Từ thạch cẩu đến đền Cẩu Nhi

GN - Bên cạnh những linh vật (long, lân, quy, phụng) được người Việt tạc tượng thờ trong đình - chùa, thì hình tượng con chó cũng có vị trí trong quan trọng không kém trong mỹ thuật dân gian của người Việt xưa. Hình thức thờ chó đá khá phổ biến ở nông thôn, các vùng quanh Hà Nội như Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… và có khi được gọi một cách trọng thị là “cụ Thạch”, “Thần cẩu”, “quan lớn Hoàng Thạch”... Ở nhiều địa phương người dân vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa nhà với mục đích trấn trạch.
den cau nhi2.jpg
Đền Cẩu Nhi

Năm Tuất kể chuyện thạch cẩu

Chó vốn là loài vật tinh khôn và trung thành, rất mực thân thiết với con người, được con người yêu mến coi như  bạn. Chó không những sử dụng để đi săn, canh giữ nhà cửa mà con là con vật để làm cảnh. Trước lăng mộ nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu ở Huế có một dãy bia đá 6 tấm vô cùng độc đáo, bởi đây là những tấm bia đá để khóc thương chó. Trong 14 năm (1926-1940), cụ Phan Bội Châu bị giặc Pháp giam lỏng ở Huế. Cụ đã nuôi 2 con chó tên là Vá và Ky. Cụ rất đỗi yêu quý chúng. Khi chúng lìa trần, cụ Phan  rất thương xót nên dựng những tấm văn bia này, khắc chữ Hán, đồng thời kèm theo cả bản dịch Quốc ngữ.

Bia truy niệm con Ky có nội dung đầy tự sự: “Người hơi có đức nhân thường kém về trí. Người hơi có trí thường kém về phần nhân. Vừa trí vừa nhân thật là hiếm thấy. Ai ngờ con Ky này lại đủ 2 đức ấy. Chung nhau thờ một chủ, thời xem là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó, thật là nhân đó. Thấy không phải chủ thời xem bằng “cừu thù”, chẳng bao giờ bị miếng ngon dẫn dụ, thiệt là trí đó. Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà người, e đến mày mới thấy. Mày sao vội chết! Hỡi trời! Hỡi trời! Lòng ta đau đớn, phải tạc mấy lời. Đau đớn quá! Đau đớn quá! Kìa những hạng muông người”.

Cụ Phan lại khóc con Vá: “Vì có dũng nên liều chết phấn đấu, vì có nghĩa nên trung thành với chủ. Nói thì dễ, làm thiệt khó, người còn vậy, huống gì chó. Ôi con Vá này đủ hai đức đó, há như ai kia, mặt người lòng thú, nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ chó”.

Bài văn khóc chó của cụ Phan Bội Châu chính là lời nhắn nhủ thức tỉnh những người con dân đất Việt, cần có dũng có nghĩa, có trí có nhân, đến bây giờ đọc lại còn thấy xúc động thấm thía.

cho da o den cau nhi.jpg


Chó đá đền Cẩu Nhi

Biết bao câu chuyện huyền thoại được người xưa thêu dệt gắn kết với sự linh ứng của loài chó. Tương truyền, thuở mới lập nước Âu Lạc, An Dương Vương muốn đóng đô ở Uy Nỗ, nhưng đàn chó của vua cứ chạy sang Cổ Loa. Một con chó quý của vua đã lót ổ trên gò Đống bên đó, vua cho là “thiên cơ” chỉ lối nên mới dời đô tới Cổ Loa. Không ít truyền thuyết về loài chó liên quan đến nghiệp đế vương.

Người xưa kể rằng: Thời Tiền Lê, ở chùa Ứng Thiên Tâm (nơi Thiền sư Lý Khánh Vân trụ trì) có con chó mẹ đẻ ra một cẩu con sắc trắng, trên lưng có lông đen đọc thành chữ “thiên tử”. Thiên hạ tiên đoán: người sinh năm Tuất sẽ lên ngôi vua. Quả nhiên về sau, Lý Công Uẩn (sinh năm Giáp Tuất - 974) đã được trăm họ tôn lên ngôi hoàng đế. Lý Thái Tổ cho tạc nhiều tượng chó đá đặt ở những địa điểm linh thiêng theo thuyết phong thủy. Từ đấy trở đi, dân gian thường dùng “thạch cẩu” để “trấn trạch”. Ở lăng Trần Hiến Tông (xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) được xây dựng từ thế kỷ XV, còn lưu giữ nhiều di vật quý báu: hai pho tượng quan hầu bằng đá, một pho tượng trâu đá, một pho tượng chó đá. Đây là những tác phẩm điêu khắc đá đặc sắc trong kho tàng nghệ thuật Lý - Trần.

Hình tượng con vật tinh khôn, thân thiết đã nửa thiên niên kỷ trung thành nằm canh lăng mộ tôn nghiêm của hoàng đế Đại Việt. Tượng chó có kích thước tương đương chó thật, nằm khoanh tròn, chân sau thu vào trong lòng, mõm kê lên đôi chi trước duỗi thẳng, đuôi ngoặt về phía đầu. Thạch cẩu toát lên vẻ đẹp mạnh mẽ, cái hồn tinh khôn trầm ẩn dưới cặp mắt khép hờ, và đôi tai dỏng lên nghe ngóng. Pho tượng mang đậm phong cách điêu khắc thời Trần, giản dị mà sống động.

Ở đền Bà Chúa Kho (làng Cổ Mễ, thành phố Bắc Ninh) trước kia có con chó đá cao lớn hơn 1m, cổ đeo khánh. Thạch cẩu Cổ Mễ hướng mặt ra phía Bắc sông Cầu, mô phỏng chó săn theo điêu khắc thời Lý. Đáng tiếc, thạch cẩu này đã bị đám săn lùng đồ cổ đào trộm đem bán ra nước ngoài. Ở mé Nam ngã tư Trung Hiền (phố Đại La tiếp giáp với Minh Khai - Hà Nội ngày nay) cách đây 50 năm trở về trước, người ta còn thấy có con chó đá khá lớn trấn giữ nên nơi đây còn được gọi là cửa ô Chó Đá. Qua thời gian, chó đá không còn và tên cửa ô này chỉ tồn tại trong tâm trí rất ít người sống gần đó.

Phủ thờ Quận công Nguyễn Ngọc Trì ở làng Hát Môn, xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) có 4 con chó đá, 2 con nghê đá, toàn bộ bằng đá xanh nguyên phiến. Bốn con chó đá đặt trước và sau phủ gọi là thạch cẩu, hai chân trước đứng, chân sau như sắp nhổm lên sủa. Trước tượng chó đá có bát hương để thờ. Ông Nguyễn Ngọc Toàn, con cháu họ Nguyễn Ngọc, cũng là người trông coi không biết những con chó đá này có từ bao giờ, chỉ biết thạch cẩu ngồi đây có ý nghĩa để canh gác cho phủ, giống như những con chó bình thường khác canh nhà cho người dân. “Chó đá có từ khi dựng phủ này vào thế kỷ XVIII, dòng họ Nguyễn Ngọc bao đời nay đều thờ cúng cẩn thận”, ông Toàn cho hay.

hoang thach o chua dich vi.jpg


Chùa Địch Vĩ (Đan Phượng, Hà Nội), nơi có quan lớn Hoàng thạch và thạch cẩu

Dân làng Địch Vĩ, xã Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội) thờ chó đá như một vị thần và gọi là quan lớn Hoàng thạch. Ngày nay, ở phía sau, sát bên hông chánh điện chùa Phúc Khánh (còn gọi là chùa Địch Vĩ) có một thạch cẩu to lớn được tạo tác bằng đá xanh từ cách đây gần 400 năm. Thạch cẩu cao 1,4 m, đầu hướng về phía núi Ba Vì, dưới chân còn có một đàn chó 13 con, kích thước nhỏ hơn, cao 10-13 cm, kích cỡ khác nhau. Thạch cẩu ngự trên bệ thờ xây bằng gạch, rộng 10m2, xung quanh bệ thờ có tường bao, ở giữa là táp môn trang trí khá đẹp. Trước mặt chó lớn đặt một bát hương rất to. Những ngày lễ, mồng một âm lịch hàng tháng, người dân theo Phật đến chùa dâng lễ, tụng kinh. Trước khi vào chùa, họ đều thắp hương, đặt lễ trên bệ thờ quan lớn Hoàng thạch để cầu bình yên, may mắn.

Người dân cho hay, ngày Tết dân làng làm lễ to lắm, khói hương nghi ngút, hoa quả, bánh trái, rượu bia ngập kín bệ thờ. Có thờ có thiêng, quan lớn Hoàng thạch sẽ độ trì cho cả năm. Mỗi khi có việc gì oan khuất, người dân thường đến trước bệ thờ quan lớn Hoàng thạch thắp nhang, kêu khấn và thề với nhau với niềm tin được ngài chứng giám, soi xét cho. Khi đến thề, ngoài lễ vật là gà, lợn, vàng hương, người ta còn tỏ thái độ quyết liệt bằng cách mang khúc cây chuối hoặc chồng bát đến, để khi “thề độc” xong thì đập tan chồng bát hoặc chém ngang cây chuối với ý sẵn sàng chịu tội chết nếu man trá... Chùa Địch Vĩ trước đây xập xệ, mới được xây dựng lại từ năm 2014, nên ngôi chùa ngày nay khang trang bề thế.

Ở đình - chùa Phù Trung thuộc xã Thượng Mỗ (Đan Phượng) ngay gần đó hiện tại cũng có một bàn thờ thạch cẩu ngoài trời, được người dân gọi là thần cẩu hay hoàng thạch cẩu. Nơi đây, thạch cẩu được đặt lên bệ thờ ở bên phải, vừa để trông coi đình, vừa được thờ cúng như một vị thần. Chùa - đình làng Phù Trung có tuổi đã hơn 300 năm, con chó đá trước được thờ ở gò đất đầu làng. Sau này gò bị phá, các cụ cao niên rước chó đá về đặt trong đình. Tục lệ ở đây, mỗi khi làng có việc, các chủ tế xướng tên vị thành hoàng làng rồi sau đó là xướng đến thần cẩu.

Nhiều tài liệu lịch sử cũng ghi chép việc thờ cúng chó đá. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: “Nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng”. Theo Việt Nam văn hóa s cương, Đào Duy Anh ghi: “Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí”. Ngày nay, chó đá ở nước ta cứ biến mất dần, bởi nạn chảy máu đồ cổ, bởi thiên tai địch họa, và cả bởi sự thiếu ý thức trong bảo vệ di vật văn hóa, không ít chó đá đã bị hóa kiếp nung vôi.

Hoàn thành phục dựng đền Cẩu Nhi

Từ một phế tích bị “lãng quên” đã nhiều năm, đền Thủy Trung Tiên (có tên cổ là đền Cẩu Nhi) mới đây đã được phục dựng thành một di tích tín ngưỡng khang trang trên hòn đảo giữa hồ Trúc Bạch. Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn: “Trước đây, ở Viện Cảm Tuyền chùa Ứng Thiên Tâm châu Cổ Pháp, có con chó đẻ con sắc trắng có đốm đen, thành ra hai chữ “Thiên tử”, kẻ thức giả nói đó là điềm người sinh vào năm Tuất làm thiên tử. Đến đây vua sinh năm Giáp Tuất, làm thiên tử quả ứng nghiệm”. Sách Tây Hồ chí do Dương Bá Cung (1794-1868) có nói về đền Cẩu Nhi. Sách có đoạn: “Châu chử (bến Châu) tròn, lớn hơn Châu phụ, ở phía Tây hồ Trúc Bạch. Trên có miếu chó thần Cổ Nhi dựng từ triều Lý. Nay hãy còn. Ở phía Tây nam hồ, góc Tây Thành có núi Khán hai ngọn liền nhau. Trên có miếu Cẩu Mẫu (mẹ chó thần) của triều Lý. Nay là chùa”. 

Trong sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, tác giả Nguyễn Văn Uẩn viết: “Lên đến gần đường đê Yên Phụ, ta thấy còn mấy di tích lịch sử nữa: ở bên phải, trên một gò nhỏ giữa hồ Trúc Bạch có đền Cẩu Nhi, đền này có từ thời Lý Thái Tổ (thế kỷ XI), khởi thủy ở cạnh núi Nùng trong Hoàng thành, khi xây lại thành sau này mới chuyển bài vị thờ thần ra đây. Về sau, những người coi đền và người đến lễ bái chỉ biết là đền thờ “Thủy Trung Tiên” (bà tiên dưới nước). Theo Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, thời vua Lý Công Uẩn đã cho dân lập đền thờ Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội). Đây là phong tục đẹp trong tín ngưỡng của người Việt, nên được gìn giữ và mở rộng.

Tương truyền, đến năm 1970 vì đền Cẩu Nhi đổ nát, chính quyền cho dựng tạm một phương đình trên di tích này. Năm 1982 đền bị phá để làm chỗ sản xuất của một hợp tác xã, đến năm 1985 thì biến thành quán ăn Cổ Ngư. Trước thực trạng buồn, các nhà khoa học đã lên tiếng. Cuối cùng, cái quán ăn kia đã bị dẹp, và năm 1988, thành phố đã chi tiền kè đá quanh đảo, dựng nhà bia ghi lại dấu cũ.  Trước, người dân đi vào đền bằng cầu dây cáp nhưng sau có quá nhiều tệ nạn xảy ra nên chính quyền quyết định phá bỏ cầu đi. Thành ra, nơi đây trở thành một hòn đảo trên hồ Trúc Bạch, không có cầu nối với bờ hồ.

Đến đầu thế kỷ XXI, hòn đảo đền Cẩu Nhi chỉ còn tồn tại một nhà bia, kiểu chồng diềm hai tầng mái, bộ khung gỗ tám cột lim còn tốt nguyên, mái lợp ngói ta. Chính giữa nhà đặt tấm bia đá cỡ lớn, trán bia khắc 4 chữ “Di tích Cẩu Nhi”. Bia đặt trên bệ đá cỡ 60x120cm, xung quanh chạm nổi hình cánh sen. Ngoài ra, ở mặt sau của văn bia là tượng thờ Ngọc Hoàng và một chú chó đá nho nhỏ. Nội dung văn bia soạn theo Đại Việt sử ký toàn thư Tây Hồ chí, ở cuối có đoạn: “… đến năm Canh Tuất có việc dời đô, Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi đều hóa. Vua bảo đó là Chó Thần, bèn xuống chiếu cho dựng miếu thờ Cẩu Mẫu trên núi, dựng miếu thờ Cẩu Nhi trong hồ này. Miếu vẫn còn thuộc địa phận làng Trúc Yên. Như vậy, di tích Cẩu Nhi đã có từ lâu và sang thế kỷ này có thêm tên gọi là đền Thủy Trung Tiên. Ở cuối bia, có dòng chữ cho biết, công trình do Trung tâm Bảo quản-Tu bổ di tích thuộc Bộ VHTT xây dựng, hoàn thành ngày 4-6-1988.

cho da o dinh chua Phuong Trung 1.jpg


Chó đá ở đình - chùa Phương Trung (Thượng Mỗ - Đan Phượng - Hà Nội)

Sau gần 40 năm trở thành phế tích, Dự án phục dựng đền Cẩu Nhi, tức đền Thủy Trung Tiên được thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2014, với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng, trong đó 16 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Lễ khởi công phục dựng đền diễn ra vào ngày 6-7-2015 và đến năm 2017 thì hoàn thành. Hiện tại đền đã xây dựng xong tuy không to lớn, nhưng khang trang. Các hạng mục phụ đã được xây dựng bao gồm: hạ giải nhà bia cũ, chuyển bia đá vào trong nền chính; xây dựng đền chính, nghi môn (tứ trụ) và cổng đền; xây nhà thủ từ, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, trồng mới một số loại cây lưu niên có giá trị và phù hợp di tích.

Ngôi đền nhỏ nhưng đẹp đẽ, mái đền uốn cong, ngói đền là loại ngói vẩy cá theo kiến trúc đền chùa truyền thống. Cùng với đó, một cây cầu đá đã được xây dựng nối từ đường Thanh Niên vào đảo nơi vị trí phục dựng đền. Cây cầu đá được dựng theo nguyên mẫu từ cầu đá của đền Trần (Nam Định), gồm năm nhịp, mỗi nhịp dài 3,6m, rộng 2,25m, tổng chiều dài cầu 18m.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày