Tôi đi sinh hoạt Gia đình Phật tử

Kỳ 1: Tìm môi trường sinh hoạt cho con

GN - “Ở Gia đình Phật tử (GĐPT) con được học với chơi gì, mà về nhà con thích lắm! Đến nỗi ba đón mà còn không chịu về”. Cô bạn có con được bốn tuổi gửi vào sinh hoạt Sen Non tại một đơn vị GĐPT ở TP.HCM chia sẻ.

Trước đó, cũng cô bạn này đã bày tỏ với người viết, bây giờ để tìm được một môi trường tốt gửi con rất khó, mà môi trường Phật giáo phù hợp với lứa tuổi của con lại khó tìm, các trường mầm non Phật giáo thì quá ít trong thành phố. Nên hiện chỉ mong tìm được môi trường chơi mà học để con có thể bắt đầu làm quen nhẹ nhàng lời Phật.

Từ trăn trở của cô bạn - một phụ huynh Phật tử, người viết tìm đến một số phụ huynh đang sinh hoạt tại các đơn vị GĐPT và thấy rằng họ cũng đã từng trăn trở để tìm một môi trường hiền hậu cho con. Cuối cùng họ chọn sinh hoạt tại GĐPT.

5k1.jpg


Chị Kim Xuân (người thứ 3 từ màn hình bên phải vào)
cùng các chị Thanh nữ  đầy tươi trẻ trong giờ tự trị - Ảnh: ND

 “Con trưởng thành từng chút một”

“Tôi cảm thấy tiếc khi cho con sinh hoạt quá trễ”, chị Kim Xuân hiện có hai con đang sinh hoạt tại đơn vị GĐPT Xá Lợi, Q.3 (TP.HCM) mở lời. Trò chuyện với phóng viên trong một buổi chiều sinh hoạt tại đơn vị, chị bày tỏ, hồi con 5 tuổi đã cho con ra Công viên Tao Đàn (Q.1) để làm quen với sinh hoạt của các bạn trẻ, cũng muốn cho con mạnh mẽ lên, nhưng vẫn chưa thật sự thấy phù hợp.

Khi đó, có một bạn trong xóm rủ qua chùa sinh hoạt GĐPT nên chị lên mạng tìm hiểu sinh hoạt có những gì, học từng bậc ra làm sao, khi đọc các nội dung giới thiệu thấy thích. Vậy là Chủ nhật chị dẫn con đi sinh hoạt và bắt đầu từ đó đến giờ đã được 7 năm.

“Vì con còn quá nhát, do tôi sợ em không mạnh dạn mà không buông ra, từ ngày qua sinh hoạt với GĐPT, con có môi trường trẻ, năng động nên rất mừng”, chị Xuân hoan hỷ. Ngoài học về hoạt động thanh niên, con chị và các em trong gia đình học được điều tốt, ở đây có những anh chị hướng dẫn nên em ngày càng tốt lên.

Chị Xuân kể, năm lớp 6 con học khá, mà mỗi lần học bắt mẹ phải ngồi bên cạnh, học rất lâu thuộc. Đến năm lớp 7, sau một năm đi sinh hoạt, về nhà không cần nhắc nhở gì hết mà em tự học, tự làm bài và từ đó con học giỏi lên, không cần nói nhiều, cho đến nay đã lớp 12.

Thích môi trường ở đây, “thấy có ích cho mình, con tôi vô đây giỏi lên là nhờ mấy anh chị dạy bảo. Tôi biết, anh chị đi theo đạo Phật là anh chị có tâm tốt, tốt hơn Xuân dù Xuân có là người ở hiền đi chăng nữa thì tâm cũng không tốt bằng anh chị. Ở đây, con Xuân khi nói một câu chưa dễ thương, thì anh chị từ từ điều chỉnh lại cho em tốt dần lên, không bị môi trường bên ngoài cám dỗ”.

Rồi chị bày tỏ, “nếu con không vô đây chưa chắc ngoan như hiện tại, nhiều khi đi ra ngoài bạn chửi một tiếng thì liền đáp trả, nhưng khi vô đây con biết câu đó không tốt thì không nói. Hoặc bây giờ đi bộ thấy con kiến cũng né, hồi xưa đi là đi, kiến chà một cái cho nó chết, đi đâu có để ý. Cái đó thật sự không nghĩ là mình làm ác nên bây giờ con gián, con kiến chỉ đuổi thôi chớ không giết. Con có tình thương các con vật, đó là một cảm nhận để em không làm điều ác. Mai mốt có đụng chuyện gì thì con không làm điều gì quá ác với bản thân, sẽ biết làm thiện”, chị Xuân chia sẻ về đổi thay của con mình.

Thêm nữa, con trai chị rất sợ độ cao, làm gì mà leo cao một xíu là sợ, nhưng qua trại Vượt bậc leo núi vừa rồi, con đã dám đối diện nỗi sợ của chính mình. “Bạn ấy đã vượt qua chính mình”, chị Xuân nhấn mạnh sự thay đổi bất ngờ sau một kỳ trại của con. Theo chị, vì ở đây có anh chị em cùng làm với nhau nên em nương vào đó học từng chút, vững chãi hơn từng ngày.

 Sau một thời gian dẫn hai con đi sinh hoạt, quan sát các anh chị, thấy các anh chị đi làm cả tuần, rồi Chủ nhật lên chùa làm chuyện không công. Các buổi tối 2, 4, 6 trong tuần lại lên chùa hướng dẫn võ thuật miễn phí, chị thấy thương quá chừng. “Sao người ta có thể hy sinh như vậy được?”.

“Nói thiệt bây giờ không có môi trường nào cho con trẻ tiến lên như vậy đâu, tôi nghĩ chỉ có mẹ mới dạy được, nhưng thật sự bây giờ dạy không được vì đâu còn sức, nên được ở môi trường này tôi thấy yên tâm. Tôi cố gắng đi sinh hoạt cùng con đến khi nào không đi được, thì dù con bận rộn với cuộc sống học hành, mưu sinh vẫn nhớ đến chùa sẽ đỡ hơn, nhẹ hơn”, chị Kim Xuân chia sẻ.

Lớn lên con sẽ là một người có ích

Là năm thứ 6 con của chị Kiều Phương sinh hoạt tại đơn vị Đức Trí (Q.7, TP.HCM), còn chị bắt đầu sinh hoạt ngành Thanh cách đây 3 năm. 

Chị chia sẻ, xã hội bây giờ nhiều cái không an toàn, nhiều cạm bẫy, mà con không có một nơi sinh hoạt an toàn thì sẽ bị cám dỗ - nên từ nhỏ chị đã cho con đi tham gia một số tổ chức cho người trẻ. Nhưng sinh hoạt một thời gian chị cảm thấy chưa đáp ứng nhu cầu mong mỏi của bản thân, ở đó ít dạy các bé về đạo đức, về cách sống.

Đưa mong mỏi nói chuyện với một người bạn thì chị được giới thiệu về GĐPT, vậy là chị lên mạng tìm hiểu, tìm chùa có GĐPT và bắt đầu từ đó chị và con bén duyên sinh hoạt tại Đức Trí tới giờ.

Chị bày tỏ, “tới thời điểm hiện tại, tôi thấy không ở đâu được sinh hoạt, học tập kỹ năng bằng GĐPT”. Từ khi sinh hoạt, con chị tự tin rất nhiều, bé biết quan tâm người khác, có tinh thần trách nhiệm, giờ giấc nghiêm túc, biết yêu thương. “Vô đây ăn cái gì nhỏ nhỏ đều chia cho nhau, chỉ việc nhỏ vậy thôi mà thấy hay quá rồi”.

Chị kể, văn nghệ Phật đản vừa rồi, thấy các anh chị rất sáng tạo, mà các con mình cũng vậy, khi biểu diễn ở sân khấu lớn, hay sân khấu nhỏ - từ một miếng vải anh chị biến tấu thành một bộ đồ, các động tác múa thay đổi chỉ trong vài phút mà các em làm được rất nhanh nhờ sự sáng tạo của anh chị.

1k1.jpg


Con gái Ngọc Linh rửa chân cho mẹ - chị Kiều Phương
trong lễ tri ân đấng sinh thành tại chùa Bửu Quang, Q.7 - Ảnh: Đức Trí

Đặc biệt, trong trại hè mỗi năm, thấy được ý nghĩa khi anh chị lồng ghép giáo lý Phật giáo thông qua trò chơi rất khéo, mà nếu không có sự đoàn kết, quyết tâm không ngại khó thì các em sẽ không vượt qua được thử thách. Như lòng hiếu thảo thông qua những vở  kịch, tự tụi nhỏ lên kịch bản với nhau và đi vào lòng một cách rất nhẹ nhàng. Rồi chương trình lửa trại rất ấn tượng: có những mở màn, những câu chuyện rất hay, xúc động. “Sao huynh trưởng giỏi thế nhỉ?”, chị Phương bày tỏ sự kính mến anh chị huynh trưởng.

Chị nhận xét: “Ở đây ngay từ nhỏ các em đã được rèn luyện như vậy thì không giỏi sao được, bản thân người lớn còn thua tụi nhỏ nữa. Nên tôi rất yên tâm, em được sinh hoạt ở đây thì lớn lên em là một người có ích cho xã hội, và sẽ tiếp nối những anh chị huynh trưởng. Từ nhỏ nhận được tình cảm sự yêu thương của anh chị nên những gì em nhận được sẽ không quên”.

Ánh mắt chị Phương rạng ngời sáng trong khi nói về các anh chị huynh trưởng: “Tận tấm lòng, tôi rất yêu thương các anh chị, bằng chính tình yêu thương anh chị hy sinh thời gian của riêng mình, dành thời gian cho GĐPT. Mà cái này thì tìm nơi khác không thấy. Ai mà tự nhiên bỏ thời gian, công sức ra để làm những việc không công như vậy”.

Với chị Phương, giờ hạnh phúc nhất trong tuần của chị là được đi sinh hoạt vào Chủ nhật, được gặp mọi người, được học Phật pháp, được là chính mình, và được thắc mắc trao đổi với các anh chị huynh trưởng về những vấn đề cuộc sống. Trong đó, việc học được nhiều bài học từ sự im lặng với chị, đáng giá vô cùng.

Như Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày