Trà sớm

GN - “Bình minh nhất trản trà”

Vâng! Trà sớm…

Khi tiếng gà gáy rộ báo hiệu một ngày mới đang đến, hoặc muộn hơn khi tiếng chim trong vườn ríu ra ríu rít gọi bình minh, người trở dậy đặt lên bếp ấm nước, đem chiếc khay đựng bộ bình tách cọ rửa. Người chậm rãi rửa từng cái chờ tiếng nước sôi… Trong sự tĩnh lặng, tiếng nước sôi réo rắt nghe vui vui. Người chế nước hãm trà… Trên bàn thờ gia tiên, tách trà đầu ngày được dâng cúng với lòng thành kính. Hương nhang trầm lãng đãng trong ngày sớm cho người cảm giác an bình, cảm thức về nguồn cội…

Và bây giờ, lặng lẽ cuộc chơi…

1 trasom.jpg


Ảnh minh họa

Ngày còn sớm lắm. Và cũng im ắng lắm. Người thong thả rót trà vào tách nhỏ sau khi tráng qua nước sôi cho tách ấm. Người lặng lẽ hớp từng hớp nhỏ… Hương trà theo hơi nước xông lên mũi; vị trà chát đắng phủ đầy cuống lưỡi, tráng khắp vòm miệng, để rồi sau khi nuốt trôi là còn lại dư vị ngòn ngọt nơi chân răng; màu trà vàng trong, xanh trong một màu thanh khiết làm dịu ánh nhìn tục lụy, nâng lên ánh nhìn thấu suốt; tiếng nước trà rót vào tách khẽ khàng như mạch sống đang cựa mình trong thanh vắng; và trong hơi lạnh của buổi sớm, sức nóng của tách trà sưởi ấm bàn tay người. Năm giác quan cùng thức dậy qua tách trà sớm…

Trong tĩnh lặng của buổi sớm tinh mơ, thần trí của người như được vị chất của trà kích hoạt trở nên tỉnh táo. Tỉnh táo để chiêm nghiệm những gì đã qua. Tỉnh táo để chờ đón những gì sẽ đến. Dù đã hay sẽ, vui hay buồn, thất bại hay thành công thì cũng thấy, biết và hiểu được bản ngã của vấn đề.

“Trà tam” trong câu “trà tam, tửu tứ, du hành nhị” là những cuộc trà khác trong ngày. Trong những cuộc trà ấy tối thiểu phải có ba người mới vui, mới có đủ chuyện để nói, tránh những khoảng lặng nhàm chán. Nó khác với trà sớm. Trà sớm là “duy ngã độc tôn”. Trà sớm cần sự lặng im để lắng đọng mà điều tiết những hỷ, nộ, bi, ái… để được “trung dung chi đạo”.

Tôi là người thích uống trà, nhất là những cuộc trà sớm. Tôi có nghe nói về triết lý và nghệ thuật trà đạo của người Nhật, cách uống trà có lớp lang của người Trung Hoa, và cách uống trà nâng lên tầm nghệ thuật của những tao nhân mặc khách qua những trang sách. Nhưng đó là của người. Tôi có cách uống trà của riêng tôi. Tôi yêu sự tĩnh lặng của buổi sớm, tôi lắng mình trong vị chất của trà để tìm sự cân bằng cho tâm hồn, để ứng xử với nhiều bất ngờ xảy ra trong mỗi ngày. Dù có bất ngờ thế nào thì phải chăng cuộc sống cũng như vị chất của trà: chát đắng mà dư vị lại ngọt. Ôi cuộc sống! Ta yêu mi như yêu trà sớm khi ta nhìn mi bằng tâm và lắng nghe bằng lòng.

Và cũng nói thêm, với tôi, người sống ở miền quê, dù là gián tiếp, không gian và vật dùng uống trà chiếm một vị trí quan trọng trong những cuộc trà sớm. Mỗi khi có dịp đi xa phải nghỉ lại trong một phòng trọ bình dân hay trong một khách sạn sang trọng, vẫn cuộc trà sớm. Nhưng nó khang khác làm sao… Cái chật hẹp của bốn bức tường thay cho cái khoáng đạt của không gian vườn, ánh sáng điện thay cho màu trời mỗi lúc một chuyển dần sang gam màu sáng, và bộ bình tách mới mẻ cầu kỳ xa lạ với bộ bình tách cũ kỹ của tôi. Tất cả là lạ lẫm, ít nhiều chi phối cảm thức của tôi trong cuộc trà sớm. Tuy vậy cái chất của cuộc trà sớm của tôi vẫn nguyên vẹn.

Và bây giờ… Trà sớm! Tôi hay bạn, mỗi chúng ta tự đi vào cuộc chơi lặng lẽ…

Trần Xuân Thụy

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày