Trần Tuấn Việt & cơ duyên với đạo Phật

Ảnh: NVCC
Ảnh: NVCC

GN - Từ năm 2017, Trần Tuấn Việt (ảnh), một nhiếp ảnh gia trẻ nổi lên như một hiện tượng tại Việt Nam. Trong năm 2018, khoảng 1,2 triệu ảnh của hàng ngàn nhiếp ảnh gia được tải lên cộng đồng nhiếp ảnh Your Shot của National Geographic nên bất kỳ tác phẩm nào lọt vào top 70 ảnh đẹp nhất năm được xem là một niềm vinh dự lẫn tự hào.

Nhiếp ảnh gia 8X Trần Tuấn Việt (Hà Tĩnh) là tác giả Việt Nam có tác phẩm duy nhất lọt vào top 70. Tác phẩm ấy được anh đặt tên là Phật tử cầu nguyện (Buddhist Prayers).

Vượt qua 150.000 bức ảnh, năm 2017 Việt còn xuất sắc sở hữu bức ảnh “Làm hương” được lựa chọn in vào tạp chí National Geographic ấn bản tháng 6-2017. Bức ảnh này cũng là ảnh Việt Nam duy nhất được in vào sách nhiếp ảnh National Geographic với tên gọi “Spectacle”, xuất bản tháng 10-2018. Tính đến thời điểm này, anh đã có trong tay gần 30 bức ảnh đẹp nhất tại cộng đồng nhiếp ảnh National Geographic.

Nói về cảm xúc của mình khi thông tin trên, nhà nhiếp ảnh trẻ chia sẻ:

- Tôi rất vinh dự và tự hào khi có một hình ảnh của Việt Nam được lựa chọn vào top 70 hình ảnh của năm. Càng tự hào hơn khi đó là ảnh “Phật tử cầu nguyện” - như một cơ duyên của Việt với Phật giáo.

* Anh theo đuổi nhiếp ảnh từ khi nào? Tại sao anh lại theo đuổi công việc này khi trước đó từng làm sếp của một công ty chuyên về công nghệ?

- Tôi bắt đầu đến với nhiếp ảnh từ năm 2007. Trải qua 11 năm, nhiếp ảnh từ chỗ là một trong nhiều sở thích đã trở thành niềm đam mê duy nhất của tôi. Hiện tại, tôi vẫn duy trì công ty về công nghệ thông tin của mình, nhiếp ảnh vẫn đồng hành như là đam mê duy nhất của bản thân.

* Từ câu chuyện nghề nghiệp của mình, anh có suy nghĩ về chữ duyên của đạo Phật?

- Tôi tin vào thuyết Nhân duyên của Phật giáo. Nhiếp ảnh đến với Việt như một cái duyên, và cũng nhờ cái duyên mà mình có được rất nhiều thứ từ nhiếp ảnh. Cũng nhờ duyên mà ảnh “Làm hương” - một hình ảnh gắn liền với Việt Nam và đạo Phật được ghi nhận.

* Và cái duyên với nhiếp ảnh đã mang đến cho anh những gì?

- Nhiếp ảnh mang lại cho tôi nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất là niềm vui trong cuộc sống. Dù có nhiều thành quả vật chất đến với mình từ nhiếp ảnh, nhưng nhiếp ảnh chưa phải là một nghề nghiệp của Việt, nó vẫn chỉ là đam mê. Tôi cũng chỉ xem nó là đam mê để ảnh của mình không bị cuốn vào vòng xoáy của kim tiền.

Anh Phat tu cau nguyen.jpg
“Phật tử cầu nguyện” - top 70 ảnh đẹp nhất năm của National Geographic

* Anh có phải là Phật tử? Cảm xúc của anh khi chụp tác phẩm “Phật tử cầu nguyện” cũng như nhân duyên nào để anh chụp bức ảnh vào thời khắc đẹp đó?

- Tôi chưa phải là Phật tử. Tôi có nghiên cứu hầu hết các tôn giáo ở Việt Nam và thế giới. Và Phật giáo là tôn giáo gần gũi nhất với cá nhân tôi. Con trai của tôi được “bán khoán” tại chùa Linh Đường (Hà Nội) từ nhỏ, là một Phật tử mang pháp danh Mầu Khánh Nhật.

Tình cờ biết đến lễ hoa đăng ngày vía Quán Thế Âm Bồ-tát, tôi đã đến chùa Diên Quang (Bắc Ninh) từ trưa để tìm hiểu thêm. Rồi buổi chiều cùng ăn cơm chay với nhà chùa, buổi tối tôi cũng là người chụp ảnh cuối cùng rời khỏi chùa. Ảnh chụp được là khoảnh khắc hiếm hoi mà chỉ cá nhân tôi chụp ngày hôm đó, vào lúc cuối buổi lễ.

* Thật thú vị! Vậy anh có thường săn ảnh các sự kiện Phật giáo hay các danh thắng chùa chiền? Nếu có, anh cảm nhận như thế nào về những sinh hoạt chốn thiền môn, các di tích, kiến trúc của Phật giáo?

- Tôi rất quan tâm và thích chụp các sự kiện Phật giáo và danh thắng chùa chiền khắp Việt Nam. Bước vào chốn thiền môn, mình luôn cảm nhận được sự bình yên và thanh tịnh.

* Hồi nãy anh có nói mình là người quan tâm, yêu mến triết lý Phật giáo, con anh lại có duyên “gửi” cho nhà chùa, thế anh tâm đắc giá trị gì ở Phật giáo mang đến cho con người, nhất là người trẻ ngày nay?

- Có nhiều giá trị ở các triết lý Phật giáo mà tôi quan tâm và yêu thích. Từ đạo Phật, tôi học được cách làm người, sống lương thiện, bao dung và vị tha. Việt không thù hận ai, không bao giờ đả kích hay châm biếm ai. Cũng không bao giờ nóng giận với những người thù ghét mình.

* Được biết, anh cũng là một cộng tác viên của hãng ảnh Getty Images, anh có thể chia sẻ để có một bức ảnh đẹp cần phải có những điều kiện gì?

- Tôi có cơ duyên được hợp tác với nhiều thương hiệu lớn như Getty Images, National Geographic, Canon... mặc dù luôn thấy chưa hoàn toàn hài lòng với ảnh mình chụp. Cá nhân tôi nghĩ, một bức ảnh đẹp cần đạt được các yếu tố cơ bản về kỹ thuật như: ánh sáng, bố cục, tương phản, màu sắc, độ nét, góc chụp... cùng với giá trị cao nhất là nội dung bức ảnh cần truyền tải.

Anh tac pham LAM HUONG.jpg
Bức ảnh “Làm hương” được lựa chọn in vào tạp chí National Geographic ấn bản tháng 6-2017

* Nếu có lời khuyên cho một người trẻ yêu thích chụp hình, anh dành những gạch đầu dòng nào cho họ?

- Nắm vững kỹ thuật, sáng tạo trong cách thể hiện và truyền tải những thông điệp hay.

* Năm 2019, anh có ấp ủ kế hoạch nào hay sẽ tiếp tục công việc nhiếp ảnh của mình ra sao?

- Tôi chưa có kế hoạch nào cụ thể trong năm 2019. Chỉ hy vọng có thêm nhiều bức ảnh đẹp và hay để chia sẻ cùng mọi người. “Vạn sự tùy duyên” vậy.

* Cảm ơn anh, chúc mừng anh về tác phẩm lọt vào top 70 vừa rồi và chúc anh năm mới mọi điều tốt đẹp!

Nói về lý do chọn bức ảnh Phật tử cầu nguyện của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt, biên tập viên David Y. Lee phụ trách mục Your Shot của National Geographic viết: “Đầu tiên, tôi cảm ơn Việt vì đã viết chú thích, giải thích chi tiết về nội dung ảnh tôi đang xem. Tôi thực sự đánh giá cao tác phẩm ảnh này.

Tôi thích tìm hiểu kiến thức, nét văn hóa mới, đặc biệt là khi được truyền cảm hứng qua một bức ảnh đẹp như thế. Khung ảnh rộng cho thấy được động tác chắp tay cầu nguyện đồng loạt của hàng trăm Phật tử. Một bức ảnh quá tuyệt vời. Tác nghiệp tốt lắm Việt”.

Chúc Thiệu thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày