GNO - Người dân ở một ngôi làng Campuchia đã tổ chức một buổi lễ theo nghi thức Phật giáo hôm 18-8 qua, nhằm tìm kiếm bức tượng Phật mà tổ tiên của họ cho biết đã được chôn giấu tại một lòng sông gần đó.
Người dân làm lễ bên sông Tonle Sap
Các nhà sư đã tham gia cùng với khoảng 500 dân làng trong buổi lễ bên bờ sông Tonle Sap, nơi mà các thợ lặn đã tìm được 8 bức tượng Phật nhỏ và nói rằng họ phát hiện ra một bức tượng khác cao khoảng 2 mét. Vẫn còn nhiều bức tượng bị chôn vùi dưới 20 mét nước của dòng sông.
Những người tổ chức buổi lễ cho biết những câu chuyện truyền miệng của tổ tiên dân làng đã nói về những bức tượng bị chôn vùi trong lòng sông hàng trăm năm trước để giấu những kẻ cướp bóc từ Xiêm và các khu vực khác hoặc lân cận.
"Không chỉ có tôi, mà nhiều dân làng khác đã được tổ tiên kể lại rằng những bức tượng đã được chôn giấu vài trăm năm trước dưới lòng sông - đối diện với nơi mà chúng tôi tổ chức buổi lễ", Sieng Chan Heng, một trong những người tổ chức cho biết.
Bà nói rằng các thợ lặn tháng trước đã trục vớt được 2 bức tượng nhỏ từ lòng sông, họ còn phát hiện ra một bức lớn hơn, nhưng không thể đưa lên được. Bà giải thích rằng một số dân làng tin rằng họ đã không thể đưa bức tượng lên được bởi vì họ đã không tổ chức các buổi lễ tôn giáo thích hợp - có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo - một sự biểu hiện phản ánh ảnh hưởng văn hóa đa dạng tại Campuchia.
"Đó là lý do tại sao hôm nay chúng tôi làm lễ này và hy vọng rằng các vị thần nước và đất kiểm soát bức tượng sẽ thông cảm cho chúng tôi và ban cho chúng tôi tìm thấy tất cả những bức tượng bị chôn vùi", bà nói.
Hòa thượng Duong Phong, người chủ trì buổi lễ, nói thêm 6 bức tượng nữa đã được trục vớt vào ngày thứ Năm tuần trước, và rằng các thợ lặn cũng tìm thấy các đồ vật bằng đất sét được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày được cho là cùng thời đại của những bức tượng. Tất cả các hiện vật đang được lưu giữ tại ngôi chùa, và đội lặn khoảng một chục người sẽ nối lại việc tìm kiếm vào ngày thứ Sáu.
Ngôi làng, cách Phnom Penh 40 km về phía bắc, nằm trong một khu vực mà các nhà sử học gọi là Longvek, thủ đô của Campuchia cổ xưa sau khi Xiêm phế bỏ Angkor vào thế kỷ thứ 15. Các bức tượng được cho là có niên đại từ thời vương quốc Longvek.
Không phải là chuyện bất thường khi các hiện vật có giá trị hoặc thiêng liêng được cất giấu trong thời gian khủng hoảng, một thực tế vẫn còn tiếp tục ngay cả trong những năm 1970, khi Khmer Đỏ cai trị Campuchia. Tin đồn về các hiện vật bị chôn giấu có giá trị đôi khi dẫn đến các vụ săn lùng kho báu điên cuồng.
Văn Công Hưng
(theo Associated Press)