Những tưởng với sự gián đoạn ngoài ý muốn đã làm hạn chế lượng khán giả đến xem, nhưng không ngờ tinh thần người mộ điệu cải lương và đức hiếu hạnh suy tôn Ngài Mục Kiền Liên của các giới Phật tử Đà Nẵng đã gặp nhau trong đêm Vu lan rằm tháng Bảy bên bến sông Hàn thơ mộng.
Toàn cảnh đêm cải lương tại chùa Bà Đa
Một cảnh trong vở diễn cải lương
Đoàn cải lương Trần Hữu Trang TP.HCM đã nỗ lực hết mình, từ sáng hôm sau, sau đêm mưa gió, các nhạc công, đạo cụ đã sấy lại máy móc bị dầm mưa, dán lại phông màn, treo lại poster, khẩu hiệu và đem hết nhiệt tình, tài năng nghệ thuật cống hiến cho Phật tử và người xem một vở tuồng cải lương mang nhiều ý nghĩa thâm sâu, qua đó góp phần xiển dương Chánh pháp, cũng cố niềm tin vào đức hạnh một vị Tôn giả thần thông, hiếu đạo, hết lòng yêu kính người mẹ mang nhiều chướng duyên bị đọa đày nơi địa ngục. Thông qua vở diễn, tất cả chúng Tăng và hàng Phật tử tự soi lại lòng hiếu nghĩa của mình đối với ông bà, cha mẹ và ứng xử Đạo - Đời trong cuộc sống. Dù nội dung cốt truyện có từ ngàn xưa nhưng thông qua nét thể hiện tinh tế của nghệ thuật cải lương đã trở nên gần gũi cuộc sống, giúp người xem thấm thía hơn ý nghĩa của ngày Vu lan Báo hiếu, xá tội vong nhân.
Bà Nguyễn Thị Lai, 72 tuổi, sống ở Đa Mặn, P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn tâm sự: “Từ hồi Mỹ đen, Mỹ trắng tới chiếm đóng ở đây rồi cho tới ngày giải phóng đến chừ, tui bữa ni mới xem được một vở cải lương hay mà có ý nghĩa như thế này…”. Hơn một vạn người đứng, ngồi quanh cả khu vực đầu cầu Tuyên Sơn về phía phường Mỹ An xem truyền hình trực tiếp vở diễn do Đài Phát thanh-Truyền hình DRT2 của Đà Nẵng thực hiện. Mặc dù còn hứng chịu đôi chút ảnh hưởng của cơn bão số 3, lượng mưa lớt phớt dầm dãi thấm lâu cũng không làm ngại tấm lòng yêu nghệ thuật và muốn thấu hiểu cốt chuyện hiếu nghĩa của ngài Mục Kiền Liên mà từ em nhỏ đến cụ già đều hân hoan ngồi đợi lớp cảnh mở màn dưới tấm áo mưa lất phất.
Đêm nghệ thuật mừng hội Vu lan Báo hiếu tại chùa Bà Đa khép lại, lớp lớp người chầm chậm dắt xe ra về trong bầu không khí rộn rã tiếng bình phẩm, khen ngợi hết lời… thật đúng như cụ bà Nguyễn Thị Lai tâm sự, ý nghĩa của mùa Báo hiếu Vu lan năm nay trên thành phố có lễ hội Pháo hoa bên bờ sông Hàn thật đậm đà ý nghĩa, khi những người con ngoan chưa hiểu gì về ngài Tôn giả, chưa hiểu gì về Phật giáo, xem xong vở cải lương họ nhận ra rằng báo hiếu, báo ân ơn cha, nghĩa mẹ có nghĩa là hãy cùng cộng đồng chung tay xây dựng cuộc sống có văn hóa lành mạnh ở khu dân cư, chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già đang còn tại thế, cúng dường chư Tăng, Ba ngôi Tam bảo, đó là hạnh nguyện hiếu thảo của người Phật tử trong mọi thời đại.