Trắc nghiệm chính mình

Giác Ngộ - Tự đặt ra câu hỏi, đưa ra vài ba phương án và lựa chọn một trong số đó để kiểm tra chính mình về một vấn đề nào đó. Tôi gọi đó là trắc nghiệm chính mình.

Đôi khi (nhất là những khi cần đưa ra những quyết định nào đó, quan trọng, gay cấn…) cần phải có những bài test ngắn để kiểm tra độ chính xác (tất nhiên không bao giờ là tuyệt đối) của những suy nghĩ, quyết định của mình.

Nếu ngờ ngợ thì bạn hãy trắc nghiệm chính mình - Ảnh minh hoạ

Trắc nghiệm xem mình có thực sự là người can trường, mạnh mẽ như mình vẫn thường khẳng định hay không, bạn phải đặt ra vài giả thiết. Bắt đầu bằng chữ nếu, ví dụ, nếu mình nhận được tin ngày mai đây mình sẽ… về cát bụi thì mình có nhảy dựng lên than khóc? Nếu vượt qua được vế đầu tiên bằng câu trả lời không thì sau đó hãy bắt đầu trắc nghiệm: thế thì tôi sẽ làm gì? Vài ba sự việc sẽ đưa ra: tôi sẽ ăn uống, tiêu xài cho thật đã; tôi sẽ làm một điều gì đó cho người thân, người thương; tôi sẽ đi trả những món nợ hoặc món (thù hằn) mà tôi chưa trả… Và lựa chọn một phương án để kiểm định tâm mình có thật mạnh mẽ, cao thượng, thông minh hay yếu đuối, ích kỷ và… vô minh?

Mình nói nhiều và cũng được nghe nhiều về hạnh thương yêu (chính mình & người), mình cũng từng lên án người này người nọ sao quá tham, sao sân si dữ dội… nhưng khi đối mặt với thực tế thì mới biết mình có “giống” người ta không? Đó cũng là một bài trắc nghiệm mà sau khi trải qua mình nên nghiêm khắc nhìn lại, chấm điểm và có một lời phê thật sắc đáng, không dối lòng, dối người.

Thử trải qua một vài kỳ trắc nghiệm, như là khi tình yêu vỡ, khi người ta nói nặng mình, khi người ta đối xử tệ với mình, khi thất bại, khi gặp phải oan khuất hoặc mất mát… thì sẽ biết mình đang ở đâu trong định vị về nhân cách và cả lối sống? Cổ nhân có câu “Cháy nhà ra mặt chuột” là ở chỗ đó. Khi gặp phải những nghịch duyên mới có thể định vị đúng cái tâm con người và những giá trị mới được khẳng định từ đó.

Những bài trắc nghiệm do chính mình ra và được trả lời bằng miệng có thể sẽ suông sẻ đó. Nhưng nếu bước thêm một bước từ lý thuyết sang thực tế thì có thể sự thành thạo trong ứng đối của mình có thể sẽ giảm. Nhưng bạn cũng đừng quên, thông thường, sau những cọ xát nảy lửa từ cuộc sống con người sẽ trưởng thành hơn, sẽ biết định vị mình để không dương dương tự đắc hoặc có thể sẽ gan lì hơn để sống tốt hơn…

Đừng ngại va chạm, song cũng đừng là “người hùng” theo kiểu “đánh nhau với cối xay gió” (Đôn-ki-hô-tê). Cứ thử “trắc nghiệm” mình từ thấp tới cao, cứ đương đầu đi và chạy như một đứa trẻ đang tập tành bước vào thế giới loài người vậy, bạn sẽ thấy mình có thêm lượng và chất mới…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày