm suy nghĩ thiện lành

mắt chọn nhìn điều đẹp

sống dặn lòng không tranh.

Những khổ đau hiện tại

do nhân quả luân hồi

phải dặn lòng nhẫn nại

chuyện gì cũng qua thôi.

Bởi khi lòng rộng mở

nhìn đâu cũng thênh thang

hoa tàn cho nụ nở

sau khổ, sẽ an nhàn.

Mong cho tôi cho bạn

luôn giữ vững lòng tin

bình an qua hoạn nạn

luôn biết cách thương mình”.

* Cảm ơn Mai Thanh Hạ đã có những chia sẻ thú vị với báo Giác Ngộ!

Mai Thanh Hạ tên thật Trần Thị Kim Thoa, sinh năm 1989 tại Bến Tre. Mai Thanh Hạ đã xuất bản 2 tập thơ ‘Hãy yêu đời dẫu đời có trái ngang’, ‘Không sao mà chúng ta rồi sẽ ổn’ vào năm 2022.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Phật tử thọ giới Bồ-tát có phải trường trai và tuyệt dục?

GNO - Nếu Phật tử thọ giới Bồ-tát tại gia theo kinh Ưu-bà-tắc giới được lập gia đình bình thường (Trong 6 trọng pháp, trọng pháp thứ 4: Không tà dâm); ăn chay vào các ngày trai (Trong 28 khinh pháp, khinh pháp thứ 7: Mỗi tháng thọ trì trai giới, cúng dường Tam bảo vào 6 ngày trai).

Thông tin hàng ngày