Tự sự của một nông tăng hơn 90 tuổi sống an lạc giữa đời

“Với tôi, tự mình canh tác nuôi thân, sống với vườn rau, ngọn cỏ, trò chuyện với chim muông là niềm an lạc nhất trong cuộc sống này”- Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Thủy - Ảnh: Quảng Đạo/BGN
“Với tôi, tự mình canh tác nuôi thân, sống với vườn rau, ngọn cỏ, trò chuyện với chim muông là niềm an lạc nhất trong cuộc sống này”- Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Thủy - Ảnh: Quảng Đạo/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Thủy, sinh năm 1931, thọ giới Tỷ-kheo năm 1951, từng được suy cử nhiều chức lãnh đạo trong Giáo hội, hiện là Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Yên, viện chủ chùa Hương Sơn.

Con đường trở thành nông tăng

Hồi còn học Trường Trung đẳng Phật học chuyên khoa đặt tại chùa Huệ Nghiêm (Sài Gòn), mỗi ngày chúng tôi dành hơn 10 giờ để nghiên cứu kinh điển, tham cứu vô vàn phương pháp tu tập từ các giảng sư. Chưa kể, mỗi người còn được đích thân các vị bổn sư của mình truyền trao tâm đắc trong đời tu của mình. Tuy nhiên, cái mà tự mình thực ngộ, nguyện trọn đời thực hành thì vẫn chưa xác định rõ.

Năm 1966, tôi về Phú Yên theo lời kêu gọi của Hòa thượng Thích Khế Hội, Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh lúc bấy giờ. Ban đầu xin vào công tác ở Ban Hoằng pháp và Giáo dục vì muốn mang sở học của mình ra phụng sự cho quê hương. Nhân duyên cũng được Thầy Tổ phân công tiếp quản chùa làng Thanh Sơn. Nói là ngôi cổ tự có lịch sử hơn 100 năm nhưng thật ra chỉ là một tịnh thất nhỏ, xung quanh toàn là ruộng nước. Đây cũng là nhân duyên để tôi bước đầu thực hành pháp môn nông thiền của Tổ sư Bách Trượng Hoài Hải.

Bài trên Tuần báo Giác Ngộ - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn

Bài trên Tuần báo Giác Ngộ - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn

Pháp môn này nói dễ thì dễ vô cùng mà làm thì lại rất khó, trong giai đoạn kinh tế khó khăn thì thực hành cũng thuận tiện, chứ đầy đủ như bây giờ thì khó vô cùng. Ban đầu, tôi ở tịnh thất trong rừng, đốn củi, trồng rau, trồng lúa, làm tương, làm đậu để tự nuôi sống bản thân. Từ khi tham gia vào Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Yên rồi làm Trưởng ban cho đến lúc về nghỉ, tôi vẫn giữ vững pháp môn này.

Phật tử thắc mắc tại sao với vị trí như tôi mà lại sống kham khổ như vậy, 85 tuổi vẫn giữ nếp sống 3 giờ sáng dậy niệm Phật, uống trà rồi ra vườn cuốc đất, trồng rau, nấu cơm bằng củi, đi xe Mobylette rồi xe Cub đến nơi làm việc trong khi cuộc sống đã phát triển hơn xưa rồi. Thậm chí có người còn nghi ngờ lối sống của tôi nữa, làm sao mà một vị Trưởng ban Trị sự mà chẳng có lấy một ngôi chùa, phải ở trong một ngôi tịnh thất nhỏ bé trên rừng.

Phải đến năm 2012, hội đủ duyên lành, các Phật tử mới xây dựng lại ngôi chùa Hương Sơn bây giờ. Cố Hòa thượng Thích Nguyên Trực, chùa Từ Nhãn, Bà Rịa-Vũng Tàu có lần ghé thăm chùa, cầm tay tôi xúc động nói: “Hơn 50 năm phục vụ cho Giáo hội, không một chút vì bản thân, giờ Phật cho một ngôi chùa, công hạnh ấy, lối sống thanh giản ấy biết sao mà nói cho hết được”.

Với tôi thì luôn tâm niệm rằng, có nhiều con đường dẫn đến thành phố Tuy Hòa này, tu cũng vậy, kinh điển dạy rằng có tám vạn bốn ngàn pháp môn tu học nhưng đích đến vẫn là giải thoát khổ đau mà thôi. Con đường mà mình đang đi dù được sự hộ trì của bá tánh nhưng nhiều khi thấy hạt cơm của tín thí sao mà nặng quá. Công hạnh mình non yếu không khéo lại chẳng gánh nổi. Thôi thì cứ tự nuôi thân, ít nhọc lòng đến đàn-na tín thí thì cũng đỡ.

Vui chơi với thiên nhiên núi rừng

Với tôi, niềm an lạc là khi nhìn con sông chảy, khi thấy đàn chim sà xuống nô đùa trước ngõ, tỉnh thức, ý niệm trong từng nhát cuốc trồng rau, cách đốn chuối làm sao cho khỏi ngã, hỏng. Phải thanh thản, không vướng vào tục đế lẫn chân đế thì mới đạt được niềm an tịnh trong mỗi giây phút làm nông của mình.

Ra vườn cũng là cơ hội để mình thực hành hạnh lắng nghe, nghe sự vật, nghe nhịp thở của thiên nhiên, tiếng reo ca của muôn loài, từ đó mới nghe được tâm tình của con người, hiểu họ rồi mới chia sẻ lời dạy của Phật một cách hiệu quả nhất. Điều đó cũng làm cho mối giao hòa tâm linh giữa thầy và trò được bền chặt hơn.

Khoảng thời gian an tịnh này cũng giúp tôi sáng tác ra những câu chữ, vần thơ. Nó giúp mình giảm bớt căng thẳng về cả thể xác lẫn đầu óc, cũng như truyền tải cảm niệm tâm thức của mình với thiên nhiên. Tất nhiên nó không phải ủy mị, đa cảm đa sầu như những nhà thơ tình khác.

Thỉnh thoảng, một số đệ tử khi đọc thơ của tôi thì xúc động bật khóc vì họ thương hình ảnh ông thầy già trong đó. Nhưng điều chính yếu mà tôi muốn gửi gắm đến mọi người đó là cõi lòng an tịnh của mình, muốn những người đệ tử của tôi cảm nhận được nó để cố gắng công phu, chuyển hóa nội tâm và tự mình nếm trải niềm vui đó, chứ không phải quyến luyến như tình cảm thế gian.

Giờ đây, xã hội đã phát triển hơn xưa, Phật pháp cũng đã hưng thịnh và phổ biến rộng rãi đến công chúng với nhiều ngôi chùa to, Phật lớn. Đó cũng là niềm vui chung nhưng Tăng Ni chúng ta nên cẩn trọng, đừng xây chùa, tượng Phật vì mục đích kinh tế, mang tội với Phật pháp. Bản thân tôi đã hơn 90 tuổi nhưng Phật thương, cho mình còn sức khỏe để tiếp tục thực hành pháp môn “Nông thiền” này. Còn sức thì vẫn lặng lẽ nhổ cỏ trong vườn, dọn dẹp những khoảnh nhỏ trong tâm của mình để tìm về cõi an tịnh vốn có, làm chỗ dựa tinh thần cho những người xung quanh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày