Ăn Tết quê người

GSTS Trần văn Khê
GSTS Trần văn Khê
Giác Ngộ - Người ta sống ở đời không phải chỉ có vật chất đầy đủ là quý. Không thiếu ăn, thiếu mặc,  thiếu tiền nhưng thiếu quê hương cũng làm day dứt lòng nhiều người Việt sống tại nước  ngoài, hàng ngày hàng tháng, và nhất là khi Xuân về.

Đã 50 năm rồi, tôi không ăn tết tại quê nhà! 

Từ năm 1949, tôi rời Việt Nam sang Pháp, toàn ăn tết tại Pháp, chỉ có năm 1988 là ăn tết tại  Hoa Kỳ, năm 1989 tại Phi Luật Tân.Tại Pháp, năm 1952, 1953 ăn tết tại Bordeux, hầu hết còn lại ăn tết ở Paris

Tết ta thường rơi vào cuối tháng giêng đến đầu hoặc giữa tháng hai âm lịch. Lúc đó, thời tiết  lạnh nhất, tuyết rơi đầy đường, đâu có được ngọn gió xuân phơi phới trong Nam , trăm hoa  đua nở, mai vàng, vạn thọ rực rỡ hay giọt mưa phùn lất phất miền Bắc, với hoa đào thắm tươi.  Tháng hai bên Pháp là tháng dân chúng lo khai thuế lợi tức, vẫn đi làm việc như thường nên  hội tết không phải chọn đúng ngày Nguyên Đán, mà phải lựa vào cuối tuần để sau đêm vui, sáng hôm sau ngày chủ nhật, còn nghỉ được ở nhà.  

Tuy vậy, có người đón giao thừa những hai lần: lần đầu vào lúc 6 giờ chiều bên Pháp là  đúng 12 giờ khuya tại Việt Nam . Nhớ quê hương nên cũng có bữa cơm cúng để "mời ông  bà về vui với con cháu". Ăn cơm xong còn đi chùa để dự lễ giao thừa theo Đạo Phật. Có  chùa đợi đúng 12 giờ khuya bên Pháp, có chùa làm lễ sớm hơn 2 tiếng đồng hồ, để cho bổn  đạo có thì giờ đi chuyến xe công cộng chót về nhà trước 1 giờ sáng. Vào chùa nghe kinh lễ  Phật chứ không có cái thú "hái lộc" như ở bên nhà, như thuở tôi còn là sinh viên Đại học  Hà Nội, đêm giao thừa hái lộc ở chùa Ngọc Sơn hồ Hoàn Kiếm.  Đêm thứ bảy gần ngày tết, Hội Người Việt Nam tại Pháp tổ chức chợ tết từ 6 giờ chiều, tại   nhà hội Maubert, để bà con lớn nhỏ có thể mua được bánh, mứt, báo xuân, dĩa hát mới, ăn  được tô phở, hủ tiếu, đĩa bánh cuốn, miếng bánh tét, bánh chưng. Rồi đến 8 giờ tối, có chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ "không chuyên nghiệp" sinh viên, công nhân, cả bác sĩ, kỹ sư chịu khó trong ba bốn đêm, cả lúc cuối tuần, để cống hiến cho bà con tại Paris và ngoại ô-một chương trình ca, vũ, nhạc, luôn có một vở cải lương; ;đôi khi có được một nghệ sĩ tên tuổi bên nhà qua để cho chương trình hấp dẫn hơn. Sau buổi hát, còn có dạ vũ đến 4,5 giờ sáng, đến khi có chuyến tàu hầm đầu tiên cho bà con về nhà. 

Có nhiều hội đoàn khác cũng tổ chức những đêm tết như thế. Tại nhà, sáng mùng một tôi  quần áo chỉnh tề, ăn lót lòng xong mở cửa xuất hành. Thường thì lối 7 giờ sáng, bên này  chưa có xe cộ qua lại nhiều. Tôi nhắm về hướng đông là hướng nước Việt, đi trăm bước đủ  lễ xuất hành, trở về, tự "xông nhà" của mình, rồi đốt ba cây hương, vái ông bà, cha mẹ, chú  bác, cậu, mợ, cô dì, bạn bè đã quá vãng. Ngồi nhớ lại vài người đã quá cố. Rồi đến mục lấy  giấy ra "khai bút", ghi lại những vần thơ đặt lúc đầu năm. Khai bút xong đến "khai đàn".  Đàn được lau bụi từ hôm trước. Sáng mùng một, chỉ lên dây cho đúng cung bậc, rồi đàn  trong mỗi cây trong vài phút. Dạo sơ qua hơi Xuân, hơi Bắc, hơi Hạ, hơi Nhạc. 

...Cả ngày không đi đâu cả. Mấy đứa con nào xin nghỉ được, đến chúc Tết. Và phần nhiều là điện thoại reo luôn, điện thoại từ năm châu, bè bạn, cháu con thân thuộc, môn sinh đồng nghiệp gọi chúc Tết. Riêng tôi chỉ chúc các bậc trưởng thượng như cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn, hay bạn cùng trang lức như GS Lê Thành Khôi. Ăn uống rất giản dị. Có bánh chưng ,   bánh tét con cháu, bạn bè cho. Bánh mứt, hồng khô, dưa hấu thì không thiếu. Kể ra, về thức ăn, bên này có rất đầy đủ. Nhưng chỉ thiếu không khí Tết bên nhà. Quê hương tuy gần trong tâm khảm,nhưng xa trong không gian, nghe chừng như xa lắm, bạn ơi! 

Người ta sống ở đời không phải chỉ có vật chất đầy đủ là quý. Không thiếu ăn, thiếu mặc,  thiếu tiền nhưng thiếu quê hương cũng làm day dứt lòng nhiều người Việt sống tại nước  ngoài, hàng ngày hàng tháng, và nhất là khi Xuân về.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày