Trông người, nghĩ lại mình

Giác Ngộ - Thời gian này đi đâu cũng nghe chuyện nước Nhật bị thảm họa sóng thần, các lò hạt nhân nguyên tử mất sự kiểm soát an toàn, đã phát nổ, chất phóng xạ rò rỉ, là nỗi lo không chỉ của nước Nhật mà của cả thế giới bởi sức ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài của loại năng lượng này.

Trong một cuộc trò chuyện với Hòa thượng Yoshimizu Daichi, người Nhật tại tòa soạn Giác Ngộ hôm 22-3 vừa qua, Hòa thượng đã kể lại những hiện tượng kinh hoàng mà người ở tuổi cổ lai hy như Hoà thượng mới chứng kiến lần đầu tiên. Trước mức độ phá hủy của trận động đất gần 9 độ richter cùng với sự cuồng nộ của sóng thần cao khoảng 10m, bằng chừng độ cao của căn nhà 3 tầng, mọi thứ trở nên phù du và mong manh.

hinh 2.jpg

Người Nhật giữa đống đỗ nát

Trong thảm họa ấy, cả thế giới hướng về Nhật Bản, nhìn những hình ảnh cập nhật về hiện trạng ở các tỉnh ảnh hưởng nặng nhất thiên tai vừa qua với sự lo lắng, thông cảm, nhưng người Nhật sau nỗi bàng hoàng, đã giữ được sự bình tĩnh lạ thường. Dường như người Nhật đã học cách để chấp nhận thực tại, dù nó có tệ hại như thế nào, từ đó, họ có được ý thức cộng đồng, ít nghĩ về mình, một thái độ sống khiến cả thế giới thán phục.

“Tính cách Nhật Bản”, “Giá trị Nhật Bản”… là cách để người ta gọi tên cho lối ứng xử cao đẹp của người Nhật Bản trong thảm họa vừa qua.

Có nhiều cách lý giải về thái độ sống đẹp đó, trong số này, quý độc giả sẽ được nghe chính người Nhật, Hòa thượng Yoshimizu Daichi nói do đâu mà họ đã có được tính cách đó, tại sao họ có thể ứng xử như thế, trong một câu chuyện đầy chia sẻ với GN trong Câu chuyện trong tuần ở số này.

Trồng cây là chuyện mười năm, trồng người là chuyện của trăm năm. Xây dựng hệ thống giá trị văn hoá làm chuẩn mực trong ứng xử là chuyện của ngàn năm. Những giá trị trong văn hóa ứng xử của người Nhật đã được rèn luyện qua nhiều thế hệ, với sự tự ý thức để tồn tại có ý nghĩa, sống có ý nghĩa, sống đẹp; để có thể thưởng thức đời sống, thưởng thức cái đẹp; và được bảo hộ, khuyến khích bởi chính sách ổn định gắn với mục tiêu thừa kế, tưới tẩm và tô bồi cho những giá trị đó.

Trông người mà ngẫm đến ta. Chúng ta là một quốc gia mà Phật giáo đã du nhập rất sớm, rất lâu trước Nhật Bản. Lịch sử chúng ta ghi nhận có những giai đoạn đất nước phát triển, thịnh trị, không có nạn trộm cắp, đời sống lành mạnh, giàu sự an ổn, trên dưới một lòng dựng xây nền thái bình.

Vì cớ nào mà những thành quả ấy không được thừa kế, phát huy, tưới tẩm và tô bồi như nước Nhật? Vì đâu mà đời sống xã hội hôm nay cái xấu có thể lộng hành, nhiều giá trị sống đẹp không có chỗ đứng hoặc rất chênh vênh đang cố tìm chỗ bám trụ một cách khó khăn bởi những hoài nghi ảnh hưởng kiểu suy nghĩ thực dụng? Vì sao…, vô số câu hỏi được đặt ra, nếu nghĩ lại mình. Mỗi câu hỏi như thế ẩn chứa nhiều sự xót xa mà ai có lương tâm, hay những ai muốn nuôi dạy học trò, nuôi dạy đệ tử, con cái nên người đều tự vấn.

Văn hóa Việt

Nam

có nhiều điều tương đồng với văn hóa Nhật Bản, một dân tộc ảnh hưởng Phật giáo lâu đời và biết nhớ ơn tiền nhân, theo nhận xét của Hòa thượng Yoshimizu Daichi. Chúng ta thán phục tinh thần, tính cách, giá trị văn hóa của nước Nhật. Người Nhật lại nhận ra ở chúng ta những tương đồng. Điều còn lại là của chúng ta, làm thế nào để những tương đồng ấy trở nên những giá trị sống, sinh động, được tôn vinh trong xã hội Việt

Nam

, có thể trong một thời gian dài nữa. Khoảng thời gian dài đó có thể là hơn 10 năm, năm mươi năm… tùy thuộc vào sự tự ý thức để bắt đầu. Bởi như đã nói, “trồng người” là việc của trăm năm, một sự nghiệp lâu dài.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày