Tư duy đúng khiến phiền não rơi rụng

Tượng Đức Phật thế kỷ thứ III, trường phái Gandhāra
Tượng Đức Phật thế kỷ thứ III, trường phái Gandhāra
0:00 / 0:00
0:00
GN - “Một thời Phật du hóa ở Câu-lâu-sấu, tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm, đô ấp của Câu-lâu. Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

- Do tri, do kiến mà các lậu bị tận diệt chớ không phải do không tri, không kiến.

- Sao gọi là do tri, do kiến mà các lậu bị tận diệt? Đó là do có chánh tư duy và không chánh tư duy. Nếu không chánh tư duy thì dục lậu chưa sinh sẽ sinh; đã phát sinh liền tăng trưởng; hữu lậu, vô minh lậu chưa sinh sẽ phát sinh; đã phát sinh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy thì dục lậu chưa sinh sẽ không sinh, đã sinh liền tiêu diệt. Hữu lậu và vô minh lậu chưa sinh sẽ không sinh; đã sinh liền tiêu diệt.

- Những người phàm phu ngu si, không được nghe Chánh pháp, không được gặp bậc chơn tri thức, không biết Thánh pháp, không được điều ngự theo Thánh pháp, không biết pháp như thật. Nếu không có chánh tư duy, dục lậu chưa sinh sẽ phát sinh, đã phát sinh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sinh sẽ phát sinh; đã phát sinh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy, dục lậu chưa sinh sẽ không phát sinh, đã phát sinh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sinh sẽ không phát sinh; đã phát sinh liền tiêu diệt. Vì không biết pháp như thật do đó pháp không nên niệm lại niệm, pháp nên niệm lại không niệm. Vì pháp không nên niệm lại niệm, pháp nên niệm lại không niệm, nên dục lậu chưa sinh sẽ phát sinh, đã sinh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sinh liền phát sinh, đã sinh liền tăng trưởng.

- Thánh đệ tử đa văn được nghe Thánh pháp, được gặp bậc chơn tri thức, được điều ngự theo Thánh pháp, biết pháp như thật, nhưng nếu không có chánh tư duy, thì dục lậu chưa sinh sẽ phát sinh, đã sinh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sinh liền phát sinh, đã sinh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy, dục lậu chưa sinh sẽ không sinh, đã sinh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sinh sẽ không phát sinh, đã sinh liền tiêu diệt. Sau khi biết pháp như thật, pháp không nên niệm thì không niệm, pháp nên niệm liền niệm. Vì không niệm pháp không nên niệm và pháp nên niệm liền niệm, nên dục lậu chưa sinh sẽ không phát sinh, đã sinh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sinh sẽ không phát sinh, đã sinh liền tiêu diệt”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bảy pháp, kinh Lậu tận, số 10 [trích])

Nếu có chánh tư duy, dục lậu chưa sinh sẽ không phát sinh, đã phát sinh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sinh sẽ không phát sinh; đã phát sinh liền tiêu diệt.

Xứ Câu-lâu-sấu (Kurusu, nước Kuru) nức tiếng nhờ nhiều người biết hành thiền Tứ niệm xứ. Thế Tôn đã mạnh dạn chỉ thẳng cho các hành giả về thiền Quán (thiền Tuệ, Minh sát) rằng “Do tri, do kiến mà các lậu bị diệt tận”. Nghĩa là nhờ phát huy tuệ giác, thấy biết như thật mà đoạn tận phiền não, lậu hoặc.

Chánh tư duy thuộc chi phần Tuệ trong Bát chánh đạo. Chánh tư duy là nhớ nghĩ, suy niệm đúng đắn, là như lý tác ý. Ngược lại là tà tư duy, biểu hiện của người không có chánh tư duy là “không được nghe Chánh pháp, không được gặp bậc chơn tri thức, không biết Thánh pháp, không được điều ngự theo Thánh pháp, không biết pháp như thật”.

Như vậy, để có chánh tư duy, nhớ nghĩ và suy niệm đúng đắn thì trước phải được nghe Chánh pháp tức học và hiểu Chánh pháp của Thế Tôn. Muốn vậy, cần gặp được bậc thiện tri thức, tức những người đang học, hành và có thành tựu trong giáo pháp. Nhờ được dẫn dắt đúng Thánh pháp nên sống trong pháp, được điều phục theo Thánh pháp. Quan trọng là biết pháp như thật, hợp với chân lý, nghĩa là thấy rõ tất cả pháp là khổ, duyên sinh, vô thường, vô ngã. Tư duy trong quỹ đạo này mới gọi là chánh tư duy.

Tư duy là một phần quan trọng của đời sống. Tư duy sai sẽ dẫn đến tạo nghiệp bất thiện. Tư duy đúng sẽ tránh xa ác pháp và thành tựu các thiện pháp. Sự thấy biết và tư duy đúng đắn sẽ hỗ trợ lẫn nhau trên lộ trình chuyển nghiệp. Nhờ thấy biết và tư duy đúng, như lý tác ý thường trực thì “Dục lậu chưa sinh sẽ không sinh, đã sinh liền tiêu diệt. Hữu lậu và vô minh lậu chưa sinh sẽ không sinh; đã sinh liền tiêu diệt”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày