Quán vô lượng thọ kinh chép: “Tâm của chư Phật là tâm đại từ bi” (Chư Phật tâm giả, đại từ bi thị 诸佛心者大慈悲是). Đại trí độ luận giải thích thêm: “Hết thảy những điều trong Phật pháp, từ bi là quan trọng nhất” (Nhất thiết chư Phật pháp trung từ bi vi đại 一切诸佛法中慈悲为大)…
“Từ bi là gốc rễ của đạo Phật” (Từ bi thị Phật đạo chi căn bản 慈悲是佛道之根本). Phật giáo hay "từ bi" đến với Việt Nam khác với Trung Quốc. Trung Quốc dựa vào Nho, Đạo và các học thuyết có lịch sử lâu đời chẳng kém gì Phật giáo ở Ấn Độ để "lĩnh hội" vị khách từ Tây Trúc viếng thăm này. Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, quyển 117 cho rằng Phật giáo chẳng có gì mới cả: “Giáo lý của nhà Phật, về “thanh tịnh” thì có nguồn gốc ở Lão Tử, về “từ bi” thì có nguồn gốc ở Mặc Tử” (Nhiên Phật thị chi giáo, kỳ thanh tịnh thủ chư Lão, kỳ từ bi thủ chư Mặc 然佛氏之教其请净取诸老其慈悲取诸墨)(1).
Có lẽ nên so sánh những điểm dị đồng giữa các học thuyết hơn là khẳng định cái này từ cái kia mà ra. Việt Nam không có điều kiện để so sánh như vậy, ba giáo gần như du nhập cùng một lúc. Lấy giáo lý để "lĩnh hội" giáo lý như Mâu Tử trong Lý hoặc luận không phải là “sở trường” của Việt Nam. Phật giáo vào Việt Nam từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống như ở Trung Quốc(2). Cho nên ba giáo “đồng nguyên” ở Việt Nam là “đồng nguyên” ở tiêu điểm văn hóa truyền thống nhân ái, “thương người như thể thương thân”. Nói cách khác là “từ bi” của Việt Nam đã “bắt gặp” “từ bi” của ba giáo (3). Ba giáo “đồng nguyên” ở thời Lý-Trần là “từ bi thực hành” được lý thuyết hóa. Sự thống nhất giữa “từ bi” bên trên và “từ bi” bên dưới đã tạo thành sức mạnh phi thường trong lịch sử chống ngoại xâm cũng như xây dựng đất nước. Nói cách khác, “đồng nguyên” giữa ba giáo xuất phát từ lợi ích, từ tinh thần dân tộc chứ không phải từ lợi ích, từ quyền lực của giai cấp thống trị.
Nếu như “từ bi” trong truyện dân gian Quan Âm Thị Kính bị lãng quên hay bị đánh mất thì có nghĩa là xã hội đang đứng trước ngã ba đường về giá trị đạo đức, văn hóa. Với 788 câu thơ lục bát của truyện Quan Âm Thị Kính có thể tóm lại trong một chữ, đó là chữ “từ” (câu 624). Ôi! chữ “từ” của “một thời để nhớ” là chữ “từ” gắn liền với truyền thống văn hóa dân tộc, còn chữ “từ” “một thời để quên” là chữ “từ” bị che lấp bởi đồng tiền và quyền lực.
Như vậy là chữ “từ” hay “từ bi” có lịch sử của nó, ở mỗi thời đại khác nhau nó được nhận thức và thực hành theo nhiều cách khác nhau.
“Từ bi” là “từ” và “bi”, là hai đức tính (tinh thần) cơ bản trong bốn đức tính mà Phật giáo gọi là “tứ vô lượng” (Caturapramana) hay còn gọi là “tứ vô lượng tâm” 四无量(4). Theo Câu xá luận, quyển 29, “vô lượng” 无量nói về đối tượng vô lượng, bao quát mọi chúng sinh, không hạn chế một ai cả (vô lượng chúng sinh无量众生) và hiệu quả vô lượng, lợi ích đem lại cho chủ thể cũng như khách thể đạo đức là vô cùng lớn lao (vô lượng phúc quả无量福果).
Bốn đức tính đó gọi là "từ" 慈, (Skt: Maittri", Pali: "Metta"; "bi" 悲 (Skt, Pali: Karuna); "hỷ" 喜 (Skt, Pali: Mudita); "xả" 舍 (Skt: Upeksa, Pali: Upekkha)(5). Kinh Tập giải thích: “Từ” là lòng mong muốn đem lại lợi ích và an lạc cho người khác. “Bi” là hy vọng nhằm loại trừ những khổ đau không có lợi cho người khác hoặc có hại cho người khác” (Từ thị lợi ích hòa an lạc tha nhân đích tâm nguyện. Bi thị trừ khử bất lợi tha nhân hoặc hữu hại tha nhân chi khổ chi hy vọng 慈是利益和安乐他人的心愿,悲是除去不利他人或者害他人之苦之希望).
Phật học Đại từ điển Đinh Phúc Bảo định nghĩa “tứ vô lượng” là “bốn đức tính của Phật Bồ tát gồm từ, bi, hỷ, xả. Tâm niệm đem lại niềm vui cho người khác gọi là “từ”, tâm niệm làm cho người khác bớt khổ đau gọi là “bi”, vui mừng vì chúng sinh được an lạc, tránh khổ đau gọi là “hỷ”, tâm niệm đối với chúng sinh không tính toán thân, sơ, đối xử với mọi người bình đẳng như nhau gọi là “xả” (Phật Bồ tát từ, bi, hỷ, xả chi tứ đức dã. Dữ lạc chi tâm vi từ, bạt khổ chi tâm vi bi, hỷ chúng sinh ly khổ hoạch lạc chi tâm viết hỷ, ư nhất thiết chúng sinh xả hận thân chi niệm nhi bình đẳng nhất như viết xả 佛菩萨慈悲喜舍之四德也,与乐之心为慈,拔苦之心为悲,喜众生离苦获乐之心曰喜,于一切众生舍恨亲之念而平等一如曰舍).
Thông thường, "từ" vẫn được hiểu là "đem lại niềm vui" (dữ lạc 与乐), "bi" có nghĩa là "giảm bớt khổ đau" (bạt khổ 拔苦). Nhưng không phải ai cũng hiểu như vậy. Chẳng hạn Vãn sinh luận chú lại cho rằng: “Giảm bớt khổ đau cho người khác gọi là “từ”, đem lại niềm vui cho người khác gọi là “bi”” (Bạt khổ viết từ, dữ lạc viết bi 拔苦曰慈,与乐曰悲). Niết bàn kinh, quyển 14, cũng cùng kiến giải: “Giảm bớt những gì không có ích lợi cho chúng sinh gọi là “đại từ”, đem lại niềm vui vô hạn cho chúng sinh gọi là “đại bi”” (Vi chư chúng sinh trừ vô lợi ích thị danh đại từ, dục dữ chúng sinh vô lượng lợi lạc thị viết đại bi 为诸众生除无利益是名大慈,欲与众生无量利乐是名大悲).
Như vậy là “từ” được hiểu là “bi” và “bi” lại được hiểu là “từ”. Cái nọ thành cái kia và cái kia thành cái nọ. Nhưng thực ra “từ” và “bi” cũng là hai mặt của một vấn đề, cho nên gọi là “đại từ”, “đại bi” hay “đại từ bi” cũng thế mà thôi. Thậm chí chỉ cần một chữ “từ” cũng đủ rồi, bởi vì “từ là mẹ của mọi đức tính” (Từ vi nhất thiết đức chi mẫu, Nhân Vương kinh 慈为一切德之母,仁王经). Metta sutta có thể gọi là Từ kinh hay Từ bi kinh cũng chẳng có gì khác nhau. Cũng như “ngũ thường” của Nho giáo bao gồm “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” nhưng gọn lại chỉ cần một chữ “nhân” là đủ.
“Từ” của Phật giáo thường được ghép với “ái” 爱 - "từ ái" 慈爱. "Nhân" 仁là cốt lõi của Nho giáo, "nhân" cũng là "nhân ái" (Nhân, nhân ái dã, Mặc Tử, Kinh thuyết hạ仁,仁爱也). "Nhân ái" là "yêu người" (Nhân giả ái nhân, Mạnh Tử, Ly lâu hạ). “Ái” (Love) cũng là một trong ba mỹ đức của thần học và cũng là một trong ba cương lĩnh của Đức Chúa Giê-su(6). Như vậy phải chăng “yêu thương mọi người”, “yêu thương nhân loại” là tiêu điểm của Phật giáo, Nho giáo và Cơ Đốc giáo?
Nhưng “tình thương” hình như vẫn đang bị bóng đen của “hận thù” và “dục vọng vô bờ” che lấp. Mahatma Gandhi, vị Thánh của người Ấn Độ, đã từng sống và kêu gọi mọi người hãy sống theo tinh thần “chấp trì chân lý” (Satyafraha), nghĩa là từ bi, tình thương và phi bạo lực (Ahimsa): “Linh hồn bao gồm cả trí tuệ. Ngọn lửa của lòng từ bi bùng cháy trong nó. Nếu một ai đó tổn thương ta bằng vô minh thì ta thắng họ bằng tình thương” (Collected Work of Mahatma Gandhi).
Mahatma đã cảnh báo về “bảy sai lầm lớn đối với nhân loại” (Seven Blunders of the World) (ông có bổ sung thêm sai lầm thứ tám). Nhưng chẳng bao lâu sau đó ông bị hành thích và nghe đâu trước khi từ giã cõi đời ông còn đưa tay lên trán tỏ ý khoan dung cho kẻ đã hành thích mình. Có thể trích ra đây một vài sai lầm mà ông đã phê phán:
“Của cải mà không tự mình làm ra”,
“Hưởng lạc mà vô lương tri”,
“Tri thức mà không có phẩm hạnh”,
“Buôn bán làm ăn mà không có đạo đức”,
“Khoa học mà không có nhân tính”,
“Quyền lợi mà không có trách nhiệm”…
(Wealth without work,
Pleasure without conscience,
Knowledge without character,
Commerce without morality,
Science without humanity,
Rights without responsibility)…
Như vậy thì hạnh phúc của con người được giải quyết bằng đạo đức, bằng từ bi hay là bằng bạo lực? Hầu như ít ai đồng tình bạo lực đem lại hạnh phúc. Nếu như vậy thì con người đâu có hơn gì con vật? Nhưng con người cũng là con vật kia mà! Tính người đâu đã dễ dàng gì chiến thắng tính động vật. Đức tính “từ bi” cao cả của lý tính e rằng còn lâu mới có thể thuyết phục nổi “nắm đấm” của những con người công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chẳng trách học trò của Khổng Tử lại dám lên tiếng chê học thuyết nhân ái của thầy là “không thực tế” (vu khoát). Còn Khổng Tử thì tự an ủi rằng biết thừa là học thuyết của mình không thực thi được nhưng vẫn cứ làm. Có lẽ ông hy vọng rằng một ngày nào đó trên trái đất, “nhân ái” của ông sẽ chiếm được ưu thế chăng? Giá như ông sống lại ở thế kỷ XXI này thì ông sẽ thấy mọi việc chẳng có gì khác xưa, thậm chí có khi còn tệ hại hơn là đằng khác.
Thuyết “nhân ái” nổi tiếng của Khổng Tử gồm hai nguyên tắc gọi là ‘trung” 忠và "thứ" 恕. Khổng Tử giải thích "trung" như sau: "Nếu ta muốn đứng được trong xã hội thì nên làm cho người khác cũng đứng được như vậy, ta muốn được thành đạt thì nên làm cho người khác cũng thành đạt như vậy" (Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân, Luận ngữ, Ung Dã 己欲立而立人己欲达而达人). "Thứ" nghĩa là: "Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, Luận ngữ, Nhan Uyên 己所不欲勿施于人). Nhưng giữa "trung" và "thứ" thì Khổng Tử vẫn xem trọng "thứ" hơn là "trung". Tử Cống hỏi thầy rằng liệu có câu nói nào mà suốt đời cần phải theo hay không? Khổng Tử đáp đó là "thứ", nghĩa là "cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác" (Kỳ thứ hồ, kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, Luận ngữ, Vệ Linh Công 其恕乎!己所不欲勿施于人).
Cũng không có gì khó khăn lắm để tìm thấy những câu tương tự như thế trong Kinh Thánh. Trong Tân ước có câu: “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Do to others what you would have them do to you) (Matthew 7:12). Tân ước, Phúc âm Luca (Gospel of Luke 6: 31) cũng có câu tương tự như vậy. Cựu ước cũng có câu tương tự như “thứ” của Nho giáo: “Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Do not do to others what you would not like to do) (Tobias 4:15). Hobbes trong tác phẩm Leviathan, khi đề cập về nhà nước cũng đề cập đến “nguyên tắc vàng” (Golden Rule) nói trên.
Thực ra “nguyên tắc vàng” còn xuất hiện ở nhiều kinh điển tôn giáo trên thế giới. Chẳng hạn như: “Bất kỳ ai làm cho người khác những gì mà mình không muốn thì kẻ đó không xứng đáng là tín đồ”, Islam giáo (Bốn mươi Thánh huấn 13). “Nhân loại nên lấy đạo lý của mình để đối xử với kẻ khác”, Jaina giáo, (Sutrakritanga, 11). “Không thể lấy đạo lý mà mình không thích để làm cho người khác. Đó là bản chất của đạo đức”, (Mahabharata, XIII, 114, 8).
“Nguyên tắc vàng” phổ biến như vậy cho nên “Tuyên ngôn đạo đức toàn cầu” (Declaration Toward a Global Ethic)(7) xem đó như là điểm đồng quy của đạo đức nhân loại: “Hàng nghìn năm qua, rất nhiều tôn giáo và truyền thống đạo đức của nhân loại đều duy trì một nguyên tắc, đó là “cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Điều đó cần phải trở thành nguyên tắc tuyệt đối vô điều kiện, thiên cổ không thay đổi trong mọi lĩnh vực của đời sống, bao gồm gia đình và xã hội, các chủng tộc, các quốc gia, các tôn giáo”.
Đó là điểm tương đồng giữa đạo đức và văn hóa của phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, ngay ở điểm tương đồng này cũng đã có dị biệt, dị biệt giữa Đông và Tây đã đành mà còn cả dị biệt giữa phương Đông và phương Đông nữa. Kinh Thánh, hay văn hóa phương Tây thường tách biệt giữa con người và tự nhiên, giữa chủ thể và khách thể, cho nên có phần thiên về “trung” hơn là “thứ”. Cho nên “nguyên tắc “thứ” của Khổng Tử bị xem là có phần tiêu cực, còn “trung” mới là tích cực. Nhiều học giả lại cho rằng “thứ” mới là cơ bản, còn “trung” mà phương Tây đề cao có thể lại là nguyên nhân của chủ nghĩa nhân loại trung tâm, châu Âu trung tâm, cá nhân trung tâm, chân lý bản vị… Cái gì mình thích, cái gì mình cho là đúng thì nên hoặc bắt mọi người cũng thích và cũng cho là đúng như mình.
Nói vậy thôi chứ nguyên tắc “thứ” của Khổng Tử có phải ai cũng khen hết đâu! Chưa chắc cái gì mình thích thì người ta cũng thích, cái gì mình không thích thì người ta cũng không thích? Cho nên “suy bụng ta” không phải lúc nào cũng “ra bụng người”. Nhưng dầu sao “hễ ta không muốn thì người chẳng ưa”, nghĩa là đừng “đụng” đến người khác có lẽ còn hơn là “hễ ta đã muốn thì người phải ưa”.
Xuất phát điểm “từ bi” của Phật giáo không phải từ chủ thể để đến với khách thể, không phải từ “suy bụng ta” để “ra bụng người”. Đã là “vô ngã” thì làm sao “suy bụng ta” được? “Từ bi” của Phật giáo không khiên cưỡng đem “muốn” hay “không muốn” của mình áp đặt cho người khác(8). Cơ sở của “từ bi” không phải là chủ nghĩa kinh nghiệm, cảm tính. Cho dù “vô ngã” ở Phật giáo nguyên thủy chủ yếu là phê phán “vị ngã” trên bình diện đạo đức, nhưng từ thuyết duyên khởi Nagajruna đã tiến thêm một bước thống nhất giữa “vô ngã” và “tính không”, giữa đạo đức và triết học. Cơ sở của “từ bi” không phải là kinh nghiệm mà là triết lý “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” 无缘大慈同体大悲 , nghĩa là "đại từ" là do nhận thức được "duyên" là "không" (vô duyên), "đại bi" là do lãnh ngộ chúng sinh và bản thân cùng một gốc (đồng thể). Cho nên đạo đức và trí tuệ, hay "bi" và "trí" trở thành yêu cầu không thể thiếu của Đại thừa. A la hán 阿罗汉 (Skt: Arhat) là hình tượng của Tiểu thừa, chủ yếu là tự độ, tự giải thoát, thịnh hành nhất ở thế kỷ thứ II-III trước Tây lịch. Bồ tát 菩萨hay Bồ-đề-tát-đỏa 菩提萨缍, Bồ-đề-tát-đa 菩提萨多, Skt: Bodhisattva, Pali: Bodhisatta, mới thực sự là hình tượng của Đại thừa(9). “Bodhi” nghĩa là trí tuệ, Satva nghĩa là chúng sinh hữu tình. Cho nên “Bồ tát” được dịch là “giác ngộ chúng sinh hữu tình” (Giác hữu tình 觉有情). Bồ tát bao gồm "trí tuệ" và "từ bi", thể hiện của "từ bi" lại là "bố thí". "Bố thí" được xếp ở hàng đầu của Lục độ. Bố thí có nhiều hình thức, nhiều phương pháp, nhiều cấp độ nhưng Du già sư địa luận (Yogacarabhumi-sastra) chia “bố thí” làm ba loại: “tài thí”, “pháp thí” và “vô uý thí”. “Bố thí” không phải chỉ là hành vi lợi người, thiệt mình mà là hành vi tự lợi, lợi tha. Thậm chí không phân biệt chủ thể và khách thể, không phân biệt giữa người bố thí và người được bố thí. Kinh Kim cương cũng đã từng lưu ý điều đó: “Bồ tát cứu độ không biết bao nhiêu là chúng sinh nhưng thực ra chẳng có chúng sinh nào được cứu độ cả” (Bồ tát diệt độ vô lượng chúng sinh thực vô chúng sinh đắc diệt độ giả 菩萨灭度无量众生实无众生得灭度者).
Hoàn toàn không có sự phân biệt giữa người “cứu độ” và người được “cứu độ”, cho nên “từ bi” hay “bố thí” không có thân, sơ, trên dưới mà là “bình đẳng nhất như”.
Khen cho ai đã chuyển từ “dộc thiện kỳ thân” sang “thiện cùng đại thiên hạ”. Vĩ đại thay cho ai đã từng tuyên bố: “Ta không vào địa ngục thì còn ai vào địa ngục? Chừng nào địa ngục còn chúng sinh thì ta thề không thành Phật” (Ngã bất nhập địa ngục thùy nhập địa ngục? Địa ngục bất không thệ bất thành Phật, Địa Tạng Bồ tát bản nguyện kinh 我不入地狱谁入地狱?地狱不空誓不成佛)(10). Như vậy là Phật không phải chỉ ở Niết bàn mà còn ở địa ngục, ở nơi mà chúng sinh cần đến người hơn bất cứ nơi nào trên cõi đời này!
“Nhân ái” của Nho giáo dựa trên cơ sở huyết thống để phân biệt thân sơ, dựa vào địa vị xã hội để phân biệt trên dưới (xem Lễ ký, Lễ vận). Phạm vi “nhân ái” của Nho giáo chủ yếu là con người chứ không bao quát mọi chúng sinh, mọi sinh vật như “từ bi” của Phật giáo. Cho nên quan hệ giữa con người và tự nhiên của Phật giáo có phần hài hòa hơn là “thiên nhân hợp nhất” của Nho giáo. “Từ bi” của Phật giáo cũng không đặt con người vào vị trí trung tâm vũ trụ hay con người được Chúa sinh ra là để cai quản muôn loài như Cơ Đốc giáo. Như vậy là hành tinh xanh đang cần đến “từ bi” và “từ bi” cũng đang hướng về hành tinh xanh!
Không có hành tinh xanh thì cũng không có sinh vật, không có sự sống và cũng không có con người. “Từ bi” vô lượng hay “tứ vô lượng tâm” của Phật giáo chẳng phải với mục đích cao cả đó sao? Tuy nhiên, cái gọi là “tình thương” của Phật giáo đối với chúng sinh không hoàn toàn giống như “bác ái” của Cơ đốc giáo hay “nhân ái” của Nho giáo. Thậm chí có người cho rằng Phật Thích Ca chưa bao giờ kêu gọi “bác ái” như Cơ đốc giáo cả. Rắc rối có lẽ là tại chữ “ái” mà ra. Chỉ có một chữ “ái” nhưng lại được dịch từ nhiều chữ Sanskrit, Pali khác nhau trong kinh điển Tiểu thừa và Đại thừa (nhất là Tiểu thừa) thì làm sao mà không rắc rối được?
Chữ Sanskrit hay Pali được dịch ra chữ Hán là “ái” 爱, nhưng "ái" lại có nghĩa rộng hơn "Love" tiếng Anh hay "Liebe" tiếng Đức. "Ái" trong kinh điển Phật giáo nói chung chia làm hai loại: loại chỉ đức tính tốt và loại chỉ tính xấu, gọi là ô nhiễm, chấp trước. Ví dụ như Skt, "sneha" có nghĩa là cha mẹ thương (ái) con (Xem Phật sở hành tán), “Preman” là tình yêu cao thượng (từ này có ngoài đời từ lâu) hay Pali, Pema có nghĩa là tình bằng hữu (Xem Pháp cú kinh)… Đó là những từ chỉ đức tính tốt. Còn những từ có tính ô nhiễm cũng được dịch là “ái”, ví dụ như Pali, Chanda, có nghĩa là ham thích (Xem Tạp A hàm kinh), Skt, anunaya, trsyamana (Xem Trung luận), Skt, trsna, Pali, tanha, có nghĩa là ham muốn (Xem Câu xá luận và Tạp A hàm kinh)… đều là những từ thuộc vào loại “chấp trước” cần phải loại trừ. Như vậy có thể thấy chữ “ái” được dịch từ kinh điển Phật giáo chủ yếu là chữ “ái” không biểu thị đức tính tốt mà thường ngược lại. Ngay ở “Tứ diệu đế” hay “Thập nhị nhân duyên”, “ái” và “dục” là những từ đồng đẳng, được xem là nguyên nhân cơ bản của khổ đau. “Ái-dục” là yêu thích, là ham muốn chiếm đoạt những đối tượng do nhân duyên hợp thành, không có tự tính, thực ra là ảo, là không tồn tại.
Cho nên “từ bi” của Phật giáo không hoàn toàn giống như “bác ái” của Cơ Đốc giáo hay “nhân ái” của Nho giáo cũng là lẽ đương nhiên(11). Có lẽ vì vậy nên Nagajruna đã chia “từ bi” thành ba mức độ: chúng sinh duyên众生缘, pháp duyên法缘 và vô duyên无缘. "Chúng sinh duyên" là từ bi, bố thí cho chúng sinh những nhu cầu thông thường thiết yếu đối với cuộc sống. "Pháp duyên" là từ bi đối với đối tượng đã lãnh hội được mọi sự vật là do nhân duyên hợp thành. "Vô duyên" là từ bi đối với đối tượng đã lãnh hội được "duyên" (nhân duyên) cũng là không, là vô. Để lãnh ngộ được điều đó, "từ bi" hay "bố thí" không thể thiếu trí tuệ. "Bi-trí" trở thành đặc điểm của Đại thừa. Lục Ba-la-mật 六波罗蜜 (Skt: Satparamita) đặt "bố thí" ở hàng đầu và cả năm điều đầu tiên đều thuộc về "bi", nhưng điều sau cùng không thể thiếu lại là "tuệ". Cho nên "bi" thiếu "tuệ" sẽ mất phương hướng, "tuệ" thiếu "bi" thì "tuệ" sẽ mất sức sống.
Phật giáo Việt Nam thời Lý-Trần đã kết hợp cao độ giữa "bi" và "trí" nhưng càng về sau hình như thiên về "bi" hơn là "trí". Phải chăng là do một trong những đặc điểm gọi là "thiết thực" của dân tộc Việt Nam đã tác động? "Thiết thực" là không xa rời thực tế, không kinh viện, không lý luận suông, nhưng lại có xu hướng xem thường lý luận. "Quyền lực" thường được đặt ở vị trí cao hơn cả "bi" lẫn "trí", nói cách khác, "bi" và "trí" thường không thống nhất với quyền lực. Sở dĩ như vậy là vì "quyền lực" là thiết thực của thiết thực. Có quyền lực thì làm gì mà chẳng được, có quyền lực thì muốn gì mà chẳng có. Quyền lực mới là mục đích, "bi-trí" chỉ là phương tiện. Cho nên "từ bi” và "Bồ tát" trở thành đối tượng của cầu đảo ở các lễ hội. Thay vì Quan Thế Âm Bồ tát và "từ-bi-hỷ-xả" chỉ là một thì nay hình tượng của ngài lại được đồng nhất với tiền tài, lợi lộc, thành đạt, thăng tiến…
"Từ bi" của Phật giáo thời Lý-Trần là đỉnh cao của "bi-trí" - "đạo đức" và "trí tuệ, của Phật giáo Đại thừa và cũng là của dân tộc, của nhân loại.
Thời đại văn minh vật chất, GDP được xem như là giá trị, là mục tiêu tối cao đã và đang đẩy đạo đức nhân loại trở về quá khứ. "Con người kinh tế", "con người văn minh dã man" càng ngày càng trở thành "người mẫu" hiện đại, còn con người thì ngày càng được “kính nhi viễn chi”. Chủ nghĩa GDP giàu mạnh đang lạc lối trước cửa ngõ của “trái tim của thế giới không có trái tim” và đang cách xa thế giới tâm linh của con người. Quyền lực, pháp chế, chế tài… hình như đang nhường chỗ tình yêu thương con người cho các tôn giáo, “từ bi” của Phật giáo cũng ở trong số đó. Nếu “từ bi” của Phật giáo là đạo đức của dân tộc, của nhân loại thì môi trường sống sẽ không phải chết, quan hệ giữa con người sẽ là quan hệ con người chứ không phải là quan hệ chó sói. Quan hệ giữa người và người là quan hệ “từ bi”, là “bi” và “trí”. “Từ bi” tồn tại cùng với nhân loại và nhân loại sẽ tồn tại cùng với “từ bi”.
------------
(1) Xem Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, quyển 117, Tử bộ tạp gia loại, Mặc Tử, quyển 15.
(2) Những giả thuyết Phật giáo từ Ấn Độ vào Trung Quốc thường được bắt đầu từ các vị vua như Hán Vũ Đế, Hán Minh Đế, Tần Thủy Hoàng… Chùa Bạch Mã đầu tiên ở Trung Quốc xây dựng ở Lạc Dương là do lệnh của Hán Minh Đế (Xem Lý hoặc luận của Mâu Bác). Cao tăng truyện, Phật Đồ Trừng truyện ghi chép Hán Minh Đế để cao tăng Ấn Độ dựng chùa ở Lạc Dương nhưng cấm người Hán xuất gia.
(3) Phật giáo: “Từ”, “Bi”, “Hỷ”, “Xả”; Nho giáo: “Nhân nghĩa”, “Nhân ái” (Luận ngữ, Phàn Trì); Đạo gia: “Từ”, “Kiệm”, “Bát vi thiên hạ tiên” (Đạo đức kinh, Chương 67).
(4) Tiếng Anh thường dịch là “Four Immeasurable Minds”, “Four unlimited Minds”, tiếng Pháp “Quatre incommensurables”…
(5) Bhikshu Dharmamitra dịch sang tiếng Anh: “từ”- Kindness, “bi”-Compassion, “hỷ
-Delight, “xả”-Renunciation. Những bản dịch khác: “từ”- Loving-Kindness, “bi”-Compassion, “hỷ”-Sympathetic joy, “xả”- Equanimity. Tiếng Pháp dịch “từ”- Bienveillance, “bi”-Compassion, “hỷ”-Sympathie, “xả”-Équanimité, Détachement…
(6) Ba mỹ đức đó là “Ái” (Love), “Vọng” (Hope) và “Tín” (Faith).
(7) Tuyên ngôn của Hội nghị tôn giáo thế giới lần thứ 2 họp tại Chicago (Mỹ) từ ngày 28-8 đến ngày 4-9-1993.
(8) Tương Ưng bộ kinh chép: “Những gì mà ta không thích thì đương nhiên cũng đừng làm điều đó cho người khác. Làm sao mà ta có thể đem những điều không thích áp đật cho người khác được” (Phàm bất năng thủ duyệt ư ngô nhân giả diệc tất bất năng thủ duyệt ư tha nhân, ngô nhân hựu khả năng tương chi cưỡng gia ư tha nhân ni?).
(9) Danh xưng “Bồ tát” ở thời Phật giáo nguyên thủy chủ yếu là để chỉ tiền thân của Đức Phật Thích Ca.
(10) Địa Tạng Bồ tát bản nguyện kinh thực ra không có nguyên văn câu nói trên.
(11) Xem Phật giáo đại từ điển, Thương vụ án thư quán quốc tế hữu hạn công ty xuất bản, 1992.