Tuần Văn hóa Phật giáo toàn quốc 2009: Ấn tượng bộ ảnh panorama

Giác Ngộ - Trời Nha Trang hơi se lạnh về đêm trong không khí ngày đầu Đông. Thành Phố biển êm đềm hòa trong tiếng rì rào của những cơn sóng vỗ xô bờ. Cảnh phố đêm với dòng người, xe vẫn trải dài theo từng nhịp hai chiều trên đại lộ Trần Phú nên thơ. Bên lề của dòng người thưởng ngoạn sắc đèn thành phố về đêm, một điểm hẹn văn hoá mang bao giá trị lắng đọng nhịp sống bôn ba hối hả đang hiện lên như “hoá  thành”, làm phương tiện hoà vào nguồn hiện thể chào đón sự hội tụ của sắc màu giải thoát trong sự sống miên man.

Hội trường Cầu Cảng -Vinpearland tối nay lại sáng rực hơn khác thường như thể chào đón dòng người hòa vào nguồn sống thanh thoát hướng về thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật mang đầy những giá trị văn hoá của sự hiện sinh Phật giáo và hồn sống dân tộc từ ngàn năm hoà điệu.

Rama 1.JPG

Triển lãm pannorama - ảnh: Bảo Toàn

Khởi đầu cho hoạt động của sự kiện Tuần Văn hóa Phật giáo tại Nha Trang là không gian triển lãm ảnh nghệ thuật Tây Đông Tuyết & Hoa (của Thích Minh Hiển) và bộ ảnh panorama chủ đề Ba Miền (của Nguyễn Thịnh và Ngô Thúy Hồng) được khai mạc vào chiều ngày 29/ 11. Đến với sự kiện Tuần Văn hoá Phật giáo, chúng ta có dịp thưởng thức bộ sưu tập ảnh nghệ thuật ứng dụng công nghệ nhiếp ảnh panorama hiện đại được thể hiện khá công phu. Hơn 40 bức ảnh co kích thước 3,2mx 1,5m, thể loại ảnh Panorama được in trên nền bạt hiflex xuyên sáng hai mặt, lồng vào hộp đèn nê-ông với bóng đèn công suất 40W. Công nghệ này cho phép ảnh nổi bậc những sắc màu và đường nét sinh động trong sáng như thật. Với bộ sưu tập này, đôi vợ chồng tác giả Nguyễn Thịnh và Ngô Thuý Hồng giới thiệu một phần tổng thể nét đẹp văn hoá Phật giáo và phong cảnh trong hồn sống dân tộc xưa nay. Chùa Tiêu (TK X)- gắn liền móc son lịch sử Thăng Long với Thiền sư Vạn Hạnh và Lý Công Uẩn, Chùa Một Cột (TK XI)- biểu tượng văn hoá nét đẹp cổ kính Thăng Long, chùa Bút Tháp (TK XIII)-nơi lưu giữ những cổ tượng vô cùng giá trị… được tác giả tô thêm nét đẹp bừng sinh hoà trong sự cổ kính. Bộ sưu tập này còn có những tác phẩm danh thắng Khánh Hoà như chùa Long Sơn, tượng đức Phật A Di Đà chùa Kim Sơn, tịnh viện Trúc Lâm… Đến thưởng lãm bộ sưu tập, người xem sẽ cảm nhận được những góc nhìn toàn cảnh về những danh thắng hữu tình, các di tích gắn liền với văn hoá Phật giáo và dân tộc ba miền.

Nếu không quan tâm nhiều đến lĩnh vực nhiếp ảnh thì thuật ngữ panorama này nghe có vẻ khá xa lạ, nhưng hiện nay đây là công nghệ ứng dụng cao của ngành nhiếp ảnh. Panorama có nghĩa là góc nhìn rộng về một không gian nhất định (toàn cảnh). Máy ảnh thông thường chỉ chụp với góc 90 độ nên người sử dụng khó có thể thu lại toàn cảnh không gian theo mong muốn, còn panorama phải đạt ít nhất là 110 độ và đôi khi có thể lên 360 độ. Vì vậy ảnh chụp panorama sẽ cho ra những tấm ảnh với góc rộng lý tưởng. Hiệu quả nhất với công nghệ này là ở thể loại ảnh Phong cảnh và Kiến trúc.

Pano (1).JPG
Pano (2).JPG
Pano (4).JPG

Hầu hết những bức ảnh được chụp ở những vị trí khá cao. Như để chụp  toàn cảnh chùa Long Sơn, ông đã chụp ở độ cao trên 12 mét. Và cả 40 tác phẩm của tác giả đều là những khoảnh khắc bấm máy từ những "độ cao chót vót". Đó chính là yếu tố tạo nên nét đẹp thanh thoát và siêu tục trong tác phẩm của tác giả. Có thể tác giả đã tìm ra hay nói cách khác là đã ngộ được giá trị “tĩnh” ở góc độ thanh thoát của thiền học để tạo nên tính chất đặc sắc dẫn đến sự thành công trong cuộc sống vốn động ở mặt bằng trần thế này. Ngoài ra,  khi thưởng lãm bộ ảnh, chúng ta cảm nhận cả  ngôn ngữ nhiếp ảnh thông qua  đường nét và ánh sáng. Tất cả như toát lên nhiều cung bậc mang những giai điệu của hai tâm hồn nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thịnh và Ngô Thuý Hồng. Bởi lẽ họ là cặp đôi đan xen giữa  nhiếp ảnh và âm nhạc.

Nguyễn Thịnh sinh năm 1933 tại Thái Bình, nhưng là người có gốc chánh hiệu Hà Thành. Trong kháng chiến chống Pháp, nhờ hát hay và có năng khiếu âm nhạc nên ông được chọn vào  đoàn văn nghệ tuyên truyền. Ông công tác tại Bộ VH-TT và sau 1975 trở thành cán bộ tại văn phòng đại diện Bộ ở TPHCM. Khi đó, ông mới lập gia đình cùng ca sỹ Thuý Hồng và ở luôn tại đó. Hiện Nguyễn Thịnh là hội viên Hội nhạc sỹ Việt Nam , Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh. Suốt 16 năm rong rủi trên khắp mọi miền đất nước, tính từ ngày về hưu năm 1993 đến nay, vợ chồng ông cùng nhau đi tìm những khoảnh khắc làm thăng hoa  cho bộ sưu tập ảnh của mình. Để rồi, hôm nay vợ chồng ông cho trình làng những bức ảnh đẹp này.

Pano (6).JPG

Panorama lên đèn - ảnh: Bảo Thiên

Có thể nói, triển lãm ảnh Panorama là điểm nhấn đầu tiên trong chuỗi sự kiện Tuần văn hoá Phật giáo đã hàm chứa rất nhiều giá trị nghệ thuật. Đây không chỉ mang lại những giá trị thưởng thức của từng cung bậc dâng trào trong cảm thụ, mà còn có giá trị kết nối cuộc sống hiện đại với những nét văn hoá truyền thống từ nghìn năm của dân tộc. Truyền thống đó được tô điểm bằng sự kết tụ từ tinh hoa văn hoá vật thể và phi vật thể của Phật giáo Việt Nam .

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày