GN - Một ngày nọ, tôi bắt gặp câu hỏi đầy thú vị lẫn thi vị đó trong lúc đọc cuốn Chuyện trò của giáo sư Cao Huy Thuần.
Tôn tượng Ngài Bồ-tát Địa Tạng ở chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam)
Giữa khi một góc nhỏ trên “lốc” lịch tường chỉ mới chuyển dần đến tiết tháng Bảy, đem chuyện mùa xuân ra nói ở đây liệu có quá lạc điệu không? Thắc mắc này hẳn sẽ nảy ra trong suy nghĩ của một số người đọc. Thắc mắc ấy chính đáng chứ. Khi mà trời đất chưa dứt ra nổi cái bí bức của mùa hè, khi viễn cảnh những cơn mưa dầm dề, sắc mây mù hắt hiu, ảm đạm sắp sửa bày ra trước mắt, làm sao có thể mơ màng nổi đến cái nắng nhẹ ấm áp, khí hậu êm dịu của buổi giao hòa. Nhưng nếu suy cho kỹ, thì mùa xuân đâu chỉ là… mùa xuân. Mùa xuân đâu phải hạn lượng trong ý nghĩa của riêng một danh từ chỉ mùa màng, thời tiết.
Khi cõi trần bước sang xuân, ấy là lúc vạn vật tươi tốt hơn, tâm hồn người cũng trẻ ra, mới lại bội phần. Thế nên, từ xưa đến giờ, người đời nhắc đến mùa xuân, còn có ý chỉ những gì phơi phới, đẹp đẽ, đủ sức gây nên sự phấn chấn cho mọi tâm hồn, như độ tuổi đẹp nhất của một đời người được gọi là tuổi xuân vậy. Trong nghĩa lý đó, nếu ta ví tình thương như mùa xuân thì cũng chẳng sai là mấy. Có cái gì đủ sức xoa dịu khổ đau, thù hận bằng tình thương? Có điều chi làm ấm áp lại được một tâm hồn đầy thương tích như tình thương?
Địa ngục thì ngược lại: lạnh lẽo, hoang vu và khổ sở. Trong kinh Phật, địa ngục được diễn tả với trăm ngàn nỗi khiếp đảm, là chốn giam hãm, đọa đày chỉ dành cho kẻ nào gây nên ác nghiệp, tội lỗi. Tội nào thì hình nấy, chẳng thể trốn chạy hay xin xỏ được.
Những vạc dầu sôi, cột đồng cháy, sông lửa, rừng gươm,… khiến người ta dù chỉ nghe hay đọc qua thôi cũng đủ rùng mình khiếp sợ, huống hồ là những vong hồn phải đọa lạc vào đó. Trong địa ngục không có tình thương, không có sự khoan thứ, chỉ có tiếng than khóc, giày vò, chỉ có thống khổ mà thôi. Mà đã không có tình thương, thì làm gì có thể có mùa xuân trong địa ngục!
Đạo lý của tình thương
Đạo Phật luôn luôn lấy tình thương làm gốc rễ, làm điều kiện cho mọi ý nghĩ, lời nói và hành động. Người Phật tử lúc nào cũng được nhắc nhở rằng phải lấy bốn tâm vô lượng làm kim chỉ đường cho ứng xử của bản thân. Chỉ khi đủ bốn đức từ, bi, hỷ và xả, ta mới có tình thương đúng nghĩa. Thiếu đi một trong bốn đức tính ấy, tình thương sẽ không còn trọn vẹn.
Cũng vì đề cao tình thương, nên kể từ khi du nhập vào Việt Nam, giáo lý Phật-đà đã thấm nhuần trong cách ứng xử, tinh thần và văn hóa của mọi người dân xứ sở này. “Làm việc gì cũng phải nghĩ đến cái tình” hay “hết tình thì còn nghĩa”, ông bà cha mẹ nào lại không từng dạy dỗ, nhắc nhở cháu con những đạo lý đó. Có lẽ chỗ gặp nhau lớn nhất giữa đạo Phật và tinh thần của người dân Việt chính là lấy tình thương làm đầu. Trong thực tế, nếp sống tinh thần ấy hiện thân thành những biểu trưng văn hóa cụ thể. “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, ngôi chùa trong câu tục ngữ được lưu truyền bao đời ấy gắn liền với cái làng, để trở thành chỉnh thể văn hóa đặc biệt nhất của dân tộc ta. Càng ngược về Bắc, chỉnh thể ấy lại càng hiện lên sống động và rõ ràng hơn nữa. Trong ngôi làng cổ và danh tiếng nào trên khắp vùng đồng bằng sông Hồng lại chẳng có một ngôi chùa?
Ở những ngôi chùa xứ Bắc, ngự uy nghi đôi bên tả hữu tòa thượng điện là hai ban thờ đức Thánh Hiền và đức Chúa Ông, lối thờ ấy có lẽ chỉ tìm thấy được tại Việt Nam. Đức Chúa Ông là cách mà người dân Việt thuở xưa dành để gọi trưởng giả Cấp Cô Độc, người giàu lòng yêu thương, san sẻ của cải để giúp cơm ăn áo mặc hết thảy kẻ khó nghèo trên đời.
Còn đức Thánh Hiền, chẳng ai xa lạ, chính là Tôn giả A-nan, thị giả của Đức Phật, người đã vì nhân duyên nhập định thấy Tiêu Diện đại sĩ, vâng lời Phật dạy mà đặt bày phép thí thực, cứu vớt cho những vong hồn thống khổ, đói khát. Tìm đến chùa, người ta nương tựa nơi đức Chúa Ông để tìm sự bình an cho cõi dương, cho sự “sinh”, còn đức Thánh Hiền lại là bậc đoái thương cho cõi âm, cho sự “tử”.
Nhưng ở nơi sự “tử”, dường như người Việt lại đặt nếp nghĩ cho một điều gì rộng lớn hơn, vượt ra ngoài cái giới hạn cá nhân “của mình”, thuộc về mình. Người ta hướng lòng không chỉ riêng đến những người thân thuộc quá vãng, mà còn cho những phần số bất hạnh mạng vong vì nạn tai khôn lường của cuộc dời đổi, đeo mang nỗi bất bình, oan kết chẳng thể tiêu tan. Tượng đức Thánh Hiền bao giờ cũng được tạc trong tư thế tay nâng bát nước tịnh - thứ nước có công năng làm mát dịu oán hờn. Những phần lễ cúng cô hồn, đàn tràng độ vong với nén hương, mâm áo, miếng cháo lá đa bày la liệt khắp nơi nơi mỗi tiết tháng Bảy cũng xuất phát từ sự thương tình cho những kẻ khổ nạn vô hình lẩn khuất khắp bụi bờ. Bát nước dành riêng để chữa lành rách nát trong tâm, mâm thí thực mong làm dịu bao lòng đang cơn đói khát, chính bằng những điều như vậy, tình thương cứ âm thầm len lỏi khắp muôn nơi.
Xuân trong địa ngục
Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật!
Có lời thệ nguyện nào lớn lao hơn lời nguyện của Bồ-tát Địa Tạng. Thành Phật, đó là cứu cánh cao tột của những người tu Phật và học Phật. Thế Tôn từng dạy rằng mỗi chúng sinh đều mang trong mình hạt giống của sự giác ngộ. Sự tu học là để làm lớn lên hạt giống giác ngộ ấy, để tự nâng mình lên chỗ cao thắng của một vị Phật tương lai. Nhưng Bồ-tát Địa Tạng lại thề chẳng thành Phật. Đó chẳng phải là vì Ngài không mong cầu đi đến cái đích cuối cùng của Phật đạo, mà vì Ngài còn phải hướng về một điều lớn lao hơn nữa.
Ngài thề chẳng thành Phật, khi địa ngục còn chưa sạch không. Địa ngục sạch không nghĩa là không còn ai phải chịu thống khổ, không còn tiếng khóc than, không còn tội lỗi oán hờn, không còn mảy may thảm khốc, tàn bạo. Đại nguyện ấy biểu hiện cho tình thương của một vị Bồ-tát. Ngài Địa Tạng mang theo tất cả, và bước chân vào địa ngục để cứu độ chúng sinh trôi lăn ở chốn ấy.
Sự xuất hiện của Bồ-tát Địa Tạng trong địa ngục làm sống dậy hy vọng rằng dẫu cho phải hứng chịu khổ đau cùng tận người ta vẫn có cơ hội thấy được nẻo thoát hay ở nơi tận cùng tăm tối vẫn có thể tìm thấy ánh sáng dẫn lối. Và lắm khi, nếu chẳng có khổ đau, chẳng có địa ngục, sẽ không có chất liệu nào để vun bồi cho tâm chí cao cả và tình thương. Đại nguyện của Địa Tạng Bồ-tát trở nên hùng tráng, vĩ đại hơn biết bao lần bởi đại nguyện ấy đặt vào một nơi mà chẳng ai muốn bước chân đến, ai nghe cũng kinh sợ, hay ai ở trong rồi cũng muốn mau mau lìa bỏ.
Địa Tạng Bồ-tát cũng mang tâm lìa bỏ, nhưng Ngài lìa bỏ sự an vui, tịch tĩnh cho riêng mình. Ngài chọn lấy địa ngục làm không gian hành hóa. Bằng đại nguyện của mình, Bồ-tát Địa Tạng đã gieo xuống hầm lửa hạt mầm của mùa xuân, nảy xanh cây tình thương mà chở che cảnh đời khổ lụy. Cũng từ bát nước tịnh trên tay đức Thánh Hiền, những giọt từ bi đã rưới xuống, rửa trôi tủi hờn nơi bao kẻ thác oan, để họ thôi quẩn quanh trong kiếp phiêu bạt nơi đầu cây ngọn cỏ.
Và ta hãy cứ tin rằng, khi tình thương chân thật còn tồn tại trong nhân gian, rồi vẫn sẽ có lúc mùa xuân nở bừng trong địa ngục.