GN - Lựa chọn tử tế - trong ý niệm hướng thượng theo tinh thần Phật dạy, chư Tăng Ni trẻ, Phật tử trong cuộc trò chuyện với PV Giác Ngộ đã nói lên bằng cả tấm lòng, với mong muốn góp sức xây dựng, cho đạo pháp và cuộc sống ngày mỗi tươi đẹp hơn.
Mỗi người một định nghĩa
Theo đó, Phật tử Thiên Thuận, đang làm việc tại Trường Lê Thị Hồng Gấm (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) bày tỏ quan điểm, tử tế là mình làm điều tốt, điều lành, mang lại niềm vui cho người khác. Khi làm mình có thể giúp người khác trong khả năng của mình.
Tóm lại, tử tế là một hành động, cử chỉ tốt, sống chân thành làm cho ta và cho người khác thấy hạnh phúc may mắn, vui vẻ... Cũng có thể hiểu như là “kính trên nhường dưới”, còn gọi là sống có đạo đức. Tâm luôn mang tư tưởng lạc quan, giúp người khác mà không bao giờ có ý mong người khác đền đáp lại.
>> Dấn thân phục vụ và học Phật pháp
CLB Thiện Duyên và giáo viên hướng dẫn các em trong
lớp học tình thương đến lễ Phật tại chùa Liên Hoa - Ảnh: N.Danh
Anh chia sẻ thêm: “Là thầy giáo, tôi luôn sống chân thật với chính bản thân mình và làm gương cho học trò noi theo, với đồng nghiệp và cấp trên tôi luôn tôn trọng, giúp đỡ nhau. Luôn để ý bản thân mình, tránh những lời nói nói bậy, chửi thề… còn với gia đình, biết quan tâm vợ con nhiều hơn, quan tâm tới mẹ ruột cũng như cha mẹ vợ, anh em họ hàng, giữ mối quan hệ gắn bó”.
Trong vai trò người con Phật, anh Thiên Thuận nói, “tử tế là phải hiểu đúng về đạo, học tập, rèn luyện và thực hành những điều Phật dạy để không phạm sai lầm cho bản thân và gây đau khổ cho người xung quanh. Sau đó, vận dụng những cái mình hiểu mang ra giúp người, như bố thí, in kinh sách, giúp người trong phạm vi của mình - như thấy người buồn khổ, có thể động viên hay tìm đường đi đúng đắn giúp họ trở về niềm an vui. Trong anh em Phật tử cũng vậy, đôi lúc cũng sẽ bất đồng ý kiến nhưng phải luôn tôn trọng nhau, sống dựa trên tinh thần Lục hòa”.
Còn chị Huỳnh Bích Đào, Chủ nhiệm CLB Thiện Duyên, tử tế là một sự giúp đỡ người khác và cư xử đúng với cái tâm trong sáng của mình.
Thể hiện cụ thể của việc sống tử tế mà chị Đào nói chính là lớp học tình thương do CLB Thiện Duyên mở ra. Ngay từ đầu đưa các em vào nề nếp, dạy các em về lễ nghĩa trước, sau đó mới học kiến thức, phải bắt đầu từ những cái nhỏ để hình thành nên nhân cách con người tốt. “Một con người tốt thì phải có nhân cách tốt, mà để có nhân cách tốt phải trải qua nhiều ngày nhiều tháng và huân tập”, chị Bích Đào chia sẻ.
Ngoài ra, CLB cũng hay tổ chức thăm hỏi, chia sẻ tới những mảnh đời bất hạnh, tổ chức ghé thăm trung tâm bảo trợ xã hội hoặc mái ấm, tại đây CLB sẽ nấu ăn, chăm sóc, ngồi lắng nghe và chia sẻ với các cụ già...
“Không có một định nghĩa nào chung nhất cho mọi người về sự tử tế, mà ở mỗi người, trong từng thời điểm khác nhau, tại mỗi ngữ cảnh sẽ có cái nhìn khác nhau về sự tử tế. Tử tế là tuân thủ luật lệ giao thông, là nói những điều thật lòng, là bao dung và tôn trọng với những điều khác biệt trong xã hội. Tử tế là biết yêu thương mọi người, đau với nỗi đau của người khác, chia sẻ niềm vui chung, và có lòng vị tha với mọi người” - Phật tử Nguyên Hiển đang làm tại Ngân hàng Sacombank (đường Lê Văn Sĩ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) bày tỏ quan điểm.
Với chị Nguyên Hiển, tử tế là một từ gần gũi với cuộc sống hàng ngày, đơn giản là làm việc cẩn thận, chu đáo từ những hành động nhỏ nhất mang lại sự an lạc cho mình và cho người khác.
“Là Phật tử, tử tế đơn giản là chúng ta biết sống thiểu dục tri túc, tiết chế, biết đủ để chúng ta không còn dính mắc vào sự mưu cầu - nguồn gốc của sự khổ đau. Tử tế là biết nhẫn nhịn trước những bức bối ngặt nghèo xảy ra với mình và với người bằng trí tuệ sáng suốt, dần chuyển hóa mình và chuyển hóa người. Là hãy lắng nghe, bao dung và cảm thông với tất cả mọi người, mọi loài, để thấu hiểu và dần thương hơn một tình thương vị kỷ nhỏ hẹp. Đó cũng là đón nhận những lỗi lầm do mình và do người một cách bao dung” - chị Nguyên Hiển tâm đắc.
Những điều bình dị làm nên tử tế
“Tự thân suy nghĩ chân thành với tha nhân thì lời nói chân thành và hành động chân thành. Không phải nghĩ cho có nghĩ, nói cho có nói hay làm cho có làm mà nghĩ-nói-làm trước sau phải như một. Chính sự chân thành mới đủ sức để truyền và giữ vững sự yêu thương nhau”, thầy Thích Chấn Đạo, đang học năm 2 Học viện PGVN tại Huế nói.
Thầy Chấn Đạo chia sẻ thêm, nụ cười là khởi nguồn cho những quan tâm. Vì thế chúng ta nói tử tế với nhau thì bắt nguồn từ trong nụ cười thân thiện, quan tâm từ những “vụn vặt” đến nhiệt thành bằng cả tấm lòng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Một người tử tế thì từ trong những hành động nhỏ nhất đã mang năng lượng của yêu thương, mang tấm lòng chân thành chứ không phải đợi công to việc lớn.
Tử tế với bản thân là không để bản thân “thiếu thốn” sự quan tâm trong thân-khẩu-ý, nghĩa là làm chủ bản thân trong mọi hoàn cảnh, đồng nghĩa với việc ta không để bản thân dễ dãi trong việc nhận chân và hành động thiện-ác. Ta đối với ta chân thành thì nguồn năng lượng ấy sẽ lan tỏa và giao thoa được những cõi lòng, những tâm hồn xung quanh, cùng tạo nên một sự đồng điệu.
Theo SC.Thích nữ Huệ Thái, trụ trì chùa Giác Huệ (Hóc Môn, TP.HCM) thì một người tử tế là một người có đạo đức, tức là có hành động và tư duy tích cực. Có rất nhiều phẩm hạnh như từ-bi-hỷ-xả... thể hiện sự tử tế rất sâu sắc.
Không có tu tập, không có công quả, không có lương thiện và tình người thì dù có thành công nhưng sẽ không có hạnh phúc lâu dài và vững bền, bởi không có nền tảng.
Sư cô chia sẻ, cô tập sống có tình người trước khi tu cái gì cao siêu. Mình phải trên kính dưới nhường, luôn kính trọng các bậc tôn túc, sống lục hòa với huynh đệ, luôn chia sẻ những hiểu biết của mình và lắng nghe những chia sẻ từ huynh đệ.
______________________________
* Mời bạn chia sẻ những câu chuyện tử tế và niềm hoan hỷ mà bản thân đã làm được; hoặc viết về những con người tử tế mà bạn gặp với tâm niệm yêu thương, chia sẻ, giúp đời đâu đó xung quanh. Bài viết xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.