Truyện ngắn của Bùi Quang Dũng: Trở về…

GN - Huyện đảo là một phần của thành phố biển. Giống đứa con lập dị một mình một tính, thích yên tĩnh nên thu mình sống cách ly khỏi thành phố ồn ào. Người dân muốn sang đảo phải chờ phà, một tiếng một chuyến. Khách chen chúc đứng ngồi trong mấy quán nước chờ phà, gió thổi ràn rạt ngột ngạt đến mức tưởng như vị mặn mòi của biển đã ngấm đầy khoang miệng.

Có hôm đông quá, phà không đủ chỗ lại phải chờ chuyến sau, hoặc chịu mất thêm tiền để đi tàu cao tốc. Việc đi lại tốn thời gian nên ngoài khách du lịch thì những người dân trên đảo chỉ khi nào có việc cần thiết mới vào thành phố.

cafe2.jpg
Chuyến phà về nhà - Ảnh minh họa

Trên đảo ngoài hồ đầm nước mặn, nước lợ chuyên để nuôi tôm thì diện tích chủ yếu là rừng nguyên sinh. Văn từng vài lần ra đảo trong giai đoạn chán chường nhất của cuộc đời. Từng lóe lên ý nghĩ hay là chạy trốn tất cả đám chủ nợ để ra đảo sống chui lủi trên một ngọn núi nào đó. Để những buổi sáng không bị tiếng đập cửa, chửi bới đánh thức. Đêm nhắm mắt cũng không lo giữa chừng giấc mơ bị ai đó kề dao vào cổ. Làm sao người ta có thể tìm thấy Văn ở đảo khi một bên là bạt ngàn xanh và những núi đá cao chọc trời, còn một bên là biển khơi vô tận. Văn sẽ sống ở đó đến già như một con thú hoang mà không cần đến đồng loại.

Những ý nghĩ điên rồ thường xuất hiện lúc người ta cùng quẫn nhất. Như cách mà Văn từng nghĩ mình sẽ ra đảo sống để chạy trốn mọi sự truy đuổi mỗi ngày. Nhưng Văn chưa kịp thực hiện ý định đó thì bị bắt đi tù. Với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Văn lĩnh án bốn năm tù. Mọi thứ như đổ sụp trước mặt, thế là hết.

Sống trong tù, Văn nghĩ miên man về những ngày tháng cũ. Ân hận vì mình đã tự đẩy bản thân vào vòng khốn cùng tội lỗi, để người mẹ già và vợ con bao phen khốn đốn nợ nần chồng chất vì mình. Không biết mẹ ở nhà sống ra sao trước sự dè bỉu của thiên hạ, trước nỗi đau đớn xót xa con.

Mẹ già lắm rồi. Trong bữa cơm cuối cùng được ăn cùng mẹ, Văn thấy trong đĩa rau lẫn vài sợi tóc bạc mà mẹ không nhìn thấy. Vai mẹ gầy nhô lên dưới lớp áo cũ sờn. Thỉnh thoảng mẹ quay mặt ho khan, bàn tay run run vì cơn sốt ban chiều còn chưa dứt. Bữa cơm của mẹ có cá kho tương, canh rau muống dầm sấu, đã là bữa ăn ngon nhất suốt cuộc đời Văn. Bởi vì khi Văn ra tù, mẹ đã không còn nữa. Chỉ còn căn nhà cũ bám đầy mạng nhện. Trên ban thờ lạnh ngắt khói hương, mắt mẹ nhìn đau đáu qua di ảnh. Đó là ánh mắt của buổi chiều bốn năm về trước mà Văn không khi nào quên được. Mẹ bị nghẹn còn chưa kịp nuốt trôi bát cơm thì công an ập tới. Ánh hoàng hôn đỏ như màu máu. Mẹ gầy guộc như cành cây khô xiêu vẹo bước theo Văn. Ngày nào hình ảnh ấy cũng khiến tim Văn đau đến rã rời.

Vợ Văn đã mang theo đứa con gái bốn tuổi rời nhà ngoại đi làm ăn xa quê. Văn đã gặng hỏi gia đình vợ nhiều lần nhưng không ai biết địa chỉ nơi hai mẹ con cô ấy đang sinh sống. Cảnh cũ còn đó mà người thân đều đã xa xôi.

Sau khi ra tù, Văn sống những ngày chậm chạp đến khó thở. Đúng lúc ấy thì người bạn từng quen trong tù tìm đến rủ Văn ra đảo làm trang trại. Ừ thì đi. Văn nghĩ ở lại cũng buồn, chi bằng đến một vùng đất mới làm lại cuộc đời. Ra đảo lại càng hay, chẳng mấy ai biết quá khứ tù tội của mình thì sẽ dễ thở hơn.

Thắp hương cho mẹ xong xuôi, cửa nhà khóa lại, Văn ra đảo với vài bộ quần áo cũ nhàu. Ý nghĩ ra đảo sống từ bốn năm trước không ngờ thành sự thật. Chỉ có điều lần trước vì muốn chạy trốn mà ra đảo, còn lần này Văn chỉ muốn tìm lại chính mình. Tìm lại Văn của những năm tuổi trẻ, chưa sa chân vào hố sâu tội lỗi.

Vừa ra đảo, Văn đã bắt tay vào làm trang trại. Đất trên đảo cằn cỗi phải mất rất nhiều thời gian, công sức để cải tạo. Dù đã quen với lao động chân tay nặng nhọc trong thời gian ở tù, nhưng những ngày đầu trên đảo, hai bàn tay Văn vẫn phồng rộp. Đất toàn đá sỏi, những nhát cuốc bổ xuống lại nảy lên. Suốt mùa hè chỉ thấy vài trận mưa nhỏ không đủ ướt lá cây. Đảo hiếm nước ngọt, dân trên đảo phải hứng nước mưa chứa trong các bể ngầm để lấy nước ăn. Còn nước sinh hoạt chủ yếu lấy từ nguồn giếng khoan, giếng khơi. Ngay trong việc khoan giếng cũng đầy may rủi. Dù đã thăm dò trước nhưng không phải đào cái nào cũng bắt trúng mạch nước. Vào mùa hạn, mạch nước ngầm bị khô cạn trầm trọng, người dân thiếu nước ăn. Họ phải vào thành phố mua từng can nước ngọt. Giá nước ngọt bán trên đảo nhiều khi cao gấp mấy chục lần giá thông thường. Đảm bảo nhu cầu sống cho con người đã khó khăn, thử hỏi nước đâu để chăn nuôi, trồng trọt? Lúc này Văn mới thấy tồn tại được ở đảo không phải đơn giản như mình vẫn nghĩ.

Mỗi khi có mưa bão hoặc triều cường, nước biển lại tràn qua đê xâm lấn đảo. Nguồn nước bị nhiễm mặn, các công trình nước sạch cũng bị phá hủy. Nước trong các giếng khoan đục ngầu và bốc mùi. Ăn uống, tắm giặt một thời gian là khắp cơ thể Văn ngứa ngáy nổi đầy mụn nhọt. Cũng có lúc Văn nghĩ đến việc bỏ về, nhưng lại thương tấm lưng trần của bạn cắm cúi trồng từng bầu cây non nớt. Ngoài trồng tràm, bạch đàn, gia đình bạn còn đầu tư thêm hơn chục con bò giống, mấy trăm ngan vịt, vài chục mái gà. Thực phẩm trên đảo đắt đỏ, chủ yếu phục vụ khách du lịch nên không lo khâu tiêu thụ. Vịt đẻ đến đâu trứng bán hết veo đến đó. Gà nuôi ngô, thả chạy quanh rừng thịt săn chắc, khách du lịch thích mê. Các khách sạn, nhà ăn trên đảo cho người đến tận nơi lấy. Nhu cầu tiêu thụ sẽ còn tăng cao khi dự án xây cầu sang đảo đã sắp hoàn thành. Khi đó việc đi lại giữa thành phố và đảo sẽ thuận lợi hơn. Khách du lịch sẽ kéo ra đảo để tận hưởng những ngày nghỉ ngơi trên các bãi biển trong lành. Nghe nói khi dự án cầu được đưa vào sử dụng thì thành phố cũng sẽ đưa nước sạch ra theo. Có nước rồi đời sống sẽ đổi khác, trồng trọt chăn nuôi cũng thuận lợi hơn.

* * *

Ban ngày làm lụng vất vả khiến Văn không còn thời gian để buồn. Nhưng cứ đêm đến, khi công việc đã xuôi, ngả mình xuống giường là hình ảnh mẹ lại hiện về. Có hôm vì không chịu đựng được, Văn đã ôm ngực khóc. Nếu đời Văn không theo bạn bè chơi bời cờ bạc thì mẹ đã không phải lo toan đến bạc mái đầu. Thì bây giờ biết đâu mẹ còn sống, vợ con còn ở bên, sự nghiệp còn nắm ở trong tay. Đời người mất cái gì thì xót xa cái đó. Huống hồ Văn đã mất đi tình thân máu mủ. Mỗi ngày nhìn gia đình bạn quây quần, Văn đều nhớ đến ấm cúng xưa. Ngó vai áo sờn nhớ tảo tần đời mẹ. Ngó bữa cơm nhà người mà nhớ nhung ước vọng sum vầy. Bạn thương Văn nên có đôi lần giới thiệu người này người kia. Họ đều là những người đàn bà đã qua một lần đò hoặc quá lứa lỡ thì. Bạn bảo, “ai cũng cần phải quên đi để sống”. Nhưng Văn không muốn quên. Văn làm việc cật lực để chờ một ngày vợ con quay về. Khi đó Văn đã có chút vốn liếng trong tay để cùng vợ gây dựng lại cuộc sống, nuôi con ăn học. Con gái đã chịu nhiều thiệt thòi nên giờ Văn chỉ muốn cố gắng để bù đắp cho con.

Ngày thông cầu ra đảo cũng là ngày Văn tạm gác công việc ngoài trang trại để quay trở vào thành phố. Văn muốn về quét dọn cửa nhà, thắp cho mẹ nén hương. Để mẹ về nhìn đứa con trai đầy tội lỗi ngày nào giờ đã rắn rỏi và trưởng thành hơn. Đôi bàn tay chai cứng vì cầm thuổng, cuốc. Làn da đen sạm vì nắng và gió biển. Văn cũng sửa sang lại ngôi nhà, lợp lại ngói, lát lại nền, xới quang vườn vặng. Để hương hồn mẹ nơi chín suối được an ủi phần nào. Để nếu đón được vợ con về có mái nhà che mưa che nắng.

Lần này Văn vào thành phố cũng vì mới tìm thấy địa chỉ nơi vợ con sinh sống. Người họ hàng tình cờ gặp vợ Văn đang làm cà-phê trên Tây Nguyên. Văn sẽ đi đón vợ con về, ở đây đất đai thiếu gì mà phải lặn lội mưu sinh xa xôi thế. Khu công nghiệp gần cảng biển đâu thiếu việc để làm. Văn vẫn sẽ làm kinh tế ngoài đảo. Thông cầu rồi việc đi lại rất dễ dàng. Chỉ mất mười lăm phút đi xe là có thể về đến nhà quây quần bữa cơm chiều cùng vợ con mình.

Đất trên đảo bắt đầu sốt giá. Đảo bây giờ không phải để người ta trốn ra sống một cuộc đời chui lủi. Mà đảo đón những con người chịu thương chịu khó ra xây dựng một vùng đất đẹp giàu. Một môi trường sống lý tưởng cho những ai yêu cuộc sống trong lành, bình yên ở nơi đây. Mỗi ngày đảo không chỉ đón người ra mà còn đưa những con người lao động quay trở về thành phố. Như là cách mà mỗi chiều Văn trôi đi trên con đường bạt ngàn màu xanh của rừng nguyên sinh. Trôi qua cây cầu ràn rạt gió biển, chấp chới những cánh chim trời để trở về thành phố. Nơi vợ con Văn có lẽ đã kịp nấu xong bữa cơm chiều…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày