Từ huynh trưởng chùa quê đến “cậu chủ nhỏ” tâm lành

Nguyễn Thanh Tâm thường xuyên làm các thiện sự, chia sẻ với người khó khăn, yếu thế
Nguyễn Thanh Tâm thường xuyên làm các thiện sự, chia sẻ với người khó khăn, yếu thế
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mùa Phật đản, Vu lan, thậm chí đã cuối tháng Bảy, nhưng khó để hẹn gặp Nguyễn Thanh Tâm, pháp danh Thiện Tánh - “cậu chủ nhỏ” của ấn phẩm Phật Tâm, vì bạn luôn “kẹt” đi dẫn chương trình, làm thiện nguyện...

"Đã làm rất nhiều công việc, nhưng làm gì tôi cũng luôn sống với lời Phật dạy, đặc biệt là lòng biết ơn. Tôi nghĩ, đây chính là nhân lành đưa mỗi người đến điều may mắn, thành công", Nguyễn Thanh Tâm cho biết.

Duyên Phật từ thuở thiếu thời

Chia sẻ với Báo Giác Ngộ, Nguyễn Thanh Tâm (28 tuổi, quê ở H.Tân Hiệp, Kiên Giang, hiện đang sống tại TP.HCM) cho biết, đã có duyên với Tam bảo từ hồi nhỏ. “Lúc đó, tôi mới học lớp 9 lớp 10, đã thường xuyên tới ngôi chùa Bửu Sơn ở gần nhà để sinh hoạt Gia đình Phật tử. Ni trưởng Như Thiện là bổn sư quy y cho tôi, đặt pháp danh Thiện Tánh, nhắc nhở người đệ tử Phật phải luôn giữ tánh thiện, làm gì hay sống với ai cũng vậy”, Thanh Tâm nhớ lại.

Trong hành trình đó, Tâm cũng có duyên với nhiều vị thầy khác, nhờ tánh hiền lành nên được quý thầy thương, dạy bảo, nhắc nhở giữ gìn năm giới, “đó là những nguyên tắc đạo đức căn bản nhất, giữ trọn không dễ, nhưng cần nỗ lực”. Có vị nhắc Tâm, là con Phật phải sống với cái tâm từ khá trở lên, để kiến tạo đời sống thanh tịnh, an vui cho tự thân và người khác.

Nguyễn Thanh Tâm dẫn chương trình cho các hoạt động Phật sự ở các chùa, các địa phương

Nguyễn Thanh Tâm dẫn chương trình cho các hoạt động Phật sự ở các chùa, các địa phương

Nhớ lại hồi mới đi chùa, Nguyễn Thanh Tâm thường “ăn cơm chùa nhiều hơn cơm nhà”, vô ở công quả, tụng kinh, sinh hoạt Gia đình Phật tử, theo quý thầy, quý cô làm từ thiện… “Ba mẹ, bà con cứ sợ tôi đi tu luôn, nên lo lắng, có cấm cản, nhưng giờ thì yên tâm rồi, ông bà cũng biết nhờ con biết Phật pháp mà sống tốt hơn”, Tâm hoan hỷ chia sẻ.

Từ sinh hoạt ở chùa, Tâm thích mảng văn hóa - văn nghệ nên khi học Đại học Sư phạm Âm nhạc tại Nhạc viện TP.HCM, bạn có nhiều thời gian hơn để theo các đoàn văn nghệ Phật tử đi biểu diễn, từ cải lương, hát nhạc Phật giáo đến dẫn chương trình.

Nguyễn Thanh Tâm khá đa năng trong hoạt động và nhiệt tâm tham gia cùng những ca-nhạc sĩ Phật tử trong nhóm Đạo tràng Nghệ sĩ Phật Tâm, Đoàn cải lương Phật giáo Sen Hồng. Bên cạnh đó là sự định hướng, chỉ dạy của Đại đức Thích Nhuận Trí (Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Phật giáo tỉnh Cà Mau) trong các chương trình hành chính - văn nghệ Phật giáo, nên Tâm càng ngày có thêm những mối quan hệ với các chùa gần, chùa xa. “Nhờ vậy, sau này, khi tham gia dẫn chương trình cho các sự kiện Phật giáo ở chùa, các thầy, sư cô hay nhờ, giới thiệu thêm, tôi lại có dịp đóng góp, rất hoan hỷ”, Nguyễn Thanh Tâm bày tỏ.

Bước chuyển thiện lành

Nói về công việc chính hiện tại - là người khởi nghiệp với ấn phẩm Phật Tâm - chuyên phát hành tượng Phật với dòng tượng thuần Việt, giá rẻ để bà con Phật tử bình dân ai cũng thỉnh, thờ được, Nguyễn Thanh Tâm chốt lại bằng một chữ duyên.

“Tôi đã từng làm nhiều công việc, từ phụ việc ở quán, chạy xe ôm công nghệ, bán sen đá lưu niệm, bảo hiểm, văn phòng… Nhưng cuối cùng dừng lại ở việc phát hành tượng Phật”, Nguyễn Thanh Tâm kể. Đó là thời điểm cách đây hơn 3 năm, khi chỉ tích cóp được 20 triệu đồng, Tâm đặt một chiếc kệ sắt, thỉnh một số tượng và giới thiệu trên nền tảng mạng xã hội. Không ngờ, từ một video mà lên xu hướng, mọi người dần biết.

Tâm chia sẻ: “Từ kênh online, tôi dần mở rộng, hiện có một kho tượng với đủ mức giá, với nhiều phân khúc. Có lẽ nhờ Tam bảo thương, nhờ duyên của mình với công việc này”.

Nguyễn Thanh Tâm khởi nghiệp với ấn phẩm Phật Tâm - chuyên phát hành tượng Phật với dòng tượng thuần Việt, giá rẻ để bà con Phật tử bình dân ai cũng thỉnh, thờ được
Nguyễn Thanh Tâm khởi nghiệp với ấn phẩm Phật Tâm - chuyên phát hành tượng Phật với dòng tượng thuần Việt, giá rẻ để bà con Phật tử bình dân ai cũng thỉnh, thờ được

Theo Nguyễn Thanh Tâm, phát hành tượng Phật và văn hóa phẩm Phật giáo, bạn luôn muốn đưa người khác đến với chánh kiến trong thờ cúng. “Tôi không nói để họ phải mua hay bán cho bằng được bức tượng bằng hướng phong thủy, mà tư vấn kỹ về tâm nguyện thờ cúng, chánh kiến khi chọn một vị Phật, Bồ-tát mà mình hữu duyên”, Tâm nói về tôn chỉ của mình.

Chính vì vậy, nhiều thầy, sư cô, Phật tử đến với Tâm lại tiếp tục chia sẻ để bạn có thêm những khách hàng mới. “Sự chân thành làm nên thành công của một thương hiệu, dù đó là thương hiệu gì”, Tâm nói. Đến nay, hoạt động của Phật Tâm đã mở rộng gấp 30-40 lần, chính nhờ sự chân thành đáng quý ấy.

Thành công trong công việc, ý nguyện của “cậu chủ nhỏ” là tiếp tục phát triển kinh doanh, có một thương hiệu cho cá nhân để trước tiên lo cho ba mẹ, để ông bà yên tâm. Tâm cũng dành 10% lợi nhuận cho từ thiện, cúng dường, bên cạnh tái đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh. “Tôi có tôn tượng nên có những chùa nghèo, vùng xa, nếu có duyên thì tôi luôn sẵn lòng cúng dường, hỗ trợ”, Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ.

Dưỡng tâm

Trong phần giới thiệu về mình, Thanh Tâm còn chia sẻ về một “công việc” quan trọng khác mà bạn đã khởi sự từ trước đại dịch Covid-19, đó là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Gieo hạt Từ bi”. Tâm cho biết, lấy tên câu lạc bộ từ một bài hát của nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản với mong muốn việc làm thiện nguyện của mình và các bạn chung chí hướng sẽ gieo hạt từ bi cho chính vườn tâm mình. Qua đó, tưới tẩm năng lượng tương tự cho vườn tâm người khác. Tâm từ bi là tâm Phật, có lòng từ mình sẽ thao thức hướng về người khó khăn hơn, biết tri ân, báo ân những giá trị nhận được từ cuộc đời.

Với tâm lành đó, Nguyễn Thanh Tâm đã cùng các thành viên Câu lạc bộ “Gieo hạt Từ bi” làm khá nhiều chương trình, đến với nhiều đối tượng, người già, trẻ em, cô nhi, bệnh tật, từ thành phố đến vùng xa.

Mỗi chuyến đi và trở về, Tâm và các bạn lại mong muốn sẽ làm việc tốt hơn, kiếm tiền chân chính từ sức mình để tiếp tục câu chuyện sẻ chia. Về cá nhân mình, Nguyễn Thanh Tâm vẫn đang miệt mài với các hoạt động gắn với Phật giáo, ngoài kinh doanh thì đó là những buổi đi diễn từ thiện gây quỹ, dẫn chương trình bổ nhiệm trụ trì, văn nghệ Phật giáo… vào các mùa lễ trọng. “Hạnh phúc nhất là được sống trong bầu không khí của Phật pháp, mọi thứ bình yên, nhẹ nhàng”, người huynh trưởng sinh năm 1997 bày tỏ.

Luôn biết ơn!

“Tôi nghĩ, Tứ trọng ơn là sự thực tập mà mình cầu trau dồi hàng ngày để có thể làm việc trong chánh kiến, chánh nghiệp… Từ đó, mở lòng sẻ chia, báo đáp những ơn lớn mà mình nhận được. Đó cũng là cách giữ mình tử tế giữa cuộc đời này”.

Nguyễn Thanh Tâm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày