Giác Ngộ: Xuống sân bay New Delhi lúc 4giờ sáng, xe đưa đoàn hành hương chúng tôi đi lên ngay Dharamsala ở miền Bắc Ấn Độ. Dharamsala, có nghĩa là trú xứ của thánh thần, với độ cao 2.700m, thuộc bang Himachal, trước kia là nơi nghỉ mát của thực dân Anh. Và Ấn Độ, xứ sở của thăm thẳm những chiều sâu thăm thẳm, hiện ra, với tôi, đầu tiên là bát cháo ngô ven đường, lúc xe dừng lại ăn điểm tâm và những hàng cây bạch đàn ngả về phương Nam theo hướng ngọn gió Bắc, gợi những liên tưởng về một điều gì vừa ngưng đọng vừa biến trôi… Đoàn Việt Nam bên Đức Đạt lai Lạt ma 11giờ 30, sau khi liên lạc điện thoại, anh Nguyễn Trung Toàn thông báo: Ngày mai, sau buổi giảng, "có khả năng" đoàn Việt Nam sẽ được gặp riêng Đức Đạt lai Lạt ma. Trên xe, cả 36 người tham dự chuyến đi reo lên mừng rỡ. Anh Toàn thêm: Phải nói "có khả năng", vì, mọi việc đều có thể thay đổi. * Đến nơi lúc 9 giờ tối, sau 36 tiếng liên tục di chuyển từ khi rời Việt Nam, cả đoàn đi nghỉ ngay, để sáng hôm sau dậy lúc 4 giờ chuẩn bị dự pháp hội. Đường sá ở thành phố vùng cao này nhỏ hẹp, ngày hôm nay lại rất đông người, chúng tôi ngại kẹt xe nên cả đoàn phải đi trên vài chiếc xe nhỏ. Đoạn trước khi vào chùa, tất cả đều đi bộ. Lối đi dẫn vào pháp hội chỉ rộng khoảng hơn một mét. Đoàn đến nơi trước lúc bắt đầu 90 phút, vậy mà tất cả mọi khoảng trống trong và ngoài chùa đều đã kín người. Sư cô Nhật Hạnh, người phiên dịch tiếng Việt, cho hay: Khoảng 15.000 người có mặt hôm nay. Rất nhiều quốc tịch: Pháp, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Trung Hoa, Tây Tạng… Bộ phận kiểm tra an ninh làm việc rất kỹ: chiếc hộp quẹt gas để hút thuốc của tôi phải để lại, trước khi được phép vào. Đoàn Việt Nam được bố trí một "ô", như những đoàn khác, nhưng rồi, cũng như nhiều đoàn khác, nhích lại để dành thêm chỗ cho những người đến chậm: không ai "chật hẹp" ở những nơi những lúc như thế này. Tiếng nhạc Aum mani padme hum trầm lắng cứ lan dần lan dần, như một chuẩn bị cho buổi giảng. Và, khi Đức Đạt lai Lạt ma xuất hiện lúc 9 giờ 30 phút, trong tất cả thính chúng như có một luồng sóng vô hình xao động. Phong thái tự nhiên, Ngài chào mọi người trên lối đi đến pháp tòa. Đúng hơn, đấy là một phần sự hiển lộ của một Người Già Minh Triết trong một Cậu Bé Hồn Nhiên. Bài giảng pháp được dịch ra nhiều thứ tiếng, nghe qua những máy FM cá nhân có tai nghe, theo các tần số khác nhau, nên dù thính chúng có hơn vạn người mà vẫn không ồn ào. Do đã có chủ ý trước, tôi không nhận máy nghe từ cháu Mạch Thúy Phương, thành viên trẻ nhất trong đoàn: tôi muốn lắng những ÂM từ bậc Đạo sư, thử xem mình có nhận được gì? Một giọng diễn cảm, ngữ điệu trầm bổng của tiếng Tây Tạng, tôi cảm nhận sự khúc chiết, như có chút ngạc nhiên pha lẫn chất dí dỏm. Rồi, khi lắng sâu vào những âm thanh giọng nói của Người, tôi tưởng như nghe ra tiếng gió mạnh trên những triền cao, những ánh lấp lánh của tuyết sáng dịu dàng… Nhưng tôi biết, đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, của cái đầu bất trị không chịu Dừng Lại. Nhưng, dần dần, lướt qua trái tim tôi là một cảm giác khó tả, vừa xúc động vừa hân hoan… Như khi ta đứng trước biển sóng không bờ… Đôi khi, Người dừng lại, hỏi vui một điều bình thường. Và tất cả đều vui, cái vui thực lòng, không có một "điều kiện" nào cả. Và, khi Người hỏi: "Đoàn Việt Nam ngồi ở đâu?", tất cả chúng tôi bỗng dưng nghẹn ngào, như muốn bật ra tiếng khóc. * Buổi giảng chấm dứt đúng 11 giờ 30. Đoàn Việt Nam không về khách sạn ăn trưa, chuẩn bị để được gặp riêng Người, trong 5 phút, theo sắp xếp của Ban Tổ chức. 12 giờ 45, Người bước vào phòng khách, nơi chúng tôi đang nôn nao chờ đợi. Thầy Nhật Thiện thay mặt đoàn dâng lễ cúng dường, nhưng cảm động đến nỗi không thốt được lời nào. Ngài tự tay tặng cho mỗi người một dải khăn lụa trắng và một tượng Phật nhỏ, đồng thời thực hiện nghi thức chúc phúc cho những xâu chuỗi mà chúng tôi dâng trình. Lúc chụp ảnh lưu niệm trước hiên nhà, tôi nghe một bàn tay ấm đặt lên tay mình: Người đến sau lưng lúc nào, tôi không biết. Tôi có ghi lại điều đáng nhớ này trong mấy câu viết vội, sau đó. Cũng như trong buổi giảng mấy giờ trước, tôi cũng ghi mấy câu dâng tặng, nhờ Sư cô Nhật Hạnh chuyển dịch đến Người, vì không có đủ thời gian. (Cũng xin ghi lời biết ơn đối với Báo Giác Ngộ, đã in chùm thơ ngắn ấy trên số báo ra ngày 16-10-2010, trước khi đoàn về lại VN). Nhìn lên chiếc đồng hồ trên tường: năm phút gặp, cuối cùng, diễn ra 17 phút, không kể thời gian chụp ảnh. * Đức Đạt lai Lạt ma đã từng nói: "Có thể đoạn trừ phiền não bằng trí tuệ". Và biết bao những Sự Thật khác nữa mà Người đã truyền trao cho nhân loại. Nhưng, suốt hai buổi giảng sáng và chiều hôm ấy, tôi chỉ nghe được một câu từ chính kim khẩu của Người: Gate, gate, parasamgate… Với tôi, như thế, là quá đủ. Đúng rồi, không đi tới, không đứng lại, mà Vượt Qua. Bằng sự Trung Thực Với Chính Mình, không với ai khác. Có thể loại bỏ cả chiến tranh bằng chính điều này, nếu con người biết vượt qua những mù lòa của bản thân. Nhưng đến bao giờ? * Và Dharamsala với những con đường nhỏ trên triền vực sâu, buổi sớm âm vang tiếng chim trên cao, vách đá buổi chiều mù sa lúc 15 giờ..., với những con ngựa gầy nhỏ chở cát, ông già ngồi cà phê lặng lẽ trong quán nhỏ chỉ có một cái bàn…, tôi biết, sẽ còn tỏa bóng xuống tâm hồn chúng tôi, với lòng - tin - mong - ước lớn của đời: Một lần đặt chân lên đất đã sản sinh cho nhân loại một Người Con Lớn. Ấn Độ - Việt Nam, tháng 10-2010