Trách nhiệm của cả hệ thống Giáo hội"

GN - Tăng, Ni lên đồng, hầu đồng là không đúng với pháp tu nhà Phật, đó là hiện tượng mê tín.

Vào cuối tháng 10 vừa qua, HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự T.Ư đã ký ban hành Văn bản 380/CV.HĐTS về việc tổ chức Ban Công tác kiểm Tăng như một trong những biện pháp nhất quán để kiểm tra và ổn định tình hình sinh hoạt của Tăng đoàn trong tình hình mới. Đây được xem là một trong những nội dung quan trọng của ngành trước nhiều vấn đề nảy sinh cần điều chỉnh.

HT Thien Phap.jpg

HT.Thích Thiện Pháp

Trao đổi với Giác Ngộ về tinh thần của văn bản này, Hòa thượng cho biết:

- Động thái này chủ yếu tập trung vào việc thực hiện các giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh tệ nạn giả danh hình thức tu sĩ Phật giáo, khất thực phi pháp tại các khu du lịch, các bến xe và các điểm buôn bán đang xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo nên nhiều dư luận tiêu cực trong xã hội.

Nhìn vào thực tế, có thể thấy, các hiện tượng “giả sư” đang trở nên phổ biến mà Trung ương Giáo hội đã và đang phối hợp giải quyết. Ban Tăng sự T.Ư trong thời gian qua đã nhận khá nhiều phản ảnh từ chư Tăng Ni, các tự viện và cả quần chúng Phật tử liên quan đến hiện tượng này và xét thấy cần thể hiện sự nỗ lực để dần đi đến việc hạn chế, loại trừ.

Chính vì lẽ đó, với vị trí là cơ quan đầu ngành và sau khi tiếp nhận các ý kiến đóng góp tại Hội nghị Tăng sự toàn quốc 2015 tại Bái Đính vào tháng 6-2015, việc ban hành văn bản sẽ tạo cơ sở pháp lý giúp các Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai tinh thần Nghị quyết 003 của Hội nghị trong việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh sinh hoạt của Tăng, Ni, tự viện tại địa phương, tránh đi những biểu hiện xấu ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội và chư Tăng Ni xuất gia chân chính. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống Giáo hội với tư cách là đại diện cho chư Tăng Ni, Phật tử và những người yêu mến đạo Phật ở trong cũng như ngoài nước.

* Như vậy, theo Hòa thượng, Giáo hội sẽ có những động thái thế nào?

- Theo tinh thần chung, trước hết, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế công tác quản lý Tăng, Ni, tự viện tại địa phương mình và nạn giả danh hình thức tu sĩ Phật giáo, khất thực phi pháp tổ chức thành lập Ban Công tác kiểm Tăng với thành phần gồm: Ban Tăng sự, Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, đưa ra kế hoạch, tiêu chí cụ thể trong công tác kiểm Tăng sau khi trao đổi thống nhất với các hệ phái có truyền thống khất thực để thống nhất phương pháp giải quyết đối với tệ nạn giả danh hình thức tu sĩ Phật giáo, khất thực phi pháp.

Sau khi đã đạt được sự đồng thuận trong nội bộ, cần đồng loạt tổ chức tuyên truyền sâu rộng thông qua phương tiện thông tin đại chúng tệ nạn giả danh hình thức tu sĩ Phật giáo, khất thực phi pháp. Song song đó là các động thái thể hiện sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an tỉnh, thành phố và lực lượng công an địa phương để được hỗ trợ khi Ban Công tác kiểm Tăng thực thi nhiệm vụ, đảm bảo đúng theo pháp luật hiện hành của Nhà nước.

Trên đây là các bước đi cụ thể nhất và có thể thực hiện được ngay nếu Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực, trên cơ sở đoàn kết, hòa hợp của Tăng đoàn. Chỉ có như thế mới tạo thành sức mạnh và mới giải quyết rốt ráo những gì đang xảy ra. Còn nếu làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi, hô hào hay giao cho một cá nhân nào đó thì chắc chắn rằng mọi thứ sẽ trở về như cũ và những hiện tượng này sẽ có những biến tướng khó lường.

* Giáo hội đã nhiều lần thực hiện động thái này trong quá khứ và hiệu quả của những lần ấy là gì?

- Trước đây, hiện tượng này chỉ diễn ra chủ yếu tại TP.HCM và Ban Trị sự Phật giáo thành phố đã từng nỗ lực rất nhiều để loại trừ. Theo đó, khi còn sinh thời, HT.Thích Định Quang, HT.Thích Tắc Thành là những vị giáo phẩm từng đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Kiểm Tăng thuộc Ban Trị sự Phật giáo thành phố, thể hiện sự ưu tư hết mực và dành nhiều công sức thực hiện công tác kiểm Tăng, giải quyết các trường hợp “giả sư” để tư lợi cá nhân.

Từ những quan sát và đánh giá của cá nhân, chúng tôi nhận thấy mỗi khi có động thái đẩy mạnh việc kiểm Tăng từ chư tôn đức tiền nhiệm lãnh đạo ngành Tăng sự của Phật giáo thành phố thì các biểu hiện tiêu cực giảm đi đáng kể. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông và chính quyền các cấp cũng vào cuộc làm cho hiệu quả được tăng lên thấy rõ.

Qua đó, với kinh nghiệm của người đi trước để lại và dù mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn lịch sử hiện tượng này có những biểu hiện khác nhau nhưng cách làm tốt nhất vẫn là dựa vào quần chúng Phật tử và có sự gắn kết chặt chẽ với các cơ quan công quyền. Bởi lẽ, thành phần có thể nuôi sống được các đối tượng này là Phật tử và các hoạt động phần lớn diễn ra bên ngoài cơ sở tự viện nên thẩm quyền quan trọng nhất là các cơ quan chức năng.

1 su gia6.jpg


Vấn nạn giả sư đi khất thực được Giác Ngộ tìm hiểu, phản ánh... - Ảnh: V.Giang

* Những văn bản chỉ đề cập đến hiện tượng “giả sư”, còn các vấn đề khác của tăng sự như: Tăng Ni cư trú nơi không thích hợp, khách Tăng không mời mà đến thì sao, bạch Hòa thượng?

- Đúng là thời gian gần đây cũng rộ lên hiện tượng khách Tăng không mời mà đến. Đặc biệt là trong các nghi lễ cúng dường của Phật giáo, gây ra những hiểu lầm cho hàng Phật tử khi tướng mạo thiếu trang nghiêm, hành sự không oai nghi và gây nên những khó xử cho các tự viện tổ chức. Để giải quyết dứt điểm việc này, tôi nghĩ vai trò lớn nhất là các cơ sở tự viện khi tổ chức lễ. Nên có những động thái quyết liệt để mời các đối tượng này ra ngoài. Cũng đừng vì ngại để rồi họ sẽ tự nhiên tạo ra những hình ảnh không tốt về giới xuất gia.

Riêng đối với Tăng Ni ở nhà ngoài là một thực tế có thật và trách nhiệm thuộc về những người lớn và các bậc đi trước. Ở đây chúng ta phân ra làm 2 loại. Thứ nhất là đối với những Tăng Ni trẻ lên thành phố cầu học nhưng không thể xin được một cơ sở tự viện nào đó cư trú thì bản thân các cấp Giáo hội, các trường Phật học và chư tôn đức Tăng Ni trụ trì cần phải có sự phối hợp hỗ trợ. Trong đó, lớn nhất là các trường Phật học cần phải xây dựng ký túc xá để đảm bảo nơi sinh hoạt và tu học của học Tăng, học Ni và hãy xem đây là trách nhiệm song hành với với việc giảng dạy. Còn nếu vì nhân duyên nào đó chưa thể làm được việc này thì cần tích cực liên lạc với các tự viện nơi cơ sở hiện diện để giúp việc cư trú cho Tăng Ni trẻ chứ đừng để Tăng Ni trẻ phải tự “bơi”.

Riêng đối với những vị Tăng Ni buông lung, không chịu khép mình vào khuôn khổ, tự xa rời Tăng đoàn, thuê nhà trọ, xây am cốc vì tư lợi cá nhân thì các cấp Giáo hội khảo sát, có biện pháp giáo dục và xử lý theo đúng luật Phật cũng như pháp luật Nhà nước.

* Có hiện tượng một số vị Tăng, Ni tham dự những sinh hoạt tín ngưỡng không phù hợp với đạo Phật như hầu đồng, gây hoang mang cho Phật tử, quan điểm của Hòa thượng về hiện tượng này là gì?

- Về vấn đề này, chúng tôi chỉ có một quan điểm duy nhất theo Kinh tạng Phật giáo, đó là Đức Phật chưa bao giờ dạy chư Tăng Ni việc hầu đồng, lên đồng. Do vậy, bất cứ hành vi lên đồng, hầu đồng nào cũng được xem là không đúng với pháp tu nhà Phật và đó là hiện tượng mê tín. Mà khi đã là mê tín thì hàng Phật tử không nên tin theo cũng như chư Tăng Ni các tự viện cần có những thông tin, giảng giải cho Phật tử được hiểu rõ.

* Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

Bảo Thiên (thực hiện)

>> Xem thêm: Giải pháp nào để chấm dứt nạn sư giả khất thực? || Khất thực phi pháp: Vấn nạn nhức nhối...||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày