Chỉ trong vòng 13 năm ngắn ngủi, Alexander dựng nên một đế chế trải dài từ Âu sang Á, bao gồm tất cả các trung tâm văn minh lớn của thế giới cổ đại.
Khi quyết định từ bỏ kế hoạch viễn chinh của mình và thừa nhận giới hạn của đế chế dừng lại ở bờ sông Ấn. Trên đường trở về Babylon, Alexander mắc trọng bệnh. Chuyện kể rằng, trong giây phút cảm nhận được cái chết đang đến gần, ông đã cho gọi quần thần lại, căn dặn: “Trước khi chết, ta có 3 điều muốn các ngươi thực hiện, nhất định không được trái ý”.
Thứ nhất, ông muốn sau khi chết đi, tất cả các ngự y giỏi nhất sẽ khiêng quan tài mình trở về. Thứ hai, ông muốn binh sĩ phải đem hết vàng bạc, châu báu, ngọc ngà mà ông đã có được và dành dụm cả đời rải dọc theo con đường dẫn ra nghĩa địa. Và điều cuối cùng, vị quân vương ấy muốn người ta đặt hai bàn tay của mình thò ra bên ngoài nắp quan tài, để tất cả mọi người đều nhìn thấy.
Lệnh vua ban ra, khiến quần thần vô cùng kinh ngạc. Hiểu được điều đó, Alexander lấy sức nhìn tất cả một lượt, rồi nói: “Sở dĩ ta yêu cầu các ngươi làm điều đó là muốn nhắn nhủ với con người thế gian 3 điều: Thứ nhất, thầy thuốc giỏi thế nào cũng đành bất lực trước tử thần. Thứ hai, tiền bạc, của cải dù nhiều đến đâu, khi chết đi cũng trở thành vô nghĩa. Thứ ba, khi giã từ cõi đời, thứ con người thực sự còn lại chỉ là hai bàn tay trắng. Ta đến và đi đều là như vậy, cớ sao phải ôm giữ quá nhiều?”.
Nói xong, Alexander thở dài một tiếng rồi từ từ nhắm mắt. Cả một cuộc đời của vị quân vương với những chiến công oanh liệt đã kết thúc như thế.
Đã biết chốn ni là quán trọ
Hơn thua hờn oán để mà chi
Thử ra ngồi xuống bên nấm mộ
Hỏi họ mang theo được những gì?
(Thơ Như Nhiên)
Một đời người, là vua hay dân, là giàu hay nghèo, là sang hay hèn,… cuối cùng rồi cũng nhắm mắt xuôi tay. Tiền bạc, của cải, địa vị, danh vọng,… mà chúng ta tích cóp, đua tranh, giành giựt, nâng niu một đời, đến tận cùng rồi cũng chẳng thể theo ta xuống mồ. Ấy vậy mà khi còn sống, chúng ta vẫn mải miết đuổi bắt đến mệt nhoài.
Những ngày qua, thông tin về đại án chuyến bay giải cứu được báo chí đưa ra khiến nhiều người cảm thấy vừa phẫn nộ, vừa chua xót. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, xuất phát từ một tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, tháng 3-2020, những chuyến bay cất cánh để giải cứu, để đưa người dân xa xứ về lại với quê hương.
Khi ấy, đâu ai có thể ngờ, phía sau những chuyến bay trên cao xanh lồng lộng ấy, có những kẻ cơ hội đã lợi dụng chính sách nhân văn này để trục lợi cá nhân. Họ đã khoác cho mình tấm lá chắn đi “giải cứu” đồng bào giữa lằn ranh sinh - tử, mất - còn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, nhận hối lộ.
Kết thúc điều tra vụ án, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố 54 bị can. Trong số này, có 21 quan chức, cán bộ của nhiều bộ ngành, địa phương đã hơn 500 lần nhận 165 tỷ đồng tiền "bôi trơn" của nhóm hơn 100 doanh nghiệp để giải quyết thủ tục vụ "chuyến bay giải cứu".
Đọc xong những con số thấy lòng đau! Những vị ấy, nếu xét ra, họ đang ở đỉnh cao, từ địa vị, quyền thế đến tiền bạc đủ đầy nhưng chỉ vì lòng tham mà giờ đây phải vướng vòng lao lý.
Nếu như trên đỉnh phù vân gió vẫn đi - về, thoáng có, thoáng không, khi tụ, khi tán thì những vay - trả, trả - vay cũng là lẽ thường của thế sự. Sẽ chẳng có bài học nào giống bài học nào, chỉ mong rằng, giữa dòng đời tấp nập, giữa danh lợi đảo điên,… ta có được những khoảng lặng, để bình tâm quán chiếu đâu mới là hạnh phúc chân thật của một đời người, để từ đó có thể an nhiên, tự tại bước qua những cám dỗ bủa vây. Bởi lẽ:
“Ra đời hai tay trắng
Lìa đời trắng hai tay
Sao mãi nhặt cho đầy
Túi đời như mây bay”
Thế thôi!