GN - Ban Tăng sự nên siết chặt quản lý Tăng Ni các tự viện, có một sự thống nhất trong quản lý Tăng Ni để hình ảnh tu sĩ khi ra bên ngoài xã hội phải chuẩn mực, mô phạm. Đó là những chia sẻ, gửi gắm nhân Giáo hội kỷ niệm 35 năm thành lập của chư Tăng trẻ các quận, huyện tại TP.HCM.
Tăng Ni trẻ - lực lượng kế thừa, sẽ phát huy những giá trị mà các thế hệ tiền bối đã tạo dựng - Ảnh: PGTP
Theo ĐĐ.Thích Đồng Nguyện, tri sự chùa Pháp Bảo, Q.Gò Vấp, TP.HCM - hiện nay Phật giáo bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, trong thời gian gần đây những hình ảnh chưa được đẹp liên quan đến các Tăng Ni trẻ ngày càng nhiều.
“Dù biết, Phật giáo cần phải hội nhập với sự phát triển của xã hội là cần thiết, nhưng hội nhập phải làm sao giữ được bản chất riêng, để không bị đồng hóa bởi xã hội; chẳng hạn như trong các gameshow, truyền hình thực tế… có tu sĩ tham dự và đạt giải cao. Trong khi đó bổn phận của người tu là thực hiện vai trò của người hành trì, tu tập, thúc liễm thân tâm” - ĐĐ.Đồng Nguyện bày tỏ.
Đại đức chia sẻ thêm rằng, “Tăng trẻ phải tự có suy nghĩ biết mình hiện tại đang ở đâu, đang làm gì, thấy được sự xuất gia tu học của mình là một sự nghiệp cao thượng nhất để xứng đáng với chư tôn đức, chư Tổ đi trước đã xây dựng nên”.
Cũng trăn trở về vấn đề Tăng sự, ĐĐ.Thích Quảng Trí, trụ trì chùa Phật Quang (Q.10, TP.HCM) bày tỏ: “Tôi rất mong muốn trong thời gian sắp tới, Ban Tăng sự T.Ư sắp xếp lại các tự viện và sinh hoạt tu học của chư Tăng để phát triển phù hợp với thời đại nhưng vẫn giữ được giá trị của người tu sĩ. Thiết nghĩ, tu sĩ là mô phạm cho nhân thiên, nên oai nghi của người tu rất quan trọng”.
Đại đức Quảng Trí trăn trở: “Tăng Ni trẻ hiện nay rất giỏi nhưng giỏi quá mà không làm chủ được bản thân do yếu tố hiện đại lôi kéo mình đi, thì hình bóng của người tu sĩ sẽ bị mờ nhạt. Nhiều Tăng Ni trẻ khi tham gia các hoạt động bên ngoài mà để hình ảnh mình teen quá, trong khi đó, là tu sĩ thì nên có sự trang nghiêm, có oai nghi, chừng mực. Theo giới luật của nhà Phật, dù làm gì mà mình không có oai nghi, tế hạnh thì rất dễ bị gãy đổ con đường tu học trước những đòi hỏi, thách thức của cuộc sống”.
Ngoài ra, Đại đức cũng quan tâm đến hoạt động từ thiện - “vì đây là Phật sự có thể tiếp xúc được với nhiều đối tượng và từ đó hành giả có cơ hội chia sẻ giáo lý của đạo Phật đến với mọi người một cách gần gũi” - “mong chư Tăng Ni nên đẩy mạnh và phát huy thêm về vấn đề này”.
Còn ĐĐ.Thích An Thường, trụ trì chùa Pháp Thành, huyện Củ Chi (TP.HCM) thì nhận diện, qua 35 năm hình thành và phát triển, GHPGVN luôn đoàn kết, hòa hợp phát triển hài hòa trên tất cả các mặt, phát triển không chỉ trong nước mà vươn ra thế giới.
Đại đức mong muốn, trong quá trình phát triển của Phật giáo, các cấp chính quyền sẽ hỗ trợ về các mặt hành chính, giấy tờ để các Phật sự tự viện tại địa phương được thuận lợi.
ĐĐ.An Thường chia sẻ kỳ vọng: “Ban Hướng dẫn Phật tử nên thành lập ở mỗi chùa một Gia đình Phật tử hoặc Câu lạc bộ thanh thiếu niên sinh hoạt tu học, có chư tôn đức hướng dẫn. Vì những em trẻ trong thời đại công nghệ như hiện nay, nếu có môi trường tốt, các em được tiếp cận những đạo đức, luân lý, những lời dạy của Đức Phật thì khi ra ngoài xã hội sẽ vững vàng và không bị sa ngã vào những tệ nạn, biết làm chủ chính mình, biết yêu thương, giúp đỡ và san sẻ với mọi người, có cuộc sống an vui”.
Là vị Tăng trẻ của Q.Thủ Đức, ĐĐ.Thích Minh Nghi, trụ trì tịnh xá Ngọc Minh, bày tỏ, trải qua 35 năm GHPGVN có nhiều bước phát triển, ổn định, hài hòa. Theo Đại đức, trong kinh Phật dạy: “Ngày nào chư Tỳ-kheo còn ngồi lại trong tinh thần hòa hợp đoàn kết, bàn thảo trong tinh thần hòa hợp đoàn kết, đứng lên giải tán trong tinh thần hòa hợp đoàn kết thì ngày đó Phật pháp vẫn còn hưng thịnh”.
Trong tinh thần đó, sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập thống nhất, một sự kiện trọng đại của Phật giáo VN đã đi vào lịch sử, đó là sự kiện thống nhất 9 tổ chức hệ phái thành một tổ chức duy nhất gọi là GHPGVN, từ ngày 4 đến 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội.
Kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội, các BTS tỉnh thành, cũng như T.Ư long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Đại lễ, “đây là một dấu ấn để rồi chúng tôi - những người sau này nhìn lại thấy được thành quả mà chư tôn đức, những bậc lãnh đạo trước đã làm được”.
ĐĐ.Minh Nghi khẳng định - “đây cũng là lúc mở ra một chặng đường mới, là cơ hội để chúng tôi, thế hệ kế thừa nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong vai trò cụ thể của mình, tiếp tục cống hiến, xây dựng Giáo hội phát triển - không phụ công ơn chư tôn đức đặt nền móng, kiến lập ngôi nhà chung trong suốt 35 năm qua”.
Nhã An