Trải lòng xung quanh "Nhật ký sen trắng" của GS.Cao Huy Thuần

GNO - Ngày 23-2, tại Trường Đại học Hoa Sen (số 8 Nguyễn Văn Tráng, Q.1, TP.HCM) đã diễn ra buổi giao giao lưu với tác giả Cao Huy Thuần và giới thiệu tác phẩm Nhật ký sen trắng do Đại học Hoa Sen và Nhà Xuất bản Trẻ phối hợp tổ chức, với sự song thoại của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn.

nhatkysentrang1.jpg

Giao lưu với GS.Cao Huy Thuần về quyển sách Nhật ký sen trắng - Ảnh: Như Danh

Chuyện trò với tuổi 15

Giáo sư Cao Huy Thuần là giáo sư đại học Pháp, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về cộng đồng Âu châu tại Đại học Picardie. Ông vẫn thường xuyên về Việt Nam giảng dạy, nói chuyện, dự các hội thảo, tham gia tổ chức các tuần lễ văn hóa Phật giáo. Giáo sư đã viết nhiều đầu sách in ở Việt Nam như: Chuyện trò, Khi tựa gối khi cúi đầu, Thấy Phật, Thế giới quanh ta…

Tại buổi giao lưu, GS Cao Huy Thuần chia sẻ: “Tôi mở đầu bằng cách chuyện trò với các em ở tuổi 15, cái tuổi các em bắt đầu suy luận, cái tuổi cái đầu bắt buộc phải mở ra để mà suy luận, mà phán đoán, chứ không phải nhận lãnh một cách thụ động những cái mà thầy cô giáo đưa xuống. Đây là học mà chơi, chơi mà học chứ thật sự tôi không muốn làm công việc của thầy giáo. Thật sự muốn nói chuyện đạo đức một cách nghiêm trang với các em nhưng bắt đầu với những câu chuyện rất bình thường, rất đơn sơ.

Các em ở tuổi 15 rất thích những câu chuyện ngày xưa, chuyện cổ tích, nếu mình đem những câu chuyện ngày xưa làm đề tài cho các em tranh luận, biện luận, suy nghĩ xung quanh câu chuyện ấy thì tôi nghĩ nó ích lợi cho các em”.

Theo đó, Nhật ký sen trắng là chuyện kể cho tuổi 15 và phụ huynh, ra đời từ ý tưởng dạy đạo đức, lễ nghĩa cho học sinh một cách sinh động, thiết thực, học mà chơi, chơi mà học. Giúp các em học sinh, sinh viên suy nghĩ về các vấn đề đạo đức như một cách học làm người đúng đắn.

Sách viết theo kiểu “nghị luận luân lý” xoay quanh các đề tài là câu chuyện tiền thân của Đức Phật và trích từ văn chương của các tác giả nổi tiếng được GS.Thuần kể lại cho phù hợp với đạo đức của mọi gia đình Việt Nam, không phân biệt tín ngưỡng, văn hóa.

Với tâm hồn Việt Nam, ông tin rằng bất cứ ai đọc cũng nghĩ rằng tác giả không nói gì khác hơn đạo đức Việt Nam.

Những cậu chuyện kể với những nhân vật như chị Cả, sen Trắng, sen Hồng với hình thức sinh hoạt cuối tuần. “Sen trắng chơi với bạn bè trong nhóm. Cô ấy chơi thế này: Chọn một câu chuyện thật là giản dị như chuyện đời xưa kể cho trẻ em, rồi từ chuyện giản dị dễ hiểu ấy nhìn ra vấn đề gì nằm sâu bên trong, và bàn luận chung quanh vấn đề đó. Như vậy là chơi mà học, học mà vui. Vui vì ở đây chẳng ai dạy ai, tự mình tìm học, tự mình dạy cho mình. Đây là bạn bè cùng dạy nhau, cùng học với nhau và cùng chơi”, GS.Cao Huy Thuần nói.

Tác giả gửi gắm tâm huyết khi nói về cách học: “Học văn không phải là học các bài mẫu mà là học cách suy nghĩ, cách nhìn vấn đề, cách làm bật ý tưởng ra khỏi đầu, cách diễn đạt chặt chẽ, cách cụ thể hóa một vấn đề trừu tượng, cách nắm vấn đề và xoay quanh vấn đề như xay lúa để hạt thóc nhả ra hạt gạo. Học văn chính là để mở cái đầu suy luận, giúp cái đầu mở ra cho các môn khác, kể cả toán, kể cả khoa học”.

Thắp lửa từ nỗi trở trăn thời đại

Chia sẻ về những lý do tập sách ra đời GS.Cao Huy Thuần bộc bạch: “Thú thật rằng, nói chữ buồn nó hơi nhẹ, mà dùng chữ thất vọng thì nó mất đi tính lạc quan. Nhưng quả thật nó nặng hơn chữ buồn - rất là buồn khi thấy đạo đức của chúng ta hiện nay suy sụp trầm trọng. Trong cái buồn đó, tất nhiên hoặc mình không làm gì cả hoặc mình cố làm cái gì để ít nhất cũng để tự an ủi mình hay ít nhất cũng góp phần nào đó với các trí thức, với bạn bè xung quanh để mà nâng lên, để mà thắp lên một ánh sáng nhỏ trong đêm tối”.

Và bắt đầu từ buổi họp đầu xuân cách đây hơn một năm tại Trường Đại học Hoa Sen, tác giả nói lên ý nghĩ của mình: “Tại sao trong xã hội mình các thầy các cô lại thụ động như vậy, tại sao các thầy các cô không làm như các thầy các cô ngày xưa của thế hệ chúng tôi - là tự mình viết lên những cuốn sách giáo khoa để mà giáo huấn con em. Nếu vấn đề giáo dục, vấn đề đạo đức không được chuyền tải từ trên xuống dưới thì tại sao mình không truyền tải từ dưới lên trên, mà từ dưới bắt đầu ở đâu nếu không phải là trong gia đình, trường học?”.

nhatkysentrang4.jpg
GS.Cao Huy Thuần và nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn tại buổi giao lưu

nhatkysentrang3.jpg
Độc giả yêu quý GS.Thuần xin ký tặng sách - Ảnh: Như Danh

Trong cùng nỗi băn khoăn ấy, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã bày tỏ niềm kính trọng của mình với tác giả và tác phẩm.

“Thật ra mà nói khi nhận cuốn sách này tôi không ngạc nhiên vì tôi biết chuyện này thế nào anh Thuần cũng làm được nhưng mà tôi ngạc nhiên là tại sao anh lại viết ra được cuốn sách này. Vì nói và suy nghĩ chuyện này nhiều người muốn lắm nhưng làm là chuyện khác, viết lên được chữ nghĩa là chuyện khác, mà viết một cách rất sinh động, rất dễ thương, rất trau chuốt, đồng thời rất thuyết phục người khác. Nó có một tấm lòng, một tài năng đặc biệt. Thành ra việc đầu tiên của tôi là rất cảm phục vì không biết làm sao anh viết được”.

Tác giả cũng chia sẻ về mong muốn được các phụ huynh và các em đón nhận và nếu như cuốn sách được các thầy cô truyền đạt cho các em học sinh, thúc đẩy các em học sinh đọc và chỉ dẫn cho các em những điều cuốn sách truyền đạt thì xem như mong muốn đã được thực hiện.

Trong buổi giao lưu nhiều câu hỏi được đặt ra vấn đề đạo đức và giáo dục hiện nay và có nhiều ý kiến từ các vị khán giả là các vị tri thức, nhà nghiên cứu.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ, cũng có những lời chia sẻ trong buổi giao lưu.

“Hôm nay là một niềm hạnh phúc và vinh dự cho Nhà Xuất bản Trẻ chúng tôi, được GS.Cao Huy Thuần gửi gắm tác phẩm Nhật ký sen trắng như là cầu nối đến với độc giả của mình.

Chúng tôi tin chắc rằng tác phẩm Nhật ký sen trắng sẽ góp một phần rất quan trọng đối với người đọc của chúng ta trong giai đoạn hiện nay, nhất là tình hình đạo đức xã hội với những điều mà chúng ta phải suy nghĩ”.

Với các vấn đề được nói trong cuốn sách như: Thương yêu sự sống, Tranh luận và tranh cãi, Nói lời hòa ái, Cãi và im lặng, Cho, Nói xấu, Tiếng đồn, Trả thù, Công lý, Tâm hồn cao thượng, Khiêm tốn, Biết ơn… là những đạo đức bình thường của con người. Có nhiều người than phiền về sự suy đồi trong xã hội hiện nay, “có nên nhắc lại, nhắc hoài, thà thắp lên một cây diêm bé hơn là ngồi mà nguyền rủa bóng tối”…

“Nhật ký sen trắng”của tác giả Cao Huy Thuần là những chuyện kể cho tuổi 15 và phụ huynh - là quyển sách “nghị luận luân lý” chung quanh 15 đề tài với những câu chuyện tiền thân của Đức Phật và trích từ văn chương của các tác giả nổi tiếng, được tác giả kể lại cho hợp với đạo đức của người Việt Nam. 

nhatkysentrang2.jpg
Nhật ký sen trắng vừa được NXB.Trẻ ấn hành - Ảnh: Như Danh

Sách đề cập các vấn đề như: Thương yêu sự sống, Tranh luận và tranh cãi, Nói lời hòa ái, Cãi và im lặng, Cho, Nói xấu, Tiếng đồn, Trả thù, Công lý, Tâm hồn cao thượng, Khiêm tốn, Biết ơn… gồm 240 trang, giá bìa 65.000 đồng, do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành.

 Như Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày