Và muôn sắc hoa tiếp nối nhau, hoa bươm bướm tím hồng hai bên đường lên đèo Prenn, hoa cẩm tú cầu trồng ven đường Trần Hưng Đạo, hoa huỳnh anh trên các hàng rào, những tháp hoa lộng lẫy ở các giao lộ, hàng trăm bồn hoa trắng cao chừng 1m đặt suốt dọc các con đường… Từ đó nở rộ các bông pensée đủ màu, violet tím, đỗ quyên trắng muốt, hoa mỹ nhân đỏ thắm…Người Đà Lạt hãnh diện khoe với du khách con đường hoa Lê Đại Hành, Hồ Tùng Mậu, thích thú với những chú ong mặc áo len, xòe đôi cánh bằng voan mỏng đặt dọc theo con dốc lên khu Hòa Bình,… Chưa kể tới những lễ đài rực rỡ bên hồ Xuân Hương, những khóm hoa trang trí nổi trên mặt hồ, những chiếc xe hoa diễu hành trong lễ hội…Đà Lạt đã là một không gian đầy hoa. Dường như tất cả các loài hoa đều hẹn nhau để nở vào mùa này, hoa đào rực hồng trong các khu vườn, hoa mimosa vàng lấm tấm, thoảng hương thơm mát dịu những triền đồi…
“Tượng Phật hoa”
Khắp nơi, người ta rủ nhau về chùa Linh Phước xem Phật hoa. Đó là bức tượng Quan Thế Âm Bồ tát bằng hoa cao đến 18m, tạo ấn tượng với du khách bởi quy mô, vẻ đẹp và màu sắc lộng lẫy. Tôi đứng chen vai giữa những nhóm du khách, Phật tử từ các nơi đang tấp nập đến chiêm bái. Trong sân chùa, một vị Tăng áo nâu, nón lá đang vui vẻ thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan: Tượng Bồ tát Quan Thế Âm bằng hoa được 600 Phật tử các chùa Linh Phước và Linh Ẩn, cùng 30 nghệ nhân kết từ 600.000 đóa hoa bất tử (khoảng 1,5 tấn hoa) trong 20 ngày, được khánh thành vào ngày cuối cùng của năm 2009 để chào đón Festival hoa Đà Lạt. Đây cũng là một công trình được công nhận là kỷ lục trong Festival hoa Đà Lạt 2010. Các thủ tục vẫn đang được tiến hành để danh hiệu “Tượng Quan Âm Bồ tát làm bằng hoa lớn nhất” được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam cũng như Guinness thế giới.
Những ngôi chùa giữa rừng thông
Nhẹ bước trên con dốc phủ rợp bóng thông, chúng tôi bước vào không gian trang nghiêm, u tịch của chùa Linh Sơn. Chỉ cách khu trung tâm thành phố khoảng 700m, nhưng Linh Sơn là một cõi riêng cổ kính và êm đềm với kiến trúc Á đông, được xây dựng từ hơn 70 năm trước. Chùa Linh Sơn nằm trên một ngọn đồi rộng với nhiều loại cây đặc trưng của vùng cao nguyên: tùng, thông, mai, anh đào... Phía trước chùa, những cụm giả sơn, hồ nước nhỏ, bãi cỏ xanh… càng khiến không gian chùa Linh Sơn trở nên thanh thoát.
Bước lên những bậc thang, hai bên là hai con rồng uốn khúc, chúng tôi vào chánh điện lễ Phật. Tượng Phật Thích Ca trang nghiêm được đúc bằng đồng từ năm 1952, nặng đến 1.250kg. Thầy trụ trì Thích Viên Như - Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng đón chúng tôi trong một căn phòng còn vương mùi vôi vữa, cát bụi. Thầy vừa hoàn tất việc xây dựng ngôi bảo tháp của Hòa thượng Từ Mãn, người đã trụ trì chùa Linh Sơn suốt 43 năm, kể từ 1964. Một dòng thư pháp vững chãi, chân phương tưởng nhớ Hòa thượng còn treo trên cửa vào nhà thờ tổ: “Hạnh từ đà viên mãn - Thanh thản nẻo đi về”.
TV Trúc Lâm Đà Lạt
Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, đi khoảng 4km về hướng Đông nam qua những con đường uốn lượn quanh co giữa những thung lũng trồng rau và hoa, chùa Linh Phong hiện ra trên một đỉnh núi cheo leo, nằm giữa rừng thông. Khởi đầu từ một niệm Phật đường đơn sơ trên chóp núi, do Hòa thượng Thích Bích Nguyên trụ trì vào năm 1944, Hòa thượng đã hỷ cúng chùa Linh Phong để làm cơ sở cho Ni bộ tỉnh, và ngôi Tam bảo này đã chính thức trở thành trụ sở của Ni bộ Bắc tông vào năm 1952.
Sư bà Thích nữ Từ Hương những năm sau đó đã trùng tu và xây dựng nên Linh Phong Ni tự, một ngôi chùa trang nghiêm, tuyệt đẹp. Đứng dưới chân núi, chúng tôi nhìn thấy cổng tam quan cũ rêu phong bằng đá xanh còn đứng sừng sững phía sau vòm cổng mới được xây dựng, sơn màu sáng. Theo đường vòng ôm ngang sườn núi để lên nhà khách, chúng tôi được Sư cô Thích nữ Minh Triều hồn hậu, tươi cười bước ra đón tiếp. Hỏi ra mới biết Sư cô là một cây cọ tài hoa, tác giả của nhiều họa tập về Phật giáo đã được xuất bản tại TP.HCM như kinh Vu Lan báo hiếu, Con đường thực hiện chữ hiếu... Đặc biệt là họa tập Mười hai lời nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm do NXB Tôn Giáo ấn hành năm 2002, được xếp vào loại “sách bán chạy”. Sư cô Minh Triều phong thái lúc nào cũng thanh thoát, tươi vui, giới thiệu với chúng tôi về Thạch Vân Phong, ngọn đồi phía sau chùa rợp bóng thông xanh với tượng Phật cao 18m rất uy nghiêm, là nơi các Phật tử cùng chư Ni thường đến tĩnh tâm và cầu nguyện.
Quà Tết cho người nghèo
Chúng tôi gõ cửa chùa Tuệ Quang, thăm hỏi Sư bà Như Tịnh, Trưởng ban Từ thiện Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng để được nghe về hoạt động từ thiện nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đến chùa đúng vào ngày vía Đức Phật A Di Đà, khách thập phương ai cũng được mời ăn những chén xôi chè thơm nức tài khéo của chư Ni. Trong năm qua, Sư bà đã vận động được 585 triệu đồng để cứu trợ người nghèo. Ngay sau cơn bão lũ, đoàn cứu trợ của Sư bà Như Tịnh đã đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên,... để mang phẩm vật cứu trợ đến tận tay người bị nạn. Sư bà nói: “Trước Tết, chùa sẽ đem đến 100 phần quà cho người dân ở vùng kinh tế khó khăn, bao gồm gạo, mì, đường, tiền mặt… Nhà chùa cũng đang chuẩn bị các phần quà Tết cho các bệnh nhân trong trại tâm thần”. Bận rộn luôn tay, nhưng chư Ni trong chùa năm nào cũng tham gia lễ hội đón xuân với các gian hàng bán bánh chưng, dưa món, mứt… “Đặc sản” của chùa có món “bánh tháp” tức bánh in được làm theo hình tháp và gói thành từng khối rất đẹp để đặt trên bàn thờ ngày Tết.
Sư bà Như Tịnh cũng báo cho chúng tôi một tin vui và đích thân đưa đi xem Ni viện Tuệ Quang sắp được khánh thành. Tọa lạc trên một khu đất gần chùa với kiến trúc đẹp và khang trang, Ni viện có 2.000 tượng Phật Quán Thế Âm, sẽ đón khách tham quan, chiêm bái một ngày rất gần.
Đường đi lên Thiền viện Vạn Hạnh, Đà Lạt tấp nập những đoàn xe ra vào không ngớt. Rất nhiều máy quay phim, máy ảnh hướng về bức tượng Phật Niêm Hoa Vi Tiếu đặt ngoài trời cao 24m, nặng trên 60 tấn, trắng muốt. Thích Ca Phật Đài lộ thiên này do Thượng tọa Thích Viên Thanh thiết kế, khởi công từ tháng 4-2002, bên dưới đài sen là hang động với tượng các vị Tổ đang tham thiền.
Tượng Đức Phật Thích Ca tại TV Vạn Hạnh -Đà Lạt
Vị trụ trì rất “nghệ sĩ” của Thiền viện Vạn Hạnh Đà Lạt còn có nhiều hoạt động khác, luôn lôi cuốn khách tham quan. Hưởng ứng Festival Hoa, Thiền viện đã khai trương triển lãm “Tranh, Thư pháp Thạch anh” gồm hơn 70 bức tranh, thư pháp ghép bằng đá thạch anh với những đề tài quen thuộc như Thập mục ngưu đồ, bản đồ đất nước, sinh vật… rất sống động và mỹ thuật của tác giả Thích Viên Thanh. Phòng triển lãm còn trưng bày rất nhiều tác phẩm chạm khắc, tượng Phật bằng gỗ lũa của vị sư trụ trì này.
Dịp Tết, Thiền viện Vạn Hạnh cũng không ngại “tham gia thị trường” bằng cách đưa các tác phẩm nghệ thuật, hoa kiểng, cây cảnh ra trưng bày tại các gian hàng lưu niệm tại các khu triển lãm của thành phố. Vị Tăng phụ trách phòng triển lãm mỉm cười: “Thực ra, không riêng gì Thiền viện Vạn Hạnh, nhiều chùa cũng đã gửi tham gia các cuộc thi cây cảnh , hoa xuân. Mới đây tịnh xá Ngọc Đà đã đoạt giải nhất trong Hội thi cây xanh của thành phố”.
Và cuối cùng, bất cứ khi nào đến Đà Lạt, người ta đều không thể quên đến viếng Trúc Lâm, ngôi chùa hùng vĩ trên đồi cao nhìn xuống hồ Tuyền Lâm in bóng những rừng thông xanh thẳm. Chẳng cần đợi đến bất cứ một hội hoa xuân nào, bản thân Trúc Lâm đã là một không gian luôn bừng nở những đóa hoa quý muôn màu. Từ lâu rồi, Thiền viện Trúc Lâm đã trở thành một trong những biểu tượng của Đà Lạt, vùng đất của thiên nhiên trong lành, với những con người tài hoa đang ẩn cư đâu đó trên một chóp núi, dưới những mái chùa…