Từ chuyện sợ ma đến hạnh Vô úy

GN - Nhà báo Nguyễn Thông, hiện công tác ở Báo Thanh Niên, là một người bạn vong niên của tôi. Anh luôn là người hiền hòa, đáng quý, cởi mở. Kỷ niệm vui nhất là một lần cả đoàn chúng tôi đi công tác ở Phan Thiết hồi năm 2005.

Khi đó, chúng tôi ở trong một resort tại khu Hàm Thuận Nam. Ở đó thì thoải mái, biển đẹp nhưng cách Phan Thiết 30km. Có một hôm buồn quá mấy anh chị em kéo nhau ra thành phố chơi. Rồi đến khuya mới về. Và phương tiện chuyên chở của chúng tôi là ô-tô. Đường dài nên lúc về buồn tình cả nhóm ngồi kể chuyện ma.

Đúng lúc đến đoạn rùng rợn nhất thì đi ngang qua một nghĩa địa nhỏ. Trời tối đen như mực. Hàng ngày đi qua đó chúng tôi không bao giờ để ý, và chẳng sợ hãi gì. Không hiểu sao đêm hôm đó thần hồn nát thần tính thế nào, khi xe chạy ngang bỗng dưng tất cả chúng tôi đều rùng mình. Rồi như là có ma đuổi, tự dưng nỗi sợ bật lên…

Hôm sau ai cũng cười bò ra, tại sao mình lại sợ ma nhỉ, có gì đâu mà sợ. Rồi lại đi qua đi lại bình thường… Về sau cứ nghĩ đến chuyện sợ ma này và thấy kỳ cục. Vì rõ ràng vẫn là những chuyện hàng ngày, những người gặp gỡ nhau thường xuyên hay những nơi chốn mà mình vẫn lại qua, thế mà vẫn sợ hãi.

cau chuyen trong tuan1.jpg

Điều gì đã khiến những người phụ nữ này
vượt qua sự sợ hãi, đđấu tranh cho hòa bình? -

Ảnh tư liệu về phong trào đấu tranh của đồng bào Sài Gòn trước năm 1975

Nhưng nỗi sợ ma rồi thì ngày nào đó cũng lại hiện ra. Thần hồn nát thần tính. Giờ ngoài ma ngoài nghĩa địa thật còn có ma ảo trên mạng internet. Đã là ảo rồi ma còn sợ hơn vì có nhìn thấy nó đâu. Trong khi đã có những vụ báo viết là các cháu thanh nữ bị một kẻ xấu giả danh trên mạng dụ dỗ rồi đưa đi bán, rồi thì tiết lộ thông tin trên mạng, hay là dùng mạng để bẫy nhau, lấy cắp tiền bạc trên thẻ tín dụng…, đủ chuyện.

Thành thử sợ ma ảo còn nguy hiểm hơn sợ ma thật. Nên gieo rắc nỗi sợ ảo còn nguy hiểm hơn nỗi sợ thật. Tin đồn là một loại sợ ảo khiến nhiều công ty, ngân hàng tí nữa thì sập tiệm đó thôi.

Vì thế vẫn có chuyện nhát ma và sợ ma. Có những người bề ngoài có vẻ anh hùng dũng cảm lắm, nói to lắm nhưng rất nhút nhát, chỉ nghe bóng dáng ma là sợ run, thành thử khổ vì nhìn đâu cũng thấy ma. Riết rồi chẳng tin vào ai, vào cái gì nữa, co vòi thụt cả lại vì sợ… Nhìn tốt thành xấu, lẫn lộn, nghi ngờ lẫn nhau… Có khi sợ quá nên không dám chào nhau, hỏi nhau, cám ơn nhau… vì nỗi sợ ám ảnh nhỡ đâu kẻ đó là ma thì sao?

Nói thế thôi, ai chẳng có lúc sợ ma. Vấn đề là mình có thoát ra khỏi nỗi sợ này hay không và có vô úy hay không. Một trong những hạnh quan trọng với Phật tử, đó là hạnh Vô úy - Không sợ hãi. Người giữ được hạnh Vô úy có thể hiểu là một người không sợ hãi.

Nếu vậy thì đó có phải là siêu nhân hay không bởi đã là người thường thì đều có sự sợ hãi. Thực ra, trong Phật giáo, người giữ được hạnh Vô úy chính là người đã gặp sự sợ hãi, đã trải qua sự sợ hãi, đã đi qua nó một cách tỉnh thức và đến sự không sợ hãi. Đồng thời người có hạnh Vô úy cũng cần khi nào phải biết cái gì đáng sợ. Ví dụ đơn giản là ma thì chẳng nên sợ nếu bị nhát ma, còn qua đường mình cần tránh ô-tô vì sợ nó đụng phải gây tai nạn.

Cư sĩ Phạm Công Thiện khi giảng bài ở chùa Việt Nam tại Los Angeles - Mỹ ngày 22-10-1983 đã nói: “Khi đặt câu hỏi: “Sự sợ hãi là gì?” thì người ta đang  ở trong trạng thái không sợ hãi. Người đang sợ hãi thì không bao giờ hỏi: “Sợ hãi là gì?”. Khi sợ hãi thực sự thì ta không còn biết gì cả: tất cả câu hỏi đều bị tắc nghẽn đi lập tức. Khi sợ hãi, ta chỉ ú ớ, ngôn ngữ dứt bặt. Còn có một cái khác “đáng sợ” HƠN SỰ SỢ HÃI; ÐÓ LÀ: SỢ HÃI SỰ SỢ HÃI. Không sợ sự sợ hãi thì có nghĩa là lúc thấy sợ thì cứ sợ và lúc không thấy sợ thì không sợ”.

Ông cũng cho rằng “Sợ cái không đáng sợ, và không sợ cái phải đáng sợ, cả hai đều nguy hiểm và khiến ta nổi lặn hụp mãi trong vòng luân hồi khổ lụy”.

Để tu tập được hạnh Vô úy, mỗi người cần tập việc nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi để quán sát và tỉnh thức.Theo Đức Phật thì điều cần làm là “Ta trực nhận đêm tối như là đêm tối và ban ngày như là ban ngày” (Majjhima Nikàya).

Tôi đã biết được những con người rất bình thường mà luôn giữ được hạnh Vô úy dù ở bất cứ đâu, không phân biệt tôn giáo, giới tính. Ví như  câu chuyện về các Ni sư ở một ngôi chùa nhỏ tại miền Nam trước 1975.

Khi đó giao tranh dữ dội, nhiều người bị bắt, bị nhốt, bị bắn chết và treo xác tại bốt lính. Dân chúng không ai dám làm gì vì sợ liên lụy. Cuối cùng chỉ có các Ni sư đến đêm tự đến gỡ các thi hài này xuống và mang đi chôn cất tử tế. Chuyện này cũng không phải chỉ có một lần. Và đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện về những con người đáng quý bằng xương bằng thịt ở cuộc sống của chúng ta.

Vì sao những phụ nữ yếu đuối, như vị ni sư ở ngôi chùa nhỏ kia lại có thể có sự dũng cảm đối diện với nỗi sợ hãi, thậm chí cả cái chết để làm cho đời sống tốt đẹp hơn?

Như một Phật tử thuần thành, tôi cầu mong cho mỗi người đều có thể tu tập được hạnh Vô úy, để không sợ hãi trước nghịch cảnh, làm điều thiện và sống bình an hỷ lạc. Mỗi khi các bạn Phật tử sợ hãi, đều có thể niệm danh của Đức Quán Thế Âm Bồ-tát, người có thể lắng nghe mọi âm thanh của thế gian.

Khi niệm danh của Ngài, các bạn đang gọi tên người ban tặng sự an toàn, không sợ hãi “ (theo nghĩa chữ Phạn là Abhayamdada) và có thêm can đảm nhìn thẳng vào sự thật trong lòng mình, tin tưởng con người và yêu thương cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày