Nuôi dưỡng tính thiện trong con

Cùng nhau tọa thiền
Cùng nhau tọa thiền
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Cứ mỗi chiều Chủ nhật, dù bận bịu công việc, các anh chị huynh trưởng trẻ là cha mẹ của các em đoàn sinh vẫn cố gắng sắp xếp để cùng con đến chùa sinh hoạt Gia đình Phật tử.
Cả nhà cùng tập tĩnh tâm

Cả nhà cùng tập tĩnh tâm

Đối với họ, những điều đang học, đang thực tập và được truyền trao theo lời Phật dạy, không chỉ dành cho chính mình, cho gia đình nhỏ của mình, mà còn là công trình xây dựng từ thân giáo cho con trẻ.

Nuôi dưỡng yêu thương cho con và cho chính mình

Nhà ở tận TP.Thủ Đức, nhưng chiều Chủ nhật nào hai vợ chồng chị Diệu Hoa (sinh năm 1991) cũng đưa con là em U Sơn Nguyên (sinh năm 2021) đến chùa Xá Lợi (Q.3, TP.HCM) sinh hoạt Gia đình Phật tử.

Chị Diệu Hoa và con U Sơn Nguyên trong giờ ngồi thiền
Chị Diệu Hoa và con U Sơn Nguyên trong giờ ngồi thiền

Chị Diệu Hoa cho biết dù con mới gần 2 tuổi rưỡi, nhưng khi đi chùa, em luôn để ý quan sát mọi thứ xung quanh rồi về nhà làm theo. Có những lúc đứng trước bàn Phật, em quỳ xuống chắp tay rồi niệm “nam-mô”, có lúc em lại rủ ba mẹ ngồi thiền như khi ở chùa sinh hoạt.

“Mỗi chiều Chủ nhật con được đến chùa, được ngồi thiền, tụng kinh, cùng ba mẹ, và anh chị, được tiếp xúc với Phật ngay từ nhỏ, con mình sẽ cảm thấy gần gũi và nuôi dưỡng sự dễ thương của con. Điều đó giúp cho con có chỗ dựa vững chắc trong cuộc đời, sau này có gặp điều gì khó con sẽ có nơi nương tựa”, chị Diệu Hoa chia sẻ.

Nhiều đôi vợ chồng khác cũng có chung tâm tư như chị Diệu Hoa. Chị Diệu Đức và chồng là anh Chánh Hiệp (nhà ở Q.3), chiều Chủ nhật nào cũng dẫn hai con là Quang Lâm (sinh năm 2019) và Uyển Linh (sinh năm 2023) đến chùa gần nhà sinh hoạt. Với hai anh chị, chùa là môi trường giáo dục tốt cho con.

Anh Chánh Hiệp cho biết, cả hai vợ chồng sau một thời gian học tập, ra ngoài xã hội làm việc, đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều môi trường. Có những môi trường mang tính giáo dục, những môi trường hội đoàn, nhiều nơi có giá trị phát triển kỹ năng cho đứa trẻ. Nhưng khi có thời gian dài sinh hoạt, gắn bó, có sự hiểu biết nhất định, anh thấy môi trường sinh hoạt Gia đình Phật tử là nơi phù hợp nhất để phát triển cho một đứa trẻ về nhân cách, đạo đức và những kỹ năng trong cuộc sống.

Chị Diệu Đức và con Hà Mai Uyển Linh mỗi chiều sinh hoạt
Chị Diệu Đức và con Hà Mai Uyển Linh mỗi chiều sinh hoạt

Hai em bé còn nhỏ, rất nhút nhát, đôi khi không nghe lời cha mẹ. Nhưng khi sinh hoạt Gia đình Phật tử, được các anh chị lớn hướng dẫn, được chơi với các bạn cùng trang lứa thì anh Chánh Hiệp thấy ở con mình có sự năng động, biết nghe lời, điềm tĩnh và học hỏi được nhiều điều hay. Khi đi sinh hoạt về bé 4 tuổi cả ngày hát những bài hát sinh hoạt, rồi bắt chước theo những tác phong của huynh trưởng. Còn với em bé chưa được 1 tuổi, anh Chánh Hiệp mong muốn gieo trong tâm con mình hạt giống Phật pháp từ nhỏ, bằng việc đưa bé đến chùa, được mẹ bế lên chánh điện lễ Phật. Chị Diệu Đức cho biết, bây giờ, cứ mỗi chiều Chủ nhật, hai con của anh chị lại đòi đi chùa.

“Ở Gia đình Phật tử, dù đến từ nhiều nơi khác nhau, nhưng mọi người làm bất cứ việc gì với tâm thế giống như người một nhà, ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống rất tốt và có niềm an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống. Tôi nghĩ bản thân mình nên duy trì điều này để sửa mình và cho con mình noi theo nữa”, chị Diệu Đức bày tỏ.

Mỗi ngày ba và con cùng hoàn thiện

Biết đến đạo Phật từ sớm, nhưng phải bắt đầu từ khi đi sinh hoạt Gia đình Phật tử, anh Chánh Hiệp (sinh năm 1989) mới có cơ hội phát triển nhiều hơn hạt giống của niềm vui, hạnh phúc trên con đường thực tập Phật pháp của mình.

Đối với anh, ngày Chủ nhật đi sinh hoạt là khoảng thời gian được tiếp xúc với chùa, với kinh sách, với các anh chị khác trong môi trường tu tập, là cơ hội để liên tục tiếp xúc với Phật pháp.

Các em “Sen non” và các anh chị huynh trưởng
Các em “Sen non” và các anh chị huynh trưởng

Đặc biệt từ khi cho con đi sinh hoạt, anh cũng được tạo thêm động lực, tinh tấn hơn trong sinh hoạt, một phần rèn luyện bản thân một phần phát triển cho con. Theo anh, tinh thần giáo dục của Gia đình Phật tử là thân giáo, tức là những gì mình muốn người khác làm hay con mình làm thì bản thân phải làm trước, phải làm được thì con mình thấy vậy mới làm theo.

“Trước đây, cách giáo dục ở nhà hơi cứng nhắc, hơi gia trưởng một chút. Ba nói là con phải nghe. Lúc đó mình tạm thời quên mất sự phát triển tâm lý của đứa trẻ. Ở độ tuổi đó không phải người lớn nói là con phải nghe, vì con không hiểu được những gì mình nói. Việc ra lệnh mà con không làm thì không như ý, khiến mình rất khó chịu, nóng giận. Khi áp dụng phương pháp của đạo Phật vào giáo dục con thì mình thấy trước hết phải thay đổi bản thân cần phải điềm tĩnh hơn, hiểu là không thể điều khiển người khác làm theo những gì mình muốn dù là con mình”, anh bày tỏ.

Em U Sơn Nguyên và Hà Mai Quang Lâm chơi cùng hoa lá sân chùa
Em U Sơn Nguyên và Hà Mai Quang Lâm chơi cùng hoa lá sân chùa

Ứng dụng lời Phật dạy, hàng ngày ở nhà, anh Chánh Hiệp và bà xã đều dành thời gian cùng con đọc sách, hướng dẫn con thực tập chăm sóc cây cối, như điều luật của Oanh vũ “Em thương người và vật”. Khi đi ngang chùa gần nhà thì dừng lại tập cho hai con chào Phật rồi mới đi tiếp để thực tập “Em tưởng nhớ Phật”. Rồi dần dần thành thói quen của hai em bé, đi ngang ngôi chùa nào thấy xe dừng lại là biết chắp tay chào Phật. Anh Chánh Hiệp mong muốn tập cho con quen với những điều thiện để nuôi lớn đạo đức cho đứa trẻ, giúp con mình biết dừng lại niệm Phật, bình tĩnh hơn trong cuộc sống sau này.

“Khi cho con thực hành tôn giáo như mình từ khi còn nhỏ, nhiều người sẽ cảm giác có vẻ hơi bị áp đặt cho trẻ. Trước đây hai vợ chồng cũng có suy nghĩ và tranh luận về vấn đề này, không biết có nên cho con tự do phát triển hay không, để sau này lớn lên con tự chọn tôn giáo. Mình suy nghĩ rất kỹ, và bọn mình đã mất rất nhiều thời gian trong cuộc sống để chọn được con đường mình cho là thích hợp nhất, đúng đắn nhất. Con đường của đạo Phật là con đường tốt đẹp nhất cuộc sống mà bọn mình đã thu nhận được, có được, tại sao lại không trao truyền lại cho con mình. Con mình xứng đáng được nhận điều tốt đẹp đó”, anh Chánh Hiệp nói.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Giải tỏa oan ức

GNO - Tất cả chúng ta sống trên cuộc đời này, ai cũng có nỗi lo, nỗi khổ, nhất là cảm giác bị oan ức là nỗi khổ lớn. Oan ức là những điều mình không làm mà bị người khác đổ lỗi, nên mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào.

Thông tin hàng ngày