Từ chuyện bao tiêu bị mất nghĩ về việc ác nhỏ...

GNO - Mất trộm bao tiêu, cha đánh con gái tử vong. Đó là dòng tít ngắn, thu hút sự quan tâm của bạn đọc Tuổi Trẻ online ngày hôm nay, 3-1, bởi vì câu chuyện "bao tiêu bị mất" dẫn tới cái chết của một đứa trẻ, do chính người cha gây ra trong cơn tức giận.

tre em vung cao.jpg
Hãy yêu thương để trẻ lớn lên trong nụ cười - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Nguồn tin trên Tuổi Trẻ online, cho biết, công an huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk) đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Lam (31 tuổi, trú tại thôn 1, xã Ea Ral (Ea H'Leo) để điều tra về hành vi đánh đập ba con ruột khiến một cháu tử vong.

Cụ thể, Lam và vợ đi tưới nước trên rẫy cà phê, dặn 3 con trông nhà, nhưng đã để mất bao tiêu 20kg, do vậy đã "xử" con bằng cách đánh liên tục bằng dây nịt và ống nhựa khiến một cháu tử vong do chấn thương sọ não, hai cháu bị đa chấn thương, đang điều trị.

Nhiều người xót xa vì kết cục đau lòng đó và nghĩ tới sự hành xử nặng tay của người cha 31 tuổi ấy vốn là hệ quả của một thói quen lâu ngày trong cách hành xử với con cái bằng bạo lực, bằng sự nóng giận thường trực và sẵn sàng trút xuống con trẻ đòn roi để "trị tội" hoặc giằng mặt.

Nếu như thường ngày, người cha ấy dạy con hay đối xử với con bằng tình thương, với kỹ năng nhẹ nhàng, ái ngữ, bao dung thì có lẽ khi xảy ra sự việc mất của kia cũng không khiến phải đánh con đến chấn thương sọ não, dẫn tới chết và hai con còn lại phải nhập viện điều trị.

Chuyện tử tế trong dạy con và lời can gián khẩn cấp từ xã hội và dư luận cũng như các phương tiện truyền thông lâu nay vẫn nhấn nhá đến chuyện dạy con bằng nắm đấm, đòn roi bạo lực vốn không phải là dạy, mà là để thỏa mãn cơn nóng giận - thì hành vi ấy dễ dẫn tới những tổn thương. Cụ thể, nếu không gây chết người thì cũng khiến cho tâm hồn ngây thơ của con trẻ với những đặc tính vô lo chết dần chết mòn và đến lúc đứa trẻ sẽ trở nên sợ sệt hoặc cũng học mà là học được bài học bạo lực hãi hùng thuở ấu thơ, đến lúc lớn lên cũng dễ trở thành "anh chị" ngoài xã hội hoặc "đại ca" trong gia đình.

Lời khuyên ấy thực sự khớp với ý niệm "thương cho roi cho vọt" của người xưa, bởi cái cách cho roi vọt của các cụ xưa vốn chứa đầy tuệ giác và lòng bi mẫn, thấy rõ bản tính của từng người con (hay học trò) và từng chuyện mà dạy bằng roi vọt hay dỗ dành bằng lời yêu thương, chân thành chứ không phải là cái cách đánh cho đã tay, chửi cho đã miệng rồi thôi.

Chính vì vậy, người ta sẽ khó chấp nhận, khó tin và tất nhiên sẽ dễ đắng lòng, xót xa trước câu chuyện đau lòng của gia đình trẻ 5 người mà báo vừa nêu.

Riêng tôi thì nghĩ thêm về lời Phật dạy về "việc ác nhỏ", ở đây tạm xem là việc trộm cắp quen tay, lẻn vào nhà người xách bao tiêu 20kg đem bán kiếm tiền hay dùng cho sinh hoạt hằng ngày - ngỡ chỉ là trộm cắp vặt. Trong giới thứ hai Phật dạy không trộm cắp, được diễn dịch bằng "nguyện không lấy những thứ không được người khác cho, tặng cũng như không do mình làm ra". Đương nhiên, là dù nhỏ hay lớn, bởi lớn hay nhỏ thì ý niệm lấy của người khác một cách bất chính đều là hành vi trộm cắp.

Như đã nói, Phật dạy chớ khinh việc ác nhỏ mà làm, chớ chê việc lành nhỏ mà bỏ qua. Vì, trong cái nhìn đầy bi trí của Đức Thế Tôn, Ngài thấy rõ, một đốm lửa nhỏ có thể làm cháy cả một rừng cây, và như thế, suy ra, một việc ác nhỏ có thể sẽ dẫn tới một sai lầm lớn, đốt cháy cả một rừng công đức thậm chí gây tạo thành một nghiệp nặng. Ví dụ như câu chuyện lấy trộm 20kg tiêu dẫn tới cái chết của một con người, lắm khi kẻ trộm chẳng thể nghĩ tới nó có thể dẫn đến hậu quả kinh khủng như thế.

Tính chất liên hoàn của sự việc là cộng nghiệp, cộng duyên của nhiều người với ân-oán sai sử, nhưng nếu mỗi người ý thức được điều đó và giữ mình cẩn trọng trong từng ý-khẩu-thân tạo tác hàng ngày thì chắc chắn sẽ đỡ tạo ra những ngang trái, đắng cay trong cuộc đời này.

Theo đó, nếu kẻ trộm biết gìn giữ giới không trộm cắp thì sẽ không tạo nghiệp lấy trộm dẫn tới chết người. Rồi người cha của những đứa trẻ biết kiềm chế, đối xử với con cái mình một cách thương yêu hơn, nhẹ nhàng hơn, bớt sân si... thì có lẽ sẽ không "nóng mặt" khi mất của mà hành hung con cho bõ tức, dẫn tới cái chết như thế.

Biết trách ai trong chuyện này, bởi nó là nhân duyên trùng trùng, vô thủy vô chung, vì có khi đứa con ấy cũng đã nợ sanh mạng với kẻ trộm và cha mình trong đời nào đó. Không biết được, nhưng, có thể biết một điều là, con người có thể sống tốt hơn, cải thiện nội tâm của mình trở nên thanh cao hơn nếu biết nhân quả, học tình thương và sự hiểu biết của nhà Phật, để "an trú trong hiện tại", làm tốt nhất vai trò và vị trí CON NGƯỜI của mình!

L.Đ.L

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày