GN - Năm nay, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND) cho 39 nhà giáo, bên cạnh 880 nhà giáo nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) năm 2014.
Ngoài ra, nhằm để tiết kiệm và tránh lãng phí, Bộ GD và ĐT đã có thông báo không tổ chức tiếp khách và không nhận hoa chúc mừng tại Trụ sở của Bộ và Cơ quan đại diện của Bộ tại TP.Hồ Chí Minh.
Đối với các ngành, các giới thì ngành giáo dục đang là một ngành được Nhà nước cho phép xã hội hóa không hạn chế. Cũng từ phạm trù này, các trường học từ mẫu giáo cho đến cấp 3 đều được ít nhiều nâng cấp, sửa sang và lắp đặt thêm các thiết bị dạy và học. Đời sống của đại đa số giáo viên, giáo sư đều được cải thiện đáng kể nhờ vào việc dạy thêm, học thêm. Đây là nói về các trường học vùng đô thị và các thành phố lớn. Còn nơi các vùng xa, vùng sâu, vùng hải đảo thì việc học hầu như còn rất nhiều khó khăn: thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất nghèo nàn. Ở những nơi này làm gì có xã hội hóa, bởi dân cư nghèo nàn, thưa thớt, nhưng những đứa trẻ được đến lớp khá chăm ngoan.
Nhìn lại tổng quan bức tranh ngành giáo dục, vẫn còn vài hạt sạn nhỏ như học trò đánh thầy, cô; cô giáo đánh đập trẻ em mầm non, gạ tình lấy điểm… gây nhiều bức xúc trong cộng đồng xã hội, điều này cho thấy mặt khác của ngành giáo dục còn có vấn đề, đó là đạo đức học sinh, đạo đức của thầy, cô giáo đang có dấu hiệu suy thoái mà nếu không có chủ trương uốn nắn kịp thời, sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín chung trong cộng đồng các nhà giáo chân chính vì sự nghiệp trồng người.
Đối với Phật giáo, ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 cũng có một ý nghĩa thiêng liêng bởi hệ thống giáo dục Phật giáo hiện có 4 Học viện PGVN ở TP.HCM, Huế, Hà Nội và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ. Bên cạnh đó là hệ thống các trường trung cấp Phật học các tỉnh thành và các lớp cao đẳng. Tại các học viện đào tạo cử nhân Phật học cho Tăng Ni sinh đều có các giảng sư, thầy cô giáo. Vì vậy, chúng ta trân trọng và biết ơn đối với những vị giảng sư đã dìu dắt các thế hệ Tăng Ni sinh trở thành những con người có trí, có tài, để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Giáo hội.
Người Việt Nam ta có truyền thống “Tôn sư - Trọng đạo”. Trong bậc thang giá trị của con người, nhà giáo xếp sau vua nhưng trước cha mẹ. Những câu tục ngữ quen thuộc cho ta thấy giá trị của người thầy, cô giáo là “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Trọng thầy mới được làm thầy”. Nghề giáo đã tạo ra những con người tri thức, có đạo đức và tài năng để cống hiến cho xã hội. Vì thế “Tôn sư” không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người thầy dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn hóa, văn minh và tiến bộ.
Ngày 20-11 là ngày hội của các thầy cô giáo, là ngày mà các kỹ sư tâm hồn được tôn vinh. Với ý nghĩa này, bằng những hành động thiết thực và giàu tình cảm kính trọng, yêu thương, học sinh sinh viên đến với thầy cô bằng những đóa hoa tươi thắm, giản dị giàu cảm xúc nhằm đề cao truyền thống “Tôn sư - Trọng đạo” và các bạn hãy nghĩ rằng thầy cô giáo luôn nghĩ và mong rằng các bạn học tập thật tiến bộ, sớm trở thành những người có ích cho đất nước. Đó là món quà lớn nhất, quý giá nhất mà các bạn đã mang đến cho thầy cô.