Từ lễ cầu siêu đến lời thức tỉnh về lối sống cho giới trẻ

(GNO): Chỉ trong 3 ngày, từ 1-10 đến 3-10, 4.000 trường hợp và có thể còn nhiều người hơn thế nữa đã tìm đến ngôi chùa Từ Quang, Bình Chánh, Tp.HCM để làm lễ cầu siêu cho hàng vạn sinh linh bé bỏng mà vì sự vô tình hay cố ý của các bậc cha mẹ đã không có cơ hội thấy ánh mặt trời. Ở đó, chúng tôi bắt gặp cả những nam thanh nữ tú song phần lớn vẫn là những người đã ở tuổi xế chiều. Họ tìm đến cửa Phật như chốn cứu vãn cuối cùng cho những sai lầm trong cuộc đời.

Trao đổi về Pháp hội trai đàn, ĐĐ. Thích Giác Thiện, trụ trì chùa Từ Quang cho biết: Ngay nhà chùa cũng không ngờ số người tham gia lại đông đến như thế. Ban đầu, chỉ có khoảng hơn chục người đến nhờ thầy tổ chức lễ nhưng sau khi thông tin lan rộng, càng ngày số người xin được đăng ký tham gia càng nhiều. Sau một tuần, con số đăng ký tham gia đã lên đến trên 200 người. Thống kê theo phiếu kê khai thì số thai nhi bị mất sự sống cũng đã tăng đến trên 600. Cho đến cuối ngày 1-10 thì số người đăng ký tham gia tăng… chóng mặt: trên 4.000 người.

TQ (4).JPG
Ngày càng đông người tìm đến
Đại lễ cầu siêu cho thai nhi tại chùa Từ Quang, Bình Chánh, TP.HCM

Theo thông tin từ các phiếu đăng ký tham gia lễ cầu siêu, rất nhiều bà mẹ đã đánh mất sự sống của thai nhi nhiều lần. Cá biệt, có một số người đăng ký cầu siêu từ 12 đến 20 thai nhi. Chủ nhân của các lá phiếu cũng rất đa dạng. Có người thành đạt, có kẻ cố cùng, có người 18-20 tuổi, có người đã răng long, đầu bạc, có người ở TP.HCM, có người lặn lội đến từ các tỉnh, thành khác nhưng đều chung một tâm trạng: ân hận, dày vò vì lầm lỗi, thương xót những sinh linh vô tội và mong chúng được siêu thoát còn họ được sống thanh thản hơn. Chủ nhân của lá phiếu kê khai 18 thai nhi cho biết: Cô phá bỏ thai nhi đầu tiên khi mới 16 tuổi vì đau khổ do bị phụ tình. Hơn chục năm sống thác loạn, hơn chục lần phá bỏ thai nhi. Đến nay, ở cái tuổi ngoại 30, cô hoàn lương, có gia đình êm ấm, kinh tế khá giả nhưng hai vợ chồng cố gắng chạy thầy chạy thuốc khắp nơi vẫn không có được một đứa con. Nỗi ân hận giày vò khiến không đêm nào cô ngủ yên giấc. Cực chẳng đã, gia đình phải cậy nhờ đến cửa Phật.

Trớ trêu hơn cô, cặp vợ chồng là chủ nhân của lá phiếu kê khai 12 thai nhi gần như không hề ý thức việc họ làm là tội lỗi trước đó. Cùng rời làng quê vào thành phố lập nghiệp, vì đồng lương công nhân eo hẹp, họ không dám sinh con. Nghĩ mình còn trẻ, cố gắng tích cóp tiền rồi sau này về quê sinh con cũng không muộn nên họ chỉ miệt mài kiếm sống. Không kiến thức về sinh sản, không biện pháp tránh thai, cặp vợ chồng này thấy “có hiện tượng” là đi nhờ bác sĩ. Lúc nhận ra khả năng của con người có giới hạn thì đã muộn. Họ tìm đến lễ cầu siêu, ăn ở tại chùa, ngày ngày tụng kinh niệm phật như giải pháp cuối cùng để có được một mụn con…

TQ (5).JPG
Cung nghinh HT. Thích Trí Quảng
 đăng đàn thuyết pháp nhân Đại lễ cầu siêu

Tuy nhiên, cũng theo ĐĐ. Thích Giác Thiện: Việc tổ chức trai đàn giúp những người đã vô tình hay cố ý đánh mất sự sống của thai nhi tìm lại sự thanh thản. Nếu xét trên phương diện tâm linh, Pháp hội trai đàn nhằm chuyển hóa khổ đau, giải tỏa oan ức cho những thai nhi xấu số, đem lại sự cân bằng về mặt tâm lý cho những người cha, người mẹ sau một giai đoạn khủng hoảng tinh thần. Xét trên phương diện xã hội thì đây cũng là hoạt động cần thiết vì Việt Nam hiện nay là một trong những nước có nhiều ca nạo phá thai nhiều nhất trên thế giới. Thông qua hoạt động này, những người tổ chức muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo với tất cả mọi người về thực trạng này, đồng thời mong muốn hướng giới trẻ đến một lối sống lành mạnh, an toàn hơn. Đứng dưới góc độ nhân văn thì xét cho cùng, không ai trong chúng ta có quyền tước đoạt sự sống của con người, kể cả các thai nhi. Tội lỗi bắt đầu từ con người thì phải do chính con người sửa chữa, triệt tiêu và bệnh từ tâm phải dùng tâm để trị.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày