Trưởng lão HT.Thích Phước Sơn viên tịch

GNO - Trưởng lão HT.Thích Phước Sơn (1937-2020), nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Giám luật thiền viện Vạn Hạnh - Q.Phú Nhuận, do niên cao lạp trưởng đã thu thần viên tịch vào lúc 2 giờ 56 phút hôm nay, ngày 16 tháng 4 nhuận năm Canh Tý (7-6-2020) tại thiền viện Vạn Hạnh; Trụ thế: 84 năm, 47 hạ lạp.

HT PHUOC SON 1.jpg
Trưởng lão HT.Thích Phước Sơn (1937-2020)/Báo Giác Ngộ

Thông tin từ thiền viện Vạn Hạnh cho Báo Giác Ngộ biết, lễ nhập kim quan Trưởng lão Hòa thượng tân viên tịch cử hành vào lúc 17 giờ cùng ngày, 16 tháng Tư nhuận năm Canh Tý (7-6-2020).

Kim quan Trưởng lão Hoà thượng tôn trí tại giảng đường thiền viện Vạn Hạnh, số 750 Nguyễn Kiệm, P.4, Q.Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh.

Lễ thỉnh kim quan trà-tỳ cử hành vào lúc 7 giờ ngày 18 tháng Tư nhuận Canh Tý (9-6-2020), sau đó xá-lợi được thỉnh về tôn thờ tại tu viện Quảng Hương Già Lam.

Cũng thông tin Báo Giác Ngộ nhận được từ chư tôn đức thiền viện Vạn Hạnh và tu viện Quảng Hương Già Lam, tang lễ của Trưởng lão HT.Thích Phước Sơn được tổ chức như lời dặn dò sau cùng của ngài.

Theo đó, tang lễ tổ chức tại thiền viện Vạn Hạnh, ngắn ngày, nhẹ nhàng, không trống kèn, nghi lễ ngắn gọn, miễn phúng điếu và vòng hoa, không ghi sổ tang. Tịnh tài còn lại được sử dụng vào việc ấn tống kinh sách.

di nguyen HT Phuoc Son.jpg

Những lời dặn dò của Trưởng lão HT.Thích Phước Sơn/Báo Giác Ngộ

Trưởng lão HT.Thích Phước Sơn là bậc giáo phẩm nghiêm mật hành trì giới luật, bậc Thầy mẫu mực của nhiều thế hệ Tăng Ni tại các Phật học viện, Trường Cao cấp Phật học VN nay là Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.

Ngài là một học giả với tính cách cẩn thận, phiên dịch nhiều bộ luận, tác giả của nhiều công trình khảo cứu giá trị.

FCB170E2-A94C-427E-909C-1D1E71EDFF90.jpeg
Bậc Thầy mẫu mực, nhà nghiên cứu Phật học, vị giáo phẩm giới hạnh tinh nghiêm

Tác phẩm của Trưởng lão HT.Thích Phước Sơn để lại có thể kể một số như: Tam Tổ thực lục (1995), Phương pháp khoa học của Duy thức (dịch, 2000), Truyện cổ sự tích cứu vật phóng sinh (2001), Thơ thiền Việt Nam (2002), Luật Ma-ha Tăng-kỳ (dịch, 4 tập, 2003), Giải trình ý nghĩa Vu lan (2004), Thanh tịnh đạo luận toát yếu (2006), Luật học tinh yếu (2006), Một số vấn đề về Giới luật (2006), Ấn Độ Phật giáo nguyên lưu giảng lược (dịch, 2008), Lịch sử phiên dịch Hán tạng (dịch, 2008), Sắc tu Bách Trượng thanh quy (đồng dịch giả, 2 tập, 2008), Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy (đồng tác giả, 2 tập, 2015), Phật học khái yếu (2010), Tính chất trí tuệ và nhân bản của đạo Phật (2013), Tu tập Chỉ Quán tọa thiền pháp yếu (dịch, 2012)… cùng nhiều bài viết, nghiên cứu Phật học, văn hóa dân tộc xuất bản trên Báo Giác Ngộ từ thập niên 90 của thế kỷ XX, các tạp chí, kỷ yếu hội thảo trong và ngoài nước.

Dấu ấn mà Trưởng lão Hòa thượng để lại cho người tiếp xúc chính là sự nhẫn nại, khiêm cung, khép mình và nghiêm mật trên con đường giáo dục, một lòng nghiên cứu và thực hành giáo pháp của Đức Thế Tôn và tuệ giác của chư vị Tổ sư để lại.

Trưởng lão HT.Thích Phước Sơn là vị giáo phẩm khả kính, trú xứ tại thiền viện Vạn Hạnh, một đời cộng sự, gắn bó trong sự nghiệp giáo dục Tăng Ni, nghiên cứu Phật học bên cạnh cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu tại thiền viện Vạn Hạnh.

Hoàng Độ/Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày