Từ bi & hòa bình trong Phật ngọc

Trong mùa Phật đản năm nay, chúng ta vô cùng hân hoan được cung thỉnh tượng Phật ngọc về an trí tại một số chùa để các Phật tử được chiêm bái. Đây là một phước báu lớn cho đất nước chúng ta và thật vô cùng có ý nghĩa đối với Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc.

Ở Thái Lan, Campuchia, Miến Điện cũng có tượng Phật ngọc, nhưng tượng nhỏ, chưa đến một tấn. Trong khi tượng Phật ngọc đến Việt Nam lần này nặng đến năm tấn, đã được tạc từ khối ngọc thạch quý hiếm nặng đến 18 tấn, mang tên là tượng Phật Hòa Bình. Tượng Phật Hòa Bình có nghĩa là ước mơ của người đệ tử Phật ngày nay cầu mong sao tất cả mọi người trên hành tinh này đều được sống trong cảnh hòa bình.

phatdenvn.gif

Tại sao lại chọn Đức Phật tiêu biểu cho hòa bình?. Chúng ta đều biết trên thế giới có ba tôn giáo lớn là Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo; trong đó Phật giáo là tôn giáo có trước nhất và tồn tại lâu đời nhất. Và Phật giáo chúng ta lại có được vinh hạnh là có một Đức Giáo chủ đặc biệt, khác hơn các vị giáo chủ khác trên trái đất này. Thật vậy, xưa kia Đức Phật xuất thân từ giai cấp cao nhất trong xã hội Ấn Độ, nhưng Ngài đã từ bỏ ngôi vị đế vương để có thể sống chung và hướng dẫn mọi người, mọi giới thoát khỏi khổ đau luân hồi sinh tử, được an lạc vĩnh hằng. Và Ngài tuyên bố rằng tất cả mọi loài đều có Phật tánh, đều bình đẳng trước chân lý và đều có khả năng thành Phật. Tuyên ngôn này của Đức Phật thể hiện chân lý siêu phàm mà các tôn giáo khác không có.

Và Đức Phật đã nói rằng con người có khả năng siêu việt như thế không phải ở quyền thế, ở tiền bạc, nhưng ở đức hạnh, ở trí tuệ. Cho nên Đức Phật đã từ bỏ địa vị, từ bỏ quyền thế tột đỉnh, từ bỏ tất cả của báu thế gian, từ bỏ tiền bạc, từ bỏ danh vọng để sống cuộc đời thanh bạch của một bậc tu hành đắc đạo, giải thoát. Bấy giờ, đức hạnh của Ngài đã có khả năng cảm hóa tất cả trái tim của mọi người thời ấy và mãi cho đến ngày nay, lời dạy của Ngài vẫn có giá trị nguyên vẹn. Có thể khẳng định rằng không có một vị giáo chủ nào trong lúc đương thời được quần chúng kính ngưỡng như Đức Phật.

Khi Đức Phật tại thế, mặc dù cũng có người chống Ngài, nhưng sau đó, họ lại trở thành tín đồ trung thành nhất với Đức Phật; điển hình là vua A Xà Thế đã từng thả voi say để sát hại Phật, nhưng về sau ông đã quy ngưỡng Phật, làm đệ tử Ngài và trở thành người hộ đạo đắc lực nhất. Cũng có người nghe danh đức của Phật và nhờ có căn lành đời trước, nên họ đã phát tâm Bồ đề và tu hành đắc đạo. Người thương mến Phật thì đắc đạo sớm; còn người chống đối Phật thì đắc đạo sau; cuối cùng, tất cả mọi người có thiện ý hay có ác cảm với Phật đều quy ngưỡng Ngài. Có thể thấy rõ Đức Phật tiêu biểu cho hòa bình, người mang hận thù trông thấy hình bóng từ bi của Đức Phật, lòng họ cũng vơi nhẹ, để rồi quay về với cuộc sống hỷ xả; đó chính là ý nghĩa cao quý mà người ta chọn tượng Phật tiêu biểu cho hòa bình của nhân loại.

Khi Phật Niết bàn, những người kính ngưỡng Đức Phật chỉ thờ hoa sen tiêu biểu cho Phật là người trong sạch, hoặc thờ lá Bồ đề tiêu biểu cho sự giác ngộ của Phật. Theo quan niệm xưa kia, người ta chỉ thờ biểu tượng, chứ chưa thờ hình người; vì họ nghĩ rằng làm tượng hình người dù có tốt đẹp đến mấy cũng không thể diễn tả được nhân cách siêu tuyệt của Đức Phật một cách trọn vẹn.

Cho đến đầu kỷ nguyên Tây lịch, lịch sử ghi rằng nhà vua xứ Vu Điền vì quá kính ngưỡng Phật, nên ông ao ước được một lần tận mắt trông thấy hảo tướng của Ngài. Tấm lòng thành của ông đã được một vị Thánh Tăng thời đó đáp ứng bằng cách trong giấc chiêm bao, đã đưa ông lên tận cung Trời Đao Lợi cho ông thấy Phật đang thuyết pháp cho chư Thiên. Và từ đó, trở lại nhân gian, nhà vua  mới cho người tạc tượng Phật bằng vàng giống như ông thấy trong giấc mộng, gọi là kim thân Phật Tổ. Và ở Trung Quốc, có Hán Minh Đế ngủ mơ thấy tượng Phật vàng từ Ấn Độ bay sang Trung Quốc. Ông liền cho sứ giả đi sang Ấn Độ tìm thỉnh kinh Phật và tượng Phật mang về Trung Quốc thờ.

 Bắt đầu từ đó, người ta mới tạo tượng Phật để tôn thờ, nhưng không theo kiểu mẫu cố định, mà chỉ tạc theo niềm tin của con người để tạo những bức tượng đẹp nhất có thể làm được. Vì vậy, người Ấn tạc tượng Phật giống người Ấn, người Miến Điện tạc tượng Phật giống người Miến Điện, người Thái Lan tạc tượng Phật giống người Thái Lan. Người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Việt Nam, v.v… tạc tượng Phật cũng thế, chúng ta thấy tượng Phật của mỗi quốc gia tôn thờ đều mang dáng dấp của người dân quốc gia đó.

Tôn tượng Phật ngọc này do vị đại thí chủ là vợ chồng Phật tử người Úc thủ đắc khối ngọc báu và được vị Lạt ma Tây Tạng khuyến khích họ tạo tượng Phật lớn nhất mang tên tượng Phật Hòa Bình để đưa đi khắp thế giới cho mọi người chiêm bái, cầu nguyện, tạo thành tư tưởng hòa bình và cuộc sống hòa bình cho nhân loại.

Từ ý niệm cao quý như thế, tôn tượng Phật ngọc đã được tạc theo mẫu tượng Phật Thích Ca ở Bồ đề đạo tràng, Ấn Độ, là nơi mà Đức Phật thành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ. Điều rất đặc biệt, nước Việt Nam là điểm đầu tiên được phước báu cung nghinh tượng Phật ngọc. Phải nói đây là một niềm vinh hạnh vô cùng lớn lao cho đất nước và Phật giáo Việt Nam . Thật vậy, đất nước chúng ta đã từng trải qua những thời kỳ chiến tranh rất khốc liệt, cho nên tất cả người dân Việt đều có khát vọng hòa bình. Và từ thập niên 60, khởi nguồn từ chiến tranh Việt Nam mà tất cả các phong trào vận động hòa bình trên thế giới đã diễn ra ở khắp các nước tư bản và các nước xã hội chủ nghĩa. Chính trong thời kỳ đó, tôi cũng là một trong những người đi vận động hòa bình. Rất nhiều người, nhiều phong trào, tùy theo khả năng đều đúc tượng Phật, dù tượng bằng đồng, hay bằng giấy, cũng mang tên Đức Phật Hòa Bình và đi đến đâu, người ta cũng mang tượng Phật Hòa Bình theo để vận động hòa bình cho đất nước Việt Nam.

Phải chăng vì ý nghĩa cao đẹp đó đã tạo thành một duyên lành đặc biệt cho đất nước chúng ta được cung nghinh tôn tượng Phật ngọc trước tiên. Đến Việt Nam, lễ đón rước tôn tượng Phật ngọc thật long trọng suốt từ Đà Nẵng, miền Trung, về Đại Tùng Lâm, Bà Rịa-Vũng Tàu, cho đến thành phố Hồ Chí Minh, an vị tại chùa Phổ Quang, chùa Hoằng Pháp, rồi đi về tỉnh Đồng Tháp, chùa Vạn An và cung nghinh tôn tượng Phật ngọc ra tận miền Bắc. Thật là cảm động, nơi nào có tôn tượng Phật ngọc hiện hữu, thì hàng ngày cũng có cả vạn người đến chiêm bái, cầu nguyện.

Sự chiêm bái và cầu nguyện như vậy thể hiện rõ nét tấm lòng thành của tất cả người đệ tử Phật gởi gắm vào tôn tượng Phật ngọc. Thật vậy, khi tượng Phật ngọc được tạc tại Thái Lan, các vị Lạt ma Tây Tạng và chư Tăng Thái Lan đã tụng kinh và chú nguyện, nghĩa là chư tôn đức đã gởi tâm thanh tịnh giải thoát vào đó. Và tại các ngôi chùa ở Việt Nam được phước duyên an trí tượng Phật ngọc, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử chúng ta cũng đặt tất cả niềm tin sâu sắc vào tôn tượng Phật ngọc. Tiếp theo, tôn tượng Phật ngọc sẽ được đi vòng quanh thế giới để kêu gọi nhân loại nên sống theo tinh thần Phật dạy, thật sự yêu thương nhau, đùm bọc nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy, có thể nhận thấy rõ tấm lòng thành của biết bao dân tộc trên thế giới đã và sẽ được hội tụ vào tôn tượng Phật ngọc, làm cho tôn tượng này trở thành một biểu tượng linh thiêng mầu nhiệm, khiến cho người có duyên thấy tượng cũng phát tâm sống theo tinh thần Phật dạy.

Tôn tượng Phật ngọc vốn là đá quý hiếm, khi chưa tạc tượng, khối ngọc thạch này đã có người muốn mua với giá một triệu Mỹ kim, nhưng chủ nhân không bán, mà lại đồng ý để cho tạc tượng Phật. Vì thế, chất liệu của tượng Phật ngọc đã có giá trị rất cao và bước thứ hai, quan trọng hơn, đó là tất cả tấm lòng thành của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử trên  thế giới đầu tư vào tôn tượng này. Và nhờ tâm thanh tịnh, giải thoát của nhiều người đồng hướng về Đức Phật hằng hữu bất tử thông qua pho tượng tiêu biểu là Phật ngọc, tạo thành lực thu hút mãnh liệt khiến cả vạn vạn người nô nức tìm đến chiêm bái, cầu nguyện. Tuy nhiên, có người chưa được chiêm bái tôn tượng Phật ngọc, nhưng họ cũng được nghe nói về tôn tượng này, được nhìn thấy hình ảnh của tôn tượng này, cho nên trong tâm trí họ cũng đã có ý niệm tốt đẹp về tượng Phật ngọc.

Mặc dù chúng ta sanh trong thời kỳ cách Phật rất xa, không được trực tiếp thấy Phật, nhưng còn phước duyên chiêm bái tôn tượng Phật, thì cũng cảm thấy lòng vơi nỗi ưu sầu, cho đến lòng hận thù được giải tỏa, tiến đến tâm hồn được thanh thoát hơn. Đó chính là điều quan trọng nhất của người trông thấy tôn tượng Phật, lễ lạy tôn tượng Phật.

Trong quá trình tôn tượng Phật ngọc được cung nghinh và an trí tại một số chùa ở Việt Nam, Tăng Ni cùng tín đồ Phật tử trên suốt chiều dài của đất nước chúng ta, đã được diễm phúc chiêm bái, lễ lạy, cầu nguyện trước tôn tượng Phật ngọc; đồng thời cũng gởi gắm tấm lòng của chúng ta bằng hai chữ Hòa Bình đi khắp thế giới để cầu nguyện cho đất nước Việt Nam được hòa bình, tâm tất cả mọi người được hòa bình, gia đình của mọi người được hòa bình và tất cả nhân loại đều sống trong hòa bình. Đó là mục tiêu cao nhất của chư vị Lạt ma Tây Tạng, của chư Tăng Phật giáo Thái Lan, của chư tôn thiền đức và Phật tử Việt Nam, của chư tôn đức và Phật tử trên thế giới, của người tạc tượng, của vị Phật tử cúng dường khối ngọc báu muốn nói lên.

Chúng tôi tin tưởng rằng sự  hạnh ngộ vô cùng quý báu của mọi người với tôn tượng Phật ngọc và tâm thành của chúng ta đã gởi gắm vào tôn tượng sẽ tạo thành năng lực thánh thiện nối kết tất cả tâm hồn của mọi người thành một, một này là Phật, là trí tuệ, là từ bi hỷ xả. Nói cách khác, khi hướng toàn tâm về Đức Phật đến mức độ thanh tịnh nhất, chúng ta sẽ được Phật hộ niệm. Và nhận được lực Phật hộ niệm thì trước tiên tâm chúng ta cảm thấy an lạc, thanh thản, không nghĩ gì khác. Bấy giờ tâm chúng ta và tâm Phật mới có đồng một tần số, mới tạo thành mối tương giao, mới được Phật hộ niệm.

Và Phật hộ niệm rồi, tâm thanh thoát, thì hóa giải được những tồn tại trong lòng và hóa giải được những vướng mắc trong gia đình, người thân của chúng ta bắt đầu có sự cảm thông và hoan hỷ với chúng ta. Như vậy, hòa bình phải xuất hiện trước nhất từ trong tâm mỗi người chúng ta và kế đến là xuất hiện trong gia đình mình. Từ hòa bình trong cuộc sống gia đình được lan rộng ra xã hội, nghĩa là tất cả mọi người cùng hướng tâm về Phật, thì tâm chúng sinh được chuyển hóa thành tâm vô lượng, từ bi hỷ xả của Phật. Và nơi nào có tâm từ bi hỷ xả dẫn dắt, nơi đó là cảnh sống an lạc, hòa bình, hạnh phúc. Đó là ý nghĩa thật sự của việc mang hòa bình cho nhân loại, mà người chiêm bái tôn tượng Phật ngọc cần nỗ lực thực hiện cho được.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

GNO - Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23-11-2024; với nội dung: Thiết lập truyền thông vào tổ chức sự kiện (Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Square Võ Thành Trung và ông Nguyễn Huy, Giám đốc sáng tạo thuộc Tập đoàn Square đảm trách chia sẻ); Thiết kế đồ họa, nguyên lý và ứng dụng cơ bản...
Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.

Thông tin hàng ngày