Tự viện Nhật Bản tham gia chương trình tập sống ở chùa

GN - Trên cơ sở bộ luật mới được ban hành vào đầu tháng này, các tự viện trên khắp Nhật Bản có thể tham gia vào chương trình thực tập sống ở chùa, cung ứng phòng ở và các sinh hoạt tự viện đến du khách có nhu cầu. Qua đó, mở ra cơ hội để đưa Phật giáo đến gần với dân chúng và góp phần giải quyết bài toán phát triển du lịch nơi đất nước Mặt trời mọc.

Thực tế, rất hiếm các tự viện Phật giáo có thể hỗ trợ du khách hoặc người lỡ đường ngủ lại qua đêm, trong tiếng Nhật gọi là shukubo, trong khi phong trào hành hương hoặc tham gia vào các khóa tu để cải thiện tâm thức, giảm thiểu những áp lực cuộc sống lại đang tăng cao.

PGNN952.jpg

Ngôi chùa nổi tiếng Mii-dera sẽ tham gia chương trình tập sống ở chùa

Bộ luật trước vốn gây nên những rào cản và khó khăn nhất định, không tạo nhiều điều kiện cho các ngôi chùa có thể cung cấp phòng ngủ trong tự viện cho du khách.

Từ hiện trạng này, đứng trước nhu cầu về nơi lưu trú thanh tịnh ngày càng nhiều cũng như độ phổ biến của các điểm đến tại Nhật Bản, mọi thứ dường như có sự thay đổi tích cực.

Vào cuối tháng qua, với sự chung tay của một số doanh nghiệp hàng đầu về dịch vụ lưu trú, website có tên gọi Terahaku - được phiên âm từ âm gốc là “Japanesekanj”, bao gồm 2 thành phần là “lưu trú” và “chùa chiền”, được tạo lập nhằm giúp cho du khách có thể tìm kiếm trên mạng và đặt chỗ lưu trú qua đêm theo chương trình “thực tập sống ở chùa”. Trang web này cũng có chức năng hỗ trợ người dùng dễ dàng hơn trong việc định vị nơi tọa lạc và cách thức liên lạc với ngôi chùa họ chọn làm nơi ở trong vài ngày.

Trong khi website Terahaku tiếp cận phần lớn lượng người có nhu cầu trong nước hoặc đang sinh sống, lao động tại Nhật Bản thì các trang web liên kết hiện là nơi tìm kiếm phổ biến chỗ lưu trú của bất cứ du khách nào, gồm Airbnb và Booking.com, sẽ giúp quảng bá chương trình này ra thế giới và du khách người nước ngoài. Tại đây du khách quốc tế có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin nơi lưu trú tại chùa bằng tiếng Anh hoặc chính ngôn ngữ bản địa của họ.

Những người khởi xướng tin tưởng, với số đông đảo các cơ sở tự viện trên toàn quốc, mang những giá trị và ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và cảnh quan, Phật giáo Nhật Bản có nhiều cơ hội thực hiện thành công chương trình này. Từ đó, có thể giúp cho du khách khi đến Nhật Bản có thể chọn được một nơi ở an toàn, lịch thiệp, giá cả hợp lý cũng như được dịp tìm hiểu và thực tập đời sống tâm linh.

Không những thế, đi kèm với việc cư trú trong chùa, du khách còn được phục vụ các món ăn chay theo đúng đời sống tu viện; học và hành thiền Phật giáo, được hướng dẫn cách chép kinh và tụng kinh vào mỗi buổi sáng sớm, thỉnh thoảng tham dự vào các khóa cầu nguyện buổi tối.

“Chúng tôi có niềm tin rằng, với những du khách đã bắt đầu biết và quen với đời sống cũng như các sinh hoạt văn hóa tại Nhật Bản sẽ rất thích trải nghiệm cuộc sống theo kiểu ở trong tu viện Phật giáo vài ngày. Chương trình này không những làm sinh động cách tiếp cận quần chúng của tu viện Phật giáo, tạo ra khoản kinh phí để duy trì các ngôi chùa mà còn giải quyết bài toán thiếu nơi lưu trú cho du khách khi họ đến Nhật Bản”, một thành viên của Ban Điều hành chương trình cho hay.

Tại Nhật Bản có khoảng 77.000 tự viện Phật giáo và với chương trình tập sống ở chùa, nhiều ngôi chùa sẽ mở rộng cửa đón du khách, giới thiệu đạo Phật đến với đông đảo quần chúng trong và ngoài nước. Đây cũng chính là phương thức đưa Phật giáo gần với thực tiễn xã hội và làm các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh trong sinh hoạt Phật giáo được tiếp cận một cách dễ dàng, nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Thêm vào đó, chương trình được khởi động vào thời điểm này sẽ giúp tăng trưởng ngành du lịch của Nhật Bản, tạo thêm việc làm cho công nghiệp dịch vụ tại đất nước Mặt trời mọc khi quốc gia này sẽ chính thức đăng cai Giải vô địch bóng bầu dục thế giới vào năm 2019 và Thế vận hội Tokyo vào năm 2020.

Theo thống kê vừa được cập nhật từ cơ quan quản lý về du lịch tại Nhật Bản, có hơn 10,5 triệu du khách đến tham quan Nhật Bản trong 4 tháng đầu năm 2018, tăng khoảng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến quốc gia này sẽ đón du khách thứ 30 triệu vào cuối năm nay.

Chính phủ Nhật Bản mong đợi sẽ thu hút khoản 40 triệu khách quốc tế vào năm 2020 và nếu điều này trở thành hiện thực thì nhu cầu nơi lưu trú trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Mặc dù chương trình thực tập sống ở chùa đã được khởi động, trang web Terahaku đã được vận hành và đưa vào sử dụng, nhưng các chùa vẫn chưa thể cung cấp nơi lưu trú và du khách vẫn chưa có thể truy cập, đặt chỗ ở cho mình cho đến khi chương trình chính thức được công bố vào tháng 7.

Dự kiến bước đầu sẽ có 100 ngôi chùa tham gia chương trình này, bao gồm chùa Mii-dera, ngôi tự viện nổi tiếng và lớn thứ 4 của Nhật Bản, tọa lạc gần Kyoto và sau 3 năm sẽ có 1.000 ngôi chùa tham gia.

Bảo Thiên (theo The Telegraph)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày