Nữ diễn viên Pratyusha Banerjee tự tử ở tuổi 25
Khổ là một sự thật
Sự thật này được Đức Phật giảng trong bài pháp đầu tiên cho năm người bạn đồng tu thuở còn “khổ hạnh rừng già” là anh em của Ngài Kiều Trần Như tại vườn Nai (Ấn Độ), trong đó Phật dạy về tám nỗi khổ (là những bất-như-ý) của thế gian mà phàm là người ai cũng trải qua, là: sanh, già, bệnh, chết, xa người thương, gần người không thương, cầu mà không toại ý và những thăng trầm của thân tứ đại này.
Tuy nhiên, thọ cảm về nỗi khổ chung ấy sẽ rất riêng đối với mỗi người, theo cơ chế “nhà giàu đứt tay như ăn mày đổ ruột”. Những ai càng thấy cái tôi của mình lớn và nắm nhiều thứ xung quanh (gồm năm món dục: tài, sắc, danh, ngủ nghỉ, ăn uống) - gọi đó là “cái của tôi” càng nhiều thì càng khổ.
Câu chuyện giáo dục về sự tự tại mà nhiều người hay đem ra làm phương tiện vượt qua chấp-dính được mất là chuyện “tái ông mất ngựa” quen thuộc với người Á Đông.
Chuyện kể rằng, một ông nọ có con ngựa, bỗng một ngày ngựa ông bỏ đi, hàng xóm tới chia buồn, ông lão nói: đó chưa hẳn là điều đáng buồn. Vài tháng sau, con ngựa không những trở về mà còn dẫn thêm một con đực nữa, hàng xóm tới chúc mừng ông, ông nói: có thêm ngựa cũng không hẳn là điều vui. Qua vài bữa, con trai ông thích con ngựa đực mới về vì sự mạnh mẽ của nó nên đã leo lên cưỡi, song đó là con ngựa chưa thuần dưỡng nên đã nhảy cẫng lên khiến con ông té xuống gãy chân. Bà con xóm giềng lại tới chia sẻ việc con trai ông té gãy chân, ông ôn tồn: Đây cũng chưa hẳn là chuyện xấu. Thời gian sau, biên cương có giặc, trai làng lành lặn ra trận và chết hết vì giặc quá mạnh, con ông vì gãy chân nên không đi lính được và còn sống.
Câu chuyện phù hợp với lối suy nghĩ “được cái này thì mất cái khác” của người thế gian, theo đó được mất cũng đừng có vội buồn quá hay tự đắc quá. Còn trong cái nhìn của nhà Phật thì mọi thứ vốn có nhân-duyên của nó, không có cái nào độc lập sinh ra, tồn tại, mà là duyên sinh-diệt, nương nhau biểu hiện theo lý duyên sinh.
Hiểu điều đó và đem lý ấy vào cuộc sống, quán chiếu thực tại đang diễn ra nơi thân-tâm mình và hoàn cảnh mình đang sống để không bi lụy khi gặp phải điều bất như ý, đồng thời nếu được điều như ý cũng nhanh chóng xả ra, không chấp giữ, để bình thản đi tiếp, đi xa trên hành trình kiến lập đời sống tâm linh giải thoát. Hơn nữa, nếu học Phật, hiểu nỗi khổ niềm đau vốn đã là sự thật tất yếu (do nhân bất thiện từng tạo, nay trổ quả) thì việc chấp nhận (buông lý lẽ chống lại cái khổ đó, như thất bại hay chênh vênh trên đường đời, đường tu) thì sẽ nhẹ nhàng bước qua. Kết quả đồng thời ngay khi để lòng không nắm níu, chấp chặt vào những lý lẽ của thế gian - đúng sai, được mất.. - thì cũng là lúc có sự vững chãi, thảnh thơi dù đang trải qua điều kinh khủng như thế nào.
Thực dưỡng nào cho tâm hồn?
Trong kinh Giáo giới La-hầu-la (Trung bộ kinh II, kinh số 61, HT.Thích Minh Châu dịch), Đức Phật dạy Tôn giả La-hầu-la:
“Này La-hầu-la, khi con đang làm một thân nghiệp, con cần phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: Thân nghiệp này ta đang làm, thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ. Này La-hầu-la, nếu trong khi phản tỉnh, con biết thân nghiệp đang làm là bất thiện, như vậy thì con hãy từ bỏ thân nghiệp đó. Nhưng nếu, này La-hầu-la, trong khi phản tỉnh, con biết như sau: Thân nghiệp này ta đang làm không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc. Thân nghiệp như vậy, này La-hầu-la, con cần phải tiếp tục làm”.
Bảng tiêu chí được trao cho La-hầu-la được phân thành hành vi bất thiện (akusala kamma) và hành vi thiện (kusala kamma) như sau: Hành vi bất thiện (akusala kamma) gồm những hành vi làm hại chính mình, những hành vi làm hại kẻ khác cùng những hành vi làm hại chính mình và kẻ khác; Hành vi thiện (kusala kamma) gồm những hành vi làm lợi ích (hay không làm hại) chính mình, những hành vi làm lợi ích (hay không làm hại) kẻ khác cùng những hành vi làm lợi ích (hay không làm hại) mình và kẻ khác. Như vậy tự tử (tự hại chính mình) là hành vi được Đức Phật dạy là bất thiện, tuyệt đối không nên nghĩ, nói và làm.
Quán chiếu điều này mỗi ngày và phát nguyện làm hành vi thiện, tránh xa các hành vi bất thiện một cách thường xuyên trước Tam bảo bên ngoài lẫn tâm sáng suốt bên trong (Phật tánh) thì chắc chắn con đường sáng đẹp mà ta chọn mỗi ngày một thêm sáng đẹp.
Trong quan niệm nhà Phật, ngoài thức ăn để nuôi thân thể (đoàn thực) này thì thức ăn nuôi dưỡng tinh thần cũng cần được chăm chút - gồm thiền thực và pháp hỷ thực. Ngày nay, đoàn thực của chúng ta bị lòng tham của con người đầu độc đến mức báo động, từ cái rau đến mớ củ quả, thứ gì cũng có “chất cấm” nhằm tăng lợi nhuận. Vì những chất cấm ấy cũng đã làm tăng vấn nạn xã hội là bệnh tật, những hệ lụy về tinh thần đối với con người. Thức ăn tinh thần nếu không được kiểm soát, dễ dàng dung nạp và ăn một cách thiếu quán niệm cũng sẽ làm cho “giới thân huệ mạng” bị tổn hại.
Học pháp, hành pháp đúng như Đức Thế Tôn dạy, “thiểu dục tri túc” (ít muốn biết đủ) thì sẽ đỡ khổ, đỡ bị “đầu độc” khiến suy nghĩ, nói năng, hành động (ý-khẩu-thân) tạo nghiệp dữ, sa vào con đường dữ. Việc tự chết là một hành vi được xem là “dại dột”, như tài khoản Karan Washi chia sẻ trên New Indian Express khi hay tin diễn viên Pratyusha Banerjee tự tử rằng: “Đó không phải là cách giải thoát. Hãy yên nghỉ nhé Pratyusha Banerjee… Khi ai đó chết đi, họ sẽ không chết một mình… Tự tử chưa bao giờ là cách giải thoát cả”. Theo đó, cái chết của người tự tử vừa là cái chết của bản thân họ (cả thân lẫn tâm) mà cũng đồng thời là cái chết (một phần) tâm hồn (an vui, hạnh phúc) của người thân-thương họ. Nỗi đau đó là nhân-duyên xấu khiến tiến trình phía trước sẽ là “đi vào bóng tối”.
Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trên bài báo “Đừng tự chết vì bất cứ lý do gì” đăng Giác Ngộ số 718 đã từng chia sẻ: “Đi tìm đến cái chết vì những lý do không đâu là biểu hiện của sự hèn nhát, là trốn tránh. Cúi đầu trước thất bại là thiếu bản lĩnh. Trong xã hội của chúng ta có những cuộc đời bất hạnh, về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng bằng bản lĩnh dám đối đầu và nghị lực vươn lên, họ đã đứng dậy và sống tốt hơn cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho xã hội. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Hãy biết rằng cuộc sống này có thoải mái hay không là do ở cách nghĩ của chính bạn mà thôi. Đừng vội chết khi bạn chưa kịp sống, đừng vội bó tay khi chưa kịp cố gắng hết mình. Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp... Bởi thế nên, hãy cảm ơn đời khi mang bão táp đến với ta”.
>> Thư viết cho người đã... quyên sinh ||
Lưu Đình Long