1
Thử click vào trang báo Giác Ngộ online (giacngo.vn) ngay lúc này chắc chắn bạn đọc sẽ tìm thấy muôn mặt của sinh hoạt Kính mừng Phật đản. Những chùm ảnh được góp nhặt trên khắp năm châu, hễ nơi nào có bóng dáng Tăng đoàn, có Phật tử thì nơi ấy người con Phật lại xưng tán, lễ kính Như Lai - bậc khai sáng những giá trị đạo đức cao thượng, giúp con người có con đường thoát khỏi khổ đau.
Lồng đèn mùa Phật Đản 2011
Lê góc nhìn từ thế giới đến Việt Nam và cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần hướng về Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni của người Phật tử Việt Nam cũng không kém phần trang trọng, hân hoan. Từ miền ngược tới miền xuôi, từ thành thị tới nông thôn, những nghi lễ truyền thống đều được kế thừa và thực hiện một cách trang nghiêm. Trang điện tử của Giác Ngộ mở ra, chào đón tin bài và ngay trong ngày 8-4 (âm lịch), ngày khai hội Đản sinh chúng tôi đã nhận được rất nhiều hình ảnh, tin bài. Điều đó cho thấy sức hút và tính tương tác trong đời sống hiện đại, khi mà thế giới mở ra, cánh cửa hội nhập cũng như việc truyền thông đa phương tiện bắt đầu len lỏi vào đời sống thì việc thể hiện lòng tôn kính Phật cũng được truyền đi một cách nhanh chóng, mang lại nhiều giá trị.
Những cờ, hoa, xe diễu hành chào đón sự kiện quan trọng của Phật giáo - mừng Đức Phật đản sinh ở đâu cũng có. Thôn quê thì làm theo cách của chân chất cộng đồng, thành thị thì làm theo cách của thành thị - hiện đại và đa dạng, nhưng tâm lượng thì giống nhau: đều là tấm lòng, là sự hân hoan, vui mừng… trước sự kiện trọng đại của Phật giáo. Đó là Đại lễ Phật đản. Đấy cũng là cách tri ân và báo ân, một hạnh lành không chỉ của Tăng Ni, Phật tử mà nếu là người thì ai cũng cần có.
2
Tuy nhiên, có đôi khi, đôi chỗ việc thể hiện niềm vui trên tinh thần báo ân Phật, xưng tán Như Lai cũng gặp đôi điều khó khăn. Thiết nghĩ, nguyên nhân của sự khó khăn đó là do những hiểu lầm, hoặc truyền thông bị cản trở. Hiểu lầm vì chưa hiểu trúng hạnh nguyện cao cả của Như Lai và cả việc báo ân Phật của hàng đệ tử Ngài. Hiểu lầm và lo sợ còn vì có những hoạt động tôn giáo đã bị những mưu đồ khác chen vào, làm cho nội dung tốt đẹp, cao thượng bị ảnh hưởng. Việc hoạt động tôn giáo, trong đó có việc truyền giáo, việc tổ chức các nghi lễ tôn giáo là việc làm bình thường, cần được tôn trọng một cách tuyệt đối, vì đó là hoạt động thiêng liêng, mang tính cộng đồng, với niềm tin chân chánh. Song, như đã nói, khi hoạt động ấy bị giới hạn bởi những nỗi sợ hãi, bởi sự đề phòng những mặt trái len lỏi vào là điều gây nên những nỗi buồn không đáng có.
Để Phật đản có niềm vui trọn vẹn Lễ Phật đản vào tháng Tư âm lịch hàng năm là ngày hội của Phật tử trên khắp năm châu. Song, để niềm vui ấy thật sự trọn vẹn thì cần phải được sự đồng lòng trên tinh thần sống đúng Chánh pháp. Mừng Đức Phật đản sinh người con Phật phát tâm làm từ thiện để nuôi lớn lòng từ. Mừng Đức Phật đản sinh, người con Phật thể hiện niềm kính ngưỡng và hạnh biết ơn bằng cách treo cờ, kết đèn hoa… thì có gì là không đúng? Những điều giản đơn ấy nếu bị đặt vào một góc nhìn như lãng phí, như ảnh hưởng chính trị hoặc những luận điệu nào khác đều là sự ngụy biện mang tính sợ sệt, thiếu hiểu biết, áp đặt. Khi người ta sợ hãi, khi người ta chưa hiểu hoặc không chịu hiểu những giá trị cao đẹp và hành động thuần khiết của người con Phật thì họ sẽ cấm, sẽ can thiệp… Sự can thiệp bằng cách cấm đoán bao giờ cũng làm cho niềm vui không trọn vẹn. Do vậy, để niềm vui Phật đản trọn vẹn thì hoạt động tôn giáo cần được tôn trọng, tôn trọng trên tinh thần hiểu và thương! Ngộ Không |
Một bạn đọc gửi thư về Giác Ngộ cho rằng: “Hoạt động tôn giáo của một tổ chức thống nhất, có tư cách pháp nhân như Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải được tạo điều kiện, cổ xúy để đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng cao”. Một bạn đọc khác thì bức xúc: “Có đôi chỗ, vì chính quyền địa phương quản lý yếu, kiểm soát không nổi những thành phần bất hảo nên đã dùng biện pháp cấm hoặc hạn chế hoạt động tôn giáo, kể cả việc thể hiện lòng tôn kính Phật, hướng về Đức Thế Tôn giữa mùa Đản sanh. Điều đó thật đáng buồn!”.
Nêu lên những ý kiến ấy của bạn đọc không phải là không có căn cứ khi mà mới đây trên diễn đàn mạng và cả dư luận trong giới Phật giáo có sự vụ: Ban Đại diện Phật giáo huyện Hóc Môn (TP.HCM) làm tờ trình gửi lên Ban Trị sự THPG TP.HCM, trình bày việc có khó khăn trong việc tổ chức xe hoa, diễu hành nhân Đại lễ Kính mừng Đản sinh, Phật lịch 2555…
Sự việc tuy đã được lắng dịu, do sự truyền thông, giải thích, lắng nghe giữa các bên cùng với tiếng nói của công luận nhưng câu hỏi đặt ra là, ở những vùng sâu, xa, nhỡ xảy ra hiểu lầm và khó khăn như việc của Phật giáo huyện Hóc Môn thì sẽ thế nào?
Qua sự việc lần này từ vụ việc cụ thể của huyện Hóc Môn cũng cho thấy một điều là sinh hoạt Phật giáo cần sự nhất thống. Chúng ta là một tổ chức Phật giáo thống nhất, sinh hoạt ở đất nước thống nhất, với căn bản Hiến pháp tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, người Phật tử làm các hoạt động Phật sự đúng theo tinh thần lời Phật dạy, vì lợi ích số đông, vì hạnh phúc của chúng sinh mà làm. Nếu chúng ta làm đúng, làm trúng, có cơ sở pháp lý (pháp Phật, pháp luật) thì cứ tự tin thực hiện, trong đó có cả sự thuyết phục, giải thích, đấu tranh cho lẽ phải, cho công bằng…
Tránh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược! Hiện nay, một số địa phương vẫn chưa nắm vững tinh thần thông thoáng đối với tôn giáo, vì thế vẫn thường xảy ra lắm nhiêu khê. Ngay thời điểm Vesak 2008 được Việt Nam đăng cai, tổ chức tại Hà Nội, thế mà một tỉnh cận biên Hà Nội như Hải Dương (Thôn Tràng) cũng không dễ khi làm lễ đài và treo cờ. Chắc chắn một số địa phương vùng xa vùng sâu cũng không tránh khỏi những trở ngại khi tổ chức lễ nghi tôn giáo như thế. Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ban Trị sự và Văn phòng Trung ương GHPGVN cần kết hợp tổ chức hội nghị liên tịch để các cấp cơ sở nắm vững chủ trương và chính sách hiện nay, tránh kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Minh Mẫn |