Trung thu ở vùng sâu, vùng cao

Chương trình “Thắp sáng ước mơ tháng Tám cho trẻ em vùng sâu” của Ban TTXH T.Ư do Ni sư TN.Huệ Từ khởi xướng đã mang đến cái Tết Trung thu ấm áp và đầy ý nghĩa cho 5.500 trẻ em các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Thuận, Bình Phước và Lâm Đồng.

Trung thu nơi tận cùng đất nước

Ngay từ  6 ÂL, đoàn Ban TTXH T.Ư đã đến điểm đầu tiên là vùng sông nước huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Tại xã Khánh Bình Tây, ba trăm học sinh Trường Tiểu học Khánh Bình Tây đã mặc đồng phục tươm tất với tâm trạng háo hức và niềm vui như vỡ òa khi những món quà được tặng cho từng em. Tết Trung thu ở vùng sông nước này bỗng trở nên rộn rã tiếng cười nói sinh động hòa lẫn trong tiếng sóng vỗ bên bờ sông.

trungthu_01.JPG

Các em dân tộc Khmer trong niềm vui mới

trungthu_02.JPG

NS Huệ Từ và niềm vui nhận quà của trẻ

Có những đôi mắt tròn xoe của những học sinh người Khmer lần đầu có chung một niềm vui Tết Trung thu cùng với bạn bè. Em Lý Ngọc Trâm, người Khmer học lớp 4A2 nói: “Con vui lắm, vì mỗi năm có một mùa Trung thu nên chúng con rất mong đợi. Năm ngoái, con cũng được tặng quà Trung thu nhưng năm nay là vui nhất, có được quý thầy cô về chung vui với chúng con”. Em Trâm là một trong những em người dân tộc Khmer phải vượt hàng chục km đến điểm nhận quà bằng đò. Em Quách Chí Minh học lớp 4A3 cũng đến nhận quà Trung thu trong tâm trạng rất vui vì “Chúng em được vui Tết Trung thu sớm”.

trungthu_03.JPG

v trungthu_04.JPG

 

trungthu_05.JPG

Những niềm vui của các em đi trên thuyền nhận quà

trungthu_06.JPG

Các em trường tình thương tu viên Khánh Anh (Sóc Trăng)

trungthu_07.JPG

Nhiều em nhỏ nhà ở tận Hòn Đá Bạc nhưng từ sáng sớm phải theo đò vượt sông đến trường, có em vì đường sá lầy lội bùn nên bị té mình dính bùn lấm lem, lại có em mang dép đứt hết một quai nhưng gương mặt thì rạng rỡ. Ôm chặt món quà nhỏ trong lòng, nhiều em chẳng muốn rời trường nhưng anh lái đò cứ hối hả thúc giục ra về cho kịp con nước. Nếu lỡ trời mưa to nước sông lên cao thì nguy hiểm cho các em cũng tăng lên bởi vì các em đều không có áo phao.

Anh Đoàn Chí Tâm, Phó Chủ tịch xã Khánh Bình Tây cho biết, đây là một xã vùng sâu của huyện Trần Văn Thời đã vận động tốt các em đến trường ngày càng đông, hiện có 350/ 2.447 em dân tộc đến trường. Trong đó đã có 500 em học sinh nghèo có hoàn cảnh quá khó khăn, nhiều em ở vùng sông nước đến trường nhưng chưa được trang bị áo phao. Chính vì vậy, buổi phát quà Trung thu mà chính quyền xã cũng đau đáu với đoàn làm thế nào để giúp các em có được những chiếc áo phao trong những ngày mưa lũ sắp tới.

trungthu_08.JPG

Chị thì có, em thì không

trungthu_09.JPG

Học sinh trường tiểu học Tân Khánh Hòa (Kiên Lương, Kiên Giang)

trungthu_10.JPG

 

trungthu_11.JPG

Niềm vui được nhân rộng

Cùng với hàng vạn trẻ em mọi miền đất nước, hàng ngàn trẻ em ở Vĩnh Long, Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng… hay ở tận vùng cao nguyên như Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận cũng được Ban TTXH T.Ư tặng những món quà nho nhỏ. Các em được tung tăng vui đùa với các bạn của mình vào những ngày Trung thu đầy niềm vui và ấm áp nghĩa tình.

Trân trọng những điều quý giá đó, em Lê Tú Trinh, xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu cho biết: “Chúng con sinh ra trong gia đình nghèo nhưng chúng con không bị thiệt thòi vì được quan tâm, chăm sóc, được đến trường và được thầy cô, các cô chú tặng nhiều tập bút. Mùa Trung thu năm nay, chúng con rất hạnh phúc khi được những món quà Trung thu đầy ý nghĩa, chúng con sẽ học tập, vui chơi và có những ước mơ tươi đẹp cho tương lai”.

Hướng về tương lai, đó cũng là ước mơ của các thầy cô và rất nhiều trẻ em nghèo Trường Tình thương tu viện Khánh Anh thuộc xã Thạnh Quới, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Chất liệu yêu thương từ những nhà hảo tâm, thầy cô và bạn bè đã kết nối các em lại trong vòng tay yêu thương. Những mùa Trung thu đã qua và ngay hôm nay hơn 450 em từ mẫu giáo cho đến lớp 5 tại đây lại có những giây phút đầy ý nghĩa với tuổi măng non của mình.

Vỡ òa trong không gian chật hẹp của sân trường là tiếng hát được cất cao và vang vọng. Thầy và trò cùng hát, những bài hát đã làm nên một không khí rộn ràng, phá vỡ những trầm lặng ngày thường của một tu viện. Nhiều bài hát bằng ngôn ngữ Khmer cũng được các em nhiệt tình cất lên cao vút. Dù chẳng hiểu được nội dung nhưng cả đoàn ai cũng cảm nhận một niềm hạnh phúc và hân hoan theo những giai điệu của tuổi thơ đầy hồn nhiên.

Mùa Trung thu về với bao yêu thương và mơ ước quanh từng con đường nhỏ, nơi các bạn nhỏ tung tăng, vui đùa. Đó là những bước chân rộn ràng của 500 em nhỏ tại xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn (An Giang). Như chưa từng có những niềm vui nào như thế, cả người lớn và trẻ em cứ rộn ràng và náo nhiệt. Các em nhỏ ở đây cho biết: “Tụi con đã đợi đoàn từ 2 giờ chiều mà đến 5 giờ đoàn mới tới nhưng tụi con vui lắm, cuối cùng quà cũng đến nơi”.

Niềm vui Tết Trung thu như càng nhân lên gấp bội khi hàng trăm trẻ em người dân tộc K’ho, Stiêng, Khmer… tại chùa Pháp Lạc, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) được hòa chung trong một không gian đầy sự ấm áp và bao dung của bạn bè và quý thầy cô. Các em nhỏ lại có thêm một niềm vui, một ước mơ thật giản dị mà rất “người lớn” là được gặp lại thầy cô mà năm ngoái chúng em đã gặp. Điều hạnh phúc nhất đối với đoàn là nhiều em nhỏ người dân tộc ở đây được quý thầy quy y Tam bảo và tụng kinh niệm Phật nên các em rất ngoan.

Thương lắm những mùa Trung thu nơi hẻo lánh, nghèo nàn nên đoàn đã thật sự xúc động khi những đôi chân trần trên lối nhỏ bùn đất mà cứ tung tăng. Có những chiếc áo chẳng lành xen vào đám đông bạn bè quần áo tươm tất, rồi những câu hỏi như xoáy vào lòng người: “Các bạn nhà nghèo mà có quà sao con không có hả cô?”. Đến với các em, Ban TTXH mong có một mùa Trung thu trong sự trọn vẹn nhưng thật sự vẫn còn nhiều hạn chế về nhiều mặt.

Ni sư TN.Huệ Từ, Phó ban TTXH T.Ư cho biết: “Chương trình thắp sáng ước mơ cho trẻ vùng sâu được duy trì hàng năm nhằm chăm sóc cái Tết Trung thu cho trẻ em các nơi. Món quà của chúng tôi tuy nhỏ nhưng tình cảm yêu thương của mọi người dành cho các em thì luôn đong đầy. Năm nay, chúng tôi mang đến 5.500 phần quà (trị giá 133 triệu đồng) cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa và cao nguyên cùng chung vui với các em để mùa Trung thu đầy ý nghĩa. Con số này vẫn còn rất ít ỏi so với nhu cầu được vui chơi mùa Trung thu của các em nông thôn”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày