Mong Giáo hội chấn chỉnh những giảng sư nói sai kinh điển

Mong Giáo hội chấn chỉnh những giảng sư nói sai kinh điển
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Tôi đi nghe pháp, có thầy giảng: “Không có thượng đế và các thần linh, không có cõi trời, địa ngục. Kinh điển ghi có các cõi trời và địa ngục là những kinh điển hình thành ở thời kỳ sau. Phật không nói về cõi trời và địa ngục mà do người sau thêm vào”.

Tôi nghĩ: Không có một thượng đế sáng tạo thế giới và có quyền ban phước giáng họa, nhưng có các vị trời do tu tập phước báo mà thành. Do nghiệp của chúng sinh tức tùy theo chánh báo mà có y báo tương ứng. Khi tạo ác nghiệp chắc chắn nghiệp cảm sinh ra cảnh giới địa ngục, và khi tạo nhiều thiện nghiệp sẽ chiêu cảm ra cảnh giới thiên đường.

Xin quý Báo giúp tôi hiểu rõ về các nghi vấn trên.

(DIỆU TÂM, minhquyen07...@yahoo.com.vn)

Bạn Diệu Tâm thân mến!

Đúng là kinh Phật (tạng Pali, Sanskrit) phủ nhận đấng thượng đế toàn năng, có quyền ban phúc giáng họa cho con người. Tuy vậy, ngay trong Kinh tạng Pali (tạng kinh nguyên thủy nhất), đấng thượng đế của Bà-la-môn giáo (Đại Phạm thiên) và chư thiên, chư thần, ngạ quỷ, địa ngục được đề cập nhiều lần, xuất hiện với tần suất cao, có thể nói là bàng bạc trong kinh Phật.

Các thuyết minh về cõi trời và địa ngục được kiết tập, lưu giữ trong kinh tạng Pali đã hơn 2.000 năm. Vậy luận điểm ‘Phật không nói về cõi trời và địa ngục mà do người sau thêm vào” hiện nay, nếu có, cũng chỉ là tồn nghi của giới nghiên cứu Phật học chuyên sâu. Do đó, vị giảng sư cần phải cực kỳ thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nói ra, nhất là trong môi trường có tính phổ thông, đại chúng.

Về mặt nghiên cứu khoa học, chúng ta tôn trọng những phát hiện cùng các tồn nghi về Phật học của chư vị học giả. Những nghiên cứu này khi công bố ra cần phải được Phật giáo thế giới thảo luận, thẩm định và thuận chuẩn mới được phổ biến. Nếu chưa, thì các nghiên cứu ấy chỉ có giá trị tham khảo trong giới học thuật mà thôi. Vị giảng sư không thể tùy tiện đưa ra những quan điểm đi ngược với kinh pháp hiện hành, gây ra sự hoang mang cho những người sơ học.

Đức Phật đã từng xác chứng, giáo pháp của Ngài đúng với sự thật trong đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, nói cách khác là chân lý xuyên suốt trong toàn bộ giáo pháp của Ngài. Đức Phật đã nói về tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) và lục đạo của dục giới (trời, người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục). Đức Phật đã nói về nhân quả-nghiệp báo, tức tùy theo nghiệp nhân thiện hay ác mà luân hồi vào cảnh giới tốt đẹp hay khổ đau. Chúng sinh vô lượng, tạo nghiệp vô số thì có nhiều cảnh giới để tương ưng là chuyện bình thường.

Điều đáng nói là những gì chúng ta không thấy biết không có nghĩa là không có. Đức Phật đã từng tuyên bố những gì Như Lai nói như lá trên tay, những gì Như Lai biết như lá trong rừng. Chúng ta khi chưa giác ngộ chỉ biết thế giới qua thức mà không có trí để thấu rõ chân lý và vạn pháp như Đức Phật nên không thể đem cái chưa biết của mình đọc kinh rồi quy kết cho là Phật không nói.

Thiết nghĩ, Giáo hội cần hết sức đặc biệt quan tâm đến vấn đề này để kịp thời chấn chỉnh, thậm chí có thể sử dụng biện pháp chế tài các giảng sư đã có những phát biểu như trên để tránh gây sự hoang mang, nghi ngờ về giáo pháp cho hàng Phật tử.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày