Trọn đời nước mắt chảy xuôi

Giác Ngộ- Trong chuyến cùng đoàn từ thiện đến chia sẻ với bà con nghèo khó khăn, đến thăm nhà cụ Trần Thị Đạt (bà Năm), số nhà 200, ấp 5, tổ 7, xã Thới Lai, huyện Bình Đại (Bến Tre), đoàn từ thiện chạnh lòng thương không sao tả xiết khi được cụ cầm tay dẫn đi xem căn nhà của mình.

Nhà thì trống trơn, chênh vênh từ trong ra ngoài, chỉ có mỗi cái giường khập khiễn và hai cái lu sành là tài sản. Con cháu tổng cộng có đến tám người. Một con gái ruột, một con rể, năm cháu ngoại và hai cháu cố vậy mà ai cũng hất hủi, chỉ có duy nhất đứa cháu cố thương cụ.

IMG_3083.JPG

Bà Trần Thị Đạt- Ảnh: Hạnh Ý

Bà Năm Duy, hàng xóm thân tình với cụ kể: Thấy bà thương lắm. Con gái bà ở cạnh nhà mà có ngó ngàng gì tới mẹ đâu. Bà nuôi nó lớn, nó lấy chồng xong hất hủi bà. Bà làm thuê nuôi con, nuôi cháu cho đã rồi đến già đói không có tiền ăn, bệnh không có tiền chữa. Tội nhất lúc bà Năm bệnh, bà xin tiền con gái mua thuốc uống.  Nó kêu bà bán cho nó cái giường lành lặn lấy tiền mà uống thuốc chứ nó không có tiền dư mà cho. Bà kêu nó trả một trăm rưỡi, mà nó bớt  còn một trăm. Thấy bà Năm lấy trăm ngàn mà tui đứt ruột. Tui biết bà đau lắm mà không nói thành lời thôi”.

Có lẽ, bị xoáy vào nỗi đau từ ngày này qua ngày khác nên ánh mắt cụ luôn đượm buồn, vì vậy mà khi hỏi đến con, cháu là giọt nước mắt người mẹ ấy rơi trong nghẹn ngào. Thấy cụ giơ đôi bàn tay đầy vết chai sạn lên gạt những giọt nước mắt chảy dài trên đôi gò má khẳn khiu, cảm giác tôi sao nặng nề quá. Bởi biết rằng người mẹ ấy gánh trên mình nỗi đau gần như ngoài sức chịu đựng. Đã đi gần hết cuộc đời rồi còn gì, vậy mà có giây phút nào được thảnh thơi đâu.

Ngày xưa còn làm thuê cắt cỏ bờ, đi mót lúa được thì còn kiếm được cơm ăn. Còn giờ 77 tuổi, già yếu bệnh tật liên miên, mắt một con đã mù, con còn lại thì đang mờ dần nên đi còn khó khăn lấy đâu làm mướn.

Có khi nhiều ngày liền, cụ không có gì trong bụng, đói quá cụ qua nhà hàng xóm xin ăn. Chị Chín Hằng kể: “Những lúc đói, bà sang nhà, mình xúc cho bà tô cơm là bà ăn hết. Vậy mà khi nói với con gái bà, con gái bà còn nói lại là kêu bả chết đi. Sống chi chật đất, khổ thân. Nghe thấy vậy, nghĩ đến bà Năm  mà thương bà vô cùng”.

Ai cũng biết, có khi đêm về, lúc hàng xóm và những người thân mình đã ngủ say, cụ lại cay đắng khóc một mình. Người mẹ ấy chỉ biết tủi thân nhưng không dám oán trách con cháu một lời. Có lẽ đối với cụ, được nhìn thấy con được đầy đủ, được mạnh khoẻ là niềm an ủi, hạnh phúc nhất. Vậy mà con cháu mẹ, chưa một lần hiểu.

Chính vì vậy mà cái khao khát đơn sơ cuối đời: Ước muốn được con nuôi dưỡng, báo hiếu dù một ngày thôi, được con bưng cho ly nước hay cho ăn bữa cơm lúc sắp lìa đời mẹ cũng đã mãn nguyện”. Với người khác thì ước muốn đó tưởng chừng như đơn giản vậy mà với người mẹ ấy, cái khao khát đó sao mà mong manh quá.

Bước ra về trong buổi tặng quà cho bà Năm hoàn tất, không hiểu sao lòng tôi lại day dứt khó tả, chân bước nặng trĩu và ám ảnh mãi câu nói của chị hàng xóm: “Chị có cho quà bà Năm thì cho tận tay hay gửi nhà hàng xóm mỗi bữa đem qua cho bà. Chứ chị cho nhiều là con gái, cháu ruột của bà qua lấy hết thôi. Những lần trước nó chở bà Năm  đi lãnh quà từ thiện, về nó lấy sạch của bà  hết. Đường, sữa lấy hết chỉ để lại cho bà Năm  hai, ba gói mì. Tụi nó lâu lâu còn qua xem bà Năm có ai cho gì không, có là chúng nó lôi về hết”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày