TT.Thích Trí Chơn, SC.Liễu Pháp chia sẻ về dạy đệ tử

GN - Dưới đây là chia sẻ về việc giúp học trò giữ tâm Bồ-đề, tiếp nối câu chuyện giáo dưỡng đệ tử Giác Ngộ đã thực hiện trước đó...

* Luật nghi và giáo pháp: phương thuốc giúp vượt chướng ngại

- Với tôi, luật nghi và giáo pháp, nếu giảng dạy một cách cụ thể và hướng dẫn các vị tân học thực tập miên mật thì có thể vượt qua ngoại chướng. Nên nhớ, pháp Phật là pháp hành, dù trang bị lý thuyết bao nhiêu mà thực hành trống rỗng thì trên con đường đạo vị ấy chẳng nhích được bước nào.

Năm thứ thèm khát (sắc dục, tiền tài, danh vị, ăn uống, ngủ nghỉ) là năm thứ cám dỗ mà một người phát nguyện đi tu phải vượt qua. Hai trong năm thứ khó vượt nhất là sắc dục và tiền tài. Đam mê một người khác giới là nhu cầu tự nhiên của con người. Ngay khi chúng ta có mặt trên đời là do ái nhiễm mà có. Hạt giống ái nhiễm đó ta tiếp nhận từ cha mẹ ông bà. Nó trở thành hiển nhiên trong ta. Nó không có xấu. Nhưng đó là sự tiếp nối của gia đình huyết thống. Khi ta bước vào gia đình tâm linh thì ta phải hiểu rằng Đức Phật chỉ truyền trao những hạt giống từ bi, trí tuệ, giác ngộ, giải thoát cho lịch đại Tổ sư và cho thầy ta. Ta nguyện đi trên con đường của Đức Phật là nguyện tiếp nối những hạt giống thuần tịnh, vô nhiễm, vô cấu. Còn tiếp nối những hạt giống ái nhiễm đó là hệ lụy của khổ đau, của sinh tử luân hồi nên ta phải chấm dứt.

Anh 1.jpg


TT.Thích Trí Chơn

Chấm dứt bằng cách nào? Ham muốn nhục dục là một năng lượng. Đức Phật dạy, người tu phải biết hành trì giới luật và công phu tu tập, thiền quán để chuyển hóa năng lượng ấy thành năng lượng của trí tuệ lớn, tình thương lớn - năng lượng thánh thiện. Người thiếu hành trì giới luật và công phu nội quán sẽ bị năng lượng ấy đòi hỏi và tìm kiếm sự thỏa mãn bên ngoài. Do đó bị vướng vào sắc dục.

Tháng trước, sư chú T.K. đến thưa tôi: “Thời gian gần đây con ham thích con gái quá, giờ phải thực tập cách nào?”. Tôi nói: “Năng lượng của dục tính trồi lên trong một thanh niên trai tráng là điều bình thường. Hạt giống dục tính ấy nó đã nằm trong con, sống với con suốt 27 năm (chú ấy 27 tuổi), trong khi hạt giống tuệ giác của Đức Thế Tôn con nuôi dưỡng chỉ mới bốn tháng (chú ấy tu được bốn tháng). Vậy nên hãy chăm sóc nuôi dưỡng hạt giống tuệ giác còn non nớt, yếu kém và hãy bỏ mặc hạt giống dục tính kia bằng cách thiền tập đề mục “Quán thân trên thân” trong kinh Bốn phép quán niệm. Chú ấy hiện đang thực tập và có kết quả chuyển biến tích cực.

Sống thiểu dục tri túc, thực tập nếp sống tối giản, không nô lệ vật chất, giúp người tu trở thành người tự do, có được nhiều an lạc, nhờ vậy ít bị dính vào tiền tài. Hai món dục này mà người tu giải quyết được thì ba món còn lại (danh, thực, thùy) sẽ dễ dàng vượt qua.

TT.Thích Trí Chơn
(Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, trụ trì tu viện Khánh An, Q.12)


* Thầy giúp trò hiểu mình

- Người mới phát tâm xuất gia, ai cũng nghĩ sẽ bắt đầu đời sống phạm hạnh một cách tốt đẹp nơi cửa thiền nhưng khi vào thực tế, có nhiều việc, nhiều va chạm làm họ nản. Lúc đó, người thầy phải làm cho học trò mình hiểu, chùa cũng là một xã hội thu nhỏ và những người trong môi trường đó cũng đang trên bước đường tu tập để hoàn thiện mình nên không tránh khỏi những tập khí không tốt, những phiền não…

Người thầy cũng cần giúp đệ tử tránh việc quá lý tưởng đời sống tu tập hay người thầy của mình để họ không quá kỳ vọng để rồi quá thất vọng, dẫn tới đánh mất tâm tu. Đồng thời, nhắc nhở học trò theo dõi mình là chính, không cần phải so sánh với ai, mà tự so mình với hôm qua để sửa chữa bản thân. Đường tu là đường dài chứ không phải chuyện của một sớm, một chiều, do vậy việc thầy trò thường xuyên nhắc nhở, sách tấn là việc cần thiết.

Ni su Lieu Phap.jpg


SC.Liễu Pháp

Ở chùa tôi, hiện có 50 vị đang tu tập với trình độ, địa phương khác nhau. Việc đầu tiên khi vào chùa, tôi sẽ cho các vị học kinh, oai nghi, luật Sa-di. Chừng đó thôi cũng mất 1-2 năm, đó cũng là thời gian để các vị rèn luyện, tự nhìn lại mình cũng như con đường, môi trường mình đang đi có phù hợp. Về việc học, tôi phân công các đệ tử lớn giám sát, có kiểm tra bài vở hàng tuần, hàng tháng để đôn đốc, giúp người mới có kỷ luật hơn.

Với đệ tử, tôi cũng thoải mái để cho họ chọn khuynh hướng phát triển bản thân trên bước đường tu. Nếu vị nào thích pháp học thì tôi đề nghị cần vạch ra các mục tiêu để học lên các cấp học cao hơn. Còn vị nào thích pháp hành (chỉ thích hành thiền) hay phục vụ (từ thiện, chia sẻ) thì tôi cũng tạo điều kiện để học trò phát triển khuynh hướng của bản thân.

Ở đây, tôi không nghĩ chùa mình hay hay dở mà chỉ nghĩ, nơi nào phù hợp với người nào thôi. Chính vì thế, có những vị không thấy phù hợp với mình, xin đi thì tôi vẫn hoan hỷ. Tôi cũng không khắt khe mà luôn mở đường tu cho học trò, “nếu tụi con đi nơi khác, tìm hiểu mà thấy chùa mình thích hợp hơn thì cứ quay về”.

Với những học trò chưa ngoan, tôi nhắc họ coi lại lựa chọn của bản thân, liệu có đáp ứng những quy tắc trong đời sống tu hành hay không, nếu không thì cứ trở về đời sống người cư sĩ. Đừng ép mình trong khuôn khổ không phù hợp để rồi có hành xử không đúng thì còn tệ hơn là trở về sống đúng với môi trường mà mình thuộc về.

SC.Liễu Pháp
(Tiến sĩ Phật học, Phó khoa Anh văn Phật pháp - Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM,
trụ trì Ni viện Viên Không, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

(Bình Minh ghi)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày