Nhà nhà bày cỗ sách mới
Nhận thức được thời gian hội sách diễn ra chính là lúc mức cầu đối với sách được "kích" lên cao nhất trong thời gian hai năm, nên từ các nhà xuất bản (NXB) Nhà nước đến các công ty làm sách tư nhân đều chuẩn bị nhiều đầu sách mới để tung ra vào dịp này. Đáng kể nhất là NXB Trẻ với 74 đầu sách mới hoàn toàn bên cạnh 94 đầu sách tái bản trong tổng số 1.500 đầu sách đem đến cho một tuần lễ sách. Trong đó, phải kể đến tập di cảo mới nhất của học giả Vương Hồng Sển - Cuốn sách và tôi - được viết từ năm 1984, dày hơn 400 trang, đề cập nhiều vấn đề xung quanh nghệ thuật chơi sách, những kinh nghiệm cá nhân và tư liệu rút ra từ rất nhiều tập sách mà cụ Vương tâm đắc. Tính tài tử (chơi sách) và tính bác học (nghiên cứu) trong tập sách này là những kinh nghiệm thú vị cho những người đam mê chơi sách hiện nay. Nhân vật lịch sử Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, cha đẻ của mô hình khoán hộ trong nông nghiệp ở Việt Nam vào thập niên 1960 - cũng trở thành nhân vật chính cho tiểu thuyết Bí thư Tỉnh ủy của tác giả Vân Thảo được NXB Trẻ ra mắt trong dịp này.
Trong khi đó, Công ty Sách Hạnh Phúc, một đơn vị "mới toanh" trong làng sách vừa mua tác quyền bộ sách Sáng tạo và đổi mới của tác giả Phan Dũng, gồm 4 tập: Các phương pháp sáng tạo, Các quy luật phát triển hệ thống, Thế giới bên trong con người sáng tạo, Tư duy - logic, biện chứng và hệ thống, nhân hội sách lần này đã tổ chức một buổi giao lưu với tác giả ngay chiều 15-3 trước giờ khai mạc. Công ty Alphabooks cùng với NXB Tri Thức giới thiệu tập sách Bí mật của một trí nhớ siêu phàm của tác giả Eran Katz - người giữ kỷ lục Guinness thế giới về khả năng nhớ được một dãy số có 500 chữ số sau khi chỉ nghe 1 lần. Nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan cũng góp mặt với hội sách lần này qua tập sách Phụ Nữ Tân Văn – phấn son tô điểm sơn hà (Công ty Thời Đại liên kết NXB Văn Hóa Sài Gòn). Đây là công trình biên khảo, nghiên cứu nội dung của toàn bộ 273 số báo Phụ Nữ Tân Văn từ năm 1929 đến 1935. Tập sách có giá trị nghiên cứu, hệ thống nhiều tư liệu quan trọng về Phan Bội Châu, Bùi Quang Chiêu, Phan Văn Trường, những hoạt động của Hội Dục Anh, Ban Ủy viên phụ nữ cứu tế… vào thời bấy giờ.
Sách Phật giáo và sách nghiên cứu phong phú hơn
Mảng sách Phật giáo ở những lần hội sách trước là sản phẩm chuyên biệt của NXB Tôn Giáo, đến lần này đã xuất hiện sự chia phần bởi các công ty tư nhân đồng loạt tham gia: Công ty Cổ phần Thiện Tri Thức, Công ty TNHH Đạo Phật Ngày Nay, và ngay cả Công ty Cửu Đức với gian hàng Sách Hà Nội cũng phát hành hàng loạt sách, tài liệu và Kinh tạng Phật giáo. Với chủ trương làm sách Phật giáo theo hướng gạn lọc tinh hoa, Công ty Thiện Tri Thức giới thiệu nhiều đầu sách nhân hội sách lần này: Phật học thường thức của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Đây là trước tác quan trọng của nhà Phật học Lê Đình Thám từ đầu thế kỷ XX và đến nay vẫn còn giá trị học thuật; bên cạnh đó là các quyển Zen & dưỡng sinh của Thái Khắc Lễ; Đọc kinh của Vũ Khắc Khoan, Tư tưởng Phật học của Rahula do dịch giả Thích nữ Trí Hải dịch, Những khai thị của Đức Liên Hoa Sanh về con đường Đại toàn thiện, và Kho tàng tâm của các bậc giác ngộ, tác phẩm của Dilgo Khyentse Rinpoche, do Thiện Tri Thức dịch, NXB Văn Hóa Sài Gòn cấp phép xuất bản.
Bộ sách Phật giáo các nước của tác giả Trần Quang Thuận cũng được Sách Hà Nội giới thiệu tại hội sách. Đây là công trình nghiên cứu khảo sát về lịch sử, đặc thù, quá trình vận động của Phật giáo các nước: Tích Lan, Nga, Miến Điện, Trung Quốc, Nhật Bản… Đặc biệt có bộ kinh Đại Bát Nhã 24 tập do Hòa thượng Thích Trí Nghiêm dịch, bìa da, giá 2,5 triệu cũng được trưng bày tại hội sách.
Giới tu sĩ Phật giáo tham quan hội sách Ảnh: G.Phong
Một số sách nghiên cứu được giới sưu tầm sách mang đến hội chợ như một nét chấm phá tạo thêm chiều sâu bên cạnh những hoạt động mua bán thường nhật. Có thể tìm thấy tại hội sách TP.HCM lần này những bộ sách đặc biệt mà ngày thường không dễ tìm ra, như bộ Thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam: gồm 21 tập, do Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO) thực hiện từ những năm đầu thế kỷ XX, sưu tập thác bản (bản dập văn bia) trên phạm vi 40 tỉnh thành, thu thập được 20.980 mặt thác bản. Ngoài ra còn có 30.000 mặt thác bản do Viện Nghiên cứu Hán Nôm thu thập trong những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Sách do 3 đơn vị thực hiện: Viện Cao học thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, giá 21 triệu đồng. Hay như bộ Đồng Khánh địa dư chí, 3 tập: sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện, tập hợp nhiều thông tin về địa lý nước nhà dưới triều Nguyễn, và nhiều bản đổ cổ có giá trị, cũng là một bộ sách hiếm.
Hàng loạt cuộc giao lưu văn chương
Hội sách lần này có sự góp mặt quan trọng của các nhân vật nước ngoài như John Merson (tác giả cuốn sách "Những bài học chiến tranh" do Công ty Thái Hà Books thực hiện và tổ chức giao lưu vào 13g30 ngày 15-3); tác giả người Ý Alessandro Barrico (với tác phẩm Lụa nổi tiếng, sẽ giao lưu vào 9g ngày 19-3 do Công ty Nhã Nam và Đại sứ quán Italia tổ chức); tỷ phú Thái Lan Vikrom Kromadit (với quyển sách Tay không gây dựng cơ đồ, giao lưu và ký tặng sách cho bạn đọc vào 18g30 ngày 17-3).
Bên cạnh đó là hàng loạt chương trình giao lưu văn chương được tổ chức ngay tại hội sách. Đó là chương trình Từ sách đến phim được tổ chức vào lúc 15g thứ Năm ngày 18-3-2010 tại gian hàng chính của PNC. Nội dung của chương trình là những ý kiến xoay quanh vấn đề "để sách trở thành phim", "mối quan hệ giữa tác phẩm văn chương và điện ảnh". Độc giả cùng giao lưu với ba nhà văn có nhiều tác phẩm văn học được chuyển thể thành phim: Nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhà văn Trần Thùy Mai, nhà văn Bùi Anh Tấn cùng đạo diễn Trần Cảnh Đôn. Chương trình Đối thoại văn chương với cuộc đời, được tổ chức cùng lúc 15h00 thứ Năm ngày 18-3-2010, do nhà văn Trang Hạ dẫn chương trình, với những nhà văn có những tác phẩm mới ra mắt công chúng gần đây như: nhà văn Dạ Ngân với Phố của làng, Gánh đàn bà, Gia đình bé mọn (tái bản), Trần Thanh Hà với Vũ điệu tử thần, Mơ hồ quyến rũ, Nguyễn Danh Lam với Giữa dòng chảy lạc, Trần Thị Hồng Hạnh với Tổ ấm của những người lạ, Nguyễn Ngọc Thuần với Chuyện tào lao... Ngoài ra, Công ty Nhã Nam còn thiết kế một chương trình giao lưu mang tên "Văn học trinh thám có phải là văn học", với các diễn giả: Cao Việt Dũng, Yên Ba, Nguyễn Tiến Văn… vào lúc 14g ngày 21-3.
Những con số phát triển
Đây là lần thứ 6, TP.HCM khẳng định thế mạnh trên thị trường xuất bản phẩm bằng sự kiện hai năm tổ chức một lần hội sách. Điều đặc biệt là ngay cả những thành viên kỳ cựu trong Ban Tổ chức từ lần đầu tiên cũng không khỏi bất ngờ khi nhìn lại chặng đường đã qua, bởi hội sách có những phát triển đáng ghi nhận. So với lần đầu tổ chức (năm 2000), hội sách khi đó chỉ có 100 gian hàng, chưa đến 100 đơn vị tham gia, số sách chỉ khoảng 50.000 đầu, thì đến năm nay, hội sách TP.HCM đã có đến 150 đơn vị tham gia với 471 gian hàng. Chỉ cần so sánh với lần thứ 5 vừa rồi (2008), thì số gian hàng lần này đã tăng khoảng 20%.
Điều đáng quý là sự phát triển còn thể hiện ở những dấu hiệu chuyển động của một thị trường tiềm năng: Bạn đọc đã lác đác đến tìm mua sách ngay buổi chiều 14-3, khi các gian hàng vẫn đang hoàn tất việc tập kết sách, trưng bày lên kệ, và còn hơn 12 giờ nữa mới đến lúc mở cửa hội sách.
Bên cạnh đó, trong số các NXB nước ngoài tham gia hội sách năm nay, lần đầu tiên có NXB của các nước Đức, Pháp, Tây Ban Nha góp mặt, nâng tổng số các NXB ngoại văn tham gia hội sách lên con số 31. Đây là một hiệu ứng tốt, cho phép những nhà tổ chức hội sách tự tin hơn để nghĩ về một hội sách TP.HCM với nội dung hội nhập sâu hơn vào thị trường xuất bản khu vực và trên thế giới.