Tránh gây xung đột, suy diễn cảm tính trong thuyết giảng

GNO - Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM khóa IX (Ban Hoằng pháp TP) với 54 thành viên, là Ban có số nhân sự nhiều nhất trong 12 ban chuyên môn thuộc GHPGVN TP. Chia sẻ với PV Giác Ngộ, TT.Thích Nhật Hỷ, Trưởng ban Hoằng pháp TP cho biết:

- Ban Hoằng pháp TP với số lượng các thành viên nhiều hơn so với các ban khác. Do tính chất đặc thù của ngành hoằng pháp, cần nhiều nhân sự để có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các đạo tràng trên địa bàn thành phố.

nhathy.JPG

TT.Thích Nhật Hỷ

Ở nhiệm kỳ này, Ban Hoằng pháp TP liên kết với các quận, huyện nên các Trưởng ban Hoằng pháp 24 quận, huyện đều là Ủy viên hay Ủy viên Thường trực của Ban. Kế hoạch của Ban Hoằng pháp TP không phải bây giờ mới bắt đầu, mà đã có sự tiếp nối từ nền tảng, thành tựu hoạt động từ nhiệm kỳ trước. Hiện tại, Ban đã có kế hoạch sinh hoạt trong năm 2018, với những chủ đề thuyết giảng phù hợp với tình hình thực tế và các đại lễ truyền thống của Phật giáo, dân tộc như: xuân Di Lặc, Phật đản, Vu lan và những ngày vía của chư Phật, Bồ-tát… vẫn là những đề tài được lên khung sẵn. Bên cạnh đó, Ban Hoằng pháp TP cũng sẽ đưa những nội dung xã hội đang quan tâm, hay xử lý những đề tài nổi cộm trong đời sống thông qua giáo lý nhà Phật.

Mùa An cư kiết hạ PL.2562, Ban Hoằng pháp TP cũng sẽ gởi những nội dung cần thảo luận đến các trường hạ tập trung trên địa bàn thành phố, tổ chức thực tập diễn giảng tại các trường hạ tập trung. Thông qua việc này, Ban Hoằng pháp TP sẽ tìm kiếm những nhân tố mới có năng khiếu về diễn giảng, để giới thiệu tham gia học tập ở các lớp trung cấp hoặc cao đẳng giảng sư…

Hiện nay, ở TP.HCM có một số giảng đường lớn, được duy trì hàng tuần, thu hút quần chúng Phật tử đông, Ban Hoằng pháp TP có kế hoạch cụ thể gì để việc hoằng pháp tại những nơi đó đạt hiệu quả?

- Không phải bây giờ, từ khi ngành hoằng pháp phát triển, những giảng đường tập trung Phật tử với số lượng lớn như: chùa Phổ Quang, Ấn Quang, Xá Lợi hay Việt Nam Quốc Tự sau này, vẫn do chư tôn đức trưởng thượng, có kinh nghiệm trong ngành hoằng pháp đảm trách chủ giảng, còn các thành viên trong Ban Hoằng pháp chỉ phụ giảng, để vừa học hỏi kinh nghiệm vừa nâng cao kỹ năng thuyết giảng, việc này là cần thiết của một người làm công tác chuyên môn về hoằng pháp. Ở đây, chúng tôi cũng lên chương trình và thỉnh ý nội dung của chư tôn đức giảng chính, để có những bài thuyết giảng phù hợp với trình độ của Phật tử ở mỗi giảng đường lớn như vậy. Nhưng hiện nay, chư tôn đức trưởng thượng cũng đang dần chuyển giao cho thế hệ kế thừa, tiếp tục sứ mạng hoằng pháp ở những nơi đó.

Toàn thành phố hiện có 108 cơ sở tự viện thường xuyên sinh hoạt Phật pháp và 30 đạo tràng thuộc Ban Hoằng pháp chịu trách nhiệm giảng dạy chính. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều đạo tràng lớn nhưng hình thức sinh hoạt mang tính nội bộ như các chùa: Hoằng Pháp, Giác Ngộ, tu viện Tường Vân… chúng tôi được biết những vị quản lý trực tiếp ở các tự viện đó cũng tham gia vào Ban Hoằng pháp T.Ư. Vì vậy, kế hoạch sinh hoạt và chương trình Phật sự ở những nơi đó, tuy không đồng bộ với Ban Hoằng pháp TP nhưng cũng tạo được uy tín lớn và thu hút Phật tử các nơi về tu tập đông. Ban Hoằng pháp TP đang liên hệ, để nắm bắt về nội dung sinh hoạt hoằng pháp, các hoạt động về tổ chức thuyết giảng tại các tự viện này. Qua đó, Ban Hoằng pháp TP sẽ tổng hợp và báo cáo về tình hình tu học ở các đạo tràng trên địa bàn thành phố một cách toàn diện cho chư tôn đức lãnh đạo BTS GHPGVN TP.

Hiện nay, một số tự viện thuộc Phật giáo các huyện vùng ven phản ánh, việc thỉnh những vị giảng sư về thuyết giảng tại các đạo tràng vùng ven gặp khó khăn, Thượng tọa nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Theo chúng tôi biết, việc hoằng pháp tại các quận, huyện xưa nay đều do Ban Hoằng pháp thuộc Phật giáo các quận huyện phụ trách. Nếu quận, huyện nào thiếu nhân sự thì sẽ liên hệ để mời chư tôn đức trong Ban Hoằng pháp TP đến thuyết giảng. Một số tự viện muốn mời các vị giảng sư danh tiếng, thông qua mối quan hệ cá nhân thì việc này Ban Hoằng pháp TP không nắm rõ. Nhưng, để Phật sự tại các địa phương được thực hiện một cách đồng bộ và có sự quản lý của các cấp Giáo hội, chúng tôi nghĩ, các tự viện có nhu cầu thỉnh giảng sư về thuyết giảng nên thông qua Ban Hoằng pháp TP tại địa phương. Để từ đó, việc quản lý về nhân sự cũng như nội dung thuyết giảng được đảm bảo, tránh tình trạng nhiều tư tưởng thiếu sự thống nhất, dễ gây hoang mang trong quần chúng, Phật tử. Về nội dung thuyết giảng như: Những vấn đề về pháp môn tu tập, các quan điểm về Phật giáo cần phải dựa trên nền tảng của kinh, luật và luận; tránh những xung đột gây hiểu nhầm giữa các tôn giáo với nhau như thời gian qua có nhiều phương tiện thông tin đại chúng phản ánh. Vai trò của hoằng pháp viên, thì cần phải nắm rõ tư tưởng và mục tiêu được đặt ra của ngành, để khi thực hiện không đi quá xa mục đích đề ra.

Việc các tự viện ở các vùng ven, muốn liên hệ để thỉnh mời các thành viên của Ban Hoằng pháp thành phố đến thuyết giảng, chúng tôi luôn sẵn sàng. Để có sự đồng thuận và hòa hợp cùng nhau trong việc phát triển đạo pháp, các tự viện nên thông qua Ban Hoằng pháp tại địa phương khi muốn thỉnh mời các giảng sư từ nơi khác đến, cho dù vị đó với tư cách là thành viên Ban Hoằng pháp T.Ư hay các tỉnh, thành hoặc tại TP.

Thực tế hiện nay, Ban Hoằng pháp TP không thể quản lý được nội dung thuyết giảng của giảng sư, theo Thượng tọa làm thế nào để công tác hoằng dương Chánh pháp mà không bị lệch hướng theo sự suy diễn cá nhân, “mỗi người nói một nẻo” như thực tế đã xảy ra?

- Hiện nay, ngành hoằng pháp vẫn chưa có bộ phận kiểm soát, để thẩm tra về nội dung các băng, đĩa và chương trình thuyết giảng tại các đạo tràng của thành viên Ban Hoằng pháp từ Trung ương đến các tỉnh, thành. Riêng Ban Hoằng pháp TP, chúng tôi cố gắng nhắc nhở các thành viên tại mỗi kỳ họp nên bám sát nội dung kinh, luật và luận khi thuyết giảng. Bởi lẽ, ở thời nào thì hoằng pháp cũng phải dựa vào nền tảng của kinh, luật, luận. Bên cạnh đó, thành viên cũng cần nắm rõ tư tưởng của Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền, tránh những xung đột và gây chia rẽ khi thuyết giảng các nội dung trước quần chúng Phật tử. Các vấn đề liên quan tôn giáo bạn cũng nên thận trọng khi đề cập, về hình thức tổ chức, pháp môn hành trì mỗi tôn giáo, để tạo sự hòa hợp trong tinh thần phụng sự cho quê hương, đất nước.

Hầu hết, các thành viên của Ban Hoằng pháp TP được đào tạo trong môi trường chuyên ngành, nên ở một chừng mực nào đó, tôi nghĩ các thành viên luôn ý thức vai trò và trọng trách của mình đang thực hiện. Có một số vị ở các quận huyện cơ cấu vào Ban Hoằng pháp TP tuy không đúng chuyên ngành nhưng họ cũng có học vị tương đối cao, từ cử nhân Phật giáo trở lên. Do đó, ở chừng mực nào đó, về trình độ nhận thức Phật học cũng tương đối ổn, thêm năng khiếu cũng như sự kỳ vọng từ Phật giáo địa phương, tôi tin tưởng những vị này sẽ hoạt động tích cực, góp phần phát triển Phật giáo tại địa phương cũng như thành phố.

Đại lễ Phật đản PL.2562 này, Ban Hoằng pháp TP đã có kế hoạch gì trong việc phân bổ các giảng sư đến thuyết giảng tại lễ đài chính Việt Nam Quốc Tự và các lễ đài tập trung của 24 quận, huyện, thưa Thượng tọa?

- Ban Hoằng pháp TP đã có kế hoạch cho tuần lễ Phật đản tại lễ đài chính của Phật giáo thành phố - Việt Nam Quốc Tự, nội dung thuyết giảng xoay quanh chủ đề chính về kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh. Kế hoạch cụ thể, Ban Hoằng pháp TP phải trình Ban Thường trực BTS GHPGVN TP thông qua, và được triển khai ở phiên họp đầu tháng 4. Sau đó, Ban sẽ thỉnh mời chư tôn đức đảm trách các nội dung chia sẻ phù hợp. Riêng về lễ đài tập trung tại quận huyện và các tự viện vùng ven, nếu có nhu cầu thuyết giảng trong mùa Phật đản, Ban Hoằng pháp TP luôn sẵn sàng cử thành viên của giảng sư đoàn đến, phối hợp với Phật giáo địa phương, trên tinh thần hòa hợp vì Phật sự chung.

Quảng Hậu thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày