Triều Nguyên: Thư họa chữ Việt có nguy cơ lụi tàn

Bạn đọc và người xem đài cả nước không còn lạ với các gương mặt nghệ sĩ Quảng Nam tại TP.HCM như: Phan Huỳnh Điểu, Vũ Đức Sao Biển, Trần Quế Sơn (nhạc sĩ), Nhật Minh (diễn viên điện ảnh), Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Ánh Tuyết (ca sĩ), Ngọc Sang, Thúy Vinh (nghệ sĩ diễn ngâm), Phạm Văn Hạng, Trần Hoài (họa sĩ), Tường Linh, Sơn Thu (nhà thơ), Nhật Ánh, Vũ Hạnh (nhà văn) Nguyễn Thiên Chương, Bùi Hiến (thư bút), nhưng sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến “vua” thư họa chữ Việt-Triều Nguyên.

Lần nào đến thăm Triều  Nguyên tôi cũng mê mẩn ngắm các bức thư  họa của anh. Ngoài vẻ đẹp của hồn chữ Việt còn có niềm luyến tiếc một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo từng có một thời đăng quang rực rỡ thì nay đang có nguy cơ lụi tàn, vì các “vua” của bộ môn này “sắp thoái vị” do quá già mà chưa có người kế thừa. Triều Nguyên thuộc “tuýp” người đa năng, sở trường 4 lĩnh vực: thư họa-hội họa, thư bút-thơ mà không qua trường lớp. Mới đây anh còn được bạn đọc, các Tăng Ni Phật tử biết đến là tác giả của “Thi lược lời Kinh Pháp Cú” (NXB Văn Nghệ 2009), phỏng dịch từ nguyên tác “387 câu Kinh Pháp Cú” của cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu bằng thể thơ lục bát.

trieunguyen-1.gif

Thư họa “A Di Đà Phật”

Anh quê Đại Lộc, Quảng Nam . Là Phật tử thuần thành lúc 34 tuổi, ăn chay trường 17 năm. Nhờ đức tính sùng đạo, sớm tiếp nhận đạo pháp và nhờ năng khiếu “trời cho trò chơi” nghệ thuật, lập nên tên tuổi, lấp lánh chữ Tâm trong cách thể hiện nghệ phẩm, trong giao tiếp chân tình, rất gần gũi chứ không hề nghĩ “chơi không đem lại cái lợi, không chơi!”.

Triều Nguyên là cây cọ thư họa Quảng Nam duy nhất còn sót lại ở TP.HCM. Theo anh, thư họa xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, du nhập vào Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ. Anh được một nghệ sĩ vô danh truyền thừa, và do đam mê anh trở thành người thầy của chính mình. Tính khái niệm và tính sáng tạo dựa trên bố cục nhập tâm, Triều Nguyên phối hợp tinh tế giữa sự chắc chắn và sự phóng túng thường thấy ở người nghệ sĩ để đưa vào nghệ phẩm thư họa hình ảnh chim, bướm, tre trúc, long phụng uốn lượn cực kỳ linh hoạt, sống động như mây bay nước chảy.

Ở bức "A Di Đà Phật”, Triều Nguyên nghiên cứu kỹ thuật viết một chữ sao cho đúng phong cách thư họa và được tăng cường do nhập định và lòng tin bằng các nét mảnh lờ mờ và nhanh, những đường cong thuận nghịch chiều kim đồng hồ, những “khoảng trống bay bổng” được chế ngự tài tình như không hề dụng công, cứ để các con chữ tự do tung tăng bay nhảy trên trang giấy, nhưng không vì thế mà thấy sự yếu kém hay bất cân đối. Xét về mặt bố cục, từ chữ A đầu đến chữ Phật cuối, Triều Nguyên ít sử dụng nét đậm nhưng giàu màu sắc, và mức phức tạp cứ tăng dần nhờ động tác xòe cọ (một loại cọ chẻ chuyên dùng giống như răng lược) để quay nhẹ nửa vòng, tạo sự uyển chuyển như lưu thủy ở đôi long phụng, và kết thúc bằng cách ngắt nhẹ tưởng như đơn điệu ở chữ i, a, t trước khi nhấc cọ lên khỏi mặt giấy, chuẩn bị cho nét tiếp theo. Việc biểu hiện cá tính trong các nghệ phẩm thư họa của Triều Nguyên vẫn tiếp tục gây cảm hứng và làm say đắm nhiều người vốn yêu thích loại hình nghệ thuật này. Tiếc rằng, thư họa chữ Việt ngày càng hiếm và có nguy cơ thất truyền.

Không chỉ phát tiết ở thư họa mà còn tài hoa ở hội họa. Ở bức "Bồ Đề Đạt Ma quá giang”, ta thấy chiếc áo choàng của vị Tổ sư được kéo lên làm mũ trùm đầu, chỉ để lộ vầng trán hói và gồ lên, còn đôi mắt mở lớn và cái miệng lộ hẳn nhờ khung nền màu đen của bộ râu, của cặp lông mày như hai thanh kiếm vắt ngang, kéo dài ra gần mang tai. Những nét nhấn mạnh màu đen thu hút sự chú ý tới cái miệng và ở đôi mắt với cái nhìn đăm đắm về phía trước. Trong khi những đường gấp, dợn sóng của chiếc áo thanh mảnh, mềm mại, bay bổng, tương phản với đường cong mạnh mẽ và dày ở khuôn mặt, tạo hiệu ứng sống động không chỉ với nhân vật mà cả khoảng không xung quanh. Triều Nguyên còn  khéo léo sử dụng kỹ thuật thư bút đưa vào bức họa “một cây gậy” bằng đường sổ ngang vắt qua vai nhân vật, trông nhẹ hẫng, mặc dù đang quảy chiếc giày và hồ lô. Cách thể hiện biểu tượng một Lão Hòa thượng mạnh mẽ đi qua sông bằng xâu chuỗi hạt vừa kỳ tích, vừa huyền bí khiến người ta không cảm thấy sức nặng và sự cân bằng nơi nhân vật ngay cả khi vị Tổ sư đứng trên chuỗi hạt, và gió thổi mạnh để qua sông.

triuennguyen-2.gif

Triều Nguyên đang thực hiện  một tác phẩm thư bút Việt

Triều Nguyên còn là cây cọ xuất sắc ở lĩnh vực thư bút Việt. Toàn bộ nghệ phẩm của anh, ngoài việc tham dự triển lãm ở Hội hoa Đà Lạt, Hội An, Đà Nẵng, TP.HCM, anh còn “trưng bày” ở nhà của bạn bè, tới đâu cũng thấy bóng dáng Triều Nguyên. Nếu làm một phép so sánh về mặt ổn định, mỹ cảm, và vẻ mạnh mẽ thì phong cách biểu đạt của Triều Nguyên hoàn toàn khác biệt với các cây cọ khác. Thế nhưng với anh, tâm huyết vẫn là thơ. 32 bài thơ trong Bay đi hạt cát (NXB VHSG, 2007) là chuỗi kết nối giữa thơ truyền thống và phá cách, rất riêng về mặt trí tuệ và biểu cảm. Tâm đắc hơn, Thi lược lời Kinh Pháp Cú, ngay khi sách phát hành, lập tức được nhà chùa và Phật tử đón nhận vì tính chính xác của bản dịch, tính truyền cảm của thơ lục bát, và trên hết là anh đã giàu công nhiều năm nghiên cứu 10 bộ Kinh Pháp Cu của nhiều tác giả khác nhau để chọn dịch 1/10 bộ. Dưới đây là một câu kinh Pháp Cú được Triều Nguyên dịch bằng thơ: Ngôi nhà che chắn kỷ cương/Ngại chi nắng lửa mưa sương lọt vào/Tu thường tỉnh giác khôn nao/Chân tâm hồ dễ nhiễm trào dục tham (Nguyên tác - Nhà khéo lợp kín ắt không bị mưa dột; cũng vậy, người tâm khéo tu ắt không bị tham dục lọt vào).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày