Trung tâm Phật giáo giữa vùng cao nguyên Ấn Độ

GN - Nằm trong dãy Himalaya, Ladakh là một vùng cao nguyên rộng lớn và cao nhất của Ấn Độ, với địa hình chập chùng(1), được bao bọc bởi hai dãy núi hùng vĩ nhất thế giới: Himalaya và Karakoram.

ladakh 1.jpg


Ladakh - Trung tâm Phật giáo giữa vùng cao nguyên Ấn Độ

Cùng với Spurang và Guge, Ladakh từng là một trong ba huyện thuộc miền Tây Tây Tạng. Khi vua Sargyal thành lập tiểu vương quốc Ladakh năm 950, Ladakh từng có nền chính trị độc lập trong gần 900 năm cho đến khi bị quân đội của Raja Gulab Singh thuộc vùng Jammu xâm chiếm. Sau khi người Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947, Ladakh đã trở thành một phần của Ấn Độ thuộc bang Jammu & Kashmir.

Với núi đồi cằn cỗi, là một trong những vùng đất khó tiếp cận nhất thế giới nhưng nhờ có cảnh sắc thiên nhiên thanh tú và văn hóa đa dạng, đặc biệt với sự đóng góp của văn hóa Phật giáo, Ladakh lại có một nét duyên dáng hấp dẫn và vẻ đẹp riêng.

 Vùng đất của nhiều tên gọi

Trong ngôn ngữ địa phương, Ladakh được gọi là Ladwag. Huyền Trang, nhà chiêm bái Trung Quốc, gọi đó là Ma-lo-pho, trong khi tên gọi phổ biến là Maryul, nghĩa là vùng đất thấp. Khachampa là một tên gọi khác do tuyết là một trong những đặc điểm của vùng đất này. Về sau do vị trí chiến lược nên nó thường được gọi là vùng kim cương Trung Á, đồng thời do ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Tây Tạng, đôi khi nó còn được gọi là vùng Tiểu Tây Tạng.

Kể từ khi Chính phủ Ấn Độ mở cửa cho khách du lịch nước ngoài vào thập niên 1970, Ladakh được trao thêm một số tên mới: “vương quốc của các nhà khổ hạnh”, “vùng đất của các Lạt-ma”, “vùng đất trên cung trăng”, “nóc nhà thế giới”, “thiên đường trên mặt đất”.

ladakh 3.jpg
“Nóc nhà thế giới” - một trong những tên gọi của Ladakh

 Nơi giao thoa nhiều nền văn hóa

Ladakh hiện nay được chia thành hai huyện: Kargil (các tiểu vùng Zanskar, Kargil và Drokyul) và Leh (các tiểu vùng Changthang và Nubra). Leh là vùng trung đô trải dài về phía Bắc sông Indus ở độ cao 3.520 mét.

Thổ dân Dards được cho là những người định cư đầu tiên ở Ladakh. Họ vốn là người Mons ở xứ Kullu (Himachal Pradesh) đã đến định cư ở thung lũng Indus, Drass, Hanu, Darchik và làng Garkhon trước khi đến định cư ở Rong, Shyok, Sakti, Tangste và Durbarg. Đội quân Mông Cổ của Alexander là những người định cư cuối cùng sau khi xâm chiếm Ladakh và Tây Tạng hiện nay.

Lịch sử Ladakh cũng thú vị và đa dạng như vị trí địa lý của nó. Trong nhiều thế kỷ, Ladakh được sử dụng như một tuyến đường thương mại giữa Punjab (Ấn Độ) với Yarkand và Khotan ở Trung Á. Đoàn thương nhân của nhiều chủng tộc và nền văn hóa khác nhau đã mang hàng hóa ngang qua Ladakh và Ladakh trở thành điểm dừng chân quan trọng cho các đoàn lữ hành trên Con đường tơ lụa cổ xưa.

 Phật giáo đến Ladakh

Phật giáo được truyền vào Ladakh dưới thời trị vì của đại đế Kushan Kanishka(2), thế kỷ I sau Tây lịch. Một số văn bản bằng ngôn ngữ Kharoshti được tìm thấy ở Khaltse cho thấy sự quan tâm của ông trong việc xây dựng nhiều tu viện ở Ladakh. Tu viện Surendra ở thung lũng Tiserru và tháp Kanika ở Zanskar là hai bằng chứng sớm nhất của Phật giáo gắn liền với hoàng đế Kanishka. Người đầu tiên đem Phật giáo đến Ladakh là Lda Chomba Nimagungpa(3).

Tiếp giáp với Kashmir, Ladakh nhận được tất những gì được tạo ra ở Kashmir, từ triết lý, truyền thống tu tập cho đến văn học nghệ thuật. Nhưng vào thế kỷ XII, khi quân Hồi giáo xâm chiếm, Kashmir không còn Phật giáo, các quốc gia quanh vùng Himalaya quay về với Phật giáo Tây Tạng.

ladakh 4.jpg


Phật giáo được truyền vào Ladakh rất sớm, khoảng thế kỷ I sau Tây lịch

 Đối kháng với tín ngưỡng bản địa

Trong thời kỳ Phật giáo du nhập, ở Ladakh đã tồn tại một tín ngưỡng bản địa gọi là đạo Bon. Đây là một sự pha trộn các tín ngưỡng dân gian, các pháp sư địa phương dùng một số phép thuật để chữa bệnh cho người dân qua việc hiệp thông với các vị thần(4). Các pháp sư của tín ngưỡng này luôn tìm cách ngăn cản sự phát triển của Phật giáo ở miền Tây Tây Tạng, trong đó có Ladakh. Cho đến khi Phật giáo bắt đầu suy tàn ở Ấn Độ vào thế kỷ VIII, một số vị Tăng Ấn Độ di cư đến Tây Tạng và dãy Himalaya. Dưới sự chứng minh của Đại sư Shantarakshita, vua Khrisong Detsan đã xây dựng tu viện đầu tiên và thành lập Tăng đoàn ở Tây Tạng. Các đại sư Ấn Độ cùng với người Tây Tạng thực hiện việc phiên dịch kinh điển từ tiếng Phạn sang Tạng ngữ. Tuy nhiên, những người theo tín ngưỡng Bon đã chống đối quyết liệt. Theo lời khuyên của Đại sư Shantarakshita, vua Khrisong Detsan đã sai sứ giả đến Ấn Độ thỉnh Đại sư Padmasambhava (Liên Hoa Sinh) sang Tây Tạng để đối phó.

Sự xuất hiện của Đại sư Padmasambhava với sức mạnh huyền bí của ngài đã khiến cho nhiều người theo tín ngưỡng Bon quy y Phật giáo song song với việc ngài giới thiệu Mật tông đến với Phật giáo Tây Tạng và các vùng lân cận trong dãy Himalaya.

 Củng cố và phát triển

Trong lịch sử Tây Tạng, nhân vật lớn đầu tiên đưa Phật giáo trở thành quốc giáo là vua Srong-Btsan Sgam-po (605-649). Ông là người sáng lập đế quốc Tây Tạng và là vị vua thứ 33 của dân tộc Tạng. Dưới triều đại của ông, dân tộc Tây Tạng hưng thịnh chưa từng có và kéo dài hơn 150 năm.

Năm 816, Ral-Pa-Chen lên kế vị. Ông là con trai của vua Khri-lde-Srong-Btsan, cháu của vua Khri-Srong-Tdeu-Btsan. Ral-Pa-Chen là vị vua mẫu mực. Ông đã mở rộng lãnh thổ vương quốc và bảo trợ Phật giáo. Nhưng ông bị người anh ruột Glang-Darma ám sát và tiếm ngôi, mở ra một thời kỳ hỗn loạn. Tu viện, nghi lễ tôn giáo bị cấm và chư Tăng bị buộc hoàn tục. Tuy nhiên đến năm 818, Glang-Darma bị một vũ công ám sát.

Kế vị Glang-Darma là những vị vua yếu đuối, không thể giữ được vị trí vững chắc trước các đế chế hùng mạnh. Mãi cho đến thế kỷ X, Dza-Khor-Btsan (906-923) là vị vua cuối cùng của Tây Tạng, đã dời kinh đô từ Lhasa đến Ladakh. Dza-Khor-Btsan sau đó xuất gia, giao quyền bính cho ba người con trai của ông cai trị. Các vị vua này đều ủng hộ Phật giáo và cho dịch nhiều kinh sách. Vua Dza-Khor-Btsan cố vấn cho hoàng tử, mời Đại sư Atisha Dipankar thuộc tu viện Vikramasila (Khasmir) đến Tây Tạng để chấn hưng Phật giáo. Cho đến khi qua đời năm 1054, Đại sư Atisha Dipankar đã cùng với Rinchen-Zanpo, một vị đại dịch giả đã thành lập 104 tu viện ở Tây Tạng. Đặc biệt, ngài đã thành lập tổ chức Bka'-Gdamspa, buộc kỷ luật nghiêm ngặt đối với chư Tăng và cấm hình thức khoái lạc trong việc hành trì Mật tông. Ngọn lửa chấn hưng của Atisha Dipankar nhận được nhiều sự ủng hộ của giới trí thức đương thời nên đã phát triển và lan đi nhanh chóng.

Trong số những giáo thọ dạy tại các tu viện trên, Marpa và Mila-Respa là hai cái tên nổi bật. Marpa thành lập trường phái Bka-Rgyud-pa, mở ra một kỷ nguyên mới của việc phổ biến học thuyết dựa trên lời dạy nguyên thủy của Đức Phật. Mila-Respa tiếp tục kế thừa và phát triển thành bốn phái chính vào thế kỷ XI và tám phái nhỏ vào thế kỷ XII. Thế kỷ XIII tiếp tục chứng kiến sự ra đời của phái Sakyas giành quyền độc lập cho Tây Tạng. Đến thế kỷ XIV, sự nổi lên của vua Byang-chub Rgyal-Chen mở ra một triều đại mới cai trị trong khoảng ba thế kỷ cho đến khi bị vua Tsang lật đổ vào năm 1635.

Đến năm 1675, hoàng đế tiếp theo Jamyang Rnam-Rgyal đã bị tướng Balti là Ali Mir bắt giữ và buộc phải cải đạo theo Hồi giáo. Ali Mir cho con gái của ông kết hôn với các tù nhân hoàng tộc Tây Tạng. Vợ Tây Tạng của Ali Mir sinh cho ông một người con trai tên là Senge Rnam-Rgyal. Sau khi lên ngôi năm 1705, Senge Rnam-Rgyal đã dời đô từ Leh đến Basgo. Ông là một vị vua mạnh mẽ và là người ủng hộ Phật giáo. Ông đã cho dịch nhiều kinh điển và xây dựng nhiều tu viện. Đặc biệt, Senge Rnam-Rgyal không chịu cải đạo sang Hồi giáo. Ông qua đời trong một thảm họa vào năm 1734 sau thất bại dưới bàn tay của triều đại Mughal.

Sau khi ông qua đời, người Hồi giáo Turkestan thường xuyên xâm chiếm Tây Tạng, Ladakh mất dần những bình nguyên rộng lớn và khu vực thương mại quan trọng. Cư dân Ladakh rơi vào tình trạng nghèo khổ và thiếu thốn.

Đến năm 1843, Gulab Singh, người cai trị Hồi giáo Dogra của Jammu đã sáp nhập Ladakh vào Lahyul-Spiti. Trong bối cảnh này, nhiều tu viện ở Ladakh bị cướp bóc và vua Ladakh, người đứng đầu tu viện Hemis bị trục xuất đến Stok. Về sau, người Anh lấy lại Lahyul-Spiti từ tay Gulab Sing, thống trị cho đến năm 1947.

Vai trò trung tâm Phật giáo

Sau khi người Ấn giành độc lập và phân vùng vào năm 1947, Ladakh trở thành một phần của Liên minh Ấn Độ cùng với Jammu và Kashmir. Năm 1962, một phần phía Đông Aksai Chin được sáp nhập vào Trung Quốc, và năm 1984, khu vực phía Tây Gilgit và Baltistan thuộc nước Cộng hòa Pakistan. Tất cả những diễn biến này nói lên tầm quan trọng chiến lược của Ladakh khi đối mặt với gánh nặng hiếu chiến của Pakistan trong cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan vào thập niên 1980(5).

Ngày nay, tại Ladakh có 3 tôn giáo chính: Phật giáo, Hindu và Hồi giáo, với dân số 315.000 người vào năm 2011 thì Phật giáo chiếm khoảng 65% chủ yếu theo truyền thống Tây Tạng và phần lớn tập trung ở hai huyện Leh và Zangksar của Ladakh.

Mặc dù trải qua nhiều sóng gió và bất ổn chính trị, nhiều vùng của Ladakh đã bị mất, nhưng niềm tin vào Chánh pháp của người dân Ladakh ở vùng đất còn lại vẫn nguyên vẹn và vững chắc.

ladakh 2.jpg


Ladakh vẫn còn là trung tâm Phật giáo

Ladakh vẫn còn là trung tâm Phật giáo. Chư Tăng và các Phật tử vẫn còn tổ chức những lễ hội với đông đảo Phật tử tham dự. Các lĩnh vực hoằng pháp, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật tiếp tục phát triển. Đó là bằng chứng thực tế rằng đấng Giác ngộ vẫn sống trong trái tim của người dân Ladakh và giáo lý của Ngài vẫn tiếp tục tràn ngập ở vùng chính của Ladakh.

 Hội nhập và phát triển

Kể từ khi mở cửa cho người nước ngoài vào năm 1974, Ladakh trở thành điểm đến cho những người say mê truyền thống văn hóa, tôn giáo và cảnh quan độc đáo của vùng đất này.

Từ những năm 1980, Tổng cục Du lịch bang Jammu & Kashmir đã tổ chức Liên hoan Ladakh mỗi dịp hè hàng năm. Lễ hội sông Indus cũng được tổ chức nhằm khám phá nguồn gốc của dòng sông hùng vĩ. Số lượng các buổi biểu diễn văn hóa đã dần tăng lên do nhu cầu của người nước ngoài tại Thikse, Phyang, Lamayuru và Zangskar.

Trong những năm gần đây, Lạt-ma Bakula Rinpoche và các nhà lãnh đạo khác như Stakna, Thikse, Togden đã đem đến nhiều sự đổi mới cho Ladakh, mặc dù Phật tử Ladakh còn một chặng đường dài để đi trong việc bảo tồn di sản văn hóa của họ. Ladakh không chỉ nổi lên như một trung tâm Phật giáo, mà còn được công nhận ở cấp quốc tế. Nhiều đoàn đại biểu Phật giáo từ Nhật Bản, Liên Xô (cũ), Mông Cổ, Bangladesh, Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện và Sri Lanka đã đến Ladakh. Các đoàn đại biểu Phật giáo Ladakh cũng tham gia một số sự kiện ở các quốc gia Phật giáo khác.

Ladakh ngày nay đã có Viện Nghiên cứu Phật giáo và 3 Phật học viện đào tạo Tăng tài, đặc biệt việc thành lập Hội Mahabodhi với sự trợ giúp của nhiều quốc gia trên thế giới, Ladakh đang ở vào một vị trí thuận lợi trong việc truyền bá Chánh pháp của Đức Phật.

Hội Mahabodhi cũng đã cho mở các trường trung và tiểu học cho người dân tại địa phương cũng như mở những trung tâm dạy thiền và các hoạt động thiện nguyện cho người nước ngoài, thu hút đông đảo khách quốc tế đến nghiên cứu và học tập. Đây chính là tia hy vọng cho sự hồi sinh long thịnh của Phật pháp tại Ladakh và các quốc gia khác thuộc vùng Himalaya trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.

Thích Pháp Trí

_________

Chú thích:

(1) Ladakh có nhiều huyện ở nhiều độ cao khác nhau, từ khoảng 2.750 mét ở Kargil cho đến 7.672 mét ở Saser Kangri trong dãy Karakoram.

(2) Kanishka (Ca-nị-sắc-ca) là vị vua đại hộ pháp của Phật giáo, được sánh ngang hàng với vua Asoka (A-dục). Kanishka đóng đô ở Purushapura, nước Kushan (Cao Xương), tức Peshawa, Pakistan hiện nay. Niên đại trị vì và dòng dõi của vua đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Theo bi văn Rabatak, ông kế vị vua Vima Kadphises, nhưng không trực thuộc dòng của vị tiên đế này. Năm 2004, học giả Harry Falk phát hiện triều đại Kanishka đã được dân Kushan xưa dùng làm năm đầu của lịch mới trong suốt một thế kỷ . Vì vậy nhiều học giả nghiêng về quan điểm Kanishka trị vì từ năm 127 đến 151 sau Tây lịch.

Vua Kanishka là người tổ chức hội nghị kết tập kinh điển lần thứ 3 ở Jālandhar Kashmīrthat, Kashmir. Nhiều bản kinh Đại thừa viết bằng tiếng Prakrit, thổ ngữ của Gandhara được thực hiện trong kỳ kết tập lần này. Triều đại Kanishka được xem là thời kỳ huy hoàng của Phật giáo. Đây là thời kỳ của những đại luận sư Phật giáo nổi tiếng như Nagarjuna (Long Thọ), Asvaghosha (Mã Minh) và Vasumitra (Thế Hữu).

(3) Nhiều tài liệu nói Lda Chomba là đệ tử của Tôn giả Kungavo và giải thích rằng Kungavo chính là Tôn giả Ananda, đệ tử hầu cận Đức Phật. Điểm này có vẻ không hợp lý, vì ngài Kungavo nếu là Tôn giả Ananda, thì khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Ngài khoảng 45 tuổi. Ngài thọ 120 tuổi, viên tịch vào hậu bán thế kỷ IV trước Tây lịch. Như vậy, Lda Chomba Nimagungpa, nếu là đệ tử của Tôn giả Ananda thì ông truyền Phật giáo đến Ladakh vào thế IV hoặc muộn nhất là thế kỷ III trước Tây lịch. Nhưng các bằng chứng khảo cổ đều thống nhất rằng Phật giáo được truyền vào Ladakh dưới triều vua Kanishka, thế kỷ I sau Tây lịch. Như vậy Lda Chomba Nimagungpa không phải là đệ tử của Tôn giả Ananda hoặc Ananda không phải là Kungavo.

(4) Một số học giả cho rằng, tín ngưỡng Bon xuất hiện vào khoảng cách đây 17.000 năm ở Trung Á và những gì ngày nay là khu vực miền tây Tây Tạng, bắt nguồn từ Stonba Mivo Sherab, một nhân vật huyền thoại ở vùng Kailash.

(5) "Trong thời cổ đại, các vùng phía Bắc Ấn Độ, bao gồm Kashmir, Gilgit và Baltistan, là những trung tâm Phật giáo. Nhưng qua thời gian, Phật giáo biến mất khỏi các vùng này, bao gồm một số phần của Ladakh, số lượng Phật tử giảm đến hàng loạt ở Zanskar, Nubra và Changthang của Ladakh". – Lạt-ma Bakula Rinpoche đã phát biểu như vậy khi nói về hiện trạng Phật giáo Ladakh tại hội thảo về nghệ thuật Phật giáo, văn hóa và mối quan hệ của chúng tại Viện Nghiên cứu Phật giáo Trung ương vào ngày 28-8-2005.

Tham khảo:

- Bangkolok, Sonam Spalzin, Discourses on Archeological and Cultural Identity of Ladakh, Naraina Industrial Area Press, New Delhi, 2010

- Farber, Don, Tibetan Buddhist Life, D.K Publishing Inc., 2003

- Hodge, H.N, Ancient Futures - Learning from Ladakh, Oxford University Press, New Delhi, 2010

- Kalra, Ravinder, Ladakh: Zankar - Nubra, H.P.C Publications, 2011

- Olthang, Tsewang Paljor, Golden Hand of Ladakh, Indraprastha Press, New Delhi, 2006

- Rizvi Janet, Ladakh - Crossroads of High Asia, Oxford University Press, New Delhi, 2012

- Shakspo, N.A, A Cultural History of Ladakh, Centre for Research on Ladakh, New Delhi, 2012

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày