Trang Thế Hy & Quán bên đường

GN - Trước thời gian, kiếp người chỉ như những cái quán ven đường. Trang Thế Hy tình cờ ghé qua rồi lặng lẽ từ giã giữa khuya không đợi xuân về.

Nhớ tới người khách. Vào những năm 50 ở miền Nam phải nhớ đến tờ tuần báo Nhân Loại, sau đó là các tờ Sáng Tạo, tạp chí Văn, Bách Khoa. Tuần báo Nhân Loại còn nhớ quy tụ những cây viết Văn Phụng Mỹ tức Trang Thế Hy, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Vũ Anh Khanh, Đông Hồ, Dương Trữ La, chữ nghĩa chất phác mộc mạc.

VH trang the hy (1).jpg


Nhà văn Trang Thế Hy - người hiền Nam bộ

Truyện ngắn Nắng đẹp miền quê ngoại tác giả Văn Phụng Mỹ, nội cái tên truyện, tên tác giả cũng đủ thấy nó hiền. Thật ra nết văn chương ấy phù hợp với tính cách, tạng của người miền Nam. Trông phóng khoáng, bặm trợn mà lại hiền thể hiện qua văn thơ, qua 6 câu vọng cổ, nhạc boléro.

Bài thơ Đắng và ngọt của Trang Thế Hy được Phạm Duy phổ nhạc đổi tên thành Quán bên đường được Thái Thanh, Quỳnh Giao, sao này là Khánh Ly, Ý Lan hát. Chẳng phải nhờ tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh mà bài thơ nổi tiếng, mà chính bài thơ để mọi người nhớ mãi về ông. Nếu như cải lương có vở Nửa đời hương phấn mua được nước mắt khán giả mọi thời, thì Quán bên đường đã làm bạn đọc xúc động trước đôi bạn thời thơ ấu chia nhau củ khoai sùng lượm mót.

Chiến tranh xa nhau tình cờ một chiều mưa họ gặp nhau trong quán lá ven đường, ngỡ ngàng thấy một người bẹo hình bẹo dạng bán bia ôm, một kẻ thì lấy cây viết làm cái cần câu cơm. Hai thân phận có gì giống nhau. Buồn hay vui. Câu trả lời hãy hỏi cuộc đời. Qua bài thơ ta hiểu tâm hồn của một con người. Qua bài thơ ta có thể hiểu vì sao ông viết rất ít so với mọi người, mặc dù ông được xã hội công nhận là nhà văn lớn, phải khẳng định vậy.

Ngoài Bắc có ông Kim Lân, trong Nam có Trang Thế Hy, dù viết ít nhưng những truyện ngắn của ông như Mưa ấm, Về nhà trước cơn mưa, Nợ nước mắt, Người bào chế thuốc giảm đau, Vết thương thứ 13… sống mãi theo thời gian, đọc lại vẫn nghe ray rứt lòng.

Trang Thế Hy được người ta nhắc đến vì trang viết của ông vừa có văn vừa có tính tư tưởng nằm trong những câu văn hiền lành để người đọc phải suy nghĩ. Văn chương ông một mực không a dua chạy theo thời đại. Nhất là thái độ sống, đức độ của ông thể hiện qua câu nói “Đi chỗ khác chơi”, được mọi người phong cho là “người hiền Nam Bộ”.

Khác với mọi nhà văn hay đi đó đây, có người còn đi đến địa phương đòi hỏi này nọ; Trang Thế Hy thì không, hầu như ông không đi đâu, lúc trẻ cũng vậy mà chỉ ngồi nhà nhìn vào lòng mình rồi nhìn ra - trông vời thế giới cánh chim bay - thơ của một thiền sư mà tôi đã quên tên. Giống như Phật dạy nghiệm thế gian qua lòng mình. Đức Phật còn nói - một trong những việc khó ở đời là được gặp những người hiền. Vì những người này thường chọn đời sống ẩn dật nên phải đi tìm họ.

Nhà văn Trang Thế Hy là một người như vậy. Sự lặng lẽ có sức thu hút đến mức những người có máu lân tài. Nhà thơ  Hữu Thỉnh vốn là đại biểu không nói chi. Tô Hoàng, Triệu Từ Truyền ở thành phố cũng thường xuống Bến Tre thăm ông. Nhà văn Ngô Thảo từ Hà Nội xa xôi nhiều lần tìm về Bến Tre gặp Trang Thế Hy chuyện trò.

Riêng tôi những lần cùng với Ngô Thảo, Nguyễn Ngọc Tư đi thăm ông, nhận xét ông thường nghe nhiều hơn nói. Ít nói nhưng rất tinh tế, hiểu biết sâu rộng thâm trầm, ai viết gì ông biết hết. Ông đọc rất kỹ các tay viết trẻ mới xuất hiện và chỉ ra ngay điểm mạnh điểm yếu của nó, nghe ông phải tâm phục khẩu phục.

Có lần tôi đùa sao chú lại đi lấy tên Văn Phụng Mỹ, Trang Thế Hy nghe rất sến, cải lương. Thật ra hai biệt danh nói lên ông là người theo trường phái duy mỹ, thờ cái đẹp. Ông hiểu ý cười hà hà, miệng móm mém không có chiếc răng nào, nói “thôi mày”. Và có một lần tôi hỗn hào: làm nhà văn nổi tiếng mà viết ít như không thấy viết. Ông không trả lời, để rồi khi ra về tôi được ông cho 2 trái bưởi và nhớ mãi ông nói hiền lành như một công án - lúc nào cũng viết, không viết đâu có nghĩa là không viết chú em.

Vĩnh biệt chú Tư Sâm. Trang Thế Hy. “Gate, gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi, svaha”.

Ngô Khắc Tài

Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1924, quê quán ở Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làm cán bộ văn hóa thông tin, tuyên huấn; từng bị địch bắt giam năm 1962.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông về sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh hơn 15 năm, về hưu năm 1992, rồi “đi chỗ khác chơi” - ẩn cư tại quê hương Bến Tre.

Nhà văn Trang Thế Hy còn có các bút danh khác: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn, Minh Phẩm. Ông là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu của văn chương Nam Bộ nửa sau thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; và hiện là Chủ tịch danh dự Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre.

Nhà văn Trang Thế Hy đã từ trần vào lúc 0g50 ngày 8-12-2015 tại Bến Tre và được an táng tại quê nhà.

 Tác phẩm đã xuất bản: Nắng đẹp miền quê ngoại (truyện ngắn, 1964); Mưa ấm (tập truyện ngắn, 1981); Người yêu và mùa thu (truyện ngắn, 1981); Vết thương thứ mười ba (tập truyện, 1989); Tiếng khóc và tiếng hát (truyện ngắn, 1993); Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (tập truyện ngắn, 2000)...; Đắng và ngọt (tập thơ, 2009).

Giải thưởng văn học: Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam (1960-1965) cho truyện ngắn Anh Thơm râu rồng; Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát; Tặng thưởng loại A của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2001cho tập truyện Nợ nước mắt...

 Quan niệm văn học:

- “Tôi nghe đó (từ câu chuyện của chị bán thuốc lá) là lời răn dạy rất nghiêm có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”.

(Theo nhavantphcm.com.vn)

Đắng và ngọt

Ngày xưa hồi còn thơ

Một chiều nắng đẹp khoe màu tơ

Tôi cùng em hai đứa

Thơ thẩn ngồi chơi trên ngạch cửa.

Tóc em chừa bánh bèo

Môi chưa hồng, da mét: (con nhà nghèo!)

Đầu tôi còn hớt trọc

Khét nắng hôi trâu, thèm đi học

Em cầm một củ khoai

Cạp vỏ bằng răng rồi chia hai

Thứ khoai sùng lượm mót

Mà sao nó ngọt thôi là ngọt.

Bây giờ giữa đường đời

Kỷ niệm ngày xưa mù khơi

Gặp nhau chiều mưa lạnh

Hai đứa đều sang trong bộ cánh

Dung nhan em còn tươi

Anh mừng tưởng đâu đời em vui.

Dè đâu đây là quán

Em bẹo hình hài rao lên bán!

Đang thời đông khách mua

Chợ thịt còn sung được vài mùa.

Nghe nói anh cầm viết

Nghệ thuật là gì em muốn biết.

- “Mùi hôi nói mùi thơm

Cây bút cầm tay: cần câu cơm

Đó em ơi! Nghệ thuật:

Nhắm mắt quay lưng chào sự thật”.

Rồi đôi ta nhìn nhau

Không có ai đánh mà lòng đau

Em mời ăn bánh ngọt

Nhắc củ khoai sùng mình lượm mót

Đường bánh tươm vàng mơ

Như nắng chiều xưa khoe màu tơ

Mới cầm tay chưa cắn

Mà sao nó đắng thôi là đắng!

Xin anh một nụ cười

- Cười là sao nhỉ? Quên rồi!

Xin em chút nước mắt

- Mạch lệ em từ lâu đã tắt!

Hỏi nhau: buồn hay vui?

- Biết đâu? Ta cùng hỏi cuộc đời.

TRANG THẾ HY

 _____________

* Bài thơ này đăng trên tuần báo Vui Sống Sài Gòn năm 1959 với bút hiệu Minh Phẩm và nhan đề Cuộc đời. Nhan đề này do tòa soạn Vui Sống đặt.

* Bài thơ này cũng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, ca khúc “Quán bên đường”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày