NSGN - Trung tâm Dhammakaya, gọi đầy đủ là Dhammakaya Meditation Center (DMC), vốn là một ngôi chùa nhỏ do Ni sư Khun Yay thành lập vào năm 1970, tại Klong Song, huyện Khlong Luang, tỉnh Patumthani, vương quốc Thái Lan. Ni sư Khun Yay là vị đệ tử xuất sắc của ngài Phra Monkolthepmuni - một bậc chân sư đã làm sống lại pháp môn Dhammakaya (Pháp thân).
Dưới sự dẫn dắt của Ni sư Khun Yay, pháp môn Dhammakaya ngày càng phát triển mạnh, số lượng hành giả tu tập ngày càng đông, ngôi chùa Phra Dhammakaya nhỏ bé do Ni sư thành lập lúc ban đầu không còn đủ không gian để cho nhiều người đến tu học. Trước tình hình đó, nữ Phật tử Prayat Phaetayapongsa đã hiến cúng 32 hecta (80 mẫu Anh) đất nằm gần với chùa Phra Dhammakaya lúc bấy giờ. Nhờ vậy mà chùa Phra Dhammakaya đã mở rộng và phát triển dần, trở thành một trung tâm thiền học quốc tế.
Trong số những đệ tử của Ni sư Khun Yay có hai người xuất chúng, đó là Tỳ kheo Dhammajayo và Tỳ kheo Dattajivo. Hai vị này đã hỗ trợ đắc lực cho Ni sư trong việc giảng dạy và điều hành hoạt động của trung tâm. Trung tâm càng mở rộng thì chư Tăng Ni và Phật tử về tu tập ngày càng đông, có lúc lên đến vài ngàn người thường trú để tu học. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của pháp môn Dhammakaya, vào năm 1985, diện tích của trung tâm được mở rộng lên đến 400 hecta (1.000 mẫu Anh).
Dưới sự lãnh đạo tinh thần của Ni sư Khun Yay và sự điều hành, chỉ đạo trực tiếp của sư Dhammajayo, các công trình kiến trúc nguy nga, đồ sộ lần lượt được xây dựng. Phải kể đến đầu tiên đó là ngôi đại tháp Dhammakaya, biểu tượng của nền hòa bình thế giới được thiết lập thông qua sự an bình của nội tâm. Ngôi đại tháp được xây dựng theo hình mái vòm. Vòm tròn trên đỉnh tháp được gắn 300.000 tượng Phật, và mái vòm vòng quanh tháp được gắn 700.000 tượng Phật, tổng cộng là 1.000.000 (một triệu) tượng Phật được gắn xung quanh ngôi tháp. Các tượng Phật ấy được làm bằng hợp chất đồng - silicon đặc biệt nhằm tăng độ bền và sức chịu đựng. Mỗi pho tượng Phật có kích thước cao 15cm, rộng 15cm, riêng cái bệ có bán kính là 18cm, thuần một màu vàng óng ánh. Theo tính toán của các kiến trúc sư, cấu trúc của ngôi đại tháp có tuổi thọ khoảng 1.000 năm, riêng các pho tượng Phật thì có tuổi thọ lên đến 5.000 năm. Tổng thể cấu trúc của ngôi đại tháp gồm có 4 phần: phần thứ 1 là vòm tròn trên đỉnh tháp với 300.000 tượng Phật được gắn xung quanh, tượng trưng cho Phật bảo; phần thứ 2 là mái vòm xung quanh, có gắn 700.000 tượng Phật, tượng trưng cho Pháp bảo; phần thứ 3 là khu vực khoảng trống bao quanh ngôi tháp, dành cho chư Tăng ngồi khi dự lễ, tượng trưng cho Tăng bảo; và phần thứ 4 là khu vực dành cho cư sĩ ngồi dự lễ, bao quanh phía ngoài khu Tăng bảo. Khu vực thứ tư này có không gian rất rộng lớn, đủ chỗ cho hơn 1.000.000 (một triệu) người ngồi dự lễ trong cùng một lúc. Ngôi đại tháp được hoàn thành vào cuối năm 1999.
Công trình tiếp theo là Hội trường Dhammakaya, nằm đối diện với ngôi đại tháp. Hội trường được thiết kế theo kiểu đa năng. Đấy là một tòa nhà 2 tầng, phù hợp cho việc tọa thiền, giảng pháp hoặc các hoạt động tôn giáo, các hội nghị, các chương trình tu học,... Hội trường này có sức chức hơn 150.000 người. Công trình này được hoàn tất vào năm 1997.
Trai đường Khun Yay cũng là một công trình kiến trúc vĩ đại, được xây dựng theo lối kiến trúc mái vòm tròn theo kiểu của ngôi đại tháp Dhammakaya. Trai đường này đủ chỗ cho khoảng 6.000 vị tu sĩ ngồi thọ trai. Hiện tại thì mỗi ngày, tín đồ Phật tử đến trung tâm để cúng dường thực phẩm bữa điểm tâm và ngọ trai cho hơn 1.200 vị tăng sĩ đang tu học và hoằng pháp tại trung tâm.
Bên cạnh đó, trong quần thể của Trung tâm Dhammakaya còn có các công trình quan trọng khác, đó là: điện Phật, tháp tưởng niệm Đại sư Phra Monkolthepmuni, và khu vực văn phòng, thiền phòng, tăng xá. Không vĩ đại như các công trình khác, ngôi chánh điện Dhammakaya được xây dựng theo cấu trúc hình cánh buồm, xinh xắn nằm giữa khoảng đất rộng, xung quanh là rừng cây xanh bao bọc. Ngôi điện Phật này dùng để cho chư tăng ni và tín đồ Phật tử vào lễ Phật, tọa thiền và cầu nguyện hằng ngày. Công trình này hoàn thành vào năm 1981.
Trong khi Trung tâm Dhammakaya ngày một phát triển lớn mạnh, trở thành một trung tâm tu học mang tầm quốc tế, thì vào ngày 10/9/2000, Ni sư Khun Yay đã an nhiên thị tịch. Chư tăng và tín chúng đã tổ chức tang lễ của Ni sư vô cùng trọng thể và đã dựng nhà tưởng niệm Ni sư ngay trong khuôn viên của trung tâm, hoàn thành vào năm 2003.
Sau khi Ni sư Khun Ray qua đời, Sư Dhammajayo trở thành người lãnh đạo chủ chốt của trung tâm. Để đẩy mạnh việc truyền bá pháp môn Dhammakaya và phát triển các hoạt động giáo dục, các chương trình phúc lợi xã hội. Sư Dhammajayo đã chính thức thành lập Hiệp hội Dhammakaya. Trụ sở chính của hiệp hội đặt tại Trung tâm Dhammakaya, và có nhiều văn phóng đại diện tại 28 quốc gia trên thế giới, như là: Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Thụy Sỉ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore,...
Quan điểm chính của hiệp hội là thiết lập nền hòa bình trên thế giới thông qua sự an bình của nội tâm mỗi người. Chính vì vậy, hội chú trọng vào việc tổ chức giảng dạy và thực tập thiền cho mọi người. Để thực hiện chương trình này, Hiệp hội Dhammakaya đã thành lập các trung tâm thiền tập tại nhưng nơi khác nhau ở Thái Lan. Gần Trung tâm Dhammakaya cũng có một khu vực dành riêng cho việc tổ chức các khóa tu thiền cho hành giả trong nước cũng như quốc tế tham gia, gồm có các khóa thiền cơ bản và nâng cao theo những khoảng thời gian nhất định. Khu vực dành cho việc tổ chức các khóa tu thiền được xây dựng trong một không gian thoáng đãng, yên tĩnh, hài hòa với thiên nhiên. Khu vực này được gọi là POP House (Power Of Peace House - Căn nhà ‘Sức mạnh của sự bình an’). Ở các trung tâm thiền tập ấy, mỗi tháng đều tổ chức ít nhất là một khóa tu 7 ngày, bên cạnh đó còn có các khóa tu 3 ngày hoặc 1 ngày. Thỉnh thoảng có những khóa tu thiền kéo dài 1 tháng. Thiền sinh đến tham dự các khóa tu có cả người Thái lẫn người ngoại quốc. Riêng trong khuôn viên của Trung tâm Dhammakaya cũng có nhiều gian phòng, nhiều khu vực dành cho việc thực tập thiền. Tất cả các trung tâm tu thiền và các thiền phòng đều được thiết kế và xây dựng rất đặc biệt, phù hợp và trợ duyên rất nhiều cho nếp sống tâm linh. Nhờ vậy mà khi bước vào thiền phòng, hoặc là đi vào các trung tâm thiền, bạn sẽ có được cảm giác của sự bình an, thanh thản, cảm thấy như đã rủ bỏ được những phiền muộn, những lo âu của cuộc sống đời thường.
Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy giáo lý và hướng dẫn tu tập cho tín đồ, hành giả ở trong nước cũng như quốc tế, để tổ chức các hoạt động, các khóa tu mang tính quốc tế, tất cả các vị tu sĩ đang tu học và hành đạo tại Trung tâm Dhammakaya đều được đào tạo, huấn luyện rất kỹ lưỡng, chuyên sâu về Phật học, về các pháp tu và cả về Anh ngữ.
Bên cạnh việc chú trọng vào chương trình giảng dạy và tổ chức các khóa tu thiền, Hiệp hội Dhammakaya còn tổ chức hoạt động nghiên cứu kinh điển, đào tạo nhân tài cho Phật giáo, giáo dục thanh thiếu niên, tổ chức các hoạt động phúc lợi xã hội, như là cứu trợ người dân bị thiên tai, cứu trợ người nghèo, người bệnh, vận động người dân không hút thuốc lá, bỏ rượu bia, dẹp bỏ các tụ điểm liên quan đến tứ đổ tường, vận động bảo vệ môi trường,...
Vào năm 2002, Hiệp hội Dhammakaya đã xây dựng kênh truyền hình DMC (Dhammakaya Meditation Center). Đây là một kênh truyền hình quốc tế của Hiệp hội Dhammakaya, phát 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, được phiên dịch qua tám thứ tiếng. Thông qua vệ tinh nhân tạo và mạng lưới internet, chương trình truyền hình trên kênh DMC được truyền đến các chi nhánh và các trung tâm của hiệp hội trên toàn cầu. Nội dung của kênh DMC rất phong phú, từ các chương trình giảng dạy giáo lý, hướng dẫn thiền tập, cho đến các phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình Phật giáo, tin tức, thời sự Phật giáo của hiệp hội, của Phật giáo Thái Lan và Phật giáo quốc tế, các chương trình phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh môi trường,... Mỗi ngày, hàng triệu người trên thế giới được nghe pháp, được hành thiền dưới sự hướng dẫn của chư Tăng và sống theo Chánh pháp thông qua kênh truyền hình DMC.
Vào năm 2009, Hiệp hội Dhammakaya đã thành lập Trường Đại học mở Dhammakaya (DOU - Dhammakaya Open University) ở California, Hoa Kỳ. Đây là một trường đại học Phật giáo quốc tế, đào tạo chương trình cử nhân và thạc sĩ Phật học. Trong trường đại học này, bên cạnh việc cung cấp cho người học những kiến thức Phật học, kiến thức xã hội, nhà trường chú trọng đến vấn đề thực hành, ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống thường nhật, nhất là việc thực tập thiền. Các giờ học thiền, thực tập thiền hành, thiền tọa được chính thức đưa vào trong chương trình của khóa học.
Hàng năm, cứ đến ngày 27 tháng 8, ngày lễ Dhammachai của Trung tâm Dhammakaya (vào ngày 27/8/1969, sư Dhammajayo chính thức xuất gia), trung tâm thường tổ chức nhiều sự kiện quan trọng để kỷ niệm ngày lễ trọng đại này. Nổi bật nhất là sự kiện hàng trăm nghìn người, thậm chí là có lúc lên đến 1 triệu người, gồm có chư Tăng Ni và tín đồ Phật tử, quan khách đến từ khắp nơi trên thế giới, cùng tọa thiền xung quanh ngôi đại tháp Dhammakaya và thắp nến, thả hoa đăng cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân dân an lạc. Khi màn đêm buông xuống, ngôi đại tháp sáng rực trong ánh đèn, xung quanh là hàng trăm nghìn ngọn đèn lung linh bên màu vàng y của chư tăng, màu áo trắng của cư sĩ Phật tử, hòa với lời kinh trầm hung, tạo nên một không gian tâm linh vô cùng huyền ảo, thiêng liêng, mầu nhiệm.
Đội ngũ nhân viên và những tình nguyện viên phục vụ tại Trung tâm Dhammakaya cũng rất đặc biệt. Tất cả mọi người ở đấy đều làm việc trong tinh thần cống hiến, phụng sự và họ làm việc trong chánh niệm. Mỗi ngày, họ đều được sắp xếp cho tham gia các thời hành thiền, tham dự các khóa tu học dành riêng cho họ. Chính vì được học tập và có thực hành nên mọi người ở đấy đều rất dễ thương, đều có chất liệu an vui trong cuộc sống. Họ đối xử với người khác rất thân thiện. Khi bạn đến thăm trung tâm, điều đầu tiên mà bạn đón nhận đấy là những nụ cười thân thiện và sự tiếp đón ân cần, niềm nở. Khi bạn cần sự hỗ trợ thì họ luôn sẵn lòng trợ giúp cho bạn một cách nhiệt tình.
Hiện tại, Trung tâm Dhammakaya đang kiến tạo theo một mô hình cấu trúc rất nguy nga và hiện đại, nhắm đến việc tổ chức các sự kiện Phật giáo mang tầm quốc tế, với số lượng người tham dự rất lớn, phục vụ các chương trình kiến tạo nền hòa bình của nhân loại thông qua sự tu tập, rèn luyện để có được sự bình an nơi tự thân của mỗi người. Tổng thể của công trình kiến trúc này toát lên ý nghĩa biểu tượng của nền hòa bình trên toàn thế giới. Việc thiết lập nền hòa bình trên toàn thế giới là tiêu chí và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội Dhammakaya. Hy vọng với công trình kiến trúc vĩ đại này, cùng những hoạt động thiết thực và đầy ý nghĩa của Hiệp hội Dhammakaya, toàn thể nhân loại trên thế giới sẽ được đánh thức lương tri, sẽ chung tay góp sức để kiến tạo nền hòa bình thế giới, đẩy lùi chiến tranh, bạo động và có thể sống chung với nhau trong tinh thần thương yêu, hòa hợp.