Trị liệu bệnh khổ

GN - Trong nghi thức cầu an của một số truyền thống Phật giáo hiện nay, đọc tụng Bảy giác ý (Thất giác chi) được ứng dụng phổ biến. Truyền thống này bắt nguồn từ sự thân chứng của Thế Tôn, các vị Thánh đại đệ tử và được duy trì cho đến ngày nay. Tỳ-kheo Quân-đầu được lành bệnh nhờ đọc tụng Bảy giác ý là một điển hình.

pds.jpg
Đức Phật Dược Sư

“Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Tỳ-kheo Quân-đầu mắc bệnh nặng nằm trên giường không thể tự cử động. Tỳ-kheo liền nghĩ rằng: ‘Hôm nay, Như Lai Thế Tôn chẳng thấy rủ lòng lân mẫn, ta mang bệnh nặng, chẳng nhận được thuốc men. Ta lại nghe Thế Tôn nói rằng: ‘Nếu một người chưa được độ, Ta chẳng bỏ họ’. Mà nay ta thấy Thế Tôn bỏ sót ta, còn gì khổ hơn nữa!’.

Bấy giờ, Thế Tôn dùng thiên nhĩ nghe Tỳ-kheo Quân-đầu trách móc như thế, liền bảo các Tỳ-kheo:

- Các thầy hãy tụ tập đến chỗ Tỳ-kheo Quân-đầu hỏi thăm bệnh ông ta.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Xin vâng, Thế Tôn!

Thế Tôn dẫn chúng Tỳ-kheo từ từ đến phòng Tỳ-kheo Quân-đầu. Tỳ-kheo Quân-đầu xa thấy Thế Tôn đến, liền gieo mình xuống đất. Khi ấy, Thế Tôn bảo Quân-đầu rằng:

- Nay thầy mang bệnh nặng, chẳng nên xuống giường. Ta tự có chỗ ngồi.

Thế Tôn bảo Quân-đầu:

- Bệnh thầy tăng hay giảm, hay không tăng giảm? Có thể nghe Ta dạy được không?

Tỳ-kheo Quân-đầu bạch Phật:

- Hôm nay, đệ tử bệnh rất nặng, chỉ có tăng chứ không giảm, không được đầy đủ thuốc men.

Thế Tôn hỏi:

- Ai săn sóc bệnh cho thầy?

Quân-đầu bạch:

- Các vị Phạm hạnh có đến thăm bệnh con.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Quân-đầu:

- Nay thầy có thể nói Bảy giác ý cho Ta nghe chăng?

Quân-đầu liền nêu tên Bảy giác ý ba lần:

- Nay con có thể thuyết pháp Bảy giác ý trước Như Lai được.

Thế Tôn nói:

- Nếu có thể thuyết cho Như Lai thì hãy thuyết đi!

Khi ấy, Tỳ-kheo Quân-đầu bạch Phật:

- Bảy giác ý. Những gì là bảy? Nghĩa là niệm giác ý, pháp giác ý, tinh tấn giác ý, hỷ giác ý, khinh an giác ý, định giác ý, hộ xả giác ý. Bạch Thế Tôn, có Bảy giác ý chính là đây.

Tỳ-kheo Quân-đầu nói xong liền lành bệnh, không còn các khổ não. Quân-đầu bạch Thế Tôn:

- Bình đựng thuốc chính là pháp Bảy giác ý này. Con muốn nói thuốc không gì hơn Bảy giác ý này. Nay con tư duy Bảy giác ý này, các bệnh đều được lành.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Các thầy thọ trì pháp Bảy giác ý này, khéo nghĩ nhớ tụng đọc; chớ có hồ nghi đối với Phật, Pháp, Tăng. Chúng sanh có bệnh sẽ được lành. Vì cớ sao? Bảy giác ý này rất khó hiểu hết. Nếu hiểu rồi, tất cả các pháp đều liễu tri cả, chiếu sáng tất cả các pháp, cũng như thuốc hay trị liệu tất cả các bệnh. Ví như cam lồ, ăn không biết chán. Nếu không được Bảy giác ý này thì chúng sanh lưu chuyển sanh tử. Các Tỳ-kheo! Hãy cầu phương tiện tu Bảy giác ý. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 39, Đẳng pháp [trích],
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.566)

Dù chúng ta tin theo lời Phật và truyền thống, mỗi khi đau ốm đều tụng Bảy giác ý (Thất giác chi) để cầu an, nhưng hiện thực cho thấy rằng, không phải người bệnh nào khi được nghe hay tụng đọc Bảy giác ý đều khỏi bệnh.

Nếu hiểu Bảy giác ý này như là hộ chú, thần chú với năng lực siêu nhiên có thể giải trừ tất cả bệnh khổ thì chắc chắn sẽ gây ra không ít thất vọng. Kinh văn cho thấy không chỉ đọc hay nghe suông mà cần “thọ trì, khéo nghĩ nhớ tụng đọc và hiểu” về Bảy giác ý. Chỉ khi nào “hiểu (Bảy giác ý) rồi, tất cả các pháp đều liễu tri cả, chiếu sáng tất cả các pháp, cũng như thuốc hay trị liệu tất cả các bệnh”.

Nói cách khác là cần sống với Bảy giác ý, thân chứng Bảy giác ý, tức thành tựu “niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả” thì mọi tật bệnh, phiền não được tiêu trừ, thân tâm an lạc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày