Từ vụ cháy rừng ở Úc: Lời xin lỗi muôn loài

GNO - Tin vui từ Australia là đã có mưa vàng, khiến ngọn lửa cháy rừng phần nào giảm nhiệt. Vẫn cần thêm những trận mưa như thế để rừng và muôn thú, muôn loài cộng sinh trong đó được giải cứu.
20219A03-0EC9-458A-B47F-A59E599FBAD3.jpeg
Cứu hộ thú rừng trong hỏa hoạn

“Ông trời đã thương” - nói theo cách của ông bà mình - nhưng tôi tin, ở một góc nào đó, tâm thức cộng đồng đã tạo nên một năng lượng lớn, chuyển hoá được cả thời tiết, góp phần vận hành vũ trụ, mây, mưa. Theo đó, cả thế giới cùng hướng về tâm bão lửa ở Úc, với lòng thương và mong, cùng gửi năng lượng tích cực cho nơi đó, không phân biệt tôn giáo, lương, đã tạo nên chuyển biến lành. Tất nhiên, quan trọng hơn nữa là câu chuyện thay đổi tích cực từ câu chuyện sống của người hiện đại, từ ăn uống, sinh hoạt, xử lý tình huống... Làm sao để bớt sân si, bớt tiêu thụ, ít muốn biết đủ, không xài hoang phí... là điều mà nhân loại cần suy ngẫm từ chuyện cháy rừng ở Úc, ở Amazon... Tôi chú ý đến một bức vẽ của cộng đồng mạng, với câu thoại đầy đau đớn của nhân viên cứu hoả: “Tao xin lỗi tụi mày”. Câu nói có thể nằm trong bối cảnh cụ thể đó, anh ấy nói xin lỗi vì không thể cứu được các bạn nhỏ giữa biển lửa. Nhưng ở một bình diện rộng hơn, tôi nghĩ, con người cần xin lỗi muôn thú, các loài vì lối sống của mình - tự nhận là thông minh - đến đỉnh cao văn minh, đã tổn hại mẹ trái đất, thiên nhiên, trong đó có loài khác cộng sinh. Con người, từ sát sanh đến giết hại cây rừng, xả khí thải, rác thải... đã có lỗi rất nhiều với chúng sinh. Vì thế, cháy rừng sao khỏi liên quan trách nhiệm? Cần phải xin lỗi, tưởng niệm những loài đã chết do hỏa hoạn, không chỉ con người.Theo thống kê chưa đầy đủ, đến 5-1-2020, hơn 14,5 triệu ha, khoảng 480 triệu động vật bị thiêu sống, 28 người đã chết và nhiều người mất tích. Bạn nghĩ sao về những con số vừa rồi? Đau lòng! Thương.Một lời xin lỗi, tưởng niệm hẳn là chưa đủ để vụ cháy lịch sử này trở thành bài học lớn, thay đổi cách sống của con người. Ở một số nước Phật giáo như Thái Lan, Campuchia... chư Tăng đã biết dùng phế phẩm tái chế thành vải may y, thực hiện quy y cho cây để bảo vệ rừng. Hành động này là sáng kiến thiết thực để góp tiếng nói xanh hoá môi trường và lòng người...
56A85146-79F1-400E-B320-4F5D4DC9C3F7.jpeg
Cộng đồng mạng thực hiện những thông điệp nhân văn hướng về Úc

Mong rằng, lời cầu nguyện cũng như hashtag #prayforAustralia không chỉ là phong trào thoáng qua của cộng đồng mạng mà lan tỏa sâu hơn trong lòng mỗi người bằng tinh thần sống ít muốn biết đủ!

Lưu Đình Long

Nhật ký cuộc sống

Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác.

Với ý niệm đó, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ sẽ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV.

PGTT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày